Một bộ da trăn thô có giá 100 USD nhưng khi trở thành sản phẩm thương mại có giá tới 6.160 USD.
Những rào cản còn lại tại đàm phán TPP
- Cập nhật : 31/07/2015
(tin kinh te)
Australia và New Zealand luôn phản đối các đề xuất về dược phẩm của Mỹ, trong khi Việt Nam, Mexico và Brunei vẫn chưa thể đáp ứng chuẩn mực quốc tế về công đoàn.
Các nhà đàm phán thương mại hàng đầu của 12 nước tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang họp bàn tại Hawaii (Mỹ), tìm kiếm cơ hội để sớm hoàn thành thỏa thuận thương mại lớn nhất khu vực. Tuy nhiên, kể cả khi được coi là "vòng đàm phán cuối cùng", các đại diện từ Mỹ, Nhật Bản hay Australia, Việt Nam vẫn còn rất nhiều rào cản phải vượt qua.
TPP được đàm phán từ tháng 3/2010, với sự tham gia của 12 nước Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Là hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, mấu chốt của TPP cũng như các FTA khác nằm ở việc các bên có sẵn sàng gỡ bỏ hàng rào thuế quan đối với các mặt hàng của nhau hay không. Để đưa ra quyết định đó, đoàn đàm phán các Chính phủ các nước sẽ phải xem xét đối tác có xứng đáng nhận ưu đãi như vậy hay không; và kinh tế - xã hội trong nước được gì từ những quyết định ấy. Rào cản, cũng từ đó, có thể đến từ nhiều phía và không ít lý do nằm ngoài nguyên nhân kinh tế đơn thuần.
Mới đầu tuần này, Bộ Ngoại giao Mỹ quyết định nâng đánh giá cho các nỗ lực chống buôn người của Malaysia. Việc này đã vấp phải phản đối của nhiều nhà hoạt động vì nhân quyền và lao động. Họ cho rằng Mỹ đang dùng chính trị để giúp Malaysia trong TPP, bất chấp vấn đề thu nhập và nô lệ tình dục.
Các công đoàn tại Mỹ cũng đang phản đối TPP, và rất nhiều Hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ cũng đe dọa rút sự ủng hộ với TPP nếu Chính quyền Tổng thống Barrack Obama nhượng bộ quá nhiều với các đại gia dược phẩm.
Đại diện 12 nước tham gia TPP đang đàm phán tại Hawaii (Mỹ). Ảnh:Reutes |
Canada vẫn lưỡng lự mở cửa thị trường nông nghiệp để cạnh tranh. Tháng 10 tới, nước này sẽ tổ chức bầu cử, khiến việc nhượng bộ về bảo hộ thị trường nông nghiệp trong nước trở nên rất khó khăn, khi quyền lực của Thủ tướng Stephen Harper đang lung lay.
Australia cũng đang đặc biệt thận trọng. Họ phản đối đề nghị của Mỹ về nâng thời hạn bảo hộ thuốc có bản quyền lên 12 năm. Một số nghị sĩ Australia tuần trước còn dọa rút ủng hộ với TPP nếu việc này làm tăng chi phí và hạn chế quyền tiếp cận dược phẩm của các nước thành viên. Australia cũng không thích hệ thống xử lý ngoài tòa án của Mỹ và đang gây áp lực lên nước này về ngành mía đường. Đổi lại, các công ty dược phẩm Mỹ cũng chỉ trích việc Australia từ chối công bố công thức của một số loại thuốc mới nhất.
Các nước phát triển cũng đang lo ngại về quyền lao động tại Mexico, Việt Nam và Brunei, buôn lậu người tại Malaysia, chặt phá rừng ở Peru và nhiều vấn đề khác nữa. Sức ép với các nhà đàm phán đang tăng lên, chủ yếu do Mỹ. Theo lịch trình trong dự luật xúc tiến thương mại ông Obama đã ký, sau khi ký TPP 4 tháng, Quốc hội nước này mới có thể cân nhắc phê chuẩn.
Do đó, nếu không thể đạt được trong tuần này, TPP cũng không còn cơ hội nào được trình lên Quốc hội Mỹ cho đến đầu năm sau, khi mùa bầu cử Quốc hội và Tổng thống Mỹ bắt đầu. "Họ đang chạy đua với thời gian để làm được việc này trong năm nay", Lori Wallach - Giám đốc Global Trade Watch – tổ chức phản đối TPP cho biết.
Vì những thách thức này, viễn cảnh đạt thỏa thuận vào hôm nay – theo như mục tiêu ban đầu của TPP, vẫn còn chưa chắc chắn. "Tôi sẽ khá ngạc nhiên nếu họ có thể kết thúc mọi việc trong tuần này", Gary Hufbauer – chuyên gia thương mại tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE) nhận xét.
Tuy nhiên, bất chấp những khó khăn trên, các bên tham gia TPP đều tỏ ra lạc quan. Một đại diện châu Á còn ví cuộc họp này như một bàn cờ vua, khi tất cả nước đi cuối cùng đã được vạch ra và chỉ chờ người chơi thực hiện lần lượt.
Hai gã khổng lồ trên bàn đàm phán – Mỹ và Nhật Bản – đã gần như giải quyết được các vấn đề lâu nay. Nhật Bản đã đồng ý giảm rào chắn vào thị trường nước này với các hãng xe, phụ tùng, thịt lợn và nông sản Mỹ. Đổi lại, Mỹ sẽ dần bỏ thuế nhập khẩu cao đang áp lên xe tải và các xe thể thao đa dụng (SUV) từ Nhật Bản. Các nhà đàm phán Mỹ cũng dường như đã sẵn sàng giảm bảo hộ thương mại với ngành mía đường nước này, ông Hufbauer nhận xét.
Thủ tướng Nhật Bản – Shinzo Abe cũng có lập trường tương đối vững về việc hoàn thành thỏa thuận, nhằm chống lại quyền lực đang tăng của Trung Quốc. Theo giới chuyên gia thương mại, sự đồng thuận giữa riêng Mỹ và Nhật Bản sẽ là thành tựu ngoại giao rất lớn của Tổng thống Obama.
Hà Thu(theo New York Times)