tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 05-10-2017

  • Cập nhật : 05/10/2017

SSI: Tín dụng không tăng tốc, lạm phát sẽ trong tầm kiểm soát

Nhận định của CTCK Sài Gòn (SSI) về dự báo lạm phát năm 2017 sẽ ổn định tích cực nếu tín dụng không tăng tốc những tháng cuối năm.

SSI: Tín dụng không tăng tốc, lạm phát sẽ trong tầm kiểm soát

Ảnh minh họa

Theo báo cáo Theo dõi Lạm phát Việt Nam của SSI, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,59% so với tháng 8, nếu không tính CPI tháng 8 thì đây là mức lạm phát cao nhất 10 tháng.

CPI Giáo dục trong tháng 9 tăng tới 5%, mức cao nhất 12 tháng do cộng hưởng của mùa khai giảng và 41 tỉnh thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định 86/2015.

Cùng kỳ 2016, có 53 tỉnh tăng học phí nên mức tăng CPI Giáo dục tăng 7,19%. Nghị định 86/2015 cho phép tăng học phí theo lạm phát nên học phí sẽ còn tăng và tác động chủ yếu đến CPI tháng 9 hàng năm.

Trong năm học 2017-2018, học phí tại Hà Nội với cấp học từ nhà trẻ đến phổ thông tại khu vực thành thị đã tăng từ 80.000 đồng lên 110.000 đồng/học sinh/tháng.

Vẫn còn 10 tỉnh chưa tăng học phí trong năm 2017 nên CPI Giáo dục có khả năng sẽ tăng gần 1% trong 3 tháng còn lại của năm.

Do tăng học phí nên việc tăng giá dịch vụ y tế được kéo giãn. Trong tháng 9 chỉ có 3 tỉnh tăng giá dịch vụ y tế theo Thông tư 02/2017/BYT (tháng 8 có 17 tỉnh tăng giá), vì vậy CPI Thuốc và Dịch vụ y tế chỉ tăng 0,25% (tháng 8 tăng 2,86%).

Còn 2/3 số tỉnh chưa tăng phí dịch vụ y tế nhưng việc tăng phí trong thời gian còn lại của năm sẽ phụ thuộc nhiều vào tình hình lạm phát chung. Nếu lạm phát cao, việc tăng phí có thể được chuyển một phần sang năm 2018.

Trên thị trường thế giới, giá nhiên liệu tăng đã tác động đến CPI Giao thông và CPI Nhà ở và Vật liệu xây dựng.

Hai đợt tăng giá xăng trong tháng 9 khiến CPI Giao thông tăng 1,51%. Giá gas trong nước tăng 5% và giá dầu hỏa bình quân tăng 3,08% cũng khiến CPI Nhà ở Vật liệu xây dựng tăng 0,69%.

Tuy nhiên, giá dầu thế giới đã bắt đầu giảm từ cuối tháng 9 nên nhiều khả năng CPI 2 nhóm hàng trên sẽ giảm hoặc tăng thấp trong tháng 10.

Đặc biệt, nhóm hàng tỷ trọng cao và tác động nhiều nhất vào CPI là Hàng ăn và Dịch vụ ăn uống chỉ tăng 0,08%, thấp hơn nhiều CPI tháng 7 và 8 là 0,54% và 1,06%.

Việc xuất khẩu gạo sang Philippines và mưa lũ tiếp tục làm gạo tăng giá và CPI Lương thực tháng 9 tăng 0,14%.

Một số mặt hàng thực phẩm tăng giá như: gia cầm tươi sống tăng 0,65%, thủy sản tăng 0,31%, rau xanh tăng 1,2% nhưng CPI Thực phẩm nhìn chung không thay đổi, chỉ tăng 0,06% (tháng 8 tăng 1,64% do giá thịt lợn tăng 5%).

CPI Ăn uống ngoài gia đình sau một thời gian giảm hoặc ít thay đổi thì dưới tác động của giá đầu vào đã tăng 0,1%, mức cao nhất 7 tháng (chỉ thấp hơn mùa cao điểm tết nguyên đán).

Với CPI tháng 9 tiếp tục tăng cao, CPI tính từ đầu năm đã tăng 1,83%, trong đó CPI Thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất, 21,76%, tiếp theo là CPI Giáo dục, tăng 7,06%. CPI Thực phẩm giảm 3,74% do khủng hoảng cục bộ ở ngành chăn nuôi là nguyên nhân chính khiến CPI tăng thấp hơn so với cùng kỳ.

Do đó, mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm 2017 là dễ dàng đạt được.

Giá lương thực, thực phẩm nhìn chung sẽ ít có biến động lớn nhờ nguồn cung ổn định. CPI thực tế sẽ giao động phụ thuộc phần lớn vào quy mô tăng phí dịch vụ y tế.

Trong báo cáo tháng 8 của SSI đã đưa ra quan ngại về mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao trong năm 2017 đang tiềm ẩn nguy cơ lạm phát cho năm 2018.

Tuy vậy, tăng trưởng tín dụng tính đến 20/9/2017 mới là 11,02% (số liệu Tổng Cục thống kê), chỉ bằng một nửa mục tiêu 20-22%.

Chỉ còn 3 tháng là hết năm và vì vậy đẩy nhanh tín dụng cũng sẽ không kịp tạo ra tăng trưởng cho năm 2017. Theo đó, tín dụng không tăng tốc mới là tín hiệu tích cực cho ổn định lạm phát cũng như an toàn của hệ thống ngân hàng.(Bizlive)
----------------------------

Phạm Công Danh “dẫn lối” đưa Trầm Bê đến trại giam

Trong lúc cần 1.700 tỷ đồng để trả khoản vay của ngân hàng BIDV, Phạm Công Danh đã đến gõ cửa Trầm Bê (nguyên Phó chủ tịch Sacombank), để rồi cả 2 cùng vướng lưới pháp luật.

Phạm Công Danh “dẫn lối” đưa Trầm Bê đến trại giam

Phạm Công Danh. Ảnh Phạm Hải

Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại các ngân hàng: Xây dựng (VNCB), Sacombank; Tiên Phong; BIDV, chuyển hồ sơ qua VKSND Tối cao đề nghị truy tố bổ sung ông Trầm Bê (SN 1959, nguyên Phó chủ tịch thường trực HĐQT, Chủ tịch HĐTD Sacombank) và 21 bị can liên quan.

Theo kết quả điều tra bổ sung, để có nguồn tiền thanh toán khoản vay 1.700 tỷ đồng tại BIDV, Phạm Công Danh đã đến gõ cửa Trầm Bê.

Phạm Công Danh, Trầm Bê, Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Sacombank

Ông Trầm Bê

Sở dĩ Danh nhớ đến Trầm Bê lúc nguy cấp là bởi 2 người có mối quan hệ từ khi ông Trầm Bê còn ở ngân hàng TMCP Phương Nam.

Theo lời khai của Trầm Bê: Khoảng giữa tháng 4/2013, Phạm Công Danh sang Sacombank gặp Trầm Bê và đặt vấn đề vay khoảng 2.000 tỷ đồng. Trầm Bê đồng ý cho Danh vay nhưng phải có tài sản đảm bảo là bất động sản hoặc tiền gửi.

Sau đó, Trầm Bê dẫn Phạm Công Danh xuống phòng làm việc của Phan Huy Khang (thành viên HĐTD, Tổng giám đốc Sacombank). Tại đây, cả ba đi đến thống nhất việc Sacombank cho Phạm Công Danh vay từ 1.300 tỷ đồng đến tối đa 1.800 tỷ đồng, nhưng phải có tài sản đảm bảo.

Nhưng dù vậy sẽ phải trình lên HĐQT quyết định, sẽ mất thời gian và không thể cho vay ngay được. Hơn nữa, nếu trình lên HĐQT, sẽ có thể có nhiều ý kiến vì đây là khoản vay lớn.

Vì vậy, ông Trầm Bê đã giao cho Phan Huy Khang tổ chức thực hiện việc cho Danh vay tiền. Việc bàn bạc chỉ có sự có mặt của Trầm Bê, Phạm Công Danh và Phan Huy Khang.

Theo lời khai của ông Trầm Bê, vì cho rằng Phạm Công Danh (khi đó là Chủ tịch HĐQT VNCB) không được phép vay tiền tại VNCB, nhưng có thể vay ở Sacombank nên ông ta đã đồng ý cho Danh vay với điều kiện phải có tài sản đảm bảo.

Sau khi được ông Trầm Bê và Phan Huy Khang đồng ý, ngày 19/4/2013, Phạm Công Danh chỉ đạo cấp dưới chuẩn bị nguồn tiền bảo lãnh, lập phương án kinh doanh, hồ sơ vay, theo yêu cầu của phía Sacombank.

Cấp dưới của ông Danh đã hoàn tất 6 bộ hồ sơ pháp nhân của 6 công ty, kèm bản phân chia vốn vay cho 6 công ty này. Và ông Trầm Bê đã phê duyệt các khoản vay dù hồ sơ chưa đầy đủ.

Quá hạn vay, 6 công ty không trả được nợ, Sacombank đã thu nợ gốc và lãi vay từ tiền gửi của VNCB tại Sacombank, gây thiệt hại cho VNCB số tiền hơn 1.800 tỷ đồng.

Theo kết quả điều tra bổ sung, lời khai trên của ông Trầm Bê phù hợp với lời khai của Phạm Công Danh.

Kết quả điều tra bổ sung vụ án đến nay đủ căn cứ xác định: các bị can Trầm Bê, Phan Huy Khang đã phạm tội Cố ý làm trái với vai trò đồng phạm giúp sức cho Phạm Công Danh.(Vietnamnet)
------------------------

Vì sao Mỹ thu hồi cà phê Wake-up của Vinacafé?

Theo thông báo trên trang web của Cục Quản lý thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), Công ty Hong Lee Trading Inc., có trụ sở tại New York, đã ra thông báo thu hồi sản phẩm cà phê hòa tan Wake-up của VinaCafé do có chứa các chất gây dị ứng từ sữa mà không ghi trong thành phần in trên bao bì.

Vì sao Mỹ thu hồi cà phê Wake-up của Vinacafé?

Sản phẩm cà phê hòa tan Wake - up của Vinacafé bị Mỹ thu hồi - Nguồn: FDA.

“Những người bị dị ứng với các chất này có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng nếu uống phải”, thông báo nêu rõ.

Các sản phẩm cà phê hòa tan Wake-Up của Vina Café thuộc diện thu hồi đã được phân phối tại New York, New Jersey và Connecticut. Sản phẩm này được đóng trong gói với trọng lượng 0.6 ounce, mỗi hộp giấy có 18 gói và in hạn sử dụng trước ngày 17/3/2019 (EXP: 17.MAR.2019 1T13) dưới đáy hộp.

FDA cho biết đến nay, chưa có ca bệnh hoặc dị ứng nào liên quan đến cà phê Wake-Up được báo cáo.

Việc thu hồi được triển khai ngay sau khi mẫu sản phẩm được Sở Nông nghiệp và Thanh tra thực phẩm New York phân tích và phát hiện thấy có tồn tại các chất gây dị ứng từ sữa mà không được ghi trong thành phần in trên bao bì.

Người tiêu dùng đã mua sản phẩm cà phê hòa tan Wake-Up loại này được yêu cầu trả lại toàn bộ cho nơi mua hàng và sẽ được hoàn tiền 100%.

Hiện nay, sản phẩm của Vinacafé đang được xuất khẩu đi nhiều nước như thế giới, gồm Mỹ, Trung Quốc, Canada... Doanh thu bán hàng xuất khẩu của Vinacafé năm 2016 là 219 tỷ đồng, chiếm 7% tổng doanh thu bán hàng của công ty.(Vneconomy)
------------------------

14.000m2 đất vàng Hãng Phim truyện: Doanh nghiệp đề nghị được thuê 50 năm

Cả bốn khu đất vàng Hãng Phim truyện Việt Nam đang tọa lạc đều được đề nghị thuê lại với thời hạn 50 năm sau khi cổ phần hóa dù hợp đồng thuê đất với Nhà nước đã hết hạn từ lâu và việc thuê đất còn đang tranh chấp.

14.000m2 đất vàng Hãng Phim truyện: Doanh nghiệp đề nghị được thuê 50 năm

Hãng phim truyện Việt Nam. (Ảnh: Vietnamnet).

Theo phương án cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS), sau cổ phần hóa, cả bốn lô đất tại với tổng diện tích 13.900m2 mà VFS đang nắm giữ đều được đề nghị "Nhà nước cho thuê và thu tiền hàng năm". Thời hạn công ty cổ phần được thuê các lô đất này là 50 năm. 

Theo đó, khu đất 5.448,5m2 tại số 4 Thụy Khuê (Hà Nội) sẽ được dùng làm trụ sở chính, xây dựng hệ thống Hậu kỳ, xưởng thiết kế mỹ thuật, kho phục trang - đạo cụ... Hai trường quay và một rạp chiếu phim cũng sẽ được xây dựng tại đây. 

Khu đất 1.208,72m2 tại số 6 Thái Văn Lung sẽ dùng làm văn phòng Chi nhánh VFS tại TP.HCM. Rạp chiếu phim, thư viện Điện ảnh, phòng dạy nghề, bộ phận nghiên cứu ứng dụng điện ảnh... sẽ được xây dựng.

Trong phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa ở cả hai khu đất này đều không nhắc đến các công trình mà đối tượng thuê lại đất của VFS đang tranh chấp. 

Trong khi đó, phần đất tại số 4 Thụy Khuê mà VFS ký hợp đồng cho bà Nguyễn Lệ Thủy (trú tại số 10 Thụy Khê, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ) thuê có thời hạn tới năm 2018. Còn tại 6 Thái Văn Lung, thời hạn của hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Hãng Phim với doanh nghiệp thuê lại khu đất lên tới tận năm 2033.

Hiện trạng tại khu đất số 4 Thụy Khuê đang là "hợp đồng thuê đất đã hết hạn từ năm 2002, hiện đang đề nghị tiếp tục được thuê đất".  Từ năm 2003 đến nay Công ty chưa có quyết định cho thuê đất và hợp đồng thuê đất. Còn khu đất tại số 6 Thái Văn Lung cũng đã hết hạn thuê từ năm 2007.

Hai khu đất 904,9m2 tại Hoàng Hoa Thám và 6.382,8m2 tại Cổ Loa (Hà Nội) được Nhà nước giao cho VFS sử dụng làm nhà xưởng, phim trường. Sau cổ phần hóa, hai khu đất này tiếp tục được giao cho công ty cổ phần sử dụng theo quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2015.

"Công ty được tiếp tục quản lý, sử dụng, đồng thời khẩn trương xây dựng phương án sử dụng nhà, đất và liên hệ với các cơ quan chức năng hoàn tất các thủ tục đăng ký hồ sơ nhà, đất theo quy định. Tuy nhiên, đến thời điểm xác định giá trị Doanh nghiệp, Công ty chưa hoàn tất các thủ tục đăng ký hồ sơ nhà, đất theo quy định", phương án cổ phần hóa chỉ rõ.

Sau cổ phần hóa, trong 3 năm đầu tiên, công ty cổ phần dự định sẽ chi 10,5 tỷ đồng trả tiền thuê đất bằng một phần vốn chủ sở hữu và nguồn khác.

Mặt khác, hiện Chi cục Thuế quận Tây Hồ cũng cho rằng VFS còn nợ tiền sử dụng đất và quá hạn lên tới 5,7 tỷ đồng. VFS đang có ý kiến đối với Cơ quan có thẩm quyền để xem xét miễn giảm số tiền thuê đất truy thu này.

Trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền không đồng ý giảm trừ theo đề nghị của Công ty thì số tiền thuê đất còn phải nộp vào ngân sách Nhà nước sẽ tăng lên. Việc này đồng nghĩa với kết quả xác định giá trị doanh nghiệp sẽ được điều chỉnh theo quyết định chính thức của cơ quan có thẩm quyền. Công ty cổ phần sau này sẽ chịu trách nhiệm kế thừa và xử lý theo quy định.

Tại quyết định Cổ phần hóa VFS được Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Huỳnh Vĩnh Ái kí ngày 30/12/2015, tại thời điểm phê duyệt phương án cổ phần hóa, Bộ Tài chính, UBND TP. Hà Nội, UBND TP.HCM chưa có thỏa thuận về phương án sử dụng nhà, đất của công ty sau cổ phần hóa. Vì vậy, để đảm bảo tiến độ cổ phần hóa, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam (VFS sau cổ phần hóa) được tiếp tục sử dụng và quản lý nhà đất theo chỉ đạo của TP. Hà Nội và của Bộ về phương án sắp xếp. 

Sau khi có ý kiến thỏa thuận của Bộ Tài chính, phương án sử dụng nhà đất khi cổ phần hóa của VFS sẽ được thực hiện theo đúng chỉ đạo của Bộ Tài chính và quy định pháp luật.(Infonet)
 

Trở về

Bài cùng chuyên mục