tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 21-08-2018

  • Cập nhật : 21/08/2018

Việt Nam ồ ạt nhập dầu thô và than đá, giá than Trung Quốc "mặn chát"

Theo thống của Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã tăng nhập khẩu dầu thô hơn 544% về lượng và 670% về giá trị. Cùng với đó, lượng nhập khẩu than đá về nước cũng tăng 49% về lượng và hơn 71% về kim ngạch.

Như vậy, sau thời gian dài chủ yếu xuất đi, hiện tại Việt Nam đã phải nhập khẩu các mặt hàng này về nước. Cụ thể, lượng dầu thô nhập khẩu 7 tháng qua về Việt Nam đạt 1,8 triệu tấn, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ nhập hơn 280.000 tấn. Kim ngạch nhập dầu thô đạt 890 triệu USD (hơn 11,3 triệu đồng/tấn).

sau thoi gian chu yeu xuat than va dau tho, hien viet nam o at nhap san pham nay voi gia dat hon.

Sau thời gian chủ yếu xuất than và dầu thô, hiện Việt Nam ồ ạt nhập sản phẩm này với giá đắt hơn.

Mặt hàng thứ 2 nhập nhiều là than đá, hết tháng 7/2018, cả nước nhập về hơn 11,9 triệu tấn với kim ngạch gần 1,4 tỷ USD, tăng 49% về lượng và 71,6% về kim ngạch. Indonesia là nước có lượng than xuất vào Việt Nam lớn nhất trong các thị trường khi chiếm trên 6,38 triệu tấn, với kim ngạch 450 triệu USD.

Mức giá bình quân của than nhập vào Việt Nam đạt 2,6 triệu đồng/tấn, trong đó than nhập từ Indonesia chỉ 1,6 triệu đồng/tấn, than nhập từ Trung Quốc đắt đỏ hơn, với đơn giá 8,2 triệu đồng/tấn.

Ngoài việc tăng nhập các mặt hàng than và dầu thô, hiện Việt Nam cũng tăng nhập các loại quặng và khoáng sản về nước. Tính đến hết tháng 7, cả nước nhập hơn 7,9 triệu tấn quặng, tăng 90% so với cùng kỳ, kim ngạch hơn 662 triệu USD, giá quặng tăng 91% so với năm trước.

Trong quá trình nhập, Việt Nam cũng xuất các loại hàng tương tự. Quặng và khoáng sản chúng ta xuất được 2,1 triệu tấn, đạt kim ngạch 109 triệu USD. Giá bình quân khoảng 1,2 triệu đồng/tấn, thấp hơn 700.000 đồng/tấn so với giá nhập vào.

Than đá, 7 tháng qua Việt Nam xuất đi được 1,4 triệu tấn, kim ngạch 190 triệu USD, giá bình quân là 3,1 triệu đồng/tấn. Giá than xuất cao hơn 500.000 đồng/ tấn so với giá than nhập, song vẫn thấp hơn 50% so với giá than nhập về từ Trung Quốc.

Với dầu thô, 7 tháng qua, Việt Nam xuất đi 2,2 triệu tấn, kim ngạch 1,2 tỷ USD, giá xuất bình quân 12,4 triệu đồng/tấn, cao hơn gần 1 triệu đồng/tấn so với giá dầu thô nhập về.

Hiện, Việt Nam cho phép một số doanh nghiệp được quyền nhập khẩu than riêng, trong đó có các nhà máy như luyện cán thép Formosa hay các chủ đầu tư nhiệt điện chạy than ở duyên hải miền Trung và Đồng bằng Sông Cửu Long (Tổng sơ đồ điện VII). Chính vì vậy, việc nhập khẩu than ồ ạt từ nước ngoài có thể là các loại than phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện hoặc nhà máy phát điện riêng của doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài đóng chân tại lãnh thổ Việt Nam.(DAntri)
------------------------

Hoa Sen Group vay nợ 16.000 tỷ, gấp hơn 4 lần vốn chủ: Thế chủ động hay cơn bĩ cực của "ông trùm" tôn Việt?

Tình hình hiện tại với nợ vay tăng, áp lực cạnh tranh lớn, cổ đông nội bộ thoái vốn...có thể là cơn bĩ cực của ông vua tôn Việt, cũng có thể là bài toán đổi ngắn hạn lấy dài hạn - nôm na Hoa Sen hoàn toàn ở thế chủ động.

Từng là một đơn vị làm ăn tăng trưởng với những chia sẻ đầy tự hào, quyết liệt của Chủ tịch Lê Phước Vũ, Hoa Sen Group (HSG) đến nay thực sự là một câu đố.

Vì sao là câu đố?

Bởi bức tranh đang chưa rõ ràng, nợ vay tăng, áp lực cạnh tranh lớn, cổ đông nội bộ thoái vốn... chỉ là một mặt của vấn đề; mặt còn lại là doanh số Hoa Sen vẫn tăng, hệ thống phân phối dần phủ sóng dày đặc, chưa kể phía lãnh đạo quyết tâm đến cùng với dự án Cà Ná là một mắc xích quan trọng khép kín được chuỗi giá trị - điều mà bất kỳ doanh nghiệp dẫn đầu nào cũng đặt mục tiêu.

Như vậy, tình hình hiện tại cũng có thể là cơn bĩ cực của ông vua tôn Việt, cũng có thể là bài toán đổi ngắn hạn lấy dài hạn - nôm na Hoa Sen hoàn toàn ở thế chủ động.

Hạ hồi phân giải vấn đề, đầu tiên sẽ là những khúc mắc (cơn bĩ cực và chuyển động các khoản nợ vay?), phần còn lại là những điểm sáng từ khó khăn của Tập đoàn (thế chủ động).

Cơn bĩ cực

(1) Thứ nhất, thoạt nhìn chúng ta đều thấy hiện tượng nợ vay đè nặng lên doanh nghiệp, khi mà dư nợ cứ ngày một tăng đến lúc thị trường bắt đầu quan ngại, cuối quý 3/2018 tổng dư nợ vay hơn 15.880 tỷ với 12.420 tỷ nợ ngắn hạn và 3.460 tỷ nợ dài hạn, gấp hơn 4 lần mức vốn góp chủ sở hữu 3.850 tỷ đồng!

Hiểu nôm na, đòn bẩy tài chính từng là vũ khí lợi hại đến nay đang ở bờ vực mất cân đối. Bằng chứng là chi phí lãi vay tăng không kiểm soát, riêng quý 3 (1/4-30/6/2018) ghi nhận tăng những 40% lên 190 tỷ đồng, tính lũy kế thì tăng một mạch từ mức 330 tỷ lên hơn 577 tỷ đồng, tức "độn" gấp đôi cùng kỳ. So với lợi nhuận gộp mức "ngốn" là hơn 18%. Tức, lợi nhuận thu từ việc bán hàng kinh doanh, Hoa Sen đang chi một phần năm (20%) để trả lãi ngân hàng!

Trong cơ cấu nợ, nợ vay gần như chiếm tỷ trọng toàn bộ và quyết định tốc độ gia tăng tổng nợ doanh nghiệp, tương ứng mức chi phí lãi vay tăng nhanh như đề cập ở trên.

Tài sản và tổng nợ Hoa Sen giai đoạn 2016-quý 2/2018 (Đvt: Tỷ đồng)

Hoa Sen Group vay nợ 16.000 tỷ, gấp hơn 4 lần vốn chủ: Thế chủ động hay cơn bĩ cực của ông trùm tôn Việt? - Ảnh 1.

Xét về chỉ tiêu tài chính, cả ROA và ROE đang sụt giảm mạnh, trong đó ROA giảm nhanh khiến chênh lệch giữa hai chỉ số ngày càng xa, cho thấy mức độ hiệu quả của đòn bẩy tài chính đang giảm. Chi tiết, tính đến ngày 30/6/2018, ROA Tập đoàn là 0,35, trong khi cuối nien độ 2016-2017 vẫn còn trên 1, ở mức 6%! ROE tương ứng 13%, trong khi cuối niên độ tài chính trước đó đến 26%! Như vậy, mặc dù doanh số vẫn duy trì song hiệu quả thì dẹo dặt.

Nhìn lại giai đoạn từ niên độ 2013-2014, hoạt động của Hoa Sen tỏ ra rất hiệu quả, đi cùng với tổng tài sản tăng, quy mô tăng là mức sinh lời cũng tăng đáng kể, ROE từ 17% (2013-2014) tăng lên đến 36,5% (2015-2016), ROA cũng tăng hơn 8 điểm phần trăm lên 12%. Tuy nhiên, kể từ đỉnh năm 2016, câu chuyện bắt đầu đi ngược, cùng với nghi vấn mất cân đối nợ/vốn là tỷ suất sinh lời sụt giảm nặng nề, cuối quý 3 niên độ tài chính 2017-2018 ROA và ROE lần lượt giảm hơn 10 và 23 điểm phần trăm.

Biến động tỷ suất sinh lời (ROA và ROE) của Hoa Sen giai đoạn 2014-quý 3/2018 (Đvt: %)

Hoa Sen Group vay nợ 16.000 tỷ, gấp hơn 4 lần vốn chủ: Thế chủ động hay cơn bĩ cực của ông trùm tôn Việt? - Ảnh 2.

(2) Thứ hai, liên quan đến hàng tồn. Nhắc lại, hàng tồn ở mức cao từng là chiến lược tối ưu của Hoa Sen những năm giá thép cuộn cán nóng (nguyên liệu sản xuất) tăng mạnh khiến Tập đoàn hưởng lợi lớn nhờ đầu vào giá thấp. Tuy nhiên, biến động thị trường khiến Chủ tịch Lê Phước Vũ không kịp trở tay, giá thép thị trường giảm đến 12% thời gian qua, Hoa Sen lại mắc kẹt với lượng tồn kho lớn, khoảng 8.300 tỷ tính đến cuối quý 3 niên độ tài chính hiện hành.

(3) Thứ ba, một yếu tố khác ảnh hưởng đến biên lãi của "ông trùm" Hoa Sen chính là chiến lược giá thấp để duy trì phong độ thị phần, cũng bắt đầu từ niên độ tài chính 2016-2017 khi thị phần tôn của Hoa Sen giảm từ 40% vào năm 2012 chỉ còn 33% đến năm 2016. Không thể phủ nhận chiến lược này có mang lại mức tăng trưởng về doanh số cho Hoa Sen, thị phần cũng cải thiện lên 34% cuối năm 2017, nhiều ý kiến cho rằng 1% thì không đáng kể nhưng trong bối cảnh đối thủ ngày càng nhiều và càng mạnh, chúng ta phải đồng ý tăng thị phần tức là cả một vấn đề.

Song, khi mà gánh nặng chi phí tăng cao, áp lực chi phí khấu hao cũng lớn hơn thì chiến lược trên thực tế không mang lại hiệu suất, khi mà doanh số tăng nhưng biên lãi gộp giảm mạnh từ 17,2% (30/6/2017) chỉ còn 12,5% (30/6/2018). Kết quả là, ROA và ROE giảm như đã đề cập.

Chuyển động các khoản nợ vay

Phân tích sâu về cơ cấu và chuyển động dư nợ của Hoa Sen, trong kỳ nợ vay tăng, song chiều ngược lại vẫn giảm với lượng lớn, thậm chí Tập đoàn tất toán được nợ gốc hàng trăm tỷ tại Agribank, Techcombank, MBBank...

Cụ thể, ghi nhận trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ của Hoa Sen, tổng tiền thu về từ đi vay ghi nhận 26.787 tỷ đồng, ngược lại Tập đoàn cũng chi ra 22.728 tỷ đồng trả nợ gốc.

Hoa Sen Group vay nợ 16.000 tỷ, gấp hơn 4 lần vốn chủ: Thế chủ động hay cơn bĩ cực của ông trùm tôn Việt? - Ảnh 3.

Trên bảng thuyết minh, ghi nhận trong kỳ Hoa Sen đã tất toán được khoản vay ngắn hạn 46 tỷ tại Agribank - chi nhánh Sài Gòn, hơn 356 tỷ nợ gốc ngắn hạn tại Techcombank - chi nhánh Sài Gòn, 279 tỷ tại MBBank - chi nhánh Bình Dương, 267 tỷ tại VIB - chi nhánh Tp.HCM và 231,5 tỷ tại VPBank.

Ngược lại, bên cạnh việc tăng nợ gốc ngắn hạn tại các ngân hàng đối tác hiện hữu mà đa số là Vietinbank, Hoa Sen còn phát sinh các khoản vay mới tại các nhà băng ngoại. Liệt kê có khoản 136 tỷ nợ ngắn hạn tại Ngân hàng Sinopac - chi nhánh Tp.HCM, 424 tỷ tại Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation - chi nhánh Tp.HCM. Đồng thời, Hoa Sen cũng tăng nợ vay tại các chi nhánh Vietinbank, vay mới 1.121 tỷ ngắn hạn tại BIDV - chi nhánh Sở giao dịch 2, gần 436 tỷ tại Eximbank - chi nhánh Bình Dương.

Hoa Sen Group vay nợ 16.000 tỷ, gấp hơn 4 lần vốn chủ: Thế chủ động hay cơn bĩ cực của ông trùm tôn Việt? - Ảnh 4.

Như vậy, hiện chủ nợ lớn nhất của Hoa Sen là Vietinbank (cả ngắn lẫn dài hạn) và đa số các ngân hàng ngoại. Trong kỳ Hoa Sen cũng dần chuyển nợ của mình tại những ngân hàng TMCP tư nhân như Techcombank, MBBank, VPBank và đơn vị Nhà nước Agribank sang tăng dư nợ tại nhà băng ngoại hiện hữu, đơn cử là HSBC.

Dĩ nhiên, chưa có lý giải cụ thể nào cho động thái trên, có thể những đơn vị tư nhân đến hạn buộc Hoa Sen phải tất toán khoản vay, hoặc Tập đoàn chuyển sang các ngân hàng có ưu đãi tín dụng cao hơn, đặc biệt việc phát sinh những khoản vay mới trong gắn hạn sẽ giảm thiểu phần nào áp lực lãi cho Tập đoàn.

Thế chủ động

Song, mọi chuyện không hẳn bi quan, việc Hoa Sen đang mở rộng hệ thống với nhiều chi nhánh mới cùng với chiến lược giá thấp để tăng thị phần đang tỏ ra có hiệu quả. Kinh doanh cho thấy sản lượng tiêu thụ tôn trong nước tăng mạnh 42,4%.

Về mặt quy mô, tính đến hiện tại Tập đoàn có đến 410 chi nhánh toàn quốc, tiến sát đến mục tiêu đặt ra tại ĐHĐCĐ năm nay. Mạng lưới có 4 công ty liên kết và 16 công ty con, đội ngũ nhân lực cũng khá mạnh, thực tế cho thấy áp lực chỉ tiêu Tập đoàn đặt ra rất khất khe, đội ngũ bán hàng được làm mới liên tục.

Giới phân tích vẫn đánh gia cao mạng lưới cửa hàng tiêu thụ của Hoa Sen, dự kiến nâng số lượng chi nhánh lên 450 chi nhánh vào cuối năm nay (tức là vào tháng 9/2018), việc phải hy sinh lợi nhuận là điều mà Tập đoàn đã chọn để đổi lại việc củng cố thị trường.

Quan trọng không kém, phía ngân hàng vẫn giải ngân đều đặn cho Tập đoàn, có nghĩa khả năng tài chính của Hoa Sen vẫn đảm bảo yêu cầu của các nhà băng.

Còn nữa, chúng ta đều biết rằng, thị trường tôn cũng như thép nói chung đang gặp rất nhiều vấn đề liên quan đến tính bảo hộ toàn cầu, những vụ kiện chống bán phá giá, những nghi vấn "đội lốt" hàng Trung Quốc đầy rẫy... Vậy, trong bối cảnh đó tất yếu doanh nghiệp trong ngành phải quay về với thị trường nội địa, ít nhất là trong vòng 1-2 năm sau biến động, và phát triển thị trường nội địa không đâu khác chính là chiến lược xuyên suốt của Hoa Sen!

Và, hơn hết là Hoa Sen không hề có bất kỳ giải trình hay động thái gì mặc cho dư luận đặt nghi vấn gặp khó. Lần cuối cùng tiếp xúc trực tiếp với cổ đông, nhà đầu tư là ĐHĐCĐ thường niên 2018, Chủ tịch vẫn nhấn mạnh giọng rằng Hoa Sen đang ở đỉnh cao nội lực, nợ vay hay hàng tồn là chiến lược để Hoa Sen thực hiện hoá mục tiêu khép kín chuỗi giá trị, gia tăng kênh phân phối.

Trên thị trường, trong 6 tháng gần đây, giá cổ phiếu HSG tiếp đà giảm 43% xuống mức 10.350 đồng/cp (chốt phiên 10/8).(CafeF)
---------------------------

"Lật mặt" nông sản Trung Quốc nhái hàng Đà Lạt

Phóng sự đặc biệt của nhóm phóng viên Báo Người Lao Động sau hành trình Lạng Sơn - Trung Quốc - Lâm Đồng - TP HCM hàng ngàn cây số để làm rõ sự thật đáng sợ về những chiêu trò "hóa kiếp" nông sản Trung Quốc thành hàng Đà Lạt

Theo các chủ vựa lớn ở tỉnh Lâm Đồng, phải đến tháng 10 tới, các nhà vườn mới bắt đầu thu hoạch cà rốt, khoai tây, hành tây. Tuy nhiên, mỗi ngày vẫn có hàng trăm tấn hàng mang danh nông sản Đà Lạt chuyển về TP HCM và các tỉnh tiêu thụ. Vậy số nông sản này ở đâu ra?

"Thủ phủ" rau quả Trung Quốc

Để lý giải thực tế đầy mâu thuẫn này, phóng viên Báo Người Lao Động trong vai thương lái Việt Nam đã vượt quãng đường hàng ngàn cây số sang Quảng Tây - Trung Quốc, về Lâm Đồng rồi trở lại TP HCM.

Ngày 22-6, phóng viên được một tài xế xe container đầu kéo BKS 61B-512… thông báo sắp chạy từ TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng ra Lạng Sơn để sang Trung Quốc nhận hàng. Thế là chúng tôi lên đường. Khi chúng tôi đến Lạng Sơn, rất đông xe container mang biển số Việt Nam xếp hàng dài đi vào cửa khẩu Tân Thanh.

Lật mặt nông sản Trung Quốc nhái hàng Đà Lạt - Ảnh 1.

Các xe biển số Việt Nam chở rau củ quả Trung Quốc tại chợ Pò Chài (Trung Quốc) Ảnh: LÊ PHONG

Từ cửa khẩu Tân Thanh đến chợ đầu mối nông sản Pò Chài (TP Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây) phải mất thêm 15 phút đi xe ôm. Tài xế dẫn đường giới thiệu: "Tui thấy bên kia có toàn rau củ quả Trung Quốc thôi. Không biết họ có ngâm hóa chất không chứ tui thấy để cả tuần mà quả nào quả nấy vẫn xanh mơn mởn. Ngày nào cũng có cả trăm xe chở toàn rau củ Trung Quốc đi Đà Lạt. Nông sản Trung Quốc nó bóng, nó to lắm!".

Đến nơi, chúng tôi không khỏi choáng ngợp trước quy mô quá lớn của khu chợ. Để vào bên trong, các xe phải thông qua rất nhiều cổng gác, chốt kiểm tra và phải mua vé vào cổng. Từng mặt hàng được chia theo rất nhiều khu. Sức chứa mỗi khu có thể hơn 100 chiếc container. Nếu đi hết chợ cũng phải mất chừng nửa ngày.

Tại khu chợ B, hơn 50 xe container mang biển số Việt Nam đang mở nắp thùng để cửu vạn vác bao khoai tây, mỗi bao nặng gần 30 kg, chất vào. Trung bình cứ 15 phút, một xe container xuất bến tiến thẳng về Việt Nam. Điều đáng nói là các bao chứa khoai tây không hề có nhãn mác, nơi sản xuất mà chỉ thấy thương lái Trung Quốc tất bật ghi chép sổ sách, đưa hàng lên, xuống xe.

Bao trọn giấy tờ chứng minh... hàng Đà Lạt

Khu vực kinh doanh cà rốt trong chợ Pò Chài có những tấm bảng ghi bằng tiếng Hoa, tạm dịch "cà rốt giống như Đà Lạt". Những củ cà rốt ở đây sạch bóng, được bọc ni-lông. Đội nhân công trong quá trình chuyển hàng qua xe Việt Nam không quên xé bỏ những nhãn mác có chữ Trung Quốc.

Lật mặt nông sản Trung Quốc nhái hàng Đà Lạt - Ảnh 2.

Hành tây Trung Quốc để la liệt ở chợ Pò Chài chuẩn bị "hóa kiếp" thành hàng Đà Lạt Ảnh: LÊ PHONG

Trong vai chủ hàng ở Việt Nam, chúng tôi tìm gặp thương lái tên A Linh, quê Quảng Châu. A Linh cho hay nếu mua cà rốt số lượng trên 10 tấn sẽ được tặng kèm nhãn hiệu và giấy tờ chứng minh hàng của Đà Lạt. "Nếu lấy được 10 tấn hàng, tôi sẽ gọi điện thoại nhờ một chủ vườn ở huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng lấy cà rốt trộn với đất đỏ ở đó, anh chỉ việc thuê xe từ kho hàng về TP HCM" - A Linh nói.

Theo A Linh, hiện giá cà rốt tại Đà Lạt lên đến 16.000 đồng/kg, trong khi hàng ở đây chỉ 5.500 đồng/kg. Tính ra, mỗi lô hàng trộn vào làm giả có thể lời 20-30 triệu đồng.

Tại khu kinh doanh bắp cải, xe ra vào liên tục. Những quả bắp cải này to gần gấp đôi loại trồng ở Đà Lạt hoặc Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Tuy nhiên, giá mà thương lái đưa ra chỉ 1.400 đồng/kg.

Ở khu hành tây, vài chủ hàng đang rắc một loại bột màu trắng lên các bao. Mùi hôi thối từ hành tây xộc vào mũi rất khó chịu. "Hành tây đang hút hàng ở Việt Nam. Nếu mua thì vẫn có cách "hóa kiếp" chúng thành hàng Việt Nam" - thương lái A Linh nói.

Nhiều ngày quan sát, phóng viên nhận thấy hầu hết các xe container của Việt Nam khi qua đây chủ yếu chở thanh long, sầu riêng và dưa hấu. Khi xe trở về thì đầy kín hàng Trung Quốc.Ước tính, mỗi ngày có 70-100 xe container ào ào qua cửa khẩu.

Tài xế Lâm Văn Trọng (quê Bình Định) kể rằng hàng chở từ Việt Nam sang Trung Quốc sẽ bị kiểm tra rất gắt gao và phun khử hóa chất, sâu bệnh nên mất nhiều thời gian. Thế nhưng, lúc xe từ Trung Quốc về nước, các khâu kiểm tra lại đơn giản, hàng hóa được bỏ trong thùng container giữ lạnh ở nhiệt độ 3-6 độ C.

"Trung bình mỗi tháng, tôi chở hàng từ Trung Quốc về Đà Lạt 2 chuyến, vào mùa Tết có thể tăng lên 3 chuyến" - anh Trọng kể.

Trở về Việt Nam, chúng tôi bám theo một đoàn xe container BKS 2 tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng để tìm hiểu những lô cà rốt, khoai tây… sẽ đi về đâu. Sau 2 ngày, tất cả đều chạy thẳng về các chủ vựa ở TP Đà Lạt. Khi xe tới nơi, chủ vựa liền kéo kín cổng, đóng sập cửa và tiến hành các bước để biến lượng rau củ quả Trung Quốc xanh bóng trở nên xấu xí hơn nhằm qua mắt người tiêu dùng.

Theo bà N.T.H, một trong những chủ vựa nông sản lớn ở Đà Lạt, mỗi chuyến hàng như vậy, vựa lời 2.000-3.000 đồng/kg. "Chênh lệch chẳng bao nhiêu nhưng với số lượng lớn thì cũng kiếm được kha khá" - bà H. tiết lộ.(NLĐ)

Trở về

Bài cùng chuyên mục