tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tình thế lưỡng nan của đầu tư công

  • Cập nhật : 07/04/2016

(Tin kinh te)

Nếu không có những biện pháp quyết liệt, nợ công sẽ vượt trần. Đây thực sự là tình trạng lưỡng nan của các bên hữu quan mà không dễ giải được.

Đầu tư công khó giảm, nợ công tăng

pgs.ts.tran kim chung

PGS.TS.Trần Kim Chung

Nợ quốc gia, nợ công, nợ Chính phủ hiện nay đã dần chạm ngưỡng trong bối cảnh nền kinh tế đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, rất cần tiếp tục tăng cường đầu tư. Đầu tư công là một bộ phận không thể thiếu được trong tổng nguồn đầu tư.

Tuy nhiên, vốn đầu tư công có nguồn gốc ngân sách đang rất khó khăn do cân đối ngân sách đang luôn bị thâm hụt và có xu hướng năm sau thâm hụt cao hơn năm trước. Nguồn vốn có tính viện trợ với lãi suất thấp đã sắp kết thúc, đi vào giai đoạn lãi suất cao hơn. Làm thế nào để đầu tư công vừa đáp ứng yêu cầu của tăng trưởng kinh tế vừa đảm bảo nợ bền vững, đặc biệt là nợ công.

Hiện nay, tình trạng nợ công đã gần chạm trần. Các chỉ số tổng dư nợ công, dư nợ nước ngoài của quốc gia vẫn trong giới hạn an toàn cho phép, song dư nợ Chính phủ đã là 50,3% GDP vượt mức trần là 50%. Nợ công đã chạm mức 61,3% (trong mục tiêu từng bước giảm dần nợ công, đến năm 2020 nợ công, bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương là không quá 65% GDP).

Trong khi đó, nhiệm vụ đầu tư công ngày càng cao trong khi khả năng đáp ứng của ngân sách (và các nguồn có tính ngân sách) ngày càng khó khăn. Mức thâm hụt ngân sách năm 2015 đã lên đến mức 6,1% GDP (từ mức dưới 5% những năm 2005-2010 và dưới 6% những năm 2011-2014).

Một trong những chủ trương quan trọng là đưa đầu tư công xuống mức 1/3 tổng đầu tư đã không đạt được. Mặc dù đã có nhiều biện pháp được triển khai để giảm đầu tư công, nhưng năm thấp nhất tổng đầu tư công vẫn là 38,1% (năm 2011). Các năm khác tỷ lệ này đều ở mức xấp xỉ 40%. Riêng năm 2015, tỷ lệ này được giảm xuống 38,4%.

Tỷ lệ đầu tư công không giảm có 2 nguyên nhân: trong những năm 2011-2015, đầu tư tư nhân không có nguồn đột biến, do đó, tổng mức đầu tư không cao, vì vậy, đầu tư công khó giảm tỷ lệ; sức ép đòi hỏi đầu tư công vẫn lớn trong giai đoạn 2011-2015.

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Vấn đề là do đâu

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng lưỡng nan của đầu tư công hiện nay. Trước tiên là do đầu tư công vẫn cao (trên 1/3 tổng đầu tư trong khi mục tiêu tái cơ cấu đầu tư công là đưa về mức 1/3), trong khi đó, ngân sách ngày càng căng thẳng (giá dầu giảm dẫn đến nguồn thu từ xuất khẩu dầu thô giảm; thuế xuất nhập khẩu không tăng như kỳ vọng do giảm dần thuế nhập khẩu dưới tác động của các hiệp định FTA mới ký kết, mới có hiệu lực). Hệ quả là, thâm hụt ngân sách ngày càng tăng.

Tiếp đến sức ép tăng chi thường xuyên lớn, làm dư địa ngân sách cho đầu tư phát triển bị thu hẹp, ngân sách không đủ tiêu, Chính phủ phải vay nợ. Đầu năm 2016, tình hình ngân sách đã căng thẳng đến mức Chính phủ phải tiến hành các động thái vay tiền để chi tiêu.

Bên cạnh đó, đầu tư công, nhất là đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, ngày càng có nhu cầu cao. Với những dự án lớn, mặc dù đã huy động các nguồn ngoài nguồn ngân sách, đã thực hiện hợp tác công tư trong đầu tư nhưng vẫn đang ngày càng có nhu cầu cao hơn đối với nguồn đầu tư công.

Ngoài ra, sức ép đầu tư công, nhất là đầu tư công tại địa phương, ngày càng cao, nhưng khả năng ngân sách không đáp ứng được, cùng với việc gia tăng đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư công cho các công trình công cộng, công trình nhà làm việc, công sở tập trung ở rất nhiều địa phương. Hệ quả là, nguồn vay cho đầu tư công có chiều hướng gia tăng, nhất là nguồn vay cho địa phương.

Không cho phát sinh nợ vì tiêu dùng

Mục tiêu đến năm 2020 của Đảng và Chính phủ về quản lý bền vững nợ công, đầu tư công đã quán triệt rất rõ. Về mặt nguyên tắc, để đảm bảo bền vững nợ công, chi thu ngân sách và các nguồn có tính chất ngân sách phải cân bằng. Để đạt được điều này, phải giảm chi, nhất là chi thường xuyên. Theo đó, có bốn việc cần phải kiên quyết thực hiện:

Một là, thực hiện triệt để quản lý thâm hụt ngân sách theo phê duyệt của Quốc hội. Gắn quản lý nợ công với đầu tư công và quản lý đầu tư công với nợ công. Gắn liền trách nhiệm quản lý thâm hụt ngân sách với hoạt động điều hành đầu tư công của Chính phủ, của các cấp chính quyền địa phương. Quốc hội cần thực hiện triệt để vai trò giám sát tỷ lệ bội chi ngân sách (mức 4% GDP cả giai đoạn 2016-2020).

Hai là, tuyệt đối không được phát sinh nợ Chính phủ, nợ quốc gia cho mục tiêu tiêu dùng. Hay nói khác đi, chỉ tiêu dùng nhỏ hơn nguồn thu. Đây là một trong những tiêu chí căn cơ nhất trong quản lý nợ công. Việc không đi vay cho tiêu dùng là một trong những vấn đề cần quán triệt trong quản lý nợ công. Vấn đề nợ chỉ được kiểm soát ổn định nếu không vi phạm điều kiện này. Thực hiện được điều kiện này đòi hỏi cả hệ thống phải có quyết tâm rất cao trong việc thực hiện mục tiêu quản lý nợ công.

Ba là, tuyệt đối không phát sinh nợ quốc gia, nợ công mới để đầu tư phát triển nếu không có phương án trả nợ khả thi, đặc biệt các khoản vay nước ngoài và vay nợ mới của địa phương. Đây là một trong những điều kiện hết sức nặng nề, khó khăn trong thực hiện. Việc có được đề án vay nợ, phương án trả nợ, nhất là đối với các dự án lớn, có tác động quan trọng đến phát triển kinh tế, đặc biệt kinh tế địa phương là điều rất khó khăn. Nó đòi hỏi phải có cả quyết tâm chính trị, năng lực bộ máy và sự kiên định cho mục tiêu phát triển bền vững.

Bốn là, chi đầu tư phát triển các công trình có tính chất sản xuất hoặc phục vụ sản xuất, trong 3-5 năm tới, cắt giảm tối đa chi đầu tư phát triển các cơ sở có tính tiêu dùng như: hội trường, nhà làm việc, trụ sở công cộng, các công trình tượng đài. Nhất thể hóa cơ quan quyết định và quản lý đầu tư công. Nghiên cứu danh mục các tiêu chí ưu tiên phê duyệt dự án đầu tư công. Tuân thủ phê duyệt danh mục đầu tư công dựa trên việc đánh giá thông qua xem xét tiêu chí ưu tiên phê duyệt dự án đầu tư công.

Đầu tư công hiện nay đang ở tình trạng lưỡng nan. Không thể không tiếp tục tăng cường đầu tư công nhưng ngân sách ngày càng khó khăn, không đáp ứng được. Do vậy, nguồn vốn đầu tư công phải dựa vào nguồn đi vay. Tuy nhiên, đi vay sẽ tạo nợ công. Trần nợ công đã được xác lập là 65%, trong khi nợ công Chính phủ đã vượt ngưỡng 50%, nghĩa là dư địa không còn nhiều.

Vì vậy, nếu không có những biện pháp quyết liệt, nợ công, nợ công của Chính phủ sẽ vượt trần. Đây thực sự là tình trạng lưỡng nan của các bên hữu quan của vấn đề nợ công mà không dễ giải được.

 

 

PGS.TS.Trần Kim Chung - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương
(Thời báo Ngân hàng)

Trở về

Bài cùng chuyên mục