Dư nợ cho vay tiêu dùng của VPBank năm 2014 con số tuyệt đối đạt hơn 21.800 tỷ đồng, chiếm gần 28% tổng dư nợ thì sang năm 2015 tăng hơn gấp đôi lên 45.000 tỷ, chiếm 38,59% tổng dư nợ.
Tăng thuế hàng loạt: Những ông lớn nào sẽ “chịu trận”?
- Cập nhật : 13/12/2015
(Kinh te)
Tác động của các đề xuất và quyết định tăng thuế không quá lớn và rơi vào một số công ty nhất định thuộc các ngành sữa, bia-rượu-nước giải khái, khai khoáng và lắp ráp ô tô.
Trong báo cáo mới công bố ngày 11/12, Công ty cổ phần Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSC) nhận định, trước tình hình tài khóa căng thẳng, gần đây Bộ Tài chính đã liên tục có những đề xuất tăng thuế ở nhiều ngành.
Theo đó, trong vài tháng qua đã có nhiều Nghị định và Luật mới được đề xuất tăng thuế đối với nhiều mặt hàng; từ thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc; thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng nguyên liệu nhập khẩu của ngành sữa; thuế xuất khẩu quặng; thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng đồ uống sản xuất trong nước và nhập khẩu…
“Đây là điều dễ hiểu vì hiện tình hình tài khóa đang căng thẳng. Thời điểm tăng thuế thường về cuối năm và nhiều loại thuế được tăng sẽ có hiệu lực từ năm sau. Nhiều doanh nghiệp đã lên tiếng đề nghị giảm mức tăng hoặc giãn thời gian tăng thuế” – HSC nhận định.
Trước đây, Bộ Tài chính đã liên tục có những đề xuất điều chỉnh thuế với lý do được đưa ra là động thái chính sách dành cho một số ngành phát triển trong khi hạn chế nhập khẩu và vừa nhằm mục đích tăng thu ngân sách.
Tuy nhiên, HSC cho rằng, việc tăng thuế nhằm vào 3 mục đích chính:
Thứ nhất, tăng thuế nhằm tăng thu ngân sách đánh vào những mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu có sức cầu đang tăng nhanh bên cạnh các mặt hàng khoáng sản
Thứ hai, tăng thuế những mặt hàng nhập khẩu có dấu hiệu tăng mạnh của kim ngạch nhập khẩu và trong một số trường hợp (chẳng hạn thép) là dấu hiệu bán phá giá.
Thứ ba, để ứng phó trước tác động làm giảm thu ngân sách từ thuế trong tương lai của những Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết do lộ trình giảm dần thuế quan, Bộ Tài chính hiện đang tìm nguồn thu thay thế.
Theo đánh giá của HSC, việc tăng thuế có mục đích kép là tăng thu ngân sách từ thuế; đồng thời tăng chi phí tiêu thụ đối với người tiêu dùng ở một số mặt hàng không thiết yếu như rượu, ô tô - vốn là nhân tố đóng góp trực tiếp vào sự tăng lên của thâm hụt thương mại.
Ngoài ra, ở đây cũng có những nhân tố tác động khác như tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng xa xỉ do thu nhập bình quân đầu người tăng lên và lo ngại nguy cơ bán phá giá một số sản phẩm (thép).
Trước một loạt điều chỉnh tăng thuế của Bộ Tài chính, những đối tượng thuộc ngành chịu ảnh hưởng của việc tăng thuế đã kiến nghị giảm bớt hoặc giãn tăng thuế. Các công ty ngành sữa như Vinamilk đã có văn bản kiến nghị trước quyết định truy thu thuế. Các công ty khai thác khoáng sản cũng kiến nghị điều chỉnh giảm bớt mức tăng thuế tài nguyên.
Hiện nay, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cũng đang kiến nghị giãn tăng thuế tiêu thụ đặc biệt mặt hàng bia, rượu, nước giải khát. Tuy nhiên, HSC cho rằng, những doanh nghiệp này sẽ ít phải lo lắng hơn nếu thuế chỉ tăng đối với hàng nhập khẩu.
Trong khi đó, Bộ Tài chính đã chấp nhận giãn thời hạn tăng thuế tài nguyên thêm 6 tháng. Theo nhận định của HSC, hầu hết các mức tăng đã được đề xuất sẽ không có nhiều điều chỉnh.
Tuy nhiên, HSC cũng cho rằng, sẽ có khả năng giãn tăng thuế hoặc nhượng bộ nhất định. Hiện Bộ Tài chính rất muốn tăng nguồn thu ngân sách và việc giảm mức thuế tăng sẽ khiến Bộ Tài chính phải tìm nguồn thu ngân sách khác để thay thế.
“Tác động của các đề xuất và quyết định tăng thuế không quá lớn và rơi vào một số công ty nhất định thuộc các ngành sữa, bia-rượu-nước giải khái, khai khoáng và lắp ráp ô tô” – báo cáo kết luận.