9 tháng đầu năm 2018, lượng sắt thép phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam tăng 19,3% về lượng và tăng 47,6% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.
Nguy cơ sụt giảm xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản
- Cập nhật : 20/03/2016
(Tin kinh te)
Nhật Bản là một trong những thị trường hàng đầu cho xuất khẩu thủy sản nước ta với kim ngạch chiếm tỷ trọng cao. Tuy nhiên, lượng xuất khẩu đang có nguy cơ giảm do bị “vấp” phải nhiều rào cản mới tại thị trường này.
Đối mặt với nguy cơ sụt giảm
Trong một thập kỷ qua, Nhật Bản luôn là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn của nước ta với tỷ trọng ổn định ở mức trên dưới 20% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Bộ Công thương, năm 2015, xuất khẩu thủy sản của nước ta sang Nhật Bản giảm gần 14% so với năm 2014 (đạt 1,043 tỷ USD).
Nhật Bản là một thị trường nhập khẩu thủy sản hàng đầu thế giới, với kim ngạch nhập khẩu trung bình 15 tỷ USD/năm.
Được biết, tôm, mực, cá ngừ hiện là 3 mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Nhật Bản, chiếm tới 80% tổng giá trị xuất khẩu thuỷ sản của nước ta sang thị trường này. Nhưng hiện xuất khẩu cả ba mặt hàng sang Nhật đều giảm, đặc biệt, xuất khẩu mặt hàng tôm sang Nhật năm 2015 đã giảm đến gần 23% so với năm trước.
“Năm 2015, xuất khẩu thủy sản nước ta sang thị trường Nhật Bản đã có những khoảng thời gian mà giá trị tụt xuống thấp nhất trong vòng 5 năm qua, kể từ năm 2010 và có nguy cơ sẽ tiếp tục sụt giảm”,ôngTrương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết.
Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, bên cạnh nguyên nhân đến từ việc thị trường tiêu thụ kém, giá xuất khẩu hạ, biến động của đồng Yên…thì nguyên nhân chủ yếu là do Nhật Bản ngày càng áp dụng nhiều tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bên cạnh đó, hiện nay các doanh nghiệp thương mại của Nhật đang có xu hướng tìm nguồn nhập khẩu với giá rẻ hơn từ các nước khác như Ấn Độ, Indonesia. “Sản phẩm thủy sản của Việt Nam yếu thế hơn về chất lượng cũng như giá cả so với các thị trường xuất khẩu thủy sản khác. Thậm chí, đối với hai nước gần nhất là Indonesia, Malaysia, chúng ta vẫn thiệt thòi hơn bởi hai nước này có nhiều ưu đãi hơn khi xuất khẩu vào Nhật Bản”, ông Hòe nhấn mạnh.
“Vấp” nhiều rào cản
Hiện nay, mức thuế nhập khẩu trung bình của tôm, mực, cá ngừ vào thị trường Nhật Bản đang được áp với mức cụ thể là tôm 1 – 2%, các mặt hàng chế biến từ tôm 3,5 – 5,3%, mực đông lạnh 3,5%, cá ngừ 6,4 – 7,2%. Chính vì vậy, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang được kỳ vọng sẽ mang lại những cơ hội lớn cho xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sang Nhật Bản khi mà thuế quan nhập khẩu các sản phẩm này sẽ giảm xuống 0%.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong ngành, miếng bánh thị phần này không dễ “ăn” bởi rào cản về vấn đề bảo đảm các yêu cầu, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm đang là khó khăn, thách thức rất lớn đối với thủy sản Việt Nam.
Đánh giá về vấn đề này, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, xuất khẩu thủy sản nước ta đang ngày càng bộc lộ nhiều nhược điểm, nhất là khi các thị trường áp dụng những tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Dư lượng kháng sinh trong sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu của nước ta vẫn còn cao và các doanh nghiệp khó có thể khắc phục được trong thời gian ngắn, bởi để đầu tư, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu theo quy định của TPP phải mất một thời gian dài. Đặc biệt, muốn nâng cao chất lượng thủy sản, chúng ta cần tham gia vào chuỗi sản xuất, xuất khẩu thuỷ sản.
Bên cạnh đó, ông Hải cho biết thêm, năng suất và chất lượng nuôi trồng thủy sản của nước ta còn kém, đẩy chi phí, giá thành lên cao dẫn đến khả năng cạnh tranh kém. Mặt khác, các doanh nghiệp trong ngành hiện vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức để sinh tồn nên rõ ràng đầu tư cho thương hiệu, marketing, tiếp thị trên thị trường quốc tế còn thiếu và yếu…
Theo các chuyên gia, để có thể vượt qua những khó khăn, rào cản và tăng thị phần tại thị trường Nhật Bản trong thời gian tới, các cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp thủy sản cần có một chiến lược với tầm nhìn sâu rộng thông qua nghiên cứu thị trường một cách kỹ lưỡng, đầy đủ cũng như các tiêu chuẩn về sản phẩm, nhất là về an toàn vệ sinh thực phầm để tạo được hình ảnh tin cậy cho các sản phẩm xuất khẩu.
“Riêng đối với sản phẩm tôm – mặt hàng xuất lớn nhất vào Nhật Bản hiện nay, doanh nghiệp cần nỗ lực và đầu tư hơn nữa để kiểm soát Trifluralin (một loại hóa chất có nguồn gốc từ thuốc diệt cỏ được dùng để trị bệnh cho tôm nuôi)…Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể tăng trưởng xuất khẩu tôm vào thị trường Nhật một cách bền vững”, ông Hòe chia sẻ.
Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thủy sản năm 2015 đạt 6,57 tỷ USD, giảm 16,12% so với năm 2014 và không đạt được mục tiêu 8 tỷ USD. Năm 2016, ngành thủy sản đặt mục tiêu phấn đấuxuấtkhẩuđạt 7,6 tỷ USD.
Theo thoibaotaichinhvietnam.vn