Từng có lúc đối mặt với dự báo gần như ngang giá đô la Mỹ chỉ vài tháng trước đây, euro giờ là đồng tiền nằm trong số ít tài sản tăng giá trong bối cảnh lao dốc của rất nhiều hàng hóa, tiền tệ, thị trường thế giới.
Ngân hàng hợp tác với bảo hiểm: Ai là người hưởng lợi?
- Cập nhật : 16/12/2015
(Tai chinh)
Theo đánh giá của một lãnh đạo ngân hàng uy tín, mô hình kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng sẽ phát triển mạnh ở Việt Nam bởi đây là thị trường tiềm năng và bản thân mô hình này mang lại nhiều giá trị cộng hưởng cho khách hàng.
Thị trường Bancassurance: Mảnh đất nhiều triển vọng tại Việt Nam
Gần đây, không chỉ đẩy mạnh phát triển thẻ, chạy đua huy động, tích cực cho vay, các nhà băng cũng cạnh tranh nhau sát sao trong mảng bán bảo hiểm. Cái bắt tay này chắc chắn sẽ làm tăng doanh thu và hiệu quả kinh doanh cho cả ngân hàng lẫn bên bảo hiểm, tuy nhiên, câu hỏi là nó sẽ mang lại lợi ích gì cho các khách hàng?
Trao đổi với PV, ông Hàn Ngọc Vũ - Tổng giám đốc Ngân hàng Quốc tế (VIB) cho biết, việc hợp tác chiến lược với Prudential Việt Nam là kết quả sau một quá trình sử dụng phương pháp lựa chọn đối tác lần đầu tiên tại Việt Nam. Đây là mô hình áp dụng theo quy trình của ngân hàng Common Wealth Bank of Australia, dựa trên 3 tiêu chí đó là trải nghiệm khách hàng, năng lực công nghệ và tối ưu hóa dịch vụ khách hàng.
“Với phương châm minh bạch, sáng tạo vì khách hàng, chúng tôi lựa chọn Prudential Việt nam không chỉ về sự tương tác về hệ thống, chia sẻ kinh nghiệm khách hàng, xây dựng sản phẩm đặc thù phục vụ nhu cầu khách hàng, mà cốt lõi là sự tương đồng về mặt văn hóa và am hiểu thị trường của hai công ty” – lãnh đạo VIB cho hay.
Theo đó, sự kết hợp giữa phương châm “Dịch vụ từ trái tim” của VIB và triết lý “Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu” của Prudential chắc chắn sẽ là cơ sở để khách hàng được phục vụ một cách trọn gói và tận tụy nhất.
Đánh giá về tiềm năng của thị trường Bancassurance ở Việt Nam hiện nay, ông Vũ cho biết, ở Châu Á, mô hình này đang phát triển khá nhanh. Đặc biệt là tại Trung Quốc (mô hình này chiếm 53% trong các kênh phân phối bảo hiểm). Trong khi đó, ở Việt Nam tỷ lệ này mới chỉ ở mức 2%.
Do vậy, mảnh đất cho mô hình này dự đoán sẽ rất nhiều triển vọng, đặc biệt khi Việt Nam được đánh giá là quốc gia có khu vực ngân hàng phát triển với tốc độ nhanh, thu nhập của người dân cũng ngày một cải thiện.
Hiện nay Bancassurance đang là kênh có tốc độ tăng trưởng nhanh do sự tiện lợi và dịch vụ ưu việt mà mô hình mang lại cho khách hàng. Do vậy, theo ông Vũ, khi độc quyền phân phối các sản phẩm của Prudential, VIB kỳ vọng đây sẽ trở thành một trong những mô hình tăng trưởng nhanh và hiệu quả trên thị trường.
VIB và Prudential có thể thực hiện việc bán chéo sản phẩm bảo hiểm cho các khách hàng hiện hữu của VIB. Lợi nhuận phí từ bảo hiểm sẽ làm đa dạng hóa nguồn doanh thu của ngân hàng. Thực tế tại các thị trường phát triển cho thấy, doanh thu phí từ bảo hiểm là một trong những khoản đóng góp quan trọng nhất.
Trở ngại lớn nhất là tâm lý và nhận thức về mua bảo hiểm
Tuy nhiên, đại diện VIB cũng cho rằng, trở ngại lớn nhất với thị trường Việt Nam trong việc phát triển mảng bảo hiểm nói chung cũng như mô hình Bancassurance nói riêng đó chính là tâm lý và nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc mua bảo hiểm.
“Tôi tin sẽ mất một thời gian lớn để dần thay đổi nhận thức của người. Không chỉ vậy, tỷ lệ dân số sử dụng các dịch vụ của ngân hàng cũng còn thấp. Ngoài ra, nhiều người vẫn có những so sánh rằng gửi tiết kiệm có lợi hơn mua bảo hiểm trong khi đây là hai việc đầu tư khác nhau hoàn toàn về mục đích. Bên cạnh đó, tỷ lệ lạm phát cao trong lịch sử trước đây cũng khiến bảo hiểm nhân thọ không hấp dẫn tại Việt Nam” – ông Vũ cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Vũ, các ngân hàng và những nhà bảo hiểm nên xem những khó khăn này là cơ hội bởi điều này cho thấy vẫn còn rất nhiều khách hàng tiềm năng. Chưa kể, trong vài năm trở lại đây, tỷ lệ lạm phát luôn được kiểm soát rất tốt, từ mức trên hai con số trước đây nay chỉ còn 2% (theo dự đoán của cả năm 2015).
Về lo ngại việc các nhà băng đua về doanh số bán bảo hiểm có thể dẫn đến tình trạng ép khách hàng phải mua bảo hiểm mỗi khi sử dụng các dịch vụ, ông Vũ cho rằng, trong kinh doanh, ép buộc khách hàng sử dụng dịch vụ không bao giờ mang lại giá trị doanh thu tối đa.
Việc của ngân hàng chỉ là tận dụng các kênh phân phối tốt và sẵn có của mình để giúp các khách hàng trải nghiệm những dịch vụ tài chính, chăm sóc tốt nhất khi tham gia bảo hiểm mà thôi chứ không phải ép họ sử dụng dịch vụ.
“Điều này đi ngược lại với quy luật kinh tế và cũng không phải điều mà chúng tôi định làm. Bên cạnh đó, mục đích của ngân hàng đó là hỗ trợ khách hàng chủ động hoạch định tài chính trong hiện tại và tương lai tốt hơn thông qua giải pháp tài chính trọn gói của ngân hàng, đáp ứng nhu cầu dài hạn và bền vững chứ không mang tính nhất thời” – theo ông Hàn Ngọc Vũ.