Hàng nhái các nhãn hiệu nổi tiếng được làm rất tinh vi, dễ lừa người tiêu dùng
- Cập nhật : 26/08/2017
Thời gian qua, các lực lượng chức năng như Hải quan, Quản lý thị trường… đã có nhiều nỗ lực trong công tác chống hàng giả, hàng nhái, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Vacip và Cục Điều tra chống buôn lậu -Tổng cục Hải quan ký kết biên bản ghi nhớ trong phối hợp thực thi bảo hộ quyền SHTT tại biên giới (năm 2011).
Tuy nhiên, trên thực tế tình trạng mua bán, kinh doanh, nhập khẩu hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ của các nhãn hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước vẫn diễn ra. Báo Hải quan đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (VACIP).
Bà đánh giá như thế nào về thực trạng hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ tại Việt Nam hiện nay?
Thực trạng hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng xách tay gần như không có chiều hướng giảm. Phần lớn các loại hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ tại Việt Nam đều được nhập lậu từ Trung Quốc về Việt Nam qua các đường không chính thống để tránh kiểm soát của Hải quan và Bộ đội Biên phòng. Các trường hợp gần đây nhất là lợi dụng chính sách hàng quá cảnh để thẩm lậu hàng giả vào Việt Nam. Một số hàng nhái được sản xuất tại các cơ sở thủ công ở Việt Nam từ nguyên liệu địa phương hoặc nhập nguyên liệu bán thành phẩm về đóng gói bao bì tại Việt Nam để tránh các yêu cầu phụ khi thông quan nhập khẩu, vì thế ít bị phát hiện hơn là nhập hàng thành phẩm. Các sản phẩm này thường không có mã lô hàng (batch code) hoặc mã vạch sản phẩm (bar code) khi tung ra bán trên thị trường. Hàng được gọi là "xách tay" trong thời gian gần đây có tốc độ tăng trưởng phi mã thông qua sự nở rộ của hình thức kinh doanh qua mạng, vẫn chưa được kiểm soát. Hàng “xách tay” phần lớn thông qua đường vận chuyển hàng không từ các nguồn gốc nhập lậu.
Hiện nay, tình trạng kinh doanh online “hàng xách tay” đối với các mặt hàng nhái nhãn hiệu nổi tiếng đã tác động như thế nào đối với sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, thưa bà?
“Hàng xách tay” về cơ bản là hàng hoá được nhập khẩu bằng nhiều cách với số lượng ít cho mỗi lần nhập khẩu có kê khai hoặc không kê khai nhập khẩu ở Hải quan cửa khẩu, đó là theo lý thuyết. Tuy nhiên, trên thực tế với gần cả triệu cửa hàng online hoạt động trên mạng và facebook như hiện nay thì hoạt động của hình thức kinh doanh này đang gây ra sự thất thoát thuế khổng lồ cho Nhà nước và thiệt hại không nhỏ cho các doanh nghiệp kinh doanh theo quy định và pháp luật nhà nước, người tiêu dùng hoàn toàn không được bảo vệ. Việc tự do quảng cáo trên mạng không cần thông qua quy định và điều khoản của Luật Quảng cáo đã tạo nên môi trường kinh doanh không lành mạnh, gây hoang mang cho người tiêu dùng về việc thật giả lẫn lộn và gây thiệt hại cho người tiêu dùng trong việc mua phải hàng kém chất lượng với giá cả theo như hàng chính hãng. Môi trường kinh doanh này cũng ảnh hưởng lớn đến chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.
Công tác phối hợp chống hàng giả giữa VACIP và Tổng cục Hải quan đã được triển khai như thế nào trong thời gian qua?
VACIP trong những năm qua liên tục hỗ trợ cho Tổng cục Hải quan trong việc phối hợp tham gia và hỗ trợ tập huấn kiến thức chuyên môn về phân biệt hàng thật giả đối với các nhãn hiệu của các thành viên VACIP và chia sẻ thông tin về tình hình hàng giả. VACIP đánh giá rất cao hoạt động phối hợp thực thi của lực lượng Hải quan của các địa phương như Hải Phòng, Lạng Sơn, TP. Hồ Chí Minh với tinh thần chủ động, tận tình và cầu thị trong các hoạt động phối hợp và xử lý, đạt được hiệu quả rất cao.
Việc đưa ra những yêu cầu thủ tục mới đã trở thành rào cản và gây khó khăn cho việc hợp tác hiệu quả giữa các chủ thể quyền và cơ quan thực thi pháp luật. Chúng tôi xin đề xuất và mong đợi Tổng cục Hải quan sẽ cân nhắc việc xóa bỏ các rào cản hành chính trong việc hợp tác giữa VACIP và các đơn vị có liên quan để công tác phòng chống hàng giả, gian lận thương mại của Tổng cục Hải quan đạt nhiều kết quả khả quan và tích cực hơn.
Theo VACIP, lực lượng chức năng cần phải làm gì để nâng cao năng lực thực thi chống hàng giả, chống hàng nhái và hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, thưa bà?
Kinh nghiệm hoạt động cùng với các cơ quan chức năng đa ngành của VACIP cho thấy, hoạt động phối hợp sẽ có hiệu quả khi có được tiếng nói chung giữa cơ quan thực thi và chủ thể quyền trong hoạt động chống hàng giả, chống hàng nhái và hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ không chỉ đơn thuần là bảo vệ quyền lợi cho chủ thể quyền mà còn là việc bảo vệ danh tiếng cho môi trường đầu tư của quốc gia, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, tránh thất thu thuế cho nhà nước, bảo vệ công ăn việc làm cho người lao động Việt Nam đang làm việc trong các công ty có vốn đầu tư nước ngoài và thu hút đa dạng các hình thức đầu tư, cải thiện nền kinh tế nếu Việt Nam có thể mang đến một môi trường kinh doanh, đầu tư lành mạnh cho các nhà đầu tư trên thế giới.
Trong các chương trình làm việc phối hợp với cơ quan thực thi các nước trong khu vực Đông Nam Á, chúng tôi nhận thấy các cơ quan các nước rất cầu thị và luôn chủ động kết nối với đại diện của chủ thể quyền trong công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền và chúng tôi hy vọng rằng trong xu thế hội nhập, Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ.
VACIP có khuyến nghị gì để người tiêu dùng không mua nhầm phải hàng giả, hàng nhái, thưa bà?
Hiện nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ thì hàng giả, hàng nhái các nhãn hiệu nổi tiếng cũng được làm giả rất tinh vi và dễ dàng đánh lừa người tiêu dùng. Do vậy, VACIP khuyến nghị người tiêu dùng nên mua hàng tại các đại lý, cửa hàng được uỷ quyền nhập khẩu chính hãng. Danh sách các cửa hàng này thường được công bố trên các trang mạng chính thống của các thương hiệu để không phải mua nhầm hàng giả, hàng nhái, thiệt hại đến sức khỏe khi sử dụng.
Xin cảm ơn bà!
Đăng Nguyên (thực hiện)
Theo Baohaiquan.vn