tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Phương án B cho tỉ giá

  • Cập nhật : 09/10/2018

Tháng 3 đến tháng 9, FED đã nâng lãi suất tổng cộng 3 lần, từ 1,5% lên 2,25%. Lần cuối FED nâng lãi suất là đầu tháng 6.2018, biên độ vay 1,75-2%.

Tính theo thời điểm, chi tiết việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất được giản lược gồm: tháng 3 nâng lãi suất lãi suất vay từ FED (Fed Funds rates) từ 1,5-1,75%; tháng 6 nâng từ 1,75-2%; và tháng 9 lại nâng thêm từ 2-2,25%. Theo đó, có thể đoán niềm tin của ông Jerome H.Powell, Chủ tịch FED, với nền kinh tế Mỹ đang lạc quan hơn bao giờ hết. Giá trị đồng bạc xanh trên thị trường tiền tệ sẽ diễn biến như thế nào?

Theo thông lệ, Ủy ban Thị trường mở Liên bang Mỹ (FOMC) thuộc FED sẽ tổ chức họp khi cân nhắc việc nâng lãi suất cho vay thực tế. Như mọi khi, trong cuộc họp hạ tuần tháng 9, FOMC cũng đạt được sự đồng thuận giữa các thành viên về việc nâng lãi suất vay thực tế thêm 25 điểm cơ bản, nâng biên độ cho vay từ 2-2,25%. Lần cuối FED nâng lãi suất là đầu tháng 6.2018, với biên độ vay 1,75-2%.

Phuong an B cho ti gia

 

Sẽ là dễ hiểu nếu việc nâng lãi suất không phải lúc nào cũng nhận được sự đồng thuận từ tất cả. Ngay cả Tổng thống Donald Trump cũng đã có những bất đồng nhất định. “Có lẽ chúng ta đã có thể làm khác với chính sách tiền tệ mới”, ông Trump phát biểu tại một cuộc họp báo vào ngày thứ 4 sau khi FED quyết định nâng lãi suất.

Theo nhiều chuyên gia, lý do Tổng thống Mỹ có phần kém hài lòng có thể liên quan đến việc chính sách tài khóa của Mỹ gần đây đang có xu hướng tăng cao và việc nâng lãi suất cao đồng nghĩa Chính phủ sẽ phải trả lãi suất cao hơn.

Đó là câu chuyện bên lề của chính trường Mỹ. Trên bình diện thế giới, sự biến động của đồng bạc xanh nhiều khả năng sẽ còn mang lại ảnh hưởng địa chính trị, và đương nhiên là bất đồng, đối với nhiều quốc gia thuộc nền kinh tế thế giới.

Phuong an B cho ti gia

 


Theo ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc khối Nguồn vốn và Kinh doanh tiền tệ HSBC Việt Nam, sự thay đổi trong ngôn ngữ mang tính ôn hòa hơn của FOMC, song đồ thị thực tế chỉ dẫn việc một đồng USD mạnh hơn trong tương lai.

Tại Việt Nam, sau khi bán ra hơn 2 tỉ USD nhằm làm dịu sự rớt giá của tiền đồng trong tháng 7, Ngân hàng Nhà nước đã bán ra khoảng 1 tỉ USD nữa. Nhờ việc bán ra này, cộng với thặng dư thương mại vọt lên 4,7 tỉ USD trong 8 tháng đầu năm, tỉ giá niêm yết được giữ tương đối ổn định. Tuy nhiên, diễn biến tỉ giá đang có những yếu tố mới khó lường trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang. Khả năng Trung Quốc can thiệp vào đồng nhân dân tệ đang được để ngỏ trong cuộc chiến thương mại mà Trung Quốc sẽ sử dụng. Giới giao dịch dự báo đồng nội tệ của Trung Quốc sẽ tiếp tục rớt giá trong thời gian còn lại của năm 2018.

“Đối với câu chuyện tỉ giá, lãi suất trong nước, áp lực vẫn còn tồn tại khi FED cho thấy lộ trình tăng lãi suất vẫn chưa kết thúc. Áp lực này sẽ bị cộng hưởng hay giảm nhẹ còn phụ thuộc nhiều vào biến động của đồng nhân dân tệ trong bối cảnh Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Đồng nhân dân tệ ổn định có thể giúp neo giữ sự ổn định chung của tỉ giá trong khu vực trong đó có đồng Việt Nam, nếu ngược lại thì rủi ro tỉ giá là không thể tránh khỏi”, ông Ngô Đăng Khoa chia sẻ. “Ngoài ra, với việc FED tiếp tục tăng lãi suất, rủi ro về dòng vốn đầu tư dịch chuyển, áp lực lạm phát, cơ chế điều hành chính sách nhằm ổn định kinh tế vĩ mô trở nên thách thức hơn”.

Phuong an B cho ti gia

 


Trong khi đó, theo Trung tâm Nghiên cứu BIDV, cả năm 2018, dự kiến tỉ giá tăng khoảng 3% nếu không có biến động bất thường nào. Đây là mức trong tầm kiểm soát trong bối cảnh giá trị đồng nội tệ một số nước trong khu vực như peso của Philippines, rupiah của Indonesia mất giá 9% và nhân dân tệ mất giá 5,6% tính đến nay.

Theo tính toán của Tiến sĩ Bùi Trinh, tiền đồng mất giá 2% sẽ khiến chi phí trung gian chung của nền kinh tế tăng lên do giá trị nhập khẩu tăng và chỉ số giá sản xuất (PPI) ở chu kỳ đầu tiên tăng lên 0,45%, chu kỳ sản xuất tiếp theo tăng lên 0,65%, tổng ảnh hưởng 1,1% và tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế có thể bị giảm 1,2-1,6%.

Tỉ giá tăng lại gây sức ép bất lợi cho doanh nghiệp nhập siêu khi nhập nguyên vật liệu cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chẳng hạn, với một đơn hàng nhập hạt nhựa trị giá 1 triệu USD từ Thái Lan mới đây, doanh nghiệp sản xuất đồ nhựa tại Khu Công nghiệp Long An bị thiệt hơn 200 triệu đồng vì tỉ giá tăng. Đây là ví dụ điển hình cho các khoản thiệt hại đối với công ty xuất khẩu sử dụng nguyên liệu và gia công dịch vụ nước ngoài nơi USD là đồng tiền chi trả.

Phuong an B cho ti gia

 



Trong khi đó, đại diện của Công ty Cổ phần Thép Việt - Ý cho biết, hiện nay, mỗi tháng, Công ty xuất khẩu 10.000 tấn thép nhưng phải nhập khẩu tới 30.000 tấn phế liệu, quặng. Vì vậy, giá USD tăng sẽ khó cho doanh nghiệp dựa vào nhập khẩu. Trường hợp USD tăng giá mạnh, doanh nghiệp phải tính tới phương án tăng giá thép.

Các chuyên gia tài chính HSBC cho rằng, về phía doanh nghiệp, việc FED tăng lãi suất đồng nghĩa với mặt bằng lãi suất trong đó có lãi suất cho vay tăng, kéo theo gia tăng chi phí vốn. Khi chi phí vốn tăng, lợi nhuận doanh nghiệp có thể chịu tác động trực tiếp. Tuy nhiên, việc tăng lãi suất lại là phong vũ biểu chỉ dẫn nền kinh tế Mỹ đang hồi phục mạnh mẽ hơn bao giờ hết, điều kiện tiên quyết để kích cầu xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt Nam. Nếu áp dụng các công cụ phòng vệ rủi ro tỉ giá hiệu quả, đây là cơ hội tốt cho doanh nghiệp Việt gia tăng thị phần tại Mỹ


Liên QUang
Theo Nhipcaudautu.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục