tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 22-12-2017

  • Cập nhật : 22/12/2017

Chuyên gia dự báo thế nào về cổ phiếu ngân hàng 2018?

Chuyên gia dự báo thế nào về cổ phiếu ngân hàng 2018?

Theo TS. Võ Trí Thành, việc đẩy nhanh xử lý nợ xấu, các ngân hàng yếu kém, lành mạnh hoá ngân hàng theo hệ thống Basell 2 sẽ khiến cho cổ phiếu một số định chế ngân hàng trở nên hấp dẫn lên trong năm 2018.

Năm 2017 đã chứng kiến làn sóng cổ phiếu ngân hàng tăng giá mạnh mẽ, nhiều cổ phiếu có mức tăng giá tính bằng lần trên OTC và tăng từ 30 - 70% trên hai sàn chính thức. Những động lực thúc đẩy giá cổ phiếu lên ngoài thị trường chung lạc quan, bức tranh kinh tế vĩ mô tích cực còn đến từ nội tại các ngân hàng và hệ thống. Đó là những quy định về xử lý nợ xấu được thông qua, những nỗ lực tái cơ cấu được triển khai đồng bộ và quan trọng là sức khỏe các ngân hàng tăng lên cùng với triển vọng lạc quan hơn nữa trong các năm tới.

Tại buổi giao lưu trực tuyến do Báo điện tử Trí thức trẻ phối hợp với Kênh thông tin tài chính CafeF tổ chức chiều 20/12, các chuyên gia cũng đã có những nhận định và đánh giá về ngành ngân hàng và đưa ra những dự báo về cổ phiếu ngành này trong năm tới.

Theo ông Trương Văn Phước - Q.Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, Ngân hàng Nhà nước năm nay đã điều phối các công cụ chính sách tiền tệ rất nhịp nhàng.

Cụ thể, với mức tăng trưởng tín dụng và tăng cung tiền khá cao mà đã điều hành uyển chuyển, không tạo ra áp lực lạm phát. Bên cạnh đó, NHNN tăng dự trữ ngoại hối lên đến 46 tỷ USD mà vẫn giữ được tỷ giá hối đoái ổn định. Với tăng trưởng tín dụng 18-19% cùng với sự quản lý tốt để vốn đi vào các kênh sản xuất kinh doanh có thể xem là thành công của chính sách tiền tệ.

Trước câu hỏi năm 2018, đầu tư vào ngành nào sẽ có triển vọng, Bà Phạm Minh Hương - Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán VNDIRECT cho rằng, trong một chu kỳ tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu thì tài chính, vật liệu cơ bản, dầu khí là những ngành tăng trưởng mạnh và đó cũng là những ngành mà các chuyên gia tài chính khuyến nghị “đặt tiền” trong năm 2018.

Song bà cũng cho rằng ngành ngân hàng tuy còn vướng nhiều rủi ro về thể chế quản lý và nợ xấu tồn đọng nhưng trong năm qua, các ngân hàng đã rút ra nhiều bài học quản trị và đã có thời gian để dự phòng nợ xấu.

Trong khi đó, ông Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, về những tiềm năng trong chứng khoán thì cổ phiếu của một số định chế ngân hàng sẽ trở nên hấp dẫn lên trong năm tới do đẩy nhanh được xử lý nợ xấu, các ngân hàng yếu kém, lành mạnh hoá ngân hàng theo hệ thống Basell 2.(CafeF)
----------------------------

PENM Partners sẽ đầu tư mạnh vào Masan và các công ty con

PENM Partners sẽ đầu tư mạnh vào Masan và các công ty con

PENM Partners dự kiến sẽ mua trên thị trường thứ cấp khoảng 2% số cổ phiếu MSN đã phát hành và đang niêm yết tại HOSE đồng thời đầu tư 16 triệu USD để mua lại 0,8% vốn điều lệ của Masan Nutri-Science.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (mã chứng khoán: MSN) vừa thông báo về việc PENM Partners, quỹ đầu tư vốn tư nhân với nhiều khoản đầu tư thành công vào các công ty tăng trưởng cao tại ViệtNam, sẽ mua trên thị trường thứ cấp khoảng 2% số cổ phiếu MSN đã phát hành và đang niêm yết tại HOSE.

Cùng với đó, PENM cũng sẽ đầu tư 16 triệu USD để mua lại 0,8% vốn điều lệ của Masan Nutri-Science (mã chứng khoán MNS) từ Masan Group, với mức định giá MNS là 2 tỷ USD.

Ông Hans Christian Jacobsen, Tổng Giám đốc của PENM, cho biết: “Chúng tôi đặt niềm tin lớn vào chiến lược và tiềm năng tăng trưởng dài hạn của Masan trong ngành hàng tiêu dùng. Cụ thể hơn, chúng tôi háo hức về triển vọng hợp nhất thị trường thịt hiện vẫn còn manh mún và không thương hiệu, bằng việc mang đến cho người tiêu dùng thịt và các sản phẩm từ thịt có thương hiệu, an toàn, truy xuất được nguồn gốc và giá cả hợp lý. Mười năm trước, chúng tôi đầu tư vào Masan và đã chứng kiến cách Công ty nâng giá trị thị trường nước mắm, và hôm nay chúng tôi tin vào năng lực của Masan để làm điều tương tự với thị trường thịt, với quy mô 9 tỷ USD, lớn hơn 30 lần so với thị trường nước mắm. Ngoài ra, tôi tự tin rằng những khoản đầu tư đã thực hiện trong năm 2017 của Masan nhằm chuyển đổi mô hình hoạt động sẽ mang đến những kết quả kinh doanh vượt trội trong năm 2018”.

Theo nguồn tin từ Masan, Masan Nutri-Science hướng tới mục tiêu đưa ra thị trường các sản phẩm thịt tươi sống có thương hiệu vào Quý 4/2018 với việc đưa vào hoạt động trang trại kỹ thuật cao tại Nghệ An và nhà máy chế biến thịt tại Hà Nam.

Ông Danny Lê, Giám đốc Chiến lược và Phát triển của Masan Group và Phó Chủ tịch của Masan Nutri-Science tin tưởng rằng với sự hợp tác với PENM thì Masan có thể xây dựng các sản phẩm thực phẩm – đồ uống, thịt và dịch vụ tài chính hàng đầu nhằm đạt mục tiêu chiến lược năm 2020”.

Cũng theo Masan thì PENM sẽ bán lượng cổ phiếu ưu đãi không có quyền biểu quyết tại Masan Resources cho Masan Horizon, một công ty con trực thuộc Masan Group, với trị giá 22,9 triệu USD, tương đương giá trị đầu tư ban đầu của PENM. Như vậy, tỷ lệ sở hữu của Masan tại Masan Resources (bao gồm cả cổ phiếu ưu đãi không có quyền biểu quyết) sẽ tăng từ 93,8% lên 96% sau khi mua lại.

Việc mua lại số cổ phiếu của PENM mang đến khả năng linh hoạt tài chính trong trường hợp Masan Group cần huy động vốn đầu tư chiến lược cho Masan Resources, nhà sản xuất và chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng từ vonfram. Masan Resources dự kiến sẽ tạo ra dòng tiền lớn trong những năm tới nhờ sự phục hồi của thị trường vonfram toàn câu, giảm các khoản vay có lãi suất cao và phát triển thành nhà sản xuất và chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng từ vonfram với quy mô toàn cầu.

Trong tháng 12, Masan cũng đã tất toán khoản vay chuyển đổi trị giá 30 triệu USD với Goldman Sachs, tránh việc phải phát hành thêm 13,6 triệu cổ phiếu. Hiện tại, số lượng cổ phiếu quỹ của Công ty là 109.899.932 cổ phiếu.

Tuy nhiên, tất cả các giao dịch này đang chờ sự phê chuẩn của Công ty và các cơ quan quản lý nhà nước.(CafeF)
---------------------------------

Thế giới Di động (MWG) đặt kế hoạch hơn 86.000 tỷ doanh thu năm 2018

Thế giới Di động (MWG) đặt kế hoạch hơn 86.000 tỷ doanh thu năm 2018

Ngày 19/12, Hội đồng quản trị CTCP Đầu tư Thế giới Di động đã ra thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2018 trình Đại hội đồng cổ đông thường niên dự kiến tổ chức vào tháng 3/2018.

Theo đó, năm 2018, Thế giới Di động (MWG) đặt mục tiêu đạt 86.390 tỷ đồng doanh thu và 2.603 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế - tăng tương ứng 36,5% và 18,3% so với kế hoạch năm 2017.

Kế hoạch cụ thể của các mảng kinh doanh (thegioididong.com, Điện máy Xanh, Bách Hóa Xanh...) chưa được công bố.

Hiện MWG cũng chưa công bố ước kết quả thực hiện cả năm 2017. Theo số liệu mới nhất do công ty công bố, tính đến cuối tháng 10/2017, MWG đạt 53.292 tỷ đồng doanh thu, hoàn thành 84% kế hoạch năm và 1.811 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, hoàn thành 82% kế hoạch.

Hiện MWG đang chuẩn bị hoàn tất thâu tóm chuỗi điện máy Trần Anh (TAG) và mở chuỗi nhà thuốc An Khang.

 

Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/1, cổ phiếu MWG giảm 1.000 đồng xuống 133.000 đồng. Tại mức giá trên, vốn hóa thị trường của hệ thống bán lẻ này đạt 40.900 tỷ đồng (1,8 tỷ USD).(CafeF)
------------------------

Samsung tăng trưởng 25% năm 2017, xuất khẩu lên tới 50 tỷ USD

Trong buổi giao lưu trực tuyến tại tòa soạn báo Trí Thức Trẻ, ông Bang Huyn Woo, Phó Tổng giám đốc Công ty Samsung Việt Nam đã có những chia sẻ về tình hình hoạt động của Tập đoàn này.

Ông Bang Huyn Woo cho biết, năm 2016 tổng kim ngạch xuất khẩu của Samsung và các công ty thành viên 40 tỷ USD. Dự đoán, trong năm 2017 con số này sẽ tăng lên 50 tỷ USD, tương ứng mức tăng trưởng ước tính là 25%.

Ngoài ra, trong năm 2017 Samsung có 2 bàn đạp tăng trưởng tương lai đó là nhà máy Samsung ở TPHCM chính thức đi vào hoạt động và đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu lần đầu tiên. Và dự án thứ 3 của Samsung Display cũng chính thức đi vào hoạt động.

Phó Tổng giám đốc Samsung Việt nam chia sẻ, năm 2017 có một thành tựu to lớn đó là sự tăng trưởng của số lượng doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà cung ứng cho Samsung. Từ chỗ chỉ có 4 doanh nghiệp Việt Nam là nhà cung ứng trực tiếp cấp 1 cho Samsung vào năm 2014, đến năm 2017, số doanh nghiệp đã lên tới 29 nhà cung ứng. Ông Bang Huyn Woo cho rằng, đây là một kết quả rất ấn tượng.

Năm 2018, ông Bang Huyn Woo hy vọng sẽ tiếp tục đạt tăng trưởng như năm 2017. Hiện nay, chỉ có 3% doanh thu Samsung đến từ thị trường nội địa và 97% đến từ các thị trường nước ngoài. Do đó, tình hình kinh tế thế giới có tác động nhiều đến Samsung hơn là tình hình kinh tế của Việt Nam.

Tại Việt Nam hiện nay, Tập đoàn Samsung Hàn Quốc có 4 công ty con, đều do Samsung sở hữu trực tiếp 100% vốn, là Samsung Electronics Việt Nam (SEV hay còn gọi là Samsung Bắc Ninh - thành lập năm 2008), Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT - thành lập năm 2013), Samsung Display Việt Nam (SDV - thành lập năm 2014) và Samsung HCMC CE Complex (SEHC - thành lập 2014).

Theo báo cáo tài chính 9 tháng của Samsung, tổng doanh thu của Việt Nam của tập đoàn này sau 9 tháng là 45,5 tỷ USD, tương đương hơn 1 triệu tỷ Việt Nam Đồng. Lợi nhuận sau 9 tháng là 5 tỷ USD, khoảng 116 nghìn tỷ đồng.(CafeF)
------------------------

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục