tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Trung Quốc đã thực sự quay lưng với Triều Tiên?

  • Cập nhật : 12/04/2017

Hàng chục chiếc tàu chở than của Triều Tiên đã buộc phải quay đầu về nước sau khi Trung Quốc yêu cầu các công ty nước này không nhập than từ Triều Tiên, xuất phát từ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân gây tranh cãi của Bình Nhưỡng.

Hôm 26/2, Trung Quốc đã ra lệnh cấm nhập khẩu than đá từ Triều Tiên trong năm 2017 sau khi Bình Nhưỡng liên tiếp cho tiến hành các vụ thử tên lửa bất chấp lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế. Động thái của Bắc Kinh đã gây ra thiệt hại nặng nề cho kinh tế Bình Nhưỡng bởi than đá là mặt hàng xuất khẩu chính của Triều Tiên. 

Để chấm dứt hoạt động mua bán than đá giữa hai nước, hôm 7/4, hải quan Trung Quốc đã chính thức ban bố lệnh buộc các công ty thương mại nước này yêu cầu các tàu chở than của Triều Tiên quay đầu về nước. Mệnh lệnh này được đưa ra đúng ngày Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Trung Quốc thảo luận về vấn đề Triều Tiên ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông Trump hôm 7/4. 

hoat dong van chuyen than da giua trieu tien va trung quoc o khu cang dan dong. 

Hoạt động vận chuyển than đá giữa Triều Tiên và Trung Quốc ở khu cảng Đan Đông. 

Theo Reuters, 12 tàu chở than của Triều Tiên đang quay trở về cảng phía tây Nampo. Trong đó, phần lớn các tàu hàng này di chuyển từ Trung Quốc về nước. Hiện giới chức Trung Quốc từ chối đưa ra lời bình luận về thông tin trên. 

Trong khi đó, chính quyền Mỹ vẫn không ngừng gia tăng sức ép buộc Trung Quốc có thêm hành động kiềm chế Triều Tiên. Thậm chí, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson mới đây còn nhấn mạnh, cuộc không kích của Mỹ nhằm vào một căn cứ quân sự ở Syria hôm 7/4 là nhằm cảnh cáo một số quốc gia trong đó có Triều Tiên. Theo Tổng thống Trump, cuộc không kích của Mỹ nhằm vào căn cứ không quân Shayrat là đòn đáp trả trước cáo buộc quân chính phủ Syria dùng vũ khí hóa học tấn công dân thường làm hơn 80 người thiệt mạng ở tỉnh Idlib hồi tuần trước. Hôm 9/4, Hải quân Mỹ còn điều động nhóm tàu sân bay do tàu USS Carl Vinson dẫn đầu tới gần bán đảo Triều Tiên. 

Còn hôm 10/4, một quan chức cấp cao ở Seoul cho hay, Trung Quốc và Hàn Quốc đã đồng thuận tăng cường lệnh trừng phạt với Triều Tiên nếu như Bình Nhưỡng tiếp tục tiến hành các vụ thử tên lửa tầm xa hoặc hạt nhân. 

Giới chuyên gia nhận định trong tháng Tư, Triều Tiên sẽ tổ chức kỷ niệm một số sự kiện lớn như ngày sinh cố lãnh đạo Kim Nhật Thành. Đây cũng có thể là dịp để Bình Nhưỡng thử vũ khí mới để kỷ niệm sự kiện. 

Reuters dẫn nguồn tin từ Dandong Chengtai, một trong những khách hàng Trung Quốc mua than đá nhiều nhất của Triều Tiên, công ty này có 600.000 tấn than đá của Triều Tiên đang chờ thông quan ở các cảng. Trong đó, 2 triệu tấn than đã bị giữ lại ở các cảng Trung Quốc. 

Các dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy phần lớn các tàu chở than của Triều Tiên đã rời cảng Trung Quốc và về nước với các thùng chứa than còn nguyên trên tàu.  

Hồi tháng trước, Malaysia cũng đã ngăn không cho một tàu chở than Triều Tiên di chuyển từ Trung Quốc cập cảng ở Penang. Chiếc tàu này đã chở theo 6.300 tấn than antraxit. Lâu nay, Triều Tiên được xem là nguồn cung chính than cho Trung Quốc để phục vụ nhu cầu nấu ăn cũng như sản xuất thép. 

Để bù đắp nguồn cung từ Triều Tiên, Trung Quốc đã đẩy mạnh nhập khẩu than từ Mỹ. Trong giai đoạn cuối năm 2014 – 2016, không có bất cứ tàu chở than dùng để nấu ăn từ Mỹ di chuyển tới Trung Quốc. Nhưng con số này đã tăng mạnh lên hơn 400.000 tấn vào cuối tháng Hai năm nay. Ngoài Mỹ, Nga cũng đang là nguồn cung cấp lớn than dùng để nấu ăn cho Trung Quốc sau khi Bắc Kinh ban bố lệnh cấm nhập than từ Bình Nhưỡng. 

Minh Thu (lược dịch)
Theo Infonet

Trở về

Bài cùng chuyên mục