tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Cần tăng lãi suất VNĐ để ổn định tỷ giá?

  • Cập nhật : 17/12/2015

(Tai chinh)

Trong những ngày qua, hầu hết các ngân hàng thương mại (NHTM) đều nâng mức tỷ giá mua và bán USD bằng với mức tỷ giá trần do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định là 22.547. Đồng thời, trên thị trường phi chính thức, tỷ giá đã vượt trần từ nhiều tháng qua, nay tiếp tục tăng đến 22.720.

Có nhiều lý do cho vấn đề này nếu nhìn ở nhiều góc cạnh khác nhau để giải thích. Tuy nhiên, trước tiên húng ta cần đánh giá và phân tích vấn đề trên 1 nền tảng cơ bản là hiện nay điều kiện của nền kinh tế Việt Nam đã tốt hơn trước và nếu NHNN tiếp tục phá giá VNĐ trong thời điểm này thì Việt Nam sẽ chịu thiệt nhiều hơn là có lợi.

Điều kiện nền kinh tế đã tốt hơn trước

Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển ổn định và tốt hơn trước. Điều này được thể hiện thông qua nhiều chỉ tiêu kinh tế vĩ mô vẫn đạt được theo kế hoạch qua nhiều năm. Đây là điều kiện giúp Việt Nam có nhiều giải pháp và linh hoạt trong điều hành tỷ giá ổn định.

Đầu tiên phải kể đến nhập siêu đang giảm dần, tháng 10 xuất siêu 500 triệu USD làm cho thâm hụt thương mại 11 tháng năm 2015 giảm xuống còn 3,8 tỷ USD, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 15 tỷ USD. Xu hướng vốn đầu tư nước ngoài sẽ ngày càng tăng cùng với việc Việt Nam ngày càng mở rộng quan hệ kinh tế với nhiều quốc gia khác trên thế giới thông các các Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong khi hiện nay Việt Nam đã là thành viên của 10 FTA song phương và đa phương và dự kiến sẽ ký kết thêm 6 FTA trong thời gian tới.

Hiện chúng ta cũng đang đứng thứ 5 trên tổng số 10 nước thành viên ASEAN về số lượng FTA. Xét về góc độ mở của nền kinh tế tính bằng tỷ lệ kim ngạch ngoại thương/GDP, Việt Nam đứng thứ hai trong khu vực. Từ đó, xuất siêu của Việt Nam sẽ ngày càng gia tăng từ khu vực này.

Thứ hai là nguồn kiều hối gia tăng. Việt Nam được Ngân hàng thế giới (World Bank) đánh giá là xếp thứ 11 trong số các nước nhận kiều hối nhiều nhất trong năm 2015, dự kiến năm nay lượng kiều hối về Việt Nam khoảng 12,5 tỷ USD.

Thứ ba là nguồn vốn FDI cũng không ngừng tăng. Theo trang thông tin điện tử đầu tư nước ngoài của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 11 tháng năm 2015, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm của đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là 20,22 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2014, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 13,2 tỷ USD, tăng 17,9% với cùng kỳ năm 2014.

Bên cạnh đó, trong báo cáo kinh tế vĩ mô của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, dự báo tăng trưởng năm 2015 của Việt Nam sẽ ở mức 6,5% và lạm phát dưới 2%, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì, tăng trưởng ổn định. Dự báo năm 2016, kinh tế sẽ đối mặt với nhiều thách thức, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ vẫn dao động trong khoảng 6,5% - 6,7% và CPI tiếp tục duy trì ở mức thấp khoảng 3,5% - 4,5%.

Ngoài ra, khi tham gia vào Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tìm cách tận dụng những ưu đãi của Hiệp định này để điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, từng bước cân bằng cán cân thương mại với các khu vực thị trường trọng điểm, giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, tác động của Nhân dân tệ đối với tình hình kinh tế và thị trường tài chính Việt Nam cũng giảm dần theo thời gian, dù đồng tiền này vừa được IMF đưa vào giỏ tiền tệ quốc tế.

Việt Nam sẽ thiệt nhiều hơn lợi nếu phá giá VNĐ quá mức

Tuy việc tiếp tục phá giá VNĐ sẽ giúp hàng hoá của Việt Nam tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế trong dài hạn, giảm tâm lý găm giữ ngoại tệ, doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn cung USD từ thị trường chính thức khi có nhu cầu, ….nhưng chúng ta sẽ gặp nhiều thiệt thòi hơn khi phá giá VNĐ quá mức.

Việt Nam vừa tạo lập được thế ổn định của thị trường tiền tệ sau nhiều năm có những bất ổn của kinh tế vĩ mô thì hiện nay tỷ giá hối đoái đã được duy trì ổn định và nên tiếp tục như vậy trong vài năm tới. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, xuất khẩu vẫn tiếp tục tăng trưởng cao trong nhiều năm qua khi tỷ giá được điều hành ổn định như hiện nay.

Khi tỷ giá tăng thì sẽ gây thiệt hại cho những doanh nghiệp có khoản vay lớn trị giá bằng đồng USD. Tỷ giá tăng đồng nghĩa các doanh nghiệp phải ghi nhận thêm khoản chi phí tài chính vào hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ. Bên cạnh đó, lợi suất đầu tư của các nhà đầu tư khối ngoại bị ảnh hưởng đáng kể sau khi có quyết định điều chỉnh tỷ giá.

Theo cập nhật tại Đồng hồ nợ công thế giới, tính tại thời điểm ngày 30/10/2015, nợ công Việt Nam đã ở mức hơn 93 tỷ USD, chiếm tỉ lệ 45,9% GDP. Trong khi đó, Bộ Tài chính công bố tỷ lệ nợ công cuối năm nay vào khoảng 61,3% GDP. Nếu phá giá VNĐ quá mức cần thiết thì sẽ làm cho gánh nặng nợ công quy ra VNĐ sẽ ngày càng cao. Trong khi đó, nguồn thu về của nền kinh tế khi phá giá thì chưa rõ ràng và thường có tác động trong dài hạn.

Ngoài ra, Việt Nam nhập khẩu nguyên vật liệu, trang thiết bị ngày càng nhiều để phục vụ cho phát triển, đặc biệt là nhập khẩu để phục vụ cho việc xuất khẩu hàng hoá. Trong khi hiệu quả từ việc phá giá hỗ trợ cho xuất khẩu không thể phát huy trong ngắn hạn và cũng chưa phải là yếu tố duy nhất để quyết định đến việc gia tăng xuất khẩu của Việt Nam, thì hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam lại trở nên đắt hơn cho doanh nghiệp và người dân Việt Nam, từ đó làm cho giá cả hàng hoá trong nước sẽ tăng theo và làm cho lạm phát gia tăng, từ đó làm ảnh hưởng đến các cân đối lớn của nền kinh tế, ví dụ như lạm phát, GDP, tỷ giá, lãi suất, …

Vậy đâu là giải pháp?

Tiếp tục cam kết giữ ổn định tỷ giá

Diễn biến tỷ giá USD/VNĐ trên thị trường chính thức lẫn phi chính thức trong mấy ngày gần đây, ngoài việc nhu cầu USD của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thường tăng cao hơn vào dịp cuối năm, thì chủ yếu là do thị trường phản ứng trước với dự kiến tăng lãi suất của FED trong cuộc họp vào ngày 16-17/12 này và khả năng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tiếp tục phá giá đồng CNY trong thời gian tới khi mà đồng CNY sẽ chính thức là đồng tiền dự trữ của Thế giới kể từ ngày 1/10/2016 để hỗ trợ cho nền kinh tế đang nhiều khó khăn. Cho nên, trên thị thị trường xuất hiện tâm lý là NHNN sẽ tiếp tục tăng tỷ giá USD/VNĐ để đối phó với 2 sự kiện trên, từ đó dẫn đến tâm lý đầu cơ và găm giữ ngoại tệ của người dân và doanh nghiệp sau một thời gian ổn định kể từ tháng 8 năm nay.

Do đó, việc cam kết tiếp tục giữ ổn định tỷ giá trong tình hình hiện nay là vô cùng quan trọng. Bởi lẽ nếu tiếp tục phá giá VNĐ thì tâm lý thị trường sẽ trở nên phức tạp hơn và việc đầu cơ USD sẽ có khả năng gia tăng chứ không giảm. Từ đó, tâm lý đầu cơ này sẽ ảnh hưởng xấu đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác của Chính phủ.

Nâng lãi suất VNĐ thêm khoảng 0,25% – 1%

Việc nâng lãi suất VNĐ có thể được thông qua nhiều cách khác nhau như qua các công cụ của chính sách tiền tệ. NHNN có thể sử dụng kênh thị trường mở, dự trữ bắt buộc, …. Tuy nhiên, NHNN không nên để cho lãi suất thị trường tăng quá 1% so với hiện nay, tốt nhất là chỉ nên để lãi suất tăng từ 0,25%-1%, nhằm tránh gây khó khăn cho các doanh nghiệp khi tiếp cận vốn ngân hàng.

Việc tăng lãi suất này phải được sử dụng đồng thời với việc NHNN tiếp tục cam kết giữ ổn định tỷ giá ít nhất là cho đến hết năm 2015. Việc tăng lãi suất này một phần để tăng giá trị và vị thế của đồng VNĐ, phần khác là nhằm giữ được các nguồn tiền gửi USD của các tổ chức, cá nhân rút về nước khi mà FED tăng lãi suất thêm dự kiến khoảng 0,25% trong kỳ họp này.

Khi chênh lệch giữa lãi suất VNĐ và USD được nới rộng ra thêm một mức hợp lý thì nguồn tiền gửi USD sẽ không giảm đi hoặc duy trì ổn định, thậm chí vẫn tăng bất kể FED có tăng lãi suất hay không (lãi suất VNĐ tăng sẽ giúp giữ lại dòng vốn USD nước ngoài không bị rút khỏi VN), từ đó nguồn cung USD trên thị trường sẽ dồi dào trong dịp cuối năm và tâm lý đầu cơ cũng vì thế mà không còn.

Tóm lại, tỷ giá USD/VNĐ tăng trong những ngày vừa qua chủ yếu là do tâm lý đầu cơ. Do đó, NHNN cần tiếp tục giữ cam kết ổn định tỷ giá từ nay đến cuối năm 2015 và có thể điều hành lãi suất VNĐ tăng thêm 1 mức cần thiết nhằm vừa tránh gây khó khăn trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và vừa duy trì nguồn cung USD dồi dào trên thị trường vào dịp cuối năm.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục