Thị trường bảo hiểm Việt Nam có sức hút khó cưỡng đối với các doanh nghiệp ngoại khi mới chỉ có khoảng 8% dân số Việt Nam tham gia bảo hiểm.
Trump và Brexit sẽ làm thay đổi luật chơi ngân hàng toàn cầu?
- Cập nhật : 03/05/2017
Khi hai nền kinh tế lớn đứng trước một giai đoạn mới, một số nhà phân tích đang lo ngại về một chạy cuộc đua giảm bớt luật lệ ngân hàng.
Cuộc đua bỏ bớt các luật lệ xem ra đã bắt đầu. Tại Washington, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thề sẽ bỏ bớt các luật lệ tài chính được áp dụng sau cuộc khủng hoảng năm 2008.
Tại Luân Đôn, Thủ tướng Anh Theresa May, vốn đang phải đối mặt với làn sóng chuyển trụ sở của các ngân hàng do Brexit, cho biết bà có thể cắt giảm thuế hoặc thay đổi chính sách để thu hút giới đầu tư và các công ty.
Một số nước thành viên EU cũng có thể xem xét việc nới lỏng các quy định để lôi kéo các công ty đang đóng trụ sở tại London. Tại Brussels, giới lãnh đạo EU đang có xu hướng thả lỏng các tiêu chuẩn ngân hàng quốc tế mới nhất.
Mọi việc đáng lẽ đã không diễn ra hướng này. Cho tới trước khi xảy ra những thay đổi chính trị năm ngoái ở Mỹ và Anh, giới làm luật tài chính đã và đang tiến tới việc đưa ra các luật lệ gay gắt hơn, và phối hợp cùng nhau tốt hơn. Họ đã cố gắng xóa bỏ tình trạng "chênh lệch về luật lệ" (regulatory arbitrage) – là hiện tượng các ngân hàng chuyển những hoạt động kinh doanh rủi ro nhất sang những nơi có quy định lỏng lẻo nhất. Bài học kinh hoàng đầu thế kỷ 21, từ Lehman Brothers đến cuộc khủng hoảng nợ ở Châu Âu, cho thấy khủng hoảng tài chính không chỉ giới hạn trong phạm vi quốc gia.
Các nhà làm luật đã yêu cầu những ngân hàng lớn trên toàn cầu phải tăng thêm vốn, sử dụng vốn cổ phần hơn là nợ để cho vay, để bảo đảm hoạt động kinh doanh an toàn hơn. Các ngân hàng cũng phải đối mặt với những đợt kiểm tra thường xuyên để tránh rủi ro đổ vỡ.
Nhưng khi các bộ trưởng tài chính, thống đốc ngân hàng trung ương và các lãnh đạo ngân hàng gặp nhau tại Washington vào cuối tháng 4 vừa qua, chiều hướng đã trở nên khác hẳn. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Mark Carney, người đứng đầu Hội đồng Bình ổn Tài chính toàn cầu (Financial Stability Board), đã cảnh báo hôm 20/4 về "tâm lý chán ngán cải cách", có thể khiến một số nỗ lực xiết chặt luật lệ trở nên dang dở. Ông Carney nói: "Hệ thống tài chính toàn cầu đang đứng ở ngã ba đường”, và có "những rủi ro mới, nếu không được kiểm soát, có thể đe doạ những cải cách đã đạt được".
Kể từ cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, các cổ phiếu tài chính đã tăng giá khoảng 20%, một phần là do các nhà đầu tư hy vọng nhiều luật lệ sẽ được dỡ bỏ. Ông Jamie Dimon, giám đốc điều hành của JPMorgan Chase, từng bình luận rằng hệ thống tài chính đã trở nên an toàn hơn sau khủng hoảng, nhưng nhiều ngân hàng lại đâm ra quá lo lắng và thành ra bây giờ đang ôm quá nhiều vốn, và ngần ngại cho vay. Anat Admati, giáo sư tài chính tại đại học Stanford, phản bác: "Không có quy định nào ngăn cản các ngân hàng sử dụng lợi nhuận, hoặc huy động thêm vốn từ các nhà đầu tư để cho vay".
Trong một vài trường hợp, một số nhà điều hành đã thừa nhận là nên điều chỉnh các quy định ngân hàng tại Hoa Kỳ. Ông Daniel Tarullo, người từng mở đường cho những luật lệ quan trọng nhất tại Cục Dự trữ Liên bang trước khi ông từ chức vào tháng 4 vừa qua, đã cho biết một số luật lệ có thể sẽ được nới lỏng cho các ngân hàng cỡ nhỏ. Nhưng ông Trump đã tìm cách tạo ra những thay đổi còn lớn hơn. Vào ngày 21/4, Trump đã yêu cầu Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin xem xét lại các quy định nhằm giúp chính phủ có thể đóng cửa một ngân hàng đổ vỡ, cũng như các quy định xếp một số tổ chức tài chính phi ngân hàng vào nhóm cực kỳ quan trọng với hệ thống và phải chịu thêm các hạn chế đặc biệt.
Điều này khiến các nhà điều hành chính sách bên ngoài nước Mỹ lo ngại. Karen Shaw Petrou, giám đốc của Federal Financial Analytics, cho biết: "Câu hỏi lớn mà người châu Âu đang chờ đợi được trả lời là liệu nước Mỹ có thực sự muốn đi theo cách riêng của mình trong những vấn đề quan trọng như việc xử lý các công ty đổ vỡ hay không".
Từ những năm 1980, Ủy ban Giám sát Ngân hàng Basel đã không ngừng xây dựng các hiệp định quốc tế về tiêu chuẩn vốn. Tại đây, một dự luật sửa đổi có thể được đưa ra sẽ hạn chế các ngân hàng sử dụng những phương pháp nội bộ về đánh giá rủi ro để xác định xem họ có đủ vốn hay không.
Các nhà điều hành và chính trị gia châu Âu đã lập luận rằng những thay đổi theo đề xuất kể trên là quá hà khắc đối với các ngân hàng trong khu vực này. Các quy tắc Basel mới nhất đúng ra đã được hoàn thành vào đầu năm nay, nhưng chúng hiện đang bị đình lại vì giới lãnh đạo Châu Âu chờ đợi để xem liệu Trump và chính phủ Mỹ có chuyển hướng hay không.
Valdis Dombrovskis, trưởng bộ phận dịch vụ tài chính của EU, cho biết liên minh này đang tinh chỉnh các quy định theo hướng "ủng hộ tăng trưởng" trong một bài phát biểu hôm 20/4. Tuy nhiên, Valdis nói rằng khối này không có ý định hạ bớt các tiêu chuẩn vốn giữ cho các ngân hàng hoạt động an toàn. "Chúng tôi tin tưởng Mỹ giữ nguyên các quy định hiện tại", Valdis nói.
Các quan chức châu Âu cũng đang nhìn vào chính tình hình nội tại của khu vực, khi họ phải đối mặt với việc nước Anh rời EU. Bà May đã cùng nhiều nhà lập pháp khác kêu gọi việc thực hiện thay đổi các quy định sau khi Brexit xảy ra. Một trong những nền tảng giao dịch lớn nhất thế giới là Intercontinental Exchange (ICE) cho rằng Brexit đã mang tới cho nước Anh một cơ hội để rà soát các nguyên tắc còn nhiều khuyết điểm của Brussels. Hãng luật Shearman & Sterling ở London đã kêu gọi các nhà hoạch định chính sách xem xét việc tận dụng Brexit để tìm ra một "khung pháp lý thân thiện với thị trường".
Các quốc gia ở EU, vốn đang cạnh tranh để thu hút đầu tư khi nhiều tổ chức tài chính lớn có kế hoạch di dời khỏi London sau Brexit, đang đặt câu hỏi về việc nới lỏng các quy định. Ireland đã than phiền với Ủy ban châu Âu (EC) rằng nhiều nước khác đang đưa ra các quy tắc lỏng lẻo hơn và từ đó tạo ra sự “cạnh tranh nguy hiểm” trong việc thu hút vốn đầu tư.
Cơ quan Chứng khoán và Thị trường Châu Âu (European Securities and Markets Authority), nơi đang tìm cách thống nhất các tiêu chuẩn trên khắp EU, lo ngại về những gì có thể xảy ra nếu một số quốc gia Châu Âu cho phép các công ty Anh thành lập văn phòng tại những nước này trong khi vẫn giữ hoạt động kinh doanh chính tại Luân Đôn. Khi đó, các cơ quan quản lý của châu Âu không thể thực hiện việc giám sát đầy đủ. Tại Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), các nhà điều hành đã cảnh báo về một lỗ hổng lớn: ECB không giám sát các chi nhánh và đơn vị môi giới của các ngân hàng nước ngoài, mà việc này sẽ do nước sở tại đảm nhiệm.
Sabine Lautenschlaeger, thành viên hội đồng điều hành của ECB, cho biết: "Chúng tôi sẽ thận trọng về vấn đề luật lệ và chế tài. Và chúng tôi sẽ không tham gia vào một cuộc chạy đua cắt giảm bớt luật lệ."
Bá Ước
Theo nhipcaudautu.vn