'Thái tử' Samsung lãnh án 5 năm tù; 26.000 tỉ đồng xây 8 dự án tại TP HCM; 'Vành đai và Con đường' của Trung Quốc là rủi ro hệ thống tài chính quốc tế; Mỹ đánh thuế dầu diesel sinh học nhập khẩu từ Argentina và Indonesia
Tin kinh tế đọc nhanh 25-08-2017
- Cập nhật : 25/08/2017
Google và Walmart hợp tác thương mại điện tử
Ngày 22/8, Tập đoàn công nghệ Google và Tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới Walmart đã thông báo thương vụ hợp tác thương mại điện tử, theo đó các sản phẩm của Walmart sẽ xuất hiện trên trang dịch vụ mua sắm trực tuyến của "gã khổng lồ" Google.
Tập đoàn công nghệ Google và Tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới Walmart đã thông báo thương vụ hợp tác thương mại điện tử. Ảnh: nytimes
Trong một thông báo, ông Marc Lore phụ trách thương mại điện tử của Walmart, cho biết bắt đầu từ cuối tháng 9 tới, Walmart sẽ bắt tay với Google đưa hàng trăm nghìn sản phẩm lên các kệ hàng của dịch vụ mua sắm bằng giọng nói thông qua tính năng "trợ lý ảo" Google Assistant. Đây sẽ là số lượng hàng hóa lớn nhất mà một nhà bán lẻ cung cấp trên nền tảng này.
Walmart sẽ tích hợp Google Express, vốn đã cho phép các khách hàng mua các sản phẩm đến từ một loạt thương hiệu nổi tiếng, như Costco và Walgreen, trên nền tảng của mình nhằm cạnh tranh với trang mạng mua sắm trực tuyến đình đám Amazon.
Lâu nay, Amazon là một đối thủ lớn của Walmart trong mảng dịch vụ mua sắm trực tuyến. Tuy nhiên, hiện Amazon cũng có ý định bước ra ngoài thị trường "ảo" và cạnh tranh với Walmart trong thế giới thực với kế hoạch mua lại chuỗi siêu thị Whole Foods. Hồi đầu tháng này, Walmart công bố kết quả hoạt động cho thấy hãng này liên tục bị đối thủ Amazon bỏ xa, mặc dù các số liệu đều cao hơn dự báo.
Trong khi đó, Google cũng đang hướng tới mở rộng hoạt động trong phân khúc mua sắm trực tuyến. Hồi tháng 2 vừa qua, "gã khổng lồ" công nghệ của Mỹ đã trình làng tính năng mua sắm bằng giọng nói Google Home nhằm cạnh tranh trực tiếp với Amazon.(TTXVN)
------------------------
Sản lượng bia toàn cầu sụt giảm, Việt Nam vẫn tăng mạnh
Lượng tiêu thụ bia tăng mạnh ở các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam và Mexico, nhưng giảm ở Trung Quốc, Mỹ và các thị trường hàng đầu khác.Nguồn ảnh: Boston Globe
Trong năm 2016, sản lượng bia toàn cầu đã ghi nhận năm thứ 3 liên tiếp sụt giảm theo một cuộc khảo sát của tập đoàn Kirin Holdings (Nhật Bản), được thực hiện tại 171 quốc gia và khu vực.
Sản lượng bia toàn cầu trong năm 2016 đạt hơn 190,9 triệu kilôlít, giảm 0,6% so với năm 2015.
Lượng tiêu thụ bia đã tăng mạnh ở các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam và Mexico, nhưng giảm ở Trung Quốc, Mỹ và các thị trường hàng đầu khác.
Sản lượng bia Trung Quốc giảm 3,7%, do nhu cầu bia không tăng vì thị trường bão hòa và thời tiết không thuận lợi.
Tại Mỹ, sản lượng cũng giảm 0,7%. Các loại bia thủ công (craft beer) đang ngày càng phổ biến, cho thấy ngày càng có nhiều người tiêu dùng Mỹ đã chuyển sang thưởng thức hương vị bia hơn là tìm cách uống cho thật nhiều, Kirin nhận xét.
Sản lượng bia của Nhật Bản, tính luôn cả các sản phẩm tương tự bia, đã giảm 2,1%.
Từ năm 2006 tới nay, sản lượng bia của Nhật đã giảm 15,5%, phản ánh thực tế là các đồ uống có cồn khác, chẳng hạn như shochu, đã giành được thị phần từ bia. Dù vậy, Nhật Bản vẫn giữ vị trí nhà sản xuất bia lớn thứ 7 thế giới trong 14 năm liên tiếp.
Trong khi đó, sản lượng bia của Việt Nam đã tăng 11,2% từ năm 2015, cũng như gấp 3 lần so với năm 2006, do tăng trưởng kinh tế nhanh và tỷ lệ dân số trẻ cao.
Gần đây, tập đoàn Kirin cũng cho biết họ đang quan tâm đến việc mua lại cổ phần trong Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).(NCĐT)
----------------------
Đất "vàng" của nhiều nhà máy, xí nghiệp... biến thành các dự án siêu lợi nhuận
“Chạy” theo lợi nhuận, phục vụ cho lợi ích chủ đầu tư nên đất đô thị nội đô đang sử dụng tùy tiện, đất "vàng" của nhiều nhà máy, xí nghiệp bỗng dưng biến thành các dự án siêu lợi nhuận....
Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam đã chỉ ra hàng loạt tồn tại trong việc sử dụng đất đô thị tại buổi hội thảo với chủ đề nâng cao hiệu quả sử dụng đất xây dựng đô thị.
Cụ thể như tập trung quá lớn vốn đầu tư, sử dụng đất đô thị xây nhà ở trong khi việc dành quỹ đất và kinh phí cho hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật rất hạn chế dẫn đến ùn tắc giao thông, ngập úng. Đây cũng chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các khu đô thị mới, khu đô thị vệ tinh không phát triển, các dự án treo, triển khai ì ạch vì không thu hút người đến làm việc, ở.
Chuyên gia cho rằng, việc tập trung quá lớn vốn đầu tư, sử dụng đất đô thị xây nhà ở trong khi việc dành quỹ đất và kinh phí cho hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật rất hạn chế dẫn đến ùn tắc giao thông, ngập úng... Ảnh: Minh Thư
Đất đô thị trong các khu nội đô cũ đang sử dụng tùy tiện, nhiều trường hợp “chạy” theo lợi nhuận, phục vụ cho lợi ích chủ đầu tư và người liên quan. Nhiều nhà máy, xí nghiệp gây ô nhiễm công sở phải di dời ra khỏi nội đô đã biến thành các dự án siêu lợi nhuận trong khi thiếu đất làm hồ điều hòa, cây xanh, trường học… làm tăng mật độ dân số, trái chủ trương giảm mật độ dân số trong nội đô.
Cùng với đó, nhiều bệnh viện ở trung tâm đã quá tải lại được cấp phép xây mở rộng; nhiều cơ quan công sở, dự án khách sạn… vẫn tập trung ở nội đô, trung tâm thành phố gây ách tắc giao thông.
Nguyên nhân của những tồn tại đó, theo ông Hùng là do công tác quản lý sau quy hoạch chung được duyệt đang thực hiện chậm, không đồng bộ. Tỷ lệ quy hoạch chi tiết đạt thấp (35%) dẫn đến cơ chế xin cho tùy tiện trong cấp phép và quy hoạch luôn bị điều chỉnh. Việc cấp phép các dự án tràn lan, sử dụng đất đô thị cho các dự án nhà ở không phù hợp với khả năng kinh tế xã hội và dự báo phát triển dân số. Quản lý sử dụng đất đô thị nhiều bất cập khi công trình không phép, trái phép diễn ra phổ biến, trên diện rộng….
Cũng chỉ ra nhiều bất cập trong việc sử dụng đất đô thị, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành nêu: Đối với đất công là các loại đất do nhà nước quản lý, đất do các cơ quan, tập đoàn, công ty quản lý, đất quốc phòng chuyển sang dân dụng. Các loại đất này không được bán, chỉ được định giá, bán hóa giá - cổ phần hóa. Vì thế, đất này cần phải thu về làm đất công, bán đấu giá theo các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc đã được duyệt trước.
“Tránh tình trạng dung túng cho nhà đầu tư “chạy” điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, như vậy sẽ chỉ có lợi lớn cho người trúng thầu. Nhà nước chỉ nên bồi thường phần xây dựng và hỗ trợ di dời mà thôi. Việc này nếu làm tốt sẽ thu lợi hàng trăm ngàn tỷ đến hàng triệu tỷ đồng”, ông Đực nói.
Liên quan đến đất chung cư cũ, ông Đực cho hay, chung cư cũ đã qua sử dụng trên dưới 50 năm, trong điều kiện “cha chung không ai khóc” từ lâu không được bảo trì sửa chữa, xuống cấp nghiêm trọng, có thể sụp đổ bật cứ lúc nào, nguy cơ gây thương vong hàng trăm người.
Do đó, chính quyền quận, huyện cần phối hợp với cư dân để vận động cho người dân ở đó hiểu rõ về nguy cơ tai nạn thảm khốc có thể xảy ra bất cứ lúc nào, để họ chấp nhận “một đổi một”. Chính quyền cần lên phương án quy hoạch kiến trúc, đưa ra các chỉ tiêu để doanh nghiệp đấu thầu. Làm vậy, chính quyền có thể còn dư ra một số tiền làm công ích khác.
Ngoài ra, ông Đực còn nêu ý kiến đối với đất nghĩa trang, chuyện giải tỏa là đương nhiên và cần thiết. Phát triển đô thị là phải như vậy, không thể nào cứ để bến xe - bệnh viện - trường học - nhà xưởng - nghĩa trang… trong thành phố mãi được. Theo ông, cần phải có một ban quản lý cấp quận hay cấp thành phố đứng ra làm quy hoạch, với mục đích cung cấp tiện ích xã hội nhiều hơn là để kinh doanh. Sau đó bán đấu giá theo đúng quy hoạch kiến trúc, tránh để thất thoát, móc ngoặc, tham nhũng.
“Điều tiên quyết là cần phải quản lý nghiêm việc sử dụng đất đô thị theo quy hoạch đã được duyêt, có chế tài nghiêm minh để xử lý việc sử dụng sai mục đích và dung túng cơ chế “xin – cho”. Nếu không, lợi ích việc sử dụng đất đô thị sẽ không chỉ rơi vào một nhóm người mà còn để lại nhiều hệ lụy xấu cho toàn xã hội”, ông Đực nói thêm.
Một trong những giải pháp khắc phục những tồn tại của việc sử dụng đất đô thị mà ông Đào Trung Chính, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và môi trường) đưa ra là cần có cơ chế quản lý đô thị đặc biệt nhằm khắc phục tình trạng mất cân đối cơ cấu sử dụng đất đô thị giữa đất ở với đất xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội và các yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, cần đẩy mạnh công tác thanh tra, giám sát, kiểm tra tình hình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất xây dựng đô thị và quy hoạch đô thị.(Infonet)
-----------------------------
Ngân hàng Nhà nước không công nhận tiền ảo Bitcoin
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thể hiện rõ quan điểm không công nhận tiền ảo như Bitcoin trong lưu thông...
Chính phủ vừa ban hành Quyết định phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý các loại tài sản ảo, tiền ảo... dư luận rộ lên cho rằng tiền ảo như bitcoin sẽ được Việt Nam thừa nhận ... tuy nhiên, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước lại khác.
Đề án nêu rõ báo cáo đánh giá thực trạng để sửa đổi khung pháp lý cần hoàn thành trước tháng 8/2018 và đến cuối năm 2018 phải xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo.
Đồng thời, đến tháng 6/2019 cần xong hồ sơ đề nghị xây dựng khung pháp luật về thuế đối với tài sản ảo, tiền ảo. Ngoài ra, những đề xuất để phòng, chống xử lý các vi phạm liên quan đến loại hình tiền tệ này cũng được Chính phủ giao hoàn thành trước tháng 9/2019.
Cách đây 3 năm đã không thừa nhận
Bitcoin là một dạng tiền kỹ thuật số (tiền ảo), không được phát hành bởi chính phủ hay một tổ chức tài chính, mà được tạo ra và vận hành dựa trên hệ thống các máy tính kết nối mạng internet ngang hàng.
Tại thời điểm cách đây 3 năm, đại diện NHNN từng lên tiếng cho biết: Ngay sau khi Bitcoin xuất hiện tại Việt Nam từ cuối năm 2013, NHNN đã chủ động nghiên cứu về loại tiền ảo này. Tương tự hầu hết các quốc gia khác trên thế giới, theo pháp luật hiện hành về ngân hàng, NHNN khẳng định bitcoin (cũng như các loại tiền ảo tương tự khác) không phải là tiền tệ hợp pháp và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.
“Việc sở hữu, mua bán, sử dụng bitcoin tiềm ẩn rất nhiều rủi ro vì có khả năng bị tấn công đánh cắp, thay đổi dữ liệu hoặc bị ngừng giao dịch, mặt khác, giao dịch Bitcoin có tính ẩn danh cao nên có thể trở thành công cụ cho tội phạm như rửa tiền, buôn ma túy, trốn thuế”, đại diện NHNN khi đó cho hay.
Do vậy, việc sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng. Quan điểm này NHNN đã tuyên bố ngay từ ngày 27/2/2014.
Tiền ảo khác tiền điện tử
Trao đổi với Tiền Phong ngày 24/8, một lãnh đạo Vụ Ngân hàng Nhà nước cho biết đây mới là Đề án Chính phủ giao Bộ Tư pháp nghiên cứu khung pháp lý nên hiện chưa nói được gì nhiều.
“Vấn đề này thuộc Bộ Tư pháp được giao làm, khi nào bên đó xây dựng và lấy ý kiến chúng tôi mới có ý kiến. Tuy nhiên, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên là không công nhận các loại tiền ảo - ví như bitcoin. Hiện, mọi người đang có xu hướng lẫn lộn giữa tiền điện tử và tiền ảo. Về bản chất tiền điện tử chính là tiền thật nhưng được các ngân hàng giao dịch thanh toán qua mạng nên gọi là điện tử. Còn tiền ảo, tài sản ảo là không hề có thật”, vị này nói.
Theo Đề án, Thủ tướng giao Bộ Tư pháp chủ trì và phối hợp cùng một số Bộ, ban ngành như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin & Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính... rà soát lại khung pháp lý hiện tại và đánh giá toàn diện về thực trạng nhằm đề xuất Chính phủ có hướng xử lý cũng như sửa đổi pháp luật về tiền điện tử cho phù hợp.
Hiện, Đề án nghiên cứu quản lý tiền ảo này được ban hành, theo nhiều chuyên gia, đặc biệt trong giới ngân hàng và Fintech, thể hiện sự cầu thị của Chính phủ Việt Nam với vấn đề về tiền ảo, tiền điện tử trong xu thế của toàn cầu..
Mặc dù vậy, bình luận với Tiền phong, một chuyên gia nghiên cứu sâu về lĩnh vực thanh toán chia sẻ rằng cần phải nghiên cứu thấu đáo. Theo vị này giả như nếu công nhận Bitcoin là tiền tệ thì Ngân hàng Nhà nước mới quản lý được (chẳng hạn như cho phép trong giới hạn hoặc là cấm).(VTC)