tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh tối 28-02-2016

  • Cập nhật : 28/02/2016

Nhật, Ấn, Úc quan ngại sâu sắc về Biển Đông

may bay chong ngam uc ap-3c orion thuong duoc trien khai tuan tra o bien dong - anh: abc

Máy bay chống ngầm Úc AP-3C Orion thường được triển khai tuần tra ở Biển Đông - Ảnh: ABC


Tình hình Biển Đông tiếp tục khiến dư luận quốc tế đặc biệt lo ngại sau những hành động phương hại đến hòa bình và ổn định trong khu vực của Trung Quốc.
Ngày 26.2, trong cuộc hội đàm 3 bên ở Tokyo, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Akitaka Saiki cùng Quốc vụ khanh đặc trách ngoại giao và thương mại Úc Peter Varghese và Bí thư đối ngoại Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar thảo luận nhiều vấn đề an ninh khu vực, trong đó tập trung vào vấn đề Biển Đông.
“Chúng tôi chia sẻ quan ngại sâu sắc về những động thái đơn phương thay đổi hiện trạng dẫn đến tình trạng bất ổn ở khu vực. Chúng tôi cũng chia sẻ nhu cầu thiết lập quy định mới trong khu vực để duy trì tinh thần thượng tôn pháp luật và tự do hàng hải”, Kyodo News dẫn lời Saiki tuyên bố sau cuộc hội đàm.
Trước đó, Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida nhấn mạnh rằng hợp tác 3 bên về các vấn đề ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương góp phần duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực và Tokyo sẽ tìm cách thắt chặt quan hệ tay ba này.
Cũng trong ngày 26.2, tờ The Economics Times dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Vikas Swarup nhấn mạnh cần phải tránh những hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng tại Biển Đông, khi được hỏi về các hoạt động xây dựng phi pháp của Trung Quốc trong khu vực.

Biển Đông vào Sách trắng quốc phòng Úc
Tình trạng Trung Quốc ồ ạt quân sự hóa Biển Đông cũng khiến những nước không tham gia tranh chấp “đứng ngồi không yên” vì ảnh hưởng đến một trong những tuyến hàng hải quan trọng nhất thế giới cũng như tác động đến bối cảnh địa chiến lược châu Á - Thái Bình Dương. Mới nhất, Úc thể hiện rõ lập trường khi đưa Biển Đông vào Sách trắng quốc phòng được công bố hôm 25.2.
“Tranh chấp chủ quyền giữa các bên ở Biển Đông và biển Hoa Đông tạo ra tình trạng không chắc chắn và căng thẳng ở khu vực. Những chính sách và hành động của Trung Quốc sẽ có tác động lớn về ổn định ở Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương tới năm 2035”, Sách trắng cảnh báo. Tài liệu này còn nhấn mạnh: “Úc phản đối việc sử dụng những cấu trúc nhân tạo ở Biển Đông cho mục đích quân sự. Úc cũng phản đối việc củng cố tuyên bố chủ quyền và những quyền hàng hải không phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS)”.
Hôm qua 26.2, Giáo sư Rory Medcalf tại Đại học Quốc gia Úc nhận định với tờ The Australian Financial Review rằng Sách trắng là bằng chứng cho thấy Úc xem căng thẳng ở Biển Đông là quan ngại an ninh hợp pháp của mình. Ông nói rõ: “Sách trắng nêu bật rằng môi trường an ninh xung quanh Úc ngày càng trở nên phức tạp và không chắc chắn. Phần lớn nguyên do của tình trạng này liên quan đến cách Trung Quốc đang sử dụng sức mạnh cơ bắp của mình”.
Trong buổi công bố Sách trắng quốc phòng, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull cảnh báo: “Chúng tôi sẽ quan ngại nếu sự cạnh tranh về ảnh hưởng hoặc sự phát triển các khả năng quân sự dẫn tới bất ổn và đe dọa lợi ích của Úc ở Biển Đông, bán đảo Triều Tiên hoặc khu vực xa hơn”. Theo Giáo sư Medcalf, phát biểu của ông Turnbull chứng tỏ chính quyền Canberra vẫn để ngỏ khả năng thực hiện quyền tự do hàng hải ở Biển Đông bằng cách cho tàu chiến tuần tra vùng biển phạm vi 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp ở Biển Đông như Mỹ từng làm.
Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Úc Kevin Andrews kêu gọi Thủ tướng Turnbull nhanh chóng phê chuẩn đưa tàu chiến thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý và những hành động nguy hiểm của Trung Quốc. “Trung Quốc đang lợi dụng sự rụt rè của một số bộ phận ở Mỹ và đồng minh. Chúng ta đã có những bước đi rất thận trọng trong mấy tháng qua và phản ứng của Trung Quốc là gì? Họ tiếp tục quân sự hóa Biển Đông lẫn biển Hoa Đông dù Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra cam kết ngược lại”, ông Andrews khẳng định với Đài ABC.

Nguy cơ “kiểm soát thực tế”
Phát biểu với báo chí hôm 26.2, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ Harry Harris cho rằng bằng các hành động xây dựng phi pháp căn cứ không quân, boong-ke kiên cố trên các bãi đá ở Trường Sa, lắp đặt radar tiên tiến cũng như hệ thống phòng thủ tên lửa, Trung Quốc cho thấy ý đồ quyết đạt được ưu thế về quân sự ở Biển Đông. “Nếu Trung Quốc tiếp tục vũ trang tất cả những nơi họ bồi đắp, họ sẽ thay đổi diện mạo hoạt động ở khu vực... Dù không gây chiến tranh với Mỹ nhưng Trung Quốc sẽ tiến hành kiểm soát thực tế Biển Đông”, Đô đốc Harris cảnh báo. Ông cũng cho biết rất quan ngại khả năng Trung Quốc sẽ càng “gây bất ổn và khiêu khích” với hành động lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.
“Đô đốc Harris đang rung hồi chuông báo động về điều có thể xảy nếu không có sự ngăn chặn đầy đủ. Điều mà ông muốn kêu gọi ở đây là phản ứng mạnh mẽ từ các bên trong lẫn ngoài khu vực. Một mình Mỹ không thể làm điều này”, AFP dẫn lời chuyên gia Bonnie Glaser tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) nhận định. Mới đây, Hãng thông tấn Bloomberg cũng đăng bài xã luận kêu gọi Mỹ vừa tiếp tục triển khai tàu và máy bay tuần tra duy trì tự do lưu thông trong khu vực vừa hỗ trợ đồng minh và đối tác theo nguyên tắc: tuyên bố chủ quyền phải dựa trên luật pháp quốc tế, tranh chấp phải được giải quyết một cách hòa bình và tự do lưu thông ở Biển Đông là một quyền cơ bản.

Tổng thống Putin lo ngại kẻ thù bên ngoài phá hoại bầu cử Nga

tong thong putin keu goi tang cuong cong tac tinh bao de ngan chan su chong pha tu ben ngoai - anh: reuters

Tổng thống Putin kêu gọi tăng cường công tác tình báo để ngăn chặn sự chống phá từ bên ngoài - Ảnh: Reuters


Tổng thống Nga cảnh báo cuộc bầu cử quốc hội của nước này có nguy cơ sẽ bị kẻ thù bên ngoài chống phá. Ông kêu gọi cơ quan an ninh bằng mọi cách ngăn chặn kịp thời sự can thiệp từ bên ngoài.
Trong cuộc họp với Cơ quan An ninh liên bang (FSB) hôm 26.2, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, kẻ thù từ bên ngoài đang lên kế hoạch gây rối cuộc bầu cử quốc hội Nga, sẽ được tổ chức vào tháng 9.2016.
“Kẻ thù ở ngay cửa ngõ của chúng ta cũng đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử này. Vì vậy chúng ta cần phải cật lực bảo vệ cuộc bầu cử và lợi ích của đất nước theo đúng luật pháp”, Tổng thống Putin được TASS trích phát biểu trong cuộc họp của FSB.
"FSB cần làm mọi thứ để chặn đứng âm mưu của những kẻ muốn lợi dụng chủ nghĩa dân tộc, bài ngoại và cực đoan nhằm gây bất hòa cho xã hội chúng ta", ông Putin nói với các sĩ quan cao cấp FSB, theo RT.
Ông cảnh báo, tình báo nước ngoài hoạt động ngày càng tích cực ở Nga. Năm 2015, FSB ngăn chặn được nhiều phi vụ do 400 gián điệp nước ngoài tiến hành trên lãnh thổ Nga tổ chức thực hiện, trong số này đã có 23 người đã bị khởi tố.
Hơn 24 triệu cuộc tấn công mạng nhắm vào các trang web nhà nước Nga và vào hệ thống thông tin, được ghi nhận trong năm 2015, ông Putin phát biểu, theo thông cáo của điện Kremlin.
Các nhà phân tích nhận định, mặc dù có những phản đối và bất mãn đối với tiền lương nhân công cùng những khó khăn hiện tại của nền kinh tế ở Nga, đảng cầm quyền của Tổng thống Putin dự kiến sẽ tiếp tục giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử sắp tới, theo AFP.

Hiểm họa từ chợ vũ khí Syria trên mạng

mot vu khi duoc phe noi day syria rao ban - anh: daily mail

Một vũ khí được phe nổi dậy Syria rao bán - Ảnh: Daily Mail


Nhiều nhóm nổi dậy Syria đang rao bán vũ khí hạng nặng trên Facebook, làm dấy lên lo ngại chúng có thể rơi vào tay các tổ chức cực đoan.
Theo báo mạng The Washington Free Beacon hôm 26.2, nhiều nhóm nổi dậy được phương Tây hậu thuẫn tại Syria đang sử dụng mạng xã hội Facebook để rao bán lượng lớn vũ khí và đạn dược, từ tên lửa cho đến súng máy.
Trang “Chợ vũ khí đầu tiên ở vùng Idlib (Syria)” tràn ngập quảng cáo vũ khí các loại như súng phóng lựu thời Liên Xô AGS-17 có giá 3.800 USD, camera nhiệt hỗ trợ quan sát ban đêm do Công ty Mỹ FLIR sản xuất trị giá chừng 4.100 USD và đạn cối 105 mm. Ngoài ra, các loại vũ khí đắt tiền như ống phóng tên lửa TOW và MANPAD cũng xuất hiện.
Điều nguy hiểm là các loại tên lửa vác vai này có khả năng bắn hạ cả máy bay quân sự lẫn dân sự ở tầm thấp. Giới quan sát lo ngại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) có thể thông qua bình phong để mua MANPAD, được chào giá 67.000 USD, để tấn công máy bay dân sự.
Theo tờ The Telegraph, các mẩu quảng cáo đều có nội dung mời gọi người mua liên lạc riêng với nhóm quản trị trang thông qua ứng dụng nhắn tin WhatsApp để thảo luận giao dịch mua bán. Ngoài ra, đa số tài khoản vào bình luận đều bị phát hiện có dấu hiệu liên hệ với các tổ chức cực đoan như Islamic Front và Ahrar al-Sham, vốn dính líu tới al-Qaeda.
Sau khi báo đài đồng loạt đưa tin, Facebook đã lập tức tháo trang chợ vũ khí xuống với lời giải thích “Trang đã bị gỡ bỏ vì vi phạm chính sách của chúng tôi”. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đặt câu hỏi bao nhiêu vũ khí đã bị tuồn ra ngoài và vào tay ai.
Theo nhiều nguồn tin, phần lớn các loại vũ khí nói trên, bao gồm tên lửa TOW, xuất phát từ Mỹ và các đồng minh cung cấp cho phe nổi dậy Syria. Đáng chú ý là hồi tháng 9.2015, IS đã dùng TOW để tấn công một tàu chiến của hải quân Ai Cập. Cùng thời gian này, Lầu Năm Góc thừa nhận nhiều nhóm vũ trang “đối lập ôn hòa” đã chuyển giao ít nhất 1/4 số vũ khí và thiết bị quân sự của họ cho Jabhat al Nusra, chi nhánh của al-Qaeda và là đối thủ tranh giành ảnh hưởng với IS tại Syria.
Mặc dù nhóm rao bán vũ khí được xác định không phải là đồng minh với IS nhưng vụ việc một lần nữa làm đào sâu thêm lo ngại tình hình hỗn loạn tại Syria và Iraq có thể khiến vũ khí hạng nặng của phương Tây và đồng minh dễ rơi vào tay lực lượng khủng bố.

Mỹ thử tên lửa để 'nhắn gửi' các đối thủ

ten lua minuteman iii trong dot phong thu hoi tuan truoc - anh: usa today

Tên lửa Minuteman III trong đợt phóng thử hồi tuần trước - Ảnh: USA Today


Quân đội Mỹ chiều 26.2 phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) nhằm phô diễn độ tin cậy của kho vũ khí hạt nhân trong bối cảnh căng thẳng với nhiều nước đang gia tăng.
Theo Reuters, tên lửa Minuteman III không mang đầu đạn được phóng từ căn cứ không quân Vandenberg, bang California và trúng mục tiêu gần đảo san hô Kwajalein thuộc quần đảo Marshall ở nam Thái Bình Dương. Đây là vụ thử ICBM lần thứ 2 trong tuần này của Mỹ và là vụ thử thứ 15 kể từ tháng 1.2011.
Thứ trưởng Quốc phòng Robert Work tuyên bố động thái này nhằm gửi đến các đối thủ cạnh tranh chiến lược như Nga và Trung Quốc lẫn các quốc gia thù địch như CHDCND Triều Tiên thông điệp rằng Washington hiện đang sở hữu một kho vũ khí hạt nhân hiệu quả.
Bộ Quốc phòng Mỹ đã chi hàng triệu USD vào việc bảo trì, nâng cấp các hệ thống vũ khí hạt nhân. Trong kế hoạch ngân sách quốc phòng được công bố hồi đầu tháng, Tổng thống Barack Obama đã đề nghị tăng 1,8 tỉ USD để đại tu phi đội máy bay ném bom hạt nhân, tên lửa, tàu ngầm hạt nhân cũ và những hệ thống vũ khí khác. Kế hoạch đại tu dự kiến sẽ tiêu tốn 320 tỉ USD trong vòng 1 thập niên tới.

Top 10 nước kết nối chặt chẽ nhất với thế giới

Báo cáo mới nhất từ bộ phận nghiên cứu của hãng McKinsey mới đây xếp hạng 10 quốc gia kết nối chặt chẽ nhất với thế giới. Singapore là nước đứng đầu.
Theo Bloomberg, kết nối là điều mà mọi người, từ các thành viên mafia cho đến những ứng cử viên nộp hồ sơ vào Ivy-League, đều hiểu rất rõ. Kết nối thực sự là yếu tố mà những nước đang phấn đấu để cải thiện cuộc sống người dân nên quan tâm, nghiên cứu dài 144 trang của bộ phận nghiên cứu thuộc hãng McKinsey cho hay.
Càng kết nối sâu rộng với thế giới, kinh tế đất nước càng tốt hơn. Kết nối không dừng lại về mặt thương mại và tài chính mà còn liên quan đến con người, chủ yếu là lượng người nhập cư đến một nước, và số lượng dữ liệu truyền qua biên giới của một quốc gia.
Cân nhắc tất cả các yếu tố trên, McKinsey Global Institute xếp hạng 139 nước trong bảng đánh giá mức độ kết nối. Đứng đầu danh sách này là Singapore, đảo quốc đã thành công trong việc trở thành trung tâm của khu vực châu Á. Hai vị trí thứ nhì và ba lần lượt thuộc về Hà Lan - trung tâm kỹ thuật số chính của châu Âu, và Mỹ - nền kinh tế số một thế giới.
Các nước liền sau top 3 là: Đức, Ireland, Anh, Trung Quốc, Pháp, Bỉ và Ả Rập Xê Út. Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới và là quê hương của nhiều thương hiệu toàn cầu, đứng ở vị trí thấp đáng ngạc nhiên là 24, chủ yếu vì các hạn chế trong việc xuất nhập cảnh.
top 10 nuoc ket noi chat che nhat voi the gioi - anh: bloomberg

Top 10 nước kết nối chặt chẽ nhất với thế giới - Ảnh: Bloomberg

Báo cáo chỉ ra kinh tế thế giới về tổng thể hưởng lợi 7.800 tỉ USD từ dòng chảy của hàng hóa, dịch vụ, tài chính và dữ liệu qua biên giới USD vào năm 2014. “Các nước cởi mở với dòng chảy toàn cầu gia tăng GDP của họ”, chuyên gia Susan Lund thuộc McKinsey Global Institute nói.
Báo cáo cũng cho rằng các lập luận về sự kết thúc của chuyện toàn cầu hóa được đưa ra quá sớm. Dù thương mại toàn cầu đã chậm lại rõ rệt và các dòng vốn thì đi xuống sau khi đạt đỉnh 12.000 tỉ USD năm 2007 - trước thời điểm khủng hoảng tài chính, sự kết nối vẫn bùng nổ qua việc truyền tải dữ liệu trên thế giới.
luong du lieu di xuyen bien gioi tang vot tu nam 2005 den nam 2015 - anh: bloomberg

Lượng dữ liệu đi xuyên biên giới tăng vọt từ năm 2005 đến năm 2015 - Ảnh: Bloomberg

Một nửa số người dùng Facebook đã có ít nhất một người bạn ngoại quốc trong năm 2015, tăng từ mức 16% trong năm 2012.
Không chỉ dừng lại ở chuyện trao đổi tin nhắn riêng tư, Facebook còn ước tính có khoảng 50 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ đang tồn tại trên nền tảng này, gần gấp đôi con số doanh nghiệp xuất hiện trên Facebook hồi năm 2013. Trung bình, 30% người dùng theo dõi các doanh nghiệp này đến từ nước ngoài.
“Chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mới và hoàn toàn khác của toàn cầu hóa, và yếu tố xác định ở đây là dòng dữ liệu và kỹ thuật số”, cô Lund kết luận.

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục