Lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước VN đưa ra quyết định vừa tăng tỷ giá liên ngân hàng vừa tăng biên độ tỷ giá chỉ trong một ngày. Các chuyên gia đánh giá sự thay đổi này là cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
10 câu hỏi về việc Bộ Tài chính đề nghị vay “nóng” NHNN 30.000 tỷ đồng
- Cập nhật : 20/08/2015
(Tai chinh)
Nếu so với năm 2013 thì tình hình thu NSNN được đánh giá là không quá khó khăn vậy tại sao Bộ Tài chính lại phải đề nghị vay NHNN khoản tiền lớn nhất từ trước tới nay?
Liên quan đến việc vừa qua Bộ trưởng Bộ Tài chính giao Vụ Tài chính ngân hàng phối hợp với các đơn vị chức năng của Ngân hàng nhà nước(NHNN) để đề nghị tạm ứng hoặc cho ngân sách Nhà nước vay khoảng30.000 tỷ đồng đã thu hút sự chú ý của dư luận. Một số câu hỏi đang được đặt ra xoay quanh vấn đề này:
Tại sao Bộ Tài chính lại phải hỏi vay tiền NHNN?
Bộ Tài chính lên kế hoạch thu NSNN năm 2015 dự toán là 911,1 nghìn tỷ đồng, trong khi mức chi là 1147,1 nghìn tỷ đồng. Mức chênh lệch thu - chi được bù đắp thông qua vay nợ, trong đó có kênh phát hành trái phiếu Chính phủ.
Tuy nhiên, thời gian qua việc phát hành trái phiếu chính phủ gặp nhiều khó khăn. Mặc dù trong bối cảnh lạm phát thấp, chỉ dưới 1%, Bộ Tài chính đã nâng lãi suất huy động trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm lên mức 6,4%, nhưng vẫn khó huy động vốn.
Điều này dẫn đến thanh khoản của Kho bạc Nhà nước rơi vào tình trạng căng thẳng, khi các khoản chi vẫn được thực hiện theo dự toán.
Ngoài ra, tình trạng lạm phát thấp, giá dầu giảm mạnh so với kế hoạch cũng đe dọa khả năng hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách trong năm 2015.
Nếu không thu đủ, vay cũng không được, các khoản chi tiêu, đặc biệt là chi đầu tư phát triển, sẽ bị cắt giảm (do chi thường xuyên và chi trả nợ được ưu tiên) và ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Chính vì thế, Bộ Tài chính buộc phải đưa ra đề xuất tạm ứng hoặc vay 30 nghìn tỷ đồng từ NHNN.
Việc vay này có đúng quy định không?
Theo Điều 23 Luật Ngân sách 2002 cũng như Nghị định 60/2003/NĐ-CP có quy định NHNN có nghĩa vụ/quyền hạn “Tạm ứng cho ngân sách nhà nước để xử lý thiếu hụt tạm thời quỹ NSNN theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ”.
Khoản vay này có kỳ hạn bao lâu?
Điều 60 của Nghị định 60/2003/NĐ-CP có quy định: Các khoản tạm ứng từ NHNN phải được hoàn trả trong năm ngân sách.
Đây có phải là lần đầu tiên BTC hỏi vay NHNN không?
Năm 2009 ngân sách nhà nước cũng đã vay 1 tỷ đô la Mỹ từ Quỹ dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ lãi suất, kích cầu. Sau lần đó được biết cũng đã có thêm vài lần nữa ngân sách nhà nước phải "gõ cửa" hỏi vay tiền Ngân hàng Nhà nước.
Vậy tại sao việc vay lần này lại thu hút sự quan tâm của dư luận đến thế?
Thứ nhất, giá dầu giảm khiến nhiều người lo ngại về khả năng hoàn thành mục tiêu thu NSNN năm nay.
Thứ hai, số tiền dự kiến vay 30.000 tỷ đồng lần này là nhiều nhất từ trước tới nay
Thứ ba, vấn đề nợ công và bội chi ngân sách của Việt Nam đang được các tổ chức nước ngoài đánh giá là ghi ngại…
Giá dầu giảm mạnh so với dự kiến Bộ Tài chính có phương án bù thu như thế nào?
Bộ Tài chính thừa nhận, giá dầu giảm mạnh so với dự kiến đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình thu ngân sách năm 2015. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm dầu giảm giá so với dự kiến đã khiến ngân sách hụt thu khoảng 32.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã gửi trình Chính phủ phương án dùng nguồn thu từ nội địa và xuất nhập khẩu để bù hụt thu từ nguồn dầu thô.
Đây có phải là năm khó khăn nhất về thu ngân sách không?
Có thể là không. Vì thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2015 là 911,1 nghìn tỷ đồng thì lũy kế thu 6 tháng mới ước đạt 446,2 nghìn tỷ đồng, bằng 49% dự toán.
Tình hình này còn khả quan hơn rất nhiều so với năm 2013 - được xem là năm cực kỳ căng thẳng của ngân sách. Khi mà tính đến hết tháng 9, dự toán hụt thu có thể lên đến 63.630 tỷ đồng.
Đến tận ngày 30/12/2013 ngân sách cũng mới chỉ hoàn thành được 99% kế hoạch năm đạt 810 nghìn tỷ đồng.
Và ngày cuối cùng của năm tức 31/12/2013 với khoản đóng góp khoảng hơn 20.000 tỷ đồng cổ tức tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nắm giữ 100% vốn, thu tiền sử dụng đất 42.500 tỷ đồng... đã giúp ngân sách về “đích” vượt chỉ tiêu 1%.
Còn nhớ năm đó, phát biểu tại Hội nghị tổng kết của Bộ Tài chính lãnh đạo UBND Tp Hà Nội đã chia sẻ rằng: “Đứng báo cáo mà chân vẫn run vì đến ngày 30/12, đã đạt mức thu 162.035 tỷ đồng, không ngờ đến phút cuối lại có thể vượt thu ngân sách 0,73% so với kế hoạch”.
NHNN phản ứng như thế nào với đề nghị này của Bộ Tài chính?
Đại diện Ngân hàng Nhà nước Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã từng cho biết, Các quy định của pháp luật hiện hành, quản lý nợ công không cấm việc NHNN hỗ trợ cho ngân sách Nhà nước.
Trên cơ sở đề xuất này ngân hàng xem xét đánh giá trên cơ sở mục tiêu chung là ổn định kinh tế vĩ mô, nếu hỗ trợ thì thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Cũng theo bà Hồng, nếu đề nghị này được chấp thuận thông qua thì NHNN sẽ thực hiện giải pháp đồng bộ điều tiết lượng tiền hợp lý, phù hợp mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế, đảm bảo mục tiêu chung.
Bộ Tài chính sẽ lấy tiền đâu để trả nợ NHNN?
Theo Bộ Tài chính thì đây chỉ là vay hoặc đề nghị tạm ứng trong một thời gian ngắn, chủ yếu cho những nhu cầu chi tiêu cấp bách rồi sẽ hoàn trả ngay cho NHNN.
Do đó, nhiều khả năng nguồn tiền thu ngân sách những tháng còn lại của năm sẽ được “bù” vào để trả lại khoản tiền này cho NHNN.
Tiến độ của việc triển khai về vấn đề này như thế nào?
Ngày 6/8/2015, lãnh đạo Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính) cho biết Vụ này đang xây dựng văn bản để sớm chuyển sang NHNN.
Trả lời câu hỏi trong trường hợp NHNN không thống nhất với đề nghị nêu trên, Bộ Tài chính có phương án nào khác để cân đối thu chi, lãnh đạo Vụ chức năng trên cho biết việc này 2 cơ quan sẽ phải bàn bạc cụ thể để đi đến thống nhất, tìm ra phương án.
(Theo CafeF)