tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh tối 22-03-2016

  • Cập nhật : 22/03/2016

Bỉ công bố tên kẻ đồng lõa mới trong vụ khủng bố Paris

Các công tố viên Bỉ ngày 21/3 đã công bố danh tính một kẻ đồng lõa mới trong loại vụ tấn công tại Paris hồi tháng 11 năm ngoái. Tên này là Najim Laachraoui, 24 tuổi, được biết đến với cái tên giả Soufiane Kayal.

chan dung cac nghi pham vu tan cong khung bo o paris ngay 13/11/2015, trong do co nghi can chinh vua bi bat salah abdeslam (hang tren, thu hai tu trai sang). anh: afp/ttxvn

Chân dung các nghi phạm vụ tấn công khủng bố ở Paris ngày 13/11/2015, trong đó có nghi can chính vừa bị bắt Salah Abdeslam (hàng trên, thứ hai từ trái sang). Ảnh: AFP/TTXVN

Theo thông tin điều tra, tên Najim Laachraoui sinh vào tháng 5/1991 và từng tới Syria hồi tháng 2/2013.

Dự kiến, cũng trong ngày 21/3, các công tố viên Bỉ và Pháp sẽ tổ chức cuộc họp báo chung tại thủ đô Brussels về vụ bắt giữ đối tượng Salah Abdeslam - nghi phạm hàng đầu gây ra loạt vụ tấn công khủng bố tại Paris hồi tháng 11/2015 khiến 130 người thiệt mạng và hơn 350 người bị thương.

Trước cuộc họp báo này, Trưởng công tố Paris Francois Molins sẽ gặp người đồng cấp Bỉ Frederic Van Leeuw để thảo luận về quá trình điều tra nghi can này. 

Hiện luật sư của Salah Abdeslam tuyên bố sẽ tìm mọi cách để chống lại lệnh dẫn độ Abdeslam về Pháp xét xử theo yêu cầu của Cơ quan Công tố Pháp. Vị luật sư này cũng dọa kiện ông Molins vi phạm quy định bảo mật điều tra khi tiết lộ những thông tin ban đầu về thẩm vấn nghi can cho báo giới.


Bà Aung San Suu Kyi sẽ không giữ chức gì trong chính phủ Myanmar

ba suu kyi co the se khong giu vi tri nao trong chinh phu moi

Bà Suu Kyi có thể sẽ không giữ vị trí nào trong chính phủ mới

Bà Aung San Suu Kyi sẽ điều hành chính phủ với tư cách người đứng đầu của đảng cầm quyền và có thể sẽ không giữ chức vụ gì trong chính phủ mới.
Đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử hồi năm 2015 tại Myanmar. Tuần qua, Quốc hội nước này, do NLD chiếm đa số, đã chọn ông Htin Kyaw, một người bạn thân của bà Suu Kyi làm tổng thống. Hiến pháp Myanmar không cho phép bà Suu Kyi trở thành tổng thống vì chồng quá cố và hai con bà mang quốc tịch Anh; hiện có nhiều đồn đoán về vị trí của bà Suu Kyi trong chính phủ mới.
“Giữ các vị trí (trong chính phủ) không phải là vấn đề quan trọng. Ở Mỹ có nhiều nghị sĩ nổi tiếng quyền lực trong quốc hội nhưng họ không giữ bất kỳ vị trí nào trong nội các chính phủ”, ông Zaw Myint Maung, người phát ngôn và là một trong số những lãnh đạo của NLD nói với Reuters hôm 20.3.
“Tương tự ở Myanmar. Bà ấy sẽ dẫn dắt NLD và cả chính phủ do NLD thành lập”, ông Zaw Myint Maung nói tiếp. Theo Reuters, đây là những phát biểu rõ ràng nhất của đảng này từ trước đến nay về vị trí của bà Suu Kyi. Tuy nhiên, ông này không nói gì thêm về kế hoạch của NLD.
Win Htein, một lãnh đạo khác của NLD và là người thân cận của bà Suu Kyi, nói với Reuters hồi tháng 11.2015 rằng bà Suu Kyi có thể "giống như Sonia Gandhi". Sonia Gandhi là quả phụ của cố thủ tướng Ấn Độ Rajiv Gandhi. Là lãnh đạo của đảng Quốc đại, bà "thống trị" chính phủ của cựu thủ tướng Manmohan Singh cho đến khi đảng Quốc đại thất bại trong cuộc bầu cử năm 2014.
Bà Suu Kyi nói trên đài truyền hình Ấn Độ hồi tháng 10.2015 rằng vai trò của bà trong chính phủ cũng giống Sonia Gandhi nhưng không hoàn toàn như thế. Tuy nhiên bà cũng không giải thích gì thêm.
Tờ The Straits Times (Singapore) hồi tháng 1.2016 dẫn các nguồn tin từ NLD và ở Myanmar nói rằng bà Suu Kyi có thể là ngoại trưởng mới của nước này. Với vị trí này, bà có thể song hành với tổng thống để thực hiện chính sách của NLD cũng như tham gia cuộc họp với các tư lệnh quân đội. Tuy nhiên người phát ngôn NLD không nhắc gì đến việc này trong cuộc gặp báo chí hôm 20.3.
Chính phủ mới của Myanmar sẽ chính thức ra mắt vào đầu tháng 4.2016.

Học thuyết mới đối phó Nga của Thụy Điển

tau tan cong nhanh cua hai quan thuy dien tuan tra o vung ban dao stockholm - anh: reuters

Tàu tấn công nhanh của hải quân Thụy Điển tuần tra ở vùng bán đảo Stockholm - Ảnh: Reuters

Thụy Điển đang cấp tập đẩy mạnh khả năng phòng vệ, thiết lập chiến lược quân sự mới nhằm đối phó vấn đề mà nước này coi là “nguy cơ tiềm tàng từ Nga”.
Bộ Quốc phòng Thụy Điển cuối tuần trước thông báo nước này đang sửa đổi Học thuyết quân sự chiến lược (MSD) nhằm đối phó “các mối đe dọa” từ Nga. Chuyên trang Defense News dẫn lời giới chức Stockholm cho rằng MSD sẽ là nền tảng mới để Lực lượng vũ trang nước này (SAF) nâng cao khả năng chiến đấu bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia.

Qua rồi thời “ngủ yên”
Theo các chiến lược gia Thụy Điển, học thuyết hiện nay của nước này ra đời từ sau Chiến tranh lạnh đã không còn phù hợp với bối cảnh tình hình chính trị - an ninh khu vực và thế giới hiện nay. Họ cho rằng sau khi Liên Xô, vốn bị coi là mối đe dọa duy nhất đối với Thụy Điển, tan rã kéo theo mấy chục năm yên bình, ổn định cộng thêm việc Stockholm chọn đường lối trung lập đã làm suy yếu đáng kể năng lực phòng ngự.
Quân đội Thụy Điển bắt đầu giảm năng lực chiến đấu sau thời điểm Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989 và ngày càng suy yếu khi chính phủ đẩy mạnh cắt giảm chi tiêu quốc phòng. Theo Defense News, khả năng điều động lực lượng của quân đội Thụy Điển vào năm 1985 là khoảng 100.000 binh sĩ tại ngũ cùng 350.000 lính dự bị. Kho vũ khí phản ứng tiền tuyến có 300 máy bay chiến đấu, 40 tàu chiến và 12 tàu ngầm cùng hệ thống pháo binh ven biển hùng hậu...
Thế nhưng sau năm 1989 đến nay, lục quân mất hơn 50% đơn vị chiến đấu, không quân bị cắt hơn 60% số chiến đấu cơ, còn hải quân mất 30% số tàu nổi lẫn tàu ngầm. Thậm chí vào năm 2010, Thụy Điển quyết định bỏ luôn luật nghĩa vụ quân sự bắt buộc trong thời bình.
Defense News dẫn lời cựu Tổng chỉ huy SAF Sverker Göranson ta thán rằng SAF hiện “không còn khả năng đủ sức bảo vệ đất nước khỏi một cuộc xâm lược trực tiếp”. Tương tự, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng quốc hội Allan Widman nhận định: “Chúng ta không thể tiếp tục làm suy yếu năng lực quân đội. Học thuyết quân sự cũ hình thành từ thời điểm bản thân Thụy Điển và các nước láng giềng không gặp phải mối đe dọa nào. Giờ đây, chúng ta đang sống trong thời thế khó lường hơn”.
Trong bối cảnh đối đầu Nga - NATO căng thẳng trở lại xuất phát từ khủng hoảng Ukraine, nhiều quốc gia láng giềng của nước này ở châu Âu, đặc biệt là Đông và Bắc Âu, cảm thấy nguy cơ đang chực chờ. Vì thế, học thuyết quân sự mới kêu gọi thay đổi theo hướng “phòng ngự hung hăng” hơn.
Cụ thể, SAF cần mở rộng lực lượng, tăng cường khí tài và thiết lập khuôn khổ cho phép triển khai các hệ thống vũ khí tiên tiến cho những chiến dịch tác chiến lớn chống lại đòn tấn công nếu có từ Nga nhằm vào lợi ích của Thụy Điển và bạn bè. Bước đầu, chính quyền Stockholm vừa cam kết tăng chi tiêu quân sự, hiện đại hóa máy bay chiến đấu, pháo binh và năng lực hải quân, đồng thời tái thiết lập hiện diện quân sự trên đảo Gotland, từng là tiền đồn chiến lược của Thụy Điển tại biển Baltic.

Hướng về NATO
Thụy Điển đang bộc lộ ý định thay đổi dần định hướng không liên kết lâu nay khi học thuyết quân sự mới cho rằng nước này có thể hợp tác với các láng giềng Bắc Âu hoặc cả NATO khi cần đối phó Nga. Thậm chí tại Stockholm đã xuất hiện một số ý kiến về gia nhập NATO.
“Chúng tôi tin rằng Thụy Điển gia nhập NATO sẽ tăng cường an ninh trong khu vực Baltic. Trở thành thành viên NATO cũng sẽ giúp chúng ta có tiếng nói đối với các quyết định ảnh hưởng đến chúng ta”, Defense News dẫn lời nghị sĩ Hans Wallmark, thành viên Ủy ban Quốc phòng quốc hội, tuyên bố.
Trước mắt, Thụy Điển theo đuổi một loạt thỏa thuận hợp tác quân sự với khối này, Mỹ cũng như nhiều nước đang lo ngại về Nga khác như Ba Lan và các láng giềng Bắc Âu. “Đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với các nước Bắc Âu là phản ứng trực tiếp của Thụy Điển đối với những hành vi gây hấn của Nga”, Bộ trưởng Quốc phòng Peter Hultqvist tuyên bố.
Trong khi đó, đến nay các quan chức Điện Kremlin vẫn bác bỏ cáo buộc rằng Nga nuôi ý đồ tấn công NATO hoặc xâm phạm các lợi ích của châu Âu. Moscow khẳng định đây là sản phẩm thêu dệt của NATO nhằm tạo cớ tăng cường hiện diện quân sự sang phía đông, áp sát biên giới và đe dọa các lợi ích chiến lược của Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố “Chỉ có kẻ điên mà còn đang nằm mơ mới nghĩ đến khả năng Nga tấn công châu Âu”, theo Hãng thông tấn Sputnik.

Ả Rập Xê Út chuẩn bị cho cảnh thế giới không dùng dầu mỏ

bo truong dau mo a rap xe ut ali al-naimi - anh: bloomberg

Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập Xê Út Ali al-Naimi - Ảnh: Bloomberg

Dù đang bơm dầu với mức kỷ lục ra thị trường, Ả Rập Xê Út vẫn chuẩn bị sẵn sàng cho ngày thế giới không cần những nhà xuất khẩu dầu lớn nhất.
Nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới đang tập trung vào các nguồn năng lượng tái tạo như mặt trời để chuẩn bị cho một nền kinh tế thời hậu dầu thô, hãng tin Bloomberg trích ý kiến của Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập Xê Út Ali al-Naimi cho biết. Dù vậy, ông Ali al-Naimi ước tính người tiêu dùng thế giới vẫn sẽ dùng nhiên liệu hóa thạch trong ít nhất 50 năm tới.
“Tôi không nghĩ là có nước nào lý tưởng cho năng lượng tái tạo hơn Ả Rập Xê Út”, Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập Xê Út nói, nhắc đến nguồn ánh nắng mặt trời, đất và cát dồi dào của đất nước. Đó là những yếu tố cần thiết cho việc chế tạo các tấm năng lượng mặt trời. Ả Rập Xê Út và một số quốc gia khác đang nghiên cứu, tìm cách chuyển từ dầu khí sang năng lượng tái tạo.
Đây không phải là lần đầu tiên thành viên dẫn dầu Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) ra hiệu về thông tin trên khi chính phủ nhiều nước trên thế giới đã cam kết hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Các nước đang chuẩn bị cho một thế giới không còn xài dầu thô.
Ở hội nghị khí hậu tại Paris (Pháp) diễn ra tháng 5.2015, ông al-Naimi nói rằng Ả Rập Xê Út đang lên kế hoạch “xuất khẩu hàng gigawatt năng lượng điện” đến từ các tấm năng lượng mặt trời trong những thập niên tới. Nước này đặt mục tiêu cài đặt 54 gigawatt năng lượng sạch đến năm 2040. Cũng trong năm đó, tỷ lệ tiêu thụ năng lượng tái tạo trên thế giới sẽ chiếm 19%, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
Ngoài ra, tuyên bố của ông al-Naimi cũng là tín hiệu cho thấy quốc gia Trung Đông đang cố gắng đa dạng hóa nền kinh tế.
Tuy giảm nhiệt tình khi nói về tương lai xuất khẩu dầu thô, Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập Xê Út vẫn để ngỏ các câu hỏi về thị trường dầu thô toàn cầu hiện nay và từ chối cho biết chi tiết của một cuộc họp đã được lên lịch vào tháng 4 sắp tới. Các nhà sản xuất dầu lớn, trong đó có Nga, sẽ tập trung về thành phố Doha (Qatar), cố gắng chốt thỏa thuận đóng băng sản lượng.

Trung Quốc rúng động vì bê bối buôn bán vaccine bất hợp pháp

Người dân Trung Quốc đang rất giận dữ và đề cao cảnh giác sau khi thông tin về một đường dây buôn bán vaccine phi pháp ở tỉnh Sơn Đông của nước này được công bố.
vaccine duoc bao quan va van chuyen khong dung cach co the gay ra nhung tac dung phu khong mong muon tham chi khien benh nhan tu vong. anh minh hoa:afp

Vaccine được bảo quản và vận chuyển không đúng cách có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn thậm chí khiến bệnh nhân tử vong. Ảnh minh họa:AFP

Đường dây buôn bán vaccine bất hợp pháp kể trên có sự tham gia của hàng trăm người tại 24 tỉnh thành phố của Trung Quốc, BBC dẫn các bản tin địa phương cho biết.

Thông tin xuất hiện hôm nay về việc một bé trai thiệt mạng sau khi được tiêm vaccine tiếp tục khiến dư luận hoang mang. Nhiều bậc cha mẹ có con nhỏ tỏ ra giận dữ dù nhà chức trách khẳng định vụ việc không liên quan tới bê bối ở Sơn Đông.

Mạng lưới buôn bán vaccine bất hợp pháp này được cho là bắt đầu hoạt động từ năm 2011. Theo Xinhua, hai mẹ con kẻ cầm đầu mạng lưới đã thu mua số lượng lớn vaccine từ cả nguồn chính thống và không chính thống sau đó bán lại cho các đầu nậu phi pháp hay những trung tâm kiểm soát, ngăn ngừa dịch bệnh ở địa phương với giá cao.

Chuyên gia đánh giá số lượng vaccine trị giá tới 88 triệu USD kể trên dù bắt nguồn từ các nhà sản xuất có giấy phép đi chăng nữa thì cũng không thể đảm bảo chất lượng bởi chúng không được vận chuyển và bảo quản đúng quy trình. Điều này có khả năng gây ra những tác dụng phụ không mong muốn, thậm chí khiến bệnh nhân tử vong.

Dù cơ quan chức năng biết về vụ việc từ tháng 4 năm ngoái nhưng phải chờ đến hôm 18/3 vừa qua họ mới chính thức công bố và yêu cầu các nhà cung ứng đứng ra hỗ trợ việc tìm kiếm nạn nhân.

Từ khi thông tin được tiết lộ, hàng nghìn bình luận chỉ trích chính quyền bắt đầu xuất hiện ngập tràn trên các trang mạng xã hội Trung Quốc.

"Đây là một vụ án lớn. Ấy vậy mà chưa có bất kỳ quan chức nào đứng ra xin lỗi chứ đừng nói gì đến từ chức", một người dùng mạng Sina Weibo viết.

"24 tỉnh, trong 5 năm, cùng không biết bao nhiêu đứa trẻ bị ảnh hưởng!... Gần một năm sau và giờ đây họ mới công bố! Đó chẳng phải là hành vi diệt chủng ư? Không từ ngữ nào có thể diễn tả sự tức giận của tôi vào lúc này", một người khác chia sẻ.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục