Việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ khiến nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sẽ gặp khó, sức ép cạnh tranh tăng mạnh từ các nước khác trong đó có Trung Quốc.
Người Trung Quốc chỉ rõ những sai lầm của hàng Việt
- Cập nhật : 28/08/2018
Doanh nghiệp Việt Nam sai lầm khi cho rằng thị trường Trung Quốc “ăn khỏe, dễ tính” nên cái gì cũng bán được.
Hơn 60% hàng hóa nông sản Việt Nam (VN) đi qua con đường tiểu ngạch nên gặp nhiều rủi ro từ nhập khẩu cho đến thanh toán và chính sách bán hàng. Ông Vĩ Tích Thành, Tham tán thương mại và kinh tế Tổng lãnh sự quán Trung Quốc (TQ) tại TP.HCM, nhận xét như trên tại hội thảo “Nâng cao hiệu quả tiếp cận thị trường TQ cho nông sản Việt” vừa tổ chức ở TP.HCM.
Ăn khỏe nhưng không phải cái gì cũng ăn
Theo ông Vĩ Tích Thành, sau khi cải cách kinh tế, thu nhập bình quân đầu người ở TQ gia tăng lên 8.000 USD/năm. Điều này kéo theo tầng lớp trung lưu gia tăng, do đó với người dân TQ nhu cầu ẩm thực rất quan trọng và người dân rất “biết ăn, thích ăn và ăn rất khỏe”.
TQ đang tăng cường nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu người dân nhưng người dân đang dần chuyển dịch xu hướng từ ăn no sang ăn ngon. “Hàng nông sản VN có lợi thế về đường vận chuyển sát biên giới TQ. Thị trường TQ đã biết rất rõ về nông sản VN như thanh long, gạo, cá ba sa, hạt điều, cà phê… Nhưng nông sản Việt vào TQ còn khó khăn vì có nhiều điểm yếu” - ông Thành nói.
Ông Thành dẫn chứng các doanh nghiệp (DN) nhỏ và siêu nhỏ thường xuất khẩu qua đường tiểu ngạch và thương lái TQ khi đi mua cũng thường áp dụng hình thức này. Trong khi xuất khẩu tiểu ngạch không bền vững, rủi ro rất cao. Ví dụ, do không dự báo trước nhu cầu nên nông dân sản xuất ồ ạt một sản phẩm nông nghiệp nhưng thương lái lại không thu mua. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nông sản Việt được mùa thì lại mất giá, phải triền miên giải cứu, thậm chí phải đổ bỏ.
Vị tham tán thương mại và kinh tế TQ cũng nhận xét thẳng thắn rằng người Việt chưa hiểu về thị trường TQ và DN chưa chủ động xem thị hiếu, nhu cầu của người dân TQ là gì để từ đó tập trung sản xuất. Dẫn câu chuyện về việc cá ba sa nhập nhiều vào TQ thời gian qua, ông Thành cho rằng do VN biết cách quảng bá thương hiệu loài cá này. “Các nông sản khác của VN cũng nên học tập cách làm như với cá ba sa” - ông Thành gợi ý.
Còn ông Rocky Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp TQ khu vực Đông Nam Á, chỉ ra điểm yếu của DN VN là không biết cách quảng bá sản phẩm và chưa có nhiều sản phẩm có chất lượng tốt vào TQ. Vì vậy người tiêu dùng TQ, nhất là ở các thành phố lớn không có ấn tượng sâu sắc về hàng nông sản VN.
Ông Sun dẫn chứng: “Hiện nay 99% thanh long tại TQ đều được nhập khẩu từ VN. Đáng tiếc khâu truyền thông về thế mạnh của thanh long VN gần như không có. Gần đây thanh long vào TQ mới có bao bì bắt mắt, tuy nhiên vẫn còn ít”.
Lấy thêm ví dụ từ quả kiwi từ New Zealand, cam từ Mỹ, jerry của Chile…, ông Rocky Sun cho rằng: Những quốc gia trên có quy trình nhập khẩu chính ngạch từng loại trái cây vào TQ rất bài bản, chuyên nghiệp và thương hiệu phát triển rất tốt tại TQ nhờ tập trung một đầu mối.
“Họ thống nhất được quy trình trồng, giống, gia công, đóng gói… với thương hiệu chung nên dễ làm truyền thông” - ông Rocky Sun nêu kinh nghiệm.
Ông Vĩ Tích Thành gợi ý DN Việt nên chủ động tiếp cận kênh bán hàng trên các trang thương mại điện tử TQ. Vì đây là kênh bán hàng tốt và quảng bá sản phẩm VN đến tận tay người tiêu dùng TQ. Ảnh: QH
Không hiểu thị trường TQ
Ông Đỗ Ngọc Chất, Giám đốc Công ty Việt Á chuyên xuất khẩu trái cây sang TQ, cho biết: VN nói nhiều về xuất khẩu chính ngạch sang thị trường TQ để có giá trị tăng cao, đảm bảo thanh toán, giảm rủi ro. Thế nhưng TQ hiện chỉ cho phép tám mặt hàng nông sản chính ngạch gồm xoài, thanh long, mít, chuối, dưa hấu, vải, nhãn và chôm chôm.
“Vậy còn các mặt hàng khác buộc phải đi đường tiểu ngạch, trong khi nhiều nông sản khác của VN rất mạnh như khoai lang, bưởi, sầu riêng… Vậy thì chúng tôi xuất khẩu như thế nào?” - ông Chất đặt câu hỏi cho các vị quan chức TQ và VN.
Cung cấp thông tin miễn phí nhưng không ai hỏi
Ông Vũ Tiến Hùng, Trưởng Văn phòng Xúc tiến thương mại VN tại Hàng Châu (TQ), nhận xét DN VN tưởng rằng mình hiểu rõ thị trường TQ nhưng thực tế lại chưa có nhiều thông tin về thị trường này, mặc dù tại đây có đến bảy cơ quan đại diện VN.
“Rất ít thấy DN VN gặp chúng tôi để hỏi chính sách, thủ tục xuất khẩu vào thị trường TQ dù các cơ quan này cung cấp thông tin hoàn toàn miễn phí. Chưa kể có thể giúp DN kết nối với các cơ quan hữu quan TQ để hưởng được các ưu đãi tốt nhất” - ông Hùng nói.
Trả lời thắc mắc này, ông Lê Thanh Hòa, Phó Giám đốc văn phòng SPS VN (Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT), cho rằng đúng là nhiều nông sản VN chưa thể xuất khẩu chính ngạch vì liên quan đến các vấn đề như đàm phán của chính phủ hai nước về thủ tục, kiểm dịch…
“Đến thời điểm hiện nay, hai bên đã đàm phán xong hai loại nông sản là bưởi da xanh, khoai lang. Các mặt hàng này sẽ được xuất khẩu chính ngạch sang TQ trong thời gian tới. Sầu riêng cũng đang được phía VN gửi hồ sơ sang TQ đánh giá” - ông Hòa nói.
Trong khi đó, ông Rocky Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp TQ khu vực Đông Nam Á, lưu ý người dân TQ cũng rất chú ý đến việc truy xuất nguồn gốc, làm được điều này sản phẩm VN bán rất tốt.
Ngoài ra, thay vì việc sản xuất và thu mua nhỏ lẻ nên có vài thương nhân lớn đứng ra làm đầu mối để các quy trình được thống nhất. Muốn làm lớn thì phải liên kết lớn, mạnh ai nấy làm thì sẽ không thể nào mạnh được.
Thương lái Trung Quốc đều rất sõi tiếng Việt
Theo ông Ưng Thế Lãm, đại diện Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao VN (DAA), thừa nhận bản thân ông đã từng xuất khẩu tiểu ngạch thanh long sang TQ nhưng thất bại vì chưa hiểu thị trường.
“Thương lái TQ đến tận làng VN thu mua vì chúng ta chưa có năng lực mang hàng sang đó bán. Tham tán thương mại, DN, thương lái TQ ở VN đều nói rất sõi tiếng Việt, hiểu văn hóa Việt trong khi người VN ra nước ngoài chủ yếu nói tiếng Anh. Đó là lý do các công ty VN chỉ dám bán hàng bên này biên giới để tránh rủi ro” - ông Lãm nói.
QUANG HUY
Theo Plo.vn