Các quốc gia trong và ngoài khu vực nhất loạt lên án việc Trung Quốc chuyển các khẩu đội tên lửa đến đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa.
Cam kết bền vững của Mỹ với ASEAN
- Cập nhật : 18/02/2016
(Tin kinh te)
Câu hỏi ASEAN đóng vai trò quan trọng như thế nào đối với nước Mỹ đã được giải đáp khá rõ ràng trong ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN ở trung tâm Sunnylands sáng 16-2 (giờ Việt Nam).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (thứ hai từ trái sang) dự phiên thảo luận kinh tế - thương mại với chủ đề “Thúc đẩy thịnh vượng khu vực dựa trên sự đổi mới và phát triển của doanh nghiệp” ngày 16-2 (giờ VN) - Ảnh: Q.Trung
Trước khi Tổng thống Barack Obama đón tiếp lãnh đạo các nước ASEAN, bà Susan Rice - cố vấn an ninh quốc gia Mỹ - phát biểu với báo chí quốc tế tại trung tâm báo chí ở Sunnylands rằng hội nghị lần này là một sự kiện mang tính lịch sử, qua đó cho thấy nước Mỹ có cam kết bền vững với các quốc gia Đông Nam Á.
Tổng thống Obama cũng muốn gửi thông điệp cho những người kế nhiệm là hãy tiếp tục thúc đẩy quan hệ với ASEAN ở tầm quốc gia. Dù chúng tôi có thể không tổ chức Hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN mỗi năm nhưng các đời tổng thống sau này cần phải có mặt tại các hội nghị cấp cao tương tự được tổ chức ở các nước ASEAN
Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes
Thúc đẩy thịnh vượng
Bà Susan Rice cho biết quan hệ Mỹ - ASEAN chưa bao giờ phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Bà cũng nhấn mạnh rằng một cộng đồng ASEAN được thành lập dựa trên những quy tắc chung như tôn trọng luật pháp quốc tế, thương mại tự do, và giải quyết các bất đồng bằng biện pháp hòa bình chính là một đối tác “tự nhiên” với Mỹ, đồng thời đóng vai trò cốt lõi trong chiến lược tái cân bằng sang châu Á của Washington.
Bà Rice cho biết cuộc họp thân mật và độc đáo tại Sunnylands lần này sẽ tạo điều kiện cho Tổng thống Obama và các lãnh đạo ASEAN có các cuộc thảo luận sâu và thẳng thắn hơn những cuộc họp thượng đỉnh trang trọng thường lệ.
Đúng như lời của bà Rice, chỉ vài giờ sau đó, Tổng thống Obama đã không ngại đi lại nhiều lần để đón tiếp lãnh đạo từng quốc gia ASEAN. Sau phần đón tiếp đầy thân thiện, các lãnh đạo bước vào phiên thảo luận kinh tế - thương mại với chủ đề “Thúc đẩy thịnh vượng khu vực dựa trên sự đổi mới và phát triển của doanh nghiệp”.
Trong bài phát biểu chào mừng, Tổng thống Obama chia sẻ rằng hội nghị cấp cao lần này phản ánh cam kết cá nhân của ông và của nước Mỹ đối với việc xây dựng quan hệ đối tác vững mạnh với từng quốc gia ASEAN và toàn bộ khu vực Đông Nam Á với tư cách là một cộng đồng chung.
Rồi ông Obama nhiều lần tự hào nhắc đến những mối dây gắn bó cá nhân của ông với Đông Nam Á. Theo lời kể của ông, từ lúc còn nhỏ, ông đã biết đến con người và vẻ đẹp cũng như sức mạnh của Đông Nam Á khi sống cùng mẹ ở Indonesia trong vài năm.
Và chính cam kết cá nhân xây dựng quan hệ đối tác vững mạnh với ASEAN vào năm 2009 đã giúp ông Obama để lại một di sản tốt đẹp. Theo lời bà Susan Rice, mối quan hệ kinh tế Mỹ - ASEAN đang bùng nổ. Hai bên có kim ngạch thương mại song phương trị giá 250 tỉ USD. ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của Mỹ, qua đó giúp tạo công ăn việc làm cho hơn nửa triệu người Mỹ. Trong khi đó, Mỹ là nhà đầu tư lớn nhất ở ASEAN với giá trị hơn 226 tỉ USD.
Trong bài phát biểu, Tổng thống Obama cũng đề cập việc Mỹ đã tăng cường hỗ trợ an ninh hàng hải cho các nước đồng minh và đối tác trong khu vực, cải thiện năng lực chung để bảo vệ thương mại hợp pháp và đối phó với các cuộc khủng hoảng nhân đạo trong những năm gần đây.
Tổng thống Barack Obama tiếp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Mỹ ở Sunnylands ngày 16-2 (giờ VN) - Ảnh: Quỳnh Trung
Bảo vệ tự do hàng hải, mở rộng TPP
Cùng ngày, Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes, người được xem là trợ lý thân cận của ông Obama, đã dành một cuộc trao đổi riêng với đoàn nhà báo ASEAN. Hầu hết các câu hỏi đều xoáy vào tranh chấp Biển Đông và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương.
Về tranh chấp Biển Đông, ông Ben Rhodes một lần nữa khẳng định Mỹ không đứng về phía nào đối với các bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Ông cho biết những gì mà Mỹ mong muốn thảo luận tại hội nghị cấp cao lần này chính là việc tìm tiếng nói chung về một trật tự khu vực châu Á - Thái Bình Dương dựa trên các nguyên tắc pháp quyền, nơi mà các tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình và thông qua đối thoại.
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về việc Mỹ tiếp tục duy trì các hành động bảo vệ tự do hàng hải (FONOPs) ở Biển Đông đến mức nào, ông Ben Rhodes khẳng định rằng sự hiện diện của Mỹ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương có mục đích ủng hộ các quy tắc mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia, trong đó có tự do hàng hải.
“Sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực cho thấy chúng tôi đang bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông cũng như ở nhiều khu vực khác. Chúng tôi tin tưởng rằng tự do hàng hải mang lại lợi ích cho tất cả các nước ASEAN, do đó ASEAN nên ủng hộ FONOPs.
Chúng tôi cũng phản đối việc quân sự hóa và các hành động gây căng thẳng ở Biển Đông, do đó chúng tôi ủng hộ ASEAN và Trung Quốc tiến tới việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử (COC)” - ông Ben Rhodes nói.
Phó cố vấn an ninh quốc gia thông tin thêm rằng Mỹ cũng có kênh đối thoại mở cấp cao với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. “Chúng tôi muốn nói rõ lần nữa là những gì chúng tôi đang thực hiện ở Biển Đông không nhằm chống lại Trung Quốc. Chúng tôi chỉ muốn ủng hộ các nguyên tắc quốc tế cơ bản trong đó có tự do hàng hải, một yếu tố vô cùng quan trọng đối với kinh tế khu vực và thế giới” - ông nhấn mạnh.
Về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ông Ben Rhodes cho biết Mỹ mong muốn nhiều quốc gia hơn nữa tham gia hiệp định này. Hiện tại Mỹ đang hợp tác với cả các thành viên TPP lẫn các nước không phải là thành viên TPP để thúc đẩy thương mại và đầu tư rộng khắp khu vực.
“Việc chúng tôi tổ chức phiên thảo luận về kinh tế, thương mại hôm nay cho thấy Mỹ xem ASEAN là một thị trường cực kỳ quan trọng đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư Mỹ. Việc tăng số lượng thành viên ASEAN tham gia TPP cũng sẽ có tác động tích cực” - ông Ben Rhodes đánh giá.
Ông cho biết thông qua hội nghị cấp cao lần này, chính quyền Obama muốn gửi thông điệp cho người dân Mỹ rằng Cộng đồng ASEAN là một trong những thị trường tiềm năng và phát triển nhanh nhất thế giới, do đó các doanh nghiệp và nhà đầu tư Mỹ có nhiều cơ hội ở đây và một thông điệp khác cho Quốc hội Mỹ rằng TPP sẽ giúp cho nền kinh tế Mỹ cạnh tranh hơn và đem lại lợi ích cho tất cả các quốc gia thành viên.
Tuyên bố chung Mỹ - Asean có vấn đề Biển Đông
Trả lời câu hỏi về việc có khả năng Mỹ và ASEAN sẽ đưa ra một tuyên bố chung mạnh mẽ đối với vấn đề Biển Đông trong ngày làm việc cuối cùng hay không, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice cho biết Mỹ vẫn còn đang làm việc với các đối tác ASEAN để có thể đưa ra một tuyên bố chung. Bà Rice tiết lộ tuyên bố chung này có nhiều nội dung khác nhau, trong đó có vấn đề Biển Đông.
“Trong những tuyên bố chung tương tự với ASEAN trước đây, quan điểm của chúng tôi luôn nhất quán là Mỹ nhấn mạnh việc cùng cam kết [với các nước ASEAN] giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình và pháp lý, bảo đảm tự do thương mại và hàng hải, tôn trọng pháp quyền” - bà Susan Rice giải thích thêm.
Theo Tuổi Trẻ