Có ý kiến cho rằng nên có cơ chế chia sẻ khoản chênh lệch giữa giá mua nợ xấu và giá bán theo tư duy thị trường: lỗ cùng chịu, lãi cùng chia.
Thoái vốn khỏi Vinamilk: Bao giờ "con gà đẻ trứng vàng" lên kệ?
- Cập nhật : 21/10/2015
(Kinh doanh)
Việc Chính phủ thoái vốn khỏi 10 doanh nghiệp (DN) lớn đang tạo tâm lý tích cực cho thị trường. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là bao giờ những "con gà đẻ trứng vàng" này mới chính thức được thả và đến khi nào nhà đầu tư mới được tiếp cận?
Theo tôi việc thoái vốn của SCIC tại 10 DN trên sẽ sớm triển khai trong năm 2015 và chậm nhất là sang đầu năm 2016”, T.S Vũ Đình Ánh nhận định.
Gặp khó vì thời gian biểu
Báo cáo phát hành ngày 14/10 của Công ty cổ phần chứng khoán TPHCM (HSC) cho rằng, việc thoái vốn là vẫn chưa chắc chắn trong ngắn hạn bởi vì: Các danh sách điều kiện, tương ứng với giới hạn sở hữu nước ngoài chưa có sẵn. Thời gian cho kế hoạch này là chưa xác định và SCIC chưa công bố hạn chót sẽ thực hiện việc thoái vốn tại các công ty trên.
Bên cạnh đó, các diễn biến từ trước tới nay cho thấy SCIC đã từ lâu muốn giữ quyền chi phối trong Vinamilk và nếu không có một ý chí chính trị mạnh mẽ để thúc đẩy việc thoái vốn thì mọi diễn biến có thể di chuyển ở một tốc độ rất chậm.
Đăc biệt, việc nhiều DN có kế hoạch thoái vốn được xem là quả trứng vàng nên nhiều nhận định cho rằng SCIC sẽ giữ càng lâu càng tốt nhằm có lợi cho họ hơn.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế, T.S Vũ Đình Ánh cho rằng: “SCIC dù là nhà đầu tư, nhưng đây là nhà đầu tư vốn Nhà nước nên phải tuân thủ quy định và chính sách của Nhà nước. Vì vậy, tiến trình thoái vốn chắc chắn sẽ được đẩy nhanh nếu các tiêu chí thoái vốn có lợi nhất".
“Việc thoái vốn tại các doanh nghiệp không cần nắm giữ vốn Nhà nước vừa là chủ trương cơ cấu lại DNNN vừa bổ sung vào ngân sách cho chi đầu tư bởi năm 2015 trở đi, chi cho đầu tư của Việt Nam được dự báo sẽ khó khăn do gánh nặng của nợ công, nợ nước ngoài đến hạn phải trả tăng cao ăn hết vào phần chi ngân sách cho đầu tư và trả nợ. Việc có vốn để chi đầu tư là cần thiết, chính vì vậy, theo tôi việc thoái vốn của SCIC tại 10 DN trên sẽ sớm triển khai trong năm 2015 và chậm nhất là sang đầu năm 2016”, T.S Ánh nhận định.
TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định, thời điểm nào thoái vốn là điều mà rất nhiều người ngóng chờ bởi nó liên quan đến quyền lợi của ngành, của đất nước.
“Vinamilk hay các doanh nghiệp khác có thể có lãi lớn, thậm chí có vị thế lớn lúc này nhưng khi Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại tự do, các hãng sữa nước ngoài xâm nhập vào thị trường, liệu rằng những thuận lợi của DN này còn có được hay sẽ khó hơn. Lúc ấy, nếu bán chậm, chúng ta sẽ mất giá. Bên cạnh đó, nếu bán ngay mà không định giá rõ giá trị của các doanh nghiệp, không thuê đơn vị độc lập đánh giá thì sẽ mất vốn của Nhà nước”, ông Hiếu phân tích.
Thoái vốn là kế hoạch hay để trả nợ?
Trong 10 DN được chỉ đạo thoái vốn, Tổng Công ty sữa Việt Nam (Vinamilk) có lẽ được nhiều người nhắc đến bởi với 45,1% cổ phần Nhà nước đang nắm giữ tai đây, nếu tính thị giá hiện nay thì cổ phiếu của SCIC đang nắm giữ tại Vinamilk đang có giá trị 2,5 tỷ USD.
Trong cả thập kỷ qua, Vinamilk đã chiếm khoảng 43% tổng vốn của SCIC và 77% giá trị vốn hóa của tất cả các công ty nhà nước và cả các doanh nghiệp mà SCIC đang quản lý. Với vị trí ấy, nếu thiếu Vinamilk, SCIC sẽ còn lại gì?
Với lĩnh vực kinh doanh chính là ngành sữa, Vinamilk đúng là "con gà đẻ trứng vàng" của SCIC. Năm 2014, Vinamilk mang về cho SCIC 2.164 tỷ đồng cổ tức, từ đầu năm cho đến nay, DN này cũng đóng góp 2.700 tỷ đồng cho SCIC.
Với tầm quan trọng như trên, hiện nhiều luồng thông tin cho hay, trong bối cảnh ngân sách bội chi lớn, nợ công cao, nợ phải trả đến hạn ngày một lớn… thoái vốn là mục đích cơ cấu lại nợ và trả nước ngoài. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế độc lập, nếu có thì đây cũng chỉ là một nguyên nhân rất nhỏ, bởi cơ cấu nợ đã được Chính phủ đảm bảo bằng phát hành trái phiếu quốc tế 3 tỷ USD và vay trong nước, còn chủ trương thoái vốn DNNN đã có từ lâu.
Trả lời báo chí mới đây, ông Phạm Viết Muôn, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho hay, việc thoái vốn Nhà nước khỏi 10 doanh nghiệp lớn chủ yếu là do chủ trương thoái vốn những lĩnh vực, ngành nghề không cần thiết. Còn hoàn toàn không có việc Chính phủ Việt Nam thoái vốn từ đó để trả nợ nước ngoài trong giai đoạn 2015 - 2016. Bởi lẽ, Chính phủ cũng đã xây dựng kế hoạch phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế để thực hiện việc đảo nợ.
Cùng quan điểm trên, TS Huỳnh Thế Du, Giám đốc Đào tạo, Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright cho hay, thoái vốn tại các DNNN nằm trong kế hoạch từ lâu. Việc thoái vốn của Nhà nước tại một công ty được xem là “con gà đẻ trứng vàng” hay “dòng sữa vàng” này cũng cho thấy chủ trương nhất quán của Chính phủ là thoái vốn khỏi các ngành và lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ vốn và tham gia thị trường để các DN tư nhân có sân chơi, đất diễn, để thị trường phát triển lành mạnh, dồn vốn cho các ngành và lĩnh vực khác cần hơn.