tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Nếu Ninh Thuận tiếp tục khô hạn như năm 2016, dự án thép 10 tỷ đô Hoa Sen – Cà Ná xử lý vấn đề nước ra sao?

  • Cập nhật : 13/09/2016

(Cong nghiep)

Lượng nước tại Ninh Thuận về cơ bản có thể đủ cung cấp cho Dự án tổ hợp sản xuất thép của Hoa Sen – Cà Ná, song nếu tỉnh này tiếp tục khô hạn như năm 2016 thì chưa rõ?

Giữa lúc ngành thép vừa trải qua một thời kỳ cạnh tranh đầy khốc liệt khi sản lượng thép cho thị trường dư thừa khiến các nhà máy phải chạy dưới công suất, thì Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen chính thức công bố dự án tổ hợp luyện thép tại Hoa Sen – Cà Ná có quy mô vốn đầu tư lên tới 10 tỷ USD, với công suất 16 triệu tấn/năm.

Bởi lẽ, Ninh Thuận là vùng đất vừa trải qua đợt hạn hán khốc liệt nhất trong lịch sử hơn 15 năm qua, khi người dân thiếu nước cho sinh hoạt và sản xuất. Dấu hỏi được đặt ra, sẽ lấy đâu ra nước cho nhà máy thép có quy mô lên 16 triệu tấn mà Hoa Sen đã thông tin, khi mà người dân đang phải chịu khổ sở vì khô hạn như năm 2016 vừa qua?

Để vận hành dự án thép có quy mô 16 triệu tấn như Tập đoàn Hoa Sen thông tin, trong giai đoạn 1 dự án này cần lượng nước khoảng 21.000 – 33.000 m3 nước/ngày-đêm. UBND tỉnh Ninh Thuận khẳng định không những đủ đáp ứng nước cho nhu cầu trên mà đến năm 2020 thì cũng có thể cung cấp được 327.000m3 nước/ngày-đêm và 340.000m3 nước/ngày-đêm vào năm 2025.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, lượng nước để tiêu thụ cho sản xuất mỗi tấn thép lò cao là 7 m3 nước. Như vậy, cứ 1,5 triệu tấn thép cho mỗi lò thì cần khoảng 10,5 triệu triệu m3 nước, tương đương với mức đề xuất của Tập đoàn Hoa Sen cho giai đoạn I của dự án là khoảng 30.000m3 nước/ngày.

Nguồn tin trên cho biết, hiện nay Ninh Thuận đã xây dựng hệ thống ống dẫn nước, cấp nước đến khu Công nghiệp Phước Nam với công suất 30.000m3 nước/ngày-đêm.Thông tin này cũng được chính ông Lê Phước Vũ “khoe” với các cổ đông rằng: “Dự án hiện đã được tỉnh kéo đường nước xuống tận nơi rồi”.

Ông Vũ còn nói thêm, trường hợp không đủ nước cho dự án sản xuất thép, thì có thể sử dụng nước biển. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi thì một chuyên gia trong ngành thép cho rằng chi phí lọc nước biển để sản xuất công nghiệp là vô cùng lớn, nên nếu nhà đầu tư sử dụng phương pháp này để lọc nước thì chắc chắn, giá thành sản xuất sẽ rất cao và nhà đầu tư sẽ phải cân nhắc, tính toán rất nhiều.

Khi được hỏi về công nghệ, thiết bị cho dự án thép được mua từ đâu, ông Vũ cho biết sẽ chọn công nghệ tốt nhất. Song rồi, ông chủ của Hoa Sen lại còn giải thích thêm rằng, dù là công nghệ của châu Âu, Mỹ hay Nhật Bản, thì các thiết bị cũng đều có xưởng chế tạo tại Trung Quốc.

Ông Vũ còn nói thêm: “Hiện các tổ hợp luyện thép lớn trên thế giới đều sử dụng công nghệ Trung Quốc. Trung Quốc hiện có quá nhiều, quá rẻ về vật liệu cơ bản để chế tạo thiết bị. Còn nếu nhập từ châu Âu thì làm gì có lời”.

Việc một nhà đầu tư tính toán lời lãi cho một dự án là điều hiển nhiên khi họ bỏ đồng vốn của mình ra để kinh doanh. Bởi vậy, nếu nhìn từ quan điểm của ông Vũ về chuyện nhập khẩu thiết bị, thì khó có thể tin nếu trong trường hợp thiếu nước ngọt ở vùng khô hạn Ninh Thuận, nhà đầu tư này có thể bỏ tiền ra để chi phí cho việc lọc nước biển cho sản xuất thép.

Một nghiên cứu của ông Nguyễn Ngọc Anh, chuyên gia cao cấp về thủy lợi, nguyên Viện trưởng Viện quy hoạch thủy lợi miền Nam, cho biết đường ống nước hiện đang được xây dựng vào khu công nghiệp Phước Nam rất xa, nên phải tính toán kỹ lưỡng bởi chi phí cũng không phải nhỏ.

Với tổng lượng nước hiện nay của Ninh Thuận, về lý thuyết thì có thể đủ cung cấp nước cho dự án đến năm 2020 và các năm sau. Tuy nhiên, nếu Ninh Thuận tiếp tục hạn hán như năm 2016 thì khả năng thiếu nước sẽ rất lớn. Do đó, việc cân nhắc phương án cấp nước và lựa chọn định hướng phát triển như thế nào, phải trên cơ sở ưu tiên và chọn những ngành phát triển tiêu tốn ít nước, có thể tái sử dụng nước thải.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục