tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 19-06-2017

  • Cập nhật : 19/06/2017

Kido tập trung đầu tư vào thị trường thực phẩm

Ngày 16.6, Công ty cổ phần Tập đoàn Kido (KDC) tổ chức Đại hội cổ đông thường niên 2017. Các cổ đông đã thông qua kết quả kinh doanh năm 2016 và kế hoạch 2017.

Năm nay, Kido đề ra mức doanh thu đạt 7.700 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế 490 tỉ đồng. Trong đó, mảng thực phẩm đóng gói dự kiến đạt doanh thu 5.800 tỉ đồng và mảng thực phẩm đông lạnh 1.900 tỉ đồng.

Cũng trong năm nay, công ty đẩy mạnh các hoạt động liên kết và mua bán sáp nhập trong ngành hàng thực phẩm chế biến như sở hữu 50% vốn của Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco - doanh nghiệp chế biến xúc xích, chả lụa, đồ hộp và có nhà máy giết mổ gà 25.000 con/ngày; hợp tác với một đối tác Thái Lan sản xuất các loại nước xốt, gia vị...

Bên cạnh đó, Kido cũng đề xuất nới room ngoại lên 100% nhằm tạo cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia nhiều hơn vào cổ phiếu KDC, tăng khả năng thanh khoản để giúp công ty có thêm nguồn vốn mở rộng kinh doanh…(Thanhnien)
--------------------------

Muốn bán đứt Tràng Tiền Plaza cho tư nhân

Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), Bộ Tài chính đang tính toán các phương án sắp xếp, phân loại DN của SCIC đến năm 2020, trong đó cân nhắc việc bán vốn nhà nước tại Tràng Tiền Plaza.

Theo phương ánbán vốn nhà nước được SCIC trình các cơ quan chức năng mới đây, SCIC đề nghị tiếp tục nắm giữ vốn tại 3 DN. Trong đó đề nghị giữ 100% vốn tại Công ty TNHH MTV đầu tư SCIC; nắm 51% vốn điều lệ tại Công ty TNHH MTV khai thác và chế biến đá An Giang (UBND tỉnh An Giang cũng thống nhất phương án này).

Đối với Công ty TNHH MTV đầu tư thương mại Tràng Tiền - chủ trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza, hiện SCIC đang nắm 90% vốn điều lệ. Do DN có đặc điểm mang tính biểu tượng lịch sử, văn hóa đặc biệt của thủ đô Hà Nội, SCIC đề nghị thực hiện cổ phần hóa và tiếp tục nắm giữ 51% vốn điều lệ.

trang tien plaza la mot trong nhung cong trinh bieu tuong cua ha noi.

Tràng Tiền Plaza là một trong những công trình biểu tượng của Hà Nội.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương lại có ý kiến khác. Bộ Công Thương đề nghị thoái hết vốn nhà nước tại DN này do lĩnh vực kinh doanh thương mại nhà nước không cần nắm giữ cổ phần.

Hiện, Tràng Tiền Plaza đang được Tập đoàn IPP của doanh nhân Jonathan Hạnh Nguyễn thuê để làm trung tâm hàng hiệu, phục vụ chủ yếu tầng lớp có thu nhập cao và khách nước ngoài. Còn chủ sở hữu khu trung tâm thương mại này là Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Tràng Tiền (SCIC sở hữu 90% và Tổng công ty Thương mại Hà Nội sở hữu 10% vốn điều lệ)

Hồi tháng 3/2017 Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án sắp xếp, phân loại DN của SCIC đến năm 2020. Trong đó cổ phần hóa 5 DN; tiếp tục đầu tư, nắm giữ vốn 3 DN; bán vốn giai đoạn 2017-2020 137 DN, giải thể phá sản 3 DN.

Trong thời gian chờ Thủ tướng phê duyệt danh sách này, Bộ Tài chính đã tạm giao danh mục bán vốn năm 2017 phù hợp với phương án sắp xếp, phân loại DN đang trình Thủ tướng phê duyệt.

Theo đó, kế hoạch năm 2017 SCIC bán vốn nhà nước tại 107 DN hoạt động trong các ngành, lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ theo Quyết định 58 và hầu hết đã có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc bán vốn.

Tuy nhiên, hồi tháng 4/2017, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương trình danh mục DN có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017-2020.

Do vậy, SCIC cho rằng nếu chờ Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp toàn bộ danh mục bán vốn các bộ, địa phương trình Thủ tướng sẽ rất chậm và SCIC sẽ không bán vốn được ngay, ảnh hưởng đến việc hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh và nộp ngân sách nhà nước của SCIC.

Vì vậy SCIC đã đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng xem xét, phê duyệt phương án, sắp xếp, phân loại DN đến năm 2020 của SCIC nhằm đẩy mạnh cổ phần hóa, bán vốn nhà nước tại DN.

Với lý do “hoạt động bán vốn là công việc thường xuyên của SCIC”, Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng cho phép SCIC tiếp tục bán vốn tại các DN đã được phê duyệt trong kế hoạch bán vốn hàng năm, đồng thời xem xét, phê duyệt phương án sắp xếp, phân loại DN đến năm 2020 của SCIC.

Trong báo cáo trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng quyết liệt thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp có thể tạo ra nguồn thu 15-20 tỷ USD trong giai đoạn 2016-2020.(Vietnamnet)
---------------------------------

Trung Quốc chịu áp lực lớn khi Fed tăng lãi suất

Các chính sách kinh tế sau khủng hoảng của Mỹ có thể làm bùng nổ giá trị tài sản và tỷ giá tiền tệ ở Trung Quốc cũng như các nền kinh tế mới nổi trên thế giới.

Một thập niên kể từ sau khi cuộc khủng hoảng tài chính gây rúng động các thị trường toàn cầu, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã sẵn sàng để sửa lại chính sách lãi suất hậu khủng hoảng. Bên cạnh đợt tăng lãi suất cơ bản mới đây vào hôm 15.6, từ mức 1% lên mức 1,25%, Fed còn quyết định sẽ cắt giảm 4.500 tỉ USD trong bảng cân đối tài chính, một động thái có thể làm bùng nổ giá trị tài sản trên toàn thế giới, đặc biệt là ở các nền kinh tế mới nổi.

Theo Zhou Xi, nhà phân tích của Bohai Securities, những chính sách mới của Fed chắc chắn sẽ dẫn đến việc thắt chặt các điều kiện thanh khoản và gây ảnh hưởng lan tỏa đến phần còn lại của thế giới. “Đối với Fed, các động thái trên là việc bình thường hóa chính sách tiền tệ sau thời gian khủng hoảng. Nhưng đối với các nền kinh tế khác, đó sẽ có thể là một sự tàn phá. Động thái tăng cường giá trị đồng USD, cùng với những kỳ vọng lãi suất mạnh mẽ hơn, sẽ siết chặt nguồn vốn từ các thị trường lớn trên toàn cầu, đồng thời khiến dòng vốn ở các nền kinh tế còn lại chảy ra liên tục. Hơn nữa, những kế hoạch đó cũng sẽ gây ra áp lực không hề nhỏ lên giá trị tài sản và tỷ giá tại các thị trường mới nổi”, ông Zhou nói.

Theo South China Morning Post, phân tích từ các chuyên gia cho thấy, quyết định cắt giảm bảng cân đối tài chính của Fed sẽ khiến Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) rơi vào tình thế khó khăn, đặc biệt là nhân dân tệ luôn phải chịu áp lực suy giảm mỗi khi đồng USD tăng giá.

“PBOC có thể sẽ làm theo Fed bằng cách thắt chặt thêm các chính sách tài chính để có khả năng đối mặt với những hạn chế của hệ thống tài chính hiện tại và tình trạng thanh khoản vốn đang được kiểm soát chặt chẽ”, Li Chao, nhà phân tích của Huatai Securities, cho biết. Song, nhiều khả năng PBOC sẽ không nới lỏng chính sách tiền tệ của mình “ở mức độ lớn”, vì điều này sẽ làm suy yếu tỷ giá hối đoái của nhân dân tệ trong bối cảnh đồng USD ngày càng được kỳ vọng sẽ mạnh lên, chưa kể dòng vốn đang chảy ra từ Đại lục cũng sẽ ngày càng thâm hụt nhiều hơn.

Dữ liệu kinh tế Trung Quốc được công bố gần đây nhất đã cho thấy một bức tranh kinh tế không có nhiều tín hiệu tích cực. Trong đó, tăng trưởng đầu tư vào tài sản hỗn hợp giảm xuống còn 8,6% trong 5 tháng đầu năm nay. Tăng trưởng đầu tư tư nhân cũng chậm lại, giảm từ 6,9% xuống còn 6,8% trong tháng 5.2017.

“Kinh tế Trung Quốc bắt đầu có xu hướng suy giảm. Điều đó cho thấy các nhà đầu tư vẫn chưa chắc chắn về tương lai”, ông Hu Mingzhe, nhà phân tích của Galaxy Futures, nói.(Thanhnien)
--------------------------

Google đối mặt với mức phạt lớn kỷ lục

Hãng công nghệ Mỹ có thể bị Brussels phạt hơn 1 tỉ EUR, tức hơn 1,1 tỉ USD, vì lạm dụng hoạt động tìm kiếm trên internet. Đây là mức phạt lớn kỷ lục trong các vụ doanh nghiệp độc quyền trên thế giới.

Theo Financial Times, một số nguồn tin cho hay giới chức Liên minh châu Âu (EU) dự kiến thông báo trong vài tuần tới về việc Google phạm luật khi thao túng các kết quả của công cụ tìm kiếm để làm lợi cho dịch vụ Google Shopping của họ. Google Shopping cung cấp dịch vụ so sánh giá các sản phẩm được bày bán. Động thái này có thể dẫn đến mức phạt lạm dụng cao kỷ lục, vượt qua khoản phạt mà nhà sản xuất chip Intel từng đối mặt năm 2009.

Theo quy định, khoản phạt được giới hạn ở mức tối đa 10% tổng doanh thu doanh nghiệp. Google thu về 90 tỉ USD năm ngoái. Hãng cũng bị yêu cầu đề xuất kế hoạch hoạt động mảng mua sắm tương lai trong thời gian quy định. Nếu không đạt được thỏa thuận với giới quản lý trong thời gian trên, công ty có thể bị phạt đến 5% doanh thu trung bình hằng ngày cho mỗi ngày quá hạn.

Quyết định của Brussels cũng mở đường cho nhiều đối thủ cạnh tranh trong mảng mua sắm so sánh giá với Google, và các khách hàng nộp đơn kiện đòi bồi thường thiệt hại với hãng.

Trong vụ việc khác, EU đang điều tra xem liệu Google có cấm bất hợp pháp các đối thủ cạnh tranh từ những trang web sử dụng thanh tìm kiếm và quảng cáo của họ hay không. Giới chức Liên minh châu Âu cũng kiểm tra cách công ty này trả và giới hạn các nhà cung ứng di động, những hãng sử dụng Android và Play app store của họ.

Năm ngoái, Cao ủy Cạnh tranh châu Âu Margrethe Vestager yêu cầu hãng công nghệ Mỹ Apple trả 13 tỉ EUR tiền thuế cho Ireland. Giới chức cho rằng chế độ thuế của Apple ở Ireland là hình thức “viện trợ bất hợp pháp”. Từ năm 2000, EU đã điều tra về vấn đề chống độc quyền với một loạt hãng như Microsoft, Intel, Apple, Google, Facebook, Amazon. Các cuộc điều tra làm dấy lên đồn đoán rằng Brussels đang tiến hành chiến dịch chống lại giới doanh nghiệp Mỹ, song EU phản đối nhận định này.(Thanhnien)

Trở về

Bài cùng chuyên mục