tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 10-01-2018

  • Cập nhật : 10/01/2018

Các loại tiền ảo đang bị bán tháo

cac loai tien ao dang dong loai giam gia manh vi lo ngai rang cac nha quan ly tai cac nuoc se siet chat hoat dong giao dich tien ao.nguon anh: tap chi tai chinh

Các loại tiền ảo đang đồng loại giảm giá mạnh vì lo ngại rằng các nhà quản lý tại các nước sẽ siết chặt hoạt động giao dịch tiền ảo.Nguồn ảnh: Tạp chí tài chính

Nhà chức trách ở Trung Quốc và Hàn Quốc đang tăng cường giám sát việc giao dịch và đào tiền ảo, trong khi Sở giao dịch Chứng khoán Mỹ vào cuối năm ngoái đã bắt đầu cấm một số đợt chào bán tiền ảo lần đầu (ICO). Việc Coinmarketcap.com loại trừ dữ liệu giá ở Hàn Quốc cũng góp phần vào đà bán tháo này, theo các trader trong thị trường nhận định.

Gabor Gurbacs, Giám đốc chiến lược tài sản số tại VanEck Associates Corp., cho biết: "Những tin tức liên quan đến việc quản lý thị trường tiền ảo đang khiến chúng giảm giá. Hàn Quốc và Trung Quốc đang thắt chặt thị trường bitcoin và ICO, mọi thứ bắt đầu chậm lại và  SEC sẽ cấm các đợt chào bán bất hợp pháp."

Bitcoin sụt giảm 17% xuống còn 14.820 USD, mức giảm mạnh nhất trong hơn hai tuần. Theo Coinmarketcap.com, đà giảm giá của bitcoin là một phần của đợt bán tháo rộng rãi trong lĩnh vực tiền mật mã. 10 loại tiền ảo có vốn hóa lớn nhất thị trường đều giảm ít nhất 10%, theo Coinmarketcap.com

Cac loai tien ao dang bi ban thao

Biểu đồ giá bitcoin. Ảnh: Bloomberg

Cardano giảm 16%, trong khi litecoin giảm 16% xuống còn 230 USD.

Trung Quốc có kế hoạch hạn chế sử dụng năng lượng của một số nhà máy đào bitcoin, nguồn tin thân cận với Bloomberg cho biết vào tuần trước. Đây là một thách thức tiềm ẩn đối với ngành công nghiệp đào bitcoin khi mà mạng máy tính cần nhiều năng lượng để thực hiện các giao dịch bitcoin. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã phác thảo một bản kế hoạch vào ngày 3.1 trong một cuộc họp kín, theo nguồn tin riêng của Bloomberg. Tuy nhiên, nguồn tin không cho biết chi tiết về kế hoạch của PBOC.

Hàn Quốc đã bắt đầu thanh tra 6 ngân hàng bao gồm Ngân hàng Công nghiệp Hàn Quốc để ngăn chặn việc rửa tiền. Tháng trước, giới chức nước này cho biết sẽ hạn chế việc giao dịch tiền ảo theo đó người dân Hàn Quốc chỉ được giao dịch tại những sàn giao dịch được cấp phép và xem xét đánh thuế lợi nhuận từ tiền ảo nhằm kìm hãm tình trạng đầu cơ điên cuồng của quốc gia này.

Nhu cầu về tiền ảo ở Hàn Quốc đủ lớn để tạo ra những biến động giá. Ripple tăng đến gần  4 USD/coin tại một số sàn giao dịch ở Hàn Quốc trong khi nó chỉ có giá 2,5USD ở các sàn khác.

Coinmarketcap.com mới đây đã loại trừ biến động giá ở thị trường Hàn Quốc khỏi bảng tính giá của mình, điều khiến ripple giảm khoảng 31% vào ngày 8.1.

Naeem Aslam, Trưởng bộ phận Phân tích thị trường tại TF Global Markets ở London, nói rằng điều này sẽ là tốt cho tiền ảo trong dài hạn.

Asham cho biết: "Chúng ta cần phải kiểm soát hoạt động giao dịch tiền ảo chặt chẽ hơn, khi mà các sàn giao dịch của Hàn Quốc có mức biến động giá điên rồ, và việc kiểm soát này giúp bình ổn giá. Đối với các hoạt động khai thác mỏ, Trung Quốc đang đặt ra các điều kiện khó khăn hơn cho hoạt động này".(NCĐT)
-------------------------------------

Sau 1 năm, cổ phiếu của Vietnam Airlines đã về đến giá đỉnh lịch sử

Ngày 08/01/2018, cuối cùng HVN đã trở lại, ghi nhận mức giá đóng cửa tại 50.900 đồng và giá bình quân trong phiên là 49.620 đồng – vượt qua “đỉnh” trước đây.

Hơn 1 năm trước đây, vào ngày 03/01/2017, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đưa hơn 1,2 tỷ cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM với mã chứng khoán HVN, giá tham chiếu 28.000 đồng. Hãng hàng không quốc gia lên sàn đã mở màn cho sự đổ bộ của các “ông lớn” khác trong năm qua, ngay lập tức góp cho thị trường 1,5 tỷ USD vốn hóa.

Với cơ cấu cổ đông cô đặc và vị thế đứng đầu trong ngành hàng không, cổ phiếu HVN nhanh chóng "phi" 3 phiên liên tục và ghi nhận mức tăng tới 64,4% do phiên đầu tăng trần với biên độ 40%. Giá bình quân của HVN trong phiên 05/01/2017 là 50.210 đồng. Tính theo giá điều chỉnh, HVN khi đó đạt 49.000 đồng. Đây cũng là mức giá cao nhất của cổ phiếu này trước khi rơi vào chuỗi giảm giá xuống tận 25.000 đồng và đi ngang phần lớn thời gian của năm 2017 trong sự chờ đợi khá mệt mỏi của nhà đầu tư.

Tròn 1 năm sau, ngày 08/01/2018, cuối cùng HVN đã trở lại, ghi nhận mức giá đóng cửa tại 50.900 đồng và giá bình quân trong phiên là 49.620 đồng – vượt qua “đỉnh” trước đây.

 

Động lực cho sự tăng giá của HVN trước hết đến từ kết quả kinh doanh nổi bật. Theo báo cáo tài chính quý 3/2017, hoạt động kinh doanh chính khởi sắc cùng nguồn thu từ hoạt động Sales&Leaseback đã giúp Vietnam Airlines lãi ròng 1.299 tỷ đồng trong quý 3 - là mức lợi nhuận theo quý cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Lợi nhuận hợp nhất quý III tăng ngoài các nguyên nhân tăng lợi nhuận công ty mẹ còn do lợi nhuận sau thuế của công ty con đều tăng. Cụ thể, JPA thực hiện SLB tàu bay A320 thu được 151 tỷ đồng, Skypec, NCTS,… nhận cổ tức đầu tư vào công ty liên kết.

 

Kế hoạch phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu dự kiến thực hiện trong quý IV/2017 - dù chưa tiến hành - cũng tạo ra kỳ vọng phần nào cho cổ phiếu HVN trên sàn chứng khoán.

Nhưng động lực lớn nhất có lẽ là kế hoạch bán tiếp 4,1% cho các nhà đầu tư, giảm tỷ lệ sở hữu của nhà nước - thông tin được ông Dương Trí Thành, CEO của Vietnam Airlines cho biết trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình Bloomberg. Năm 2016, Vietnam Airlines đã bán 8,8% cho hãng hàng không đến từ Nhật Bản ANA Holdings với giá 108 triệu USD. Việc giảm tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước và sự tham gia của các cổ đông nước ngoài tại các doanh nghiệp lớn của nhà nước như Vietnam Airlines, Petrolimex, Tổng công ty Cảng hàng không... vẫn luôn tạo ra kỳ vọng cho giới đầu tư về sự cải thiện chất lượng quản trị cũng như sự hỗ trợ về hệ thống khách hàng để doanh nghiệp có thể phát triển bền vững và mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Với việc vượt qua giá đỉnh lịch sử, Vietnam Airlines hiện có giá trị thị trường gầ 62.500 tỷ đồng tương đương 2,7 tỷ USD, đứng thứ 16 trên toàn thị trường chứng khoán.(CafeF)
-------------------------------

Năng suất người Việt bằng 80% Hàn Quốc nhưng tiền lương chưa được 1/3

Ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng đó là một trong những lý do Samsung chọn Việt Nam để đầu tư...

Năng suất người Việt bằng 80% Hàn Quốc nhưng tiền lương chưa được 1/3

Ảnh minh họa.

Mới đây, Tổng cục Thống kê cho biết, năng suất lao động toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2017 ước tính đạt 93,2 triệu đồng/lao động (tương đương khoảng 4.159 USD/lao động). 

Tính theo giá so sánh năm 2010, năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2017 tăng 6% so với năm 2016, bình quân giai đoạn 2011-2017 tăng 4,7%/năm.

Mặc dù cho rằng năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua tuy có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN nhưng Tổng cục Thống kê nhìn nhận, mức năng suất lao động của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực. 

Tính theo sức mua tương đương năm 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD, chỉ bằng 7,0% của Singapore; 17,6% của Malaysia; 36,5% của Thái Lan; 42,3% của Indonesia; 56,7% của Philippines và bằng 87,4% năng suất lao động của Lào. 

Tại hội thảo “Cơ hội đầu tư - kinh doanh 2018” do BizLIVE phối hợp với VTV24 vừa tổ chức tại FLC Sầm Sơn Thanh Hoá, nhiều chuyên gia cũng bàn luận về vấn đề này.

Theo chuyên gia Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên Cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng không phải lĩnh vực nào năng suất của Việt Nam cũng là thấp nhất. Một số ngành năng suất của Việt Nam ở mức trung bình của ASEAN, còn một số ngành có thể còn thấp hơn cả Lào.

GS. TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cũng cho biết năng suất lao động tổng hợp thì thấp nhưng còn có những ngành tương đối nhanh.

Vị Giáo sư này kể ông đã từng hỏi Samsung về 3 câu chuyện. Thứ nhất, đối với lao động phổ thông Việt Nam so với lao động Hàn Quốc như thế nào. Trả lời câu hỏi này, Tổng giám đốc Samsung Bắc Ninh cho biết chỉ sau một vài năm người Việt Nam đạt được 80% năng suất lao động của Hàn Quốc.

"Điều đó một phần lý giải vì sao Samsung lại đầu tư nhiều vào Việt Nam. Bởi vì năng suất người Việt bằng 80% Hàn Quốc nhưng tiền lương lại chỉ bằng 30% thôi", ông Mại nói.

Thứ hai, ông Mại cho biết Samsung có trung tâm công nghệ cao ở Hà Nội. Ở đó có hàng nghìn người Việt Nam là kỹ sư phần mềm. "Tôi hỏi một kỹ sư bình thương trong bao lâu có thể đạt được như người Hàn Quốc, họ trả lời là 1,5 – 2 năm", ông Mại kể.

Ngoài ra ông Mại cũng cho biết khi ông hỏi ai là những quản lý các nhà máy Samsung tại Việt Nam thì lãnh đạo doanh nghiệp này nói là chủ yếu người Việt Nam từ đốc công đến các bộ phận khác như marketing, nhân sự…

Người đứng đầu Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng cho biết khi ông vào TP.HCM nghe phát biểu tổng kết 15 năm, giám đốc của Intel đánh giá rất cao lao động Việt Nam. Do vậy theo ông Mại, cần có phân tích năng suất lao động từng ngành thay vì chỉ đưa ra một con số chung cho cả nền kinh tế...(Bizlive)
--------------------------------

Truy nã chủ dự án Ocean View Nha Trang

Chủ dự án Ocean View Nha Trang tại hai phường Vĩnh Nguyên và Vĩnh Trường, Nha Trang (Khánh Hòa) đã bị phát lệnh truy nã về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Truy nã chủ dự án Ocean View Nha Trang - Ảnh 1.

Khu vực dự án Ocean View Nha Trang hiện nay - Ảnh: PHAN SÔNG NGÂN

Cơ quan cảnh sát điều tra (PC46) Công an tỉnh Khánh Hòa vừa phát lệnh truy nã bị can Nguyễn Việt Hùng (44 tuổi, cư trú Xuân Thủy, Thảo Điền, quận 2, TP.HCM), giám đốc Công ty TNHH thương mại, dịch vụ Thiên Nhân II, chủ dự án Ocean View Nha Trang.

Trước đó, PC46 Công an tỉnh Khánh Hòa đã có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Nguyễn Việt Hùng vào ngày 19-12-2017 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại dự án Ocean View Nha Trang. 

Nhưng một tuần sau khi có quyết định khởi tố bị can vừa nêu, ông Hùng đã bỏ trốn khỏi chỗ ở. 

Dự án Ocean View Nha Trang đã được UBND tỉnh Khánh Hòa chấp thuận đầu tư từ năm 2004. 

Sau khi được cho điều chỉnh, chia thành hàng trăm lô biệt thự, khách sạn, căn hộ cao cấp, chủ dự án là Công ty TNHH thương mại, dịch vụ Thiên Nhân II đã lách luật, bán đất biệt thự cho nhiều khách hàng bằng "hợp đồng góp vốn xây dựng nhà ở". 

Đồng thời, chủ dự án này còn đem nhiều lô đất biệt thự đã bán thế chấp ngân hàng để vay vốn, hoặc đem một lô đất bán cho nhiều người. 

Khi nhiều người đã mua giao tiền nhưng không có đất, hoặc có đất nhưng không làm được giấy tờ sở hữu đã khiếu nại, tố cáo chủ dự án và giám đốc công ty là Nguyễn Việt Hùng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. 

Ban đầu, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa có văn bản trả lời đó là tranh chấp dân sự, không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan công an. 

Tháng 6-2017, báo Tuổi Trẻ Online có thông tin phản ánh sai phạm tại dự án đã nêu, bài Dân "mắc bẫy" ở dự án Ocean View Nha Trang.

Khi PC46 Công an tỉnh Khánh Hòa thụ lý điều tra, xác minh tố giác tội phạm tại dự án được nêu thì cơ quan này xác định Nguyễn Việt Hùng đã "có dấu hiệu bỏ trốn, không có mặt làm việc theo đúng yêu cầu của cơ quan điều tra”.

Sau đó hơn 5 tháng, Nguyễn Việt Hùng mới bị khởi tố bị can và đã bỏ trốn. 

Hiện nay, theo cơ quan đăng ký đất đai tỉnh Khánh Hòa, tính đến tháng 10-2017 vẫn còn 37 lô đất biệt thự trong dự án Ocean View Nha Trang thế chấp tại Agribank chi nhánh Bình Thạnh, TP.HCM (thế chấp trong thời gian từ tháng 4-2010 đến tháng 11-2013).   (Tuoitre)

Trở về

Bài cùng chuyên mục