tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Giải mã vị thế độc tôn của đồng USD

  • Cập nhật : 18/07/2016

Gần đây, có những diễn biến ảnh hưởng đến giá trị đồng USD trong trong giao dịch toàn cầu. Tuy nhiên, vị thế độc tôn của đồng USD trong nền kinh tế toàn cầu xem ra khó có thể bị đe dọa trong tương lai gần. Để đồng bạc xanh giữ được vị thế đó phải nói đến sự vững vàng và khả năng ứng phó hoặc thay đổi của nền kinh tế Mỹ mà không quốc gia nào có thể sánh được.

Kinh tế Mỹ vẫn vững vàng

Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) một lần nữa lại hạ dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu năm nay. Thống kê lao động tại Mỹ cũng gây thất vọng về số việc làm mới trong tháng Năm. Trong bối cảnh đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định không nâng lãi suất tại cuộc họp vào tháng Sáu.

dong bac xanh giu duoc vi the phai noi den su vung vang va kha nang ung pho hoac thay doi cua nen kinh te my

Đồng bạc xanh giữ được vị thế phải nói đến sự vững vàng và khả năng ứng phó hoặc thay đổi của nền kinh tế Mỹ

WB giải thích rằng 40% sự giảm sút trong tốc độ tăng trưởng dự báo của kinh tế toàn cầu đến từ các nước xuất khẩu nguyên vật liệu và từ các nền kinh tế đang phát triển.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa đề cập đến một nghịch lý là giữa những bất ổn chung và việc thị trường lao động sa sút, kinh tế Mỹ vẫn lại khá hơn hết và chuyện Fed tăng hay không tăng lãi suất làm thế giới chao đảo. Theo ông, có chuyện này là bởi thế giới ngày nay là thế giới “nhất thể hóa”, các nước ràng buộc lẫn nhau bởi các hoạt động kinh tế.

Ông Nguyễn Xuân Nghĩa cũng cho rằng thế giới đó cũng có nhiều nhận thức khác biệt về cùng một thực tế. Ông dẫn ra việc, khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu nổ ra năm 2008-2009, nhiều người vội nói đến ngày tàn của tư bản chủ nghĩa trên quê hương của nó, ca ngợi phép lạ kinh tế Trung Quốc khi ấy tăng vọt với sản lượng vượt qua Nhật Bản vào năm 2010 để đứng hàng thứ hai thế giới và việc Mỹ hạ lãi suất và bơm tiền kích thích kinh tế khiến đồng USD sụt giá càng có vẻ xác nhận rằng nước Mỹ đến hồi suy vong và đồng bạc xanh chỉ là giấy lộn đi tìm nơi có giá hơn ở bên ngoài.

Thế nhưng, từ năm 2014, khi Fed thông báo sẽ giảm dần lượng tiền bơm ra và giá trị đồng USD tăng khiến dòng tiền lại chảy ngược về Mỹ. Khi đó, các quốc gia đang phát triển lỡ vay tiền Mỹ quá rẻ lại bị khốn đốn và đây đó người ta nói tới vai trò thống soái của đồng USD. Tình hình đã thay đổi khi mà ngày nay ai cũng nhận thấy nền kinh tế Trung Quốc đang sa sút và trông ngóng vào đầu tàu kinh tế là Mỹ.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa cho rằng đồng USD lên hay xuống giá không phải là biểu hiện cho sự hưng thịnh hay suy vong của Mỹ và việc đồng tiền này được sử dụng nhiều hay ít trong luồng trao đổi toàn cầu cũng không phản ánh sức mạnh của Mỹ.

Sự thật thì Mỹ là siêu cường vì sáu yếu tố chủ yếu: lãnh thổ vuông vức phì nhiêu, bao quanh bởi hai đại dương lớn nhất địa cầu; kỹ thuật và công nghệ tiến tiến nhất; sự ưa chuộng tự do và sáng tạo; tài chính và kinh tế linh động; tinh thần dân chủ được đề cao; và sức mạnh quân sự số một thế giới.

USD vẫn là số một

Trải qua hơn 200 năm, nước Mỹ vẫn vững vàng và thừa khả năng ứng phó hoặc thay đổi mà không quốc gia nào có thể sánh được. Trước mắt, ngoài những tài nguyên thiên nhiên đa dạng, kể cả dầu khí hay nước ngọt, 88% hàng hóa tiêu thụ của Mỹ là sản phẩm nội địa, chỉ có 12% là hàng nhập khẩu. Nghĩa là, kinh tế nước này không bị lệ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp từ bên ngoài.

Mặt khác, xuất khẩu của Mỹ chỉ chiếm chừng 14% của tổng sản lượng kinh tế nên hoạt động kinh tế có lên hay xuống thì cũng không tùy thuộc vào sức mua của nước ngoài. Trung Quốc, Đức hay Hàn Quốc lại không được như vậy vì lệ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu hay sức tiêu thụ của thị trường khác.

Theo ông Nguyễn Xuân Nghĩa, sự lên xuống của đồng USD sẽ ảnh hưởng đến thịnh vượng của những quốc gia xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ. Còn với Mỹ, sự xuống giá của đồng bạc xanh có lợi cho hàng xuất khẩu của nước này, nhưng điều này không có quá nhiều ý nghĩa với Mỹ.

Mỹ đã có giai đoạn hạ lãi suất hoặc ào ạt bơm tiền để kích thích kinh tế khiến đồng USD sụt giá, nhưng không nhằm mục đích thúc đẩy thương mại hay cạnh tranh không công bằng như nhiều nước than phiền.

Và trong khi châu Âu, Nhật Bản cùng vài nước khác đã hạ lãi suất xuống mức âm, Fed lại dự định nâng lãi suất. Khi đó, các thị trường đang phát triển như Brazil, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ hay Nam Phi đều rúng động vì lãi suất tại Mỹ mà tăng thì tư bản sẽ rút chạy về nước này khiến họ cũng phải nâng lãi suất dù kinh tế còn chưa mạnh.

May cho các nước này là tình hình thị trường lao động lại chưa khả quan nên Chủ tịch Fed Janet Yellen chưa quyết định nâng lãi suất. Nhưng việc nâng lãi suất là xuất phát từ đòi hỏi của nền kinh tế Mỹ chứ không phải vì nước này muốn làm cho các nước khác điêu đứng.

Sau cùng, cũng phải nói là ngoài đặc tính kinh tế của Mỹ như đã nói ở trên, thế giới ngày nay vẫn dùng USD là ngoại tệ phổ biến nhất để thanh toán đến 45% lượng hàng trao đổi toàn cầu và đồng tiền này chiếm tới 65% của dự trữ ngoại tệ của các nước.

Ông Nguyễn Xuân Nghĩa nhận định, dù Fed là cơ quan độc lập có nhiệm vụ duy trì sự ổn định giá cả, tối đa hóa việc làm cho kinh tế Mỹ thì khi định chế này quyết định về chính sách tiền tệ và tín dụng vì yêu cầu trong nước, kinh tế toàn cầu vẫn có thể bị ảnh hưởng.

Trong bối cảnh đầy bất trắc của kinh tế châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc, việc nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) và núi nợ của Trung Quốc có nguy cơ sụp đổ, các thị trường đang phát triển sẽ sa sút thì giới hữu trách về tín dụng và tiền tệ của định chế độc lập này tại Mỹ cũng phải cân nhắc.

Cho nên, không phải Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Trung ương Âu châu hay Ngân hàng Trung ương Nhật Bản mà Fed mới đóng vai trò là ngân hàng trung ương toàn cầu.

Nếu thế giới có thêm nhiều đồng tiền mạnh khác thì có thể tránh được những dao động thái quá do đồng USD gây ra. Nhưng điều đó chưa xảy ra trong vài chục năm tới và nếu đồng euro bị khủng hoảng nay mai vì Anh rút khỏi EU thì các nước trên thế giới vẫn phải đổi tài sản sang đồng USD để tránh thiệt hại.


Lê Minh
(Thời báo Ngân hàng)

Trở về

Bài cùng chuyên mục