Hãng tin Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận cho biết hiện Sharp có những khoản nợ lên tới 510 tỷ yên (tương đương 4,5 tỷ USD) sẽ phải thanh toán trước ngày 31/3 tới.
Trung Nguyên kinh doanh ra sao khi vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ lục đục
- Cập nhật : 19/06/2018
Doanh thu của Trung Nguyên đều đặn đi ngang hơn 3.800 tỷ trong 3 năm cao trào mâu thuẫn của vợ chồng ông chủ tập đoàn cà phê.
Sự tái xuất của ôngĐặng Lê Nguyên Vũ sau 5 năm vắng bóng càng đượcchú ý hơn sau những kiện tụng giữa 2 vợ chồng ông liên quan đến thương hiệu cà phê Trung Nguyên.Vụ ly hôn cùng việc tranh chấp tài sản giữa họ được nhiều người cho rằng đã phủ bóng lên hoạt động kinh doanh của Trung Nguyên.
Tuy nhiên, giai đoạn 2014-2016, thời kỳ bà Lê Hoàng Diệp Thảo cho biết bị tước đi quyền điều hành tại Trung Nguyên, hoạt động của tập đoàn này vẫn duy trì ổn định với hơn 3.800 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Đứng đầu trong hệ thống là Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên (TNG), doanh nghiệp được thành lập năm 2006 do ông Đặng Lê Nguyên Vũ là Chủ tịch Hội đồng quản trị. Doanh nghiệp có vốn điều lệ 2.500 tỷ đồng này sở hữu toàn bộ các công ty hiện tại của Trung Nguyên như Cà phê Trung Nguyên, Cà phê hòa tan Trung Nguyên hay Trung Nguyên franchise.
Theo số liệu của Công ty cổ phần Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam (VIRAC), doanh thu và lợi nhuận của Tập đoàn Trung Nguyên (công ty mẹ) duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong giai đoạn 2009 - 2013 và giữ ổn định từ năm 2014 đến 2016. Trong ba năm này, doanh thu thuần của TNG đạt trên 3.800 tỷ đồng mỗi năm với lợi nhuận quanh mốc 800 tỷ đồng.
Mặc dù không tăng trưởng như giai đoạn trước đó, duy trì doanh thu không giảm của Trung Nguyên đã được xem là thành công. Phân khúc cà phê rang xay và cà phê hòa tan trong 3 năm gần đây bị cạnh tranh bởi những sản phẩm thay thế khác như trà xanh đóng chai hay nước tăng lực.
Doanh thu nhóm sản phẩm cà phê của Vinacafe Biên Hòa - một trong những đối thủ của Trung Nguyên, cũng đang trên đà đi xuống, từ mức 2.253 tỷ đồng năm 2014, đến năm 2017chỉ còn hơn 1.700 tỷ đồng.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã bất ngờ trở lại sau 5 năm vắng bóng. Ảnh: Tô Thanh Tân - VnExpress
Trong khi doanh thu đi ngang, tổng tài sản của TNG từ năm 2014 đến 2016 vẫn tăng mạnh, từ mức hơn 5.000 tỷ đồng lên gần 6.300 tỷ đồng. Lợi nhuận chưa phân phối đến cuối năm 2016 đạt 2.100 tỷ đồng, gần tương đương vốn điều lệ công ty.
Hai mắt xích chính kinh doanh các sản phẩm cà phê rang xay và cà phê hòa tan của Trung Nguyên là Công ty cổ phần Cà phê Trung Nguyên và Công ty cổ phần Cà phê hòa tan Trung Nguyên cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng.
Trong ba năm từ 2014 đến 2016, doanh thu thuần của Cà phê Trung Nguyên tăng gần gấp đôi vượt mốc 1.000 tỷ, còn lợi nhuận cũng vượt 100 tỷ đồng. Cà phê hòa tan Trung Nguyên có quy mô khiêm tốn hơn với hơn 400 tỷ doanh thu thuần năm 2016 và lợi nhuận gần 60 tỷ.
Đến cuối năm, tổng tài sản của hai công ty này đạt lần lượt hơn 868 tỷ và 604 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận chưa phân phối của hai đơn vị chính trong hệ thống của Trung Nguyên đạt hơn 350 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nếu nói việc tranh chấp giữa ông Vũ và bà Thảo không có ảnh hưởng cũng chưa chính xác. Thực tế tăng trưởng của các công ty này cũng có những giai đoạn bị chững lại.
Năm 2015 - năm đầu tiên phát sinh tranh chấp, lợi nhuận trước thuế của Cà phê hòa tan Trung Nguyên giảm gần 34%, với doanh thu chỉ tăng 19%.
Vụ việc tranh chấp quyền kiểm soátCà phê hòa tan Trung Nguyên - đơn vị phụ trách sản xuất các sản phẩm cà phê hòa tan G7, vận hành nhà máy tại Bình Dươngkéo dài từ cuối 2015.Trong văn bản gửi tòa án, ông Vũ lấy tư cách là người điều hành Tập đoàn Trung Nguyên cho rằng, trong thời gian giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cà phê hòa tan Trung Nguyên, bà Thảo đã ban hành một số văn bản ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và gây thiệt hại cho doanh nghiệp.Tuy nhiên, bà Thảo sau đó lại có văn bản gửi các đối tác, cơ quan quản lý cho biết, nguyên nhân chính của những ảnh hưởng kia là có sự tranh chấp giữa vợ chồng bà.
Một doanh nghiệp khác là Cà phê Trung Nguyên cũng chịu ảnh hưởng tương tự, khi lợi nhuận trước thuế giai đoạn này chỉ đạt hơn 46 tỷ, giảm một nửa so với năm trước đó. Nguyên nhân chính vẫn là những vấn đề xoay quanh cuộc chiến "tranh quyền" giữa vợ chồng ông Vũ.
Tranh chấp giữa hai vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo bắt đầu từ tháng 4/2015, khi Tập đoàn Trung Nguyên (TNG) ra quyết định bãi nhiệm chức danh điều hành của bà Thảo tại TNG và các công ty thành viên. Không đồng ý với quyết định này, bà Thảo liên tục kháng nghị và gửi đơn lên tòa án để khôi phục chức danh điều hành.
Cuộc tranh chấp quyền lực lên đỉnh điểm với hàng loạt tố cáo qua lại, được nối dài với nhiều vụ kiện đan xen chưa có hồi kết, trong đó có cả diễn biến ly hôn giữa ông Vũ và bà Thảo. Gần nhất, bà Thảo lên tiếng tố 4 người điều hành thao túng quyền lực cướp nhà máy Trung Nguyên tại Bình Dương, đồng thời bà cho biết ông Đặng Vũ đang bị bệnh, không thể xuất hiện trước công chúng. Tuy nhiên, Chủ tịch TNG đã xuất hiện trong buổi ra mắt sản phẩm mới đây.
Theo Minh Sơn - vnexpress.net