Sáng nay phiên đầu tuần (04/7) giá cà phê nhân xô các tỉnh Tây Nguyên quay đầu giảm 100-200 đồng xuống mức 37.200 – 37.600 đồng/kg sau khi tăng đồng loạt 500 đồng trong phiên cuối tuần trước. Tại thị trường thế giới, giá cà phê tăng do đồng USD suy yếu, giá ca cao thay đổi tăng so với phiên trước.
Tại cảng TPHCM giá cà phê robusta theo giá FOB phiên ngày 04/7 giảm 10 USD chốt ở 1.715 USD/tấn.
Tham khảo giá cà phê nhân xô tại Việt Nam Thị trường | Đơn vị | Ngày 02/07 | Ngày 04/07 | Thay đổi |
FOB (HCM) | USD/tấn | 1.725 | 1.715 | -10 |
Đăk Lăk | VND/kg | 37.800 | 37.600 | -200 |
Lâm Đồng | VND/kg | 37.400 | 37.200 | -200 |
Gia Lai | VND/kg | 37.700 | 37.600 | -100 |
Đồng USD suy yếu do liên quan đến cuộc bỏ phiếu của nước Anh rời EU cuối tuần trước khiến giá cà phê arabica trên sàn ICE kỳ hạn đã tăng lên mức cao nhất trong hơn một năm.
Giá arabica kỳ hạn tháng 9 tăng phiên thứ tư liên tiếp với 0,75 cent, tương đương 0,51%, chốt ở 1,464 USD/lb, do đồng USD suy yếu và những lo ngại về chất lượng cà phê của Brazil khi mưa quá nhiều. Giá arabica đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2015 ở 1,48 USD/lb. Giá robusta kỳ hạn tháng 9 cũng tăng 28 USD, tương đương 1,63%, lên mức 1.745 USD/tấn.
Bên cạnh ảnh hưởng của mưa, thì sương giá cũng là nguy cơ khiến cà phê tăng giá.
Xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 5/2016 đã giảm 6,8% so với cùng tháng năm trước chỉ đạt 9,32 triệu bao (loại 60kg), Tổ chức cà phê Quốc tế (ICO) cho biết hôm thứ 6 (1/7).
Như vậy, trong tám tháng đầu vụ 2015/16 (bắt đầu từ tháng 10/2015), xuất khẩu cà phê toàn cầu đã tăng 1,6% đạt 75,95 triệu bao.
Riêng trong tháng 5 vừa qua, xuất khẩu cà phê robusta đã giảm 9,6% so với cùng tháng năm ngoài xuống ở 3,37 triệu bao; xuất khẩu cà phê arabica cũng thấp hơn cùng tháng năm ngoái 5,1%, chỉ đạt 5,95 triệu bao.
Trong tháng 6/2016, xuất khẩu cà phê từ Honduras đã giảm 18,5% so với cùng tháng năm ngoái, khiến các nhà xuất khẩu phải cắt giảm dự báo cho các lô hàng xuất khẩu trong vụ này.
Honduras là nhà xuất khẩu cà phê hàng đầu Trung Mỹ, đã xuất khẩu được 592.530 bao (loại 60kg) trong tháng 6, giảm xuống từ mức 726.893 bao trong cùng tháng năm ngoái, Viện cà phê quốc gia Honduras (IHCAFFE) cho biết.
Xuất khẩu cà phê của quốc gia này trong 9 tháng đầu vụ 2015/16 đạt 4,368 triệu bao (loại 60kg), giảm 3,3% so với cùng kỳ vụ trước.
Việc buôn lậu cà phê Honduras vào Guatemala và Mexico đã gây ra sụt giảm lượng xuất khẩu và có thể không đạt dự báo xuất khẩu vụ 2015/16, ông Miguel Pon, giám đốc điều hành của ANACAFEH – Hiệp hội các nhà xuất khẩu cà phê Quốc gia này cho biết.
Honduras dự kiến xuất khẩu 5,52 triệu bao cà phê (loại 60kg) trong vụ này so với 5,02 triệu bao trong vụ 2014/15.
Chủ tịch Pon cho biết, ông kỳ vọng xuất khẩu cà phê của Honduras trong vụ này sẽ ở mức 5,137 – 5,213 triệu bao.
Theo một nguồn tin của Viện cà phê Quốc gia IHCAFE, Viện này đã sửa đổi dự báo của mình, tuy nhiên vẫn chưa có con số chính xác.
Honduras giống như các nước láng giềng ở Trung Mỹ và Mexico đang hồi phục sau bệnh nấm ăn lá roya. Nơi đây sản xuất gần 1/5 sản lượng cà phê arabica của thế giới, có vụ mùa kéo dài từ tháng 10 năm trước tới tháng 9 năm sau.
Tại thị trường ca cao, giá ca cao New York kỳ hạn tháng 9 chốt phiên tăng 32 USD, tương đương 1,08%, lên mức 2.995 USD/tấn. Giá ca cao London cũng tăng 21 GBP, tương đương 0,89%, chốt ở 2.372 GBP/tấn.
Chính phủ Bờ Biển Ngà đã công bố giảm thuế xuất khẩu ca cao để khuyến khích sản xuất và chế biến trong nước.
Bờ Biển Ngà là nước sản xuất ca cao hàng đầu thế giới cũng như dẫn đầu về công nghệ chế biến ca cao, đang hướng đến năm 2020 sẽ sản xuất một nửa trong nước, tăng khoảng 1/3 từ bây giờ.
Thuế xuất khẩu bơ ca cao sẽ giảm xuống 11% từ 14.6% và thuế đối với hàng loạt sản phẩm ca cao sẽ giảm còn 13,2% từ 14,6%; thuế xuất khẩu đối với bột ca cao sẽ giảm xuống còn 9,6% từ 14,6%, chính phủ nước này cho biết.
Nguồn: VITIC/Reuters, giacaphe.com, Vinanet