Nga thử nghiệm thành công dòng máy bay chở khách mới; 'Giải cứu' nông sản: Cần có cơ quan chịu trách nhiệm về nghiên cứu thị trường; FTA với Nhật Bản là ưu tiên hàng đầu của EU; TP Hồ Chí Minh thu hút thêm 1,37 tỷ USD vốn FDI
Tin kinh tế đọc nhanh 28-05-2017
- Cập nhật : 28/05/2017
EU đề xuất bảo vệ quyền lợi cho người Anh ở châu Âu hậu Brexit
Theo bản dự thảo các mục tiêu đàm phán của giới chức Liên minh châu Âu (EU), EU sẽ đề xuất việc bảo vệ các quyền về phúc lợi và cư trú của người Anh sinh sống ở châu lục này sau khi nước Anh rời khỏi EU (hay còn gọi là Brexit), khi các cuộc đàm phán với London diễn ra vào tháng tới.
Ông Michel Barnier - Trưởng đoàn đàm phán của EU - tại cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ ngày 22/5. Ảnh: AFP/TTXVN
Lập trường đàm phán trước đây của EU đã nhấn mạnh mục tiêu của Brussels trong việc bảo vệ quyền lợi cho 3 triệu công dân của 27 nước thành viên còn lại của khối hiện đang sinh sống ở nước Anh, một khi nước này rời khỏi mái nhà chung vào tháng 3/2019. Đồng thời, đáp lại, EU cũng cần phải đảm bảo quyền lợi cho hơn 1 triệu người dân Anh sống xa quê.
Bản dự thảo nói trên, dự kiến sẽ được đưa ra thảo luận vào tuần tới, không chỉ đi sâu vào chi tiết đối với các quyền lợi mà EU muốn bảo vệ cho công dân của khối này ở nước Anh, mà còn chỉ rõ Brexit sẽ tác động như thế nào đến người dân Anh, đặc biệt là số lượng lớn người Anh đã về hưu sống dựa vào các quy định về lương hưu và bảo hiểm y tế của EU.
Thủ tướng Theresa May, người được dự đoán sẽ tái đắc cử trong cuộc bầu cử sớm sẽ diễn ra vào ngày 8/6 tới, đã kêu gọi một sự đảm bảo “có đi có lại” từ phía EU đối với các quyền lợi hiện tại của người dân Anh sống xa xứ. Tuy nhiên, giới chức EU cho rằng các vấn đề này phải được đàm phán chi tiết mới có thể có giá trị pháp lý. (TTXVN)
---------------------------
Trung Quốc bắt 44 kẻ lừa đảo 93.000 người mua tài sản đóng băng
Cảnh sát Trung Quốc ngày 25/5 thông báo đã bắt giữ 44 đối tượng liên quan tới vụ lừa đảo hàng chục nghìn người góp vốn để "mua" các tài sản bị đóng băng, vốn là tài sản bị buôn lậu ra nước ngoài từ năm 1949.
Bộ Công an Trung Quốc cho biết đã triệt phá 15 nhóm có liên quan tới vụ việc kể từ khi các hoạt động điều tra bắt đầu từ tháng 10/2016. Khoản tiền bị các nhóm này lừa đảo chiếm đoạt lên tới 950 triệu NDT (tương đương 138 triệu USD).
Mạng lưới này sử dụng các tài khoản trực tuyến trên một số trang mạng như Wechat để kêu gọi người tham gia đóng góp tiền dưới hình thức nộp phí thành viên với mức 10 NDT một người (tương đương 1,46 USD). Đổi lại, nhóm này tuyên bố người tham gia sẽ nhận lại một khoản tiền lên tới 50.000 NDT (tương đương 7.280 USD) khi các tài sản này ngừng đóng băng. Số nạn nhân bị nhóm này lừa đảo lên tới 93.000 người.
Hồi đầu tháng 5, Bộ Công an cũng cho biết đã thiết lập 238 trung tâm triệt phá các băng nhóm lừa đảo trực tuyến và lừa đảo qua điện thoại tại các tỉnh và thành phố trên toàn quốc. Năm 2016, bộ này cũng phá được 83.000 vụ việc tương tự, tăng gần 50% so với năm 2015.(Baotintuc)
----------------------------
Bộ NN&PTNT 'đặt hàng' các Đại sứ mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã “đặt hàng” các Đại sứ và Tổng lãnh sự duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản; đồng thời giúp ngành tiếp cận công nghệ mới, đặc biệt là giống và công nghệ về chế biến.
Sơ chế thanh long tại Công ty TNHH sản xuất chế biến nông sản Cát Tường (Tiền Giang). Ảnh: Minh Trí/TTXVN
Chiều ngày 26/5, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã gặp gỡ, trao đổi với 34 Đại sứ và Tổng lãnh sự của Việt Nam trước khi sang các nước nhận nhiệm vụ trong giai đoạn 2017-2020. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã “đặt hàng” các Đại sứ và Tổng lãnh sự duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, đồng thời giúp ngành tiếp cận công nghệ mới, đặc biệt là giống và công nghệ về chế biến.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng: “Thị trường là mệnh lệnh của sản xuất, bây giờ không bán được hàng có nghĩa là sản xuất thụt lùi”. Chính vì thế, Bộ trưởng mong muốn “đặt hàng” các Đại sứ, Tổng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài quan tâm giúp ngành nông nghiệp duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông sản, đặc biệt là các thị trường mới có nhiều tiềm năng như: Ấn Độ, các nước châu Phi...
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng mong muốn các Đại sứ, Tổng lãnh sự giúp ngành tiếp cận với những công nghệ hiện đại của các nước phát triển, nhất là về giống tôm, rau hoa và công nghệ chế biến nông sản.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước những thách thức mà ngành nông nghiệp đang phải đối mặt về sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, biến đổi khí hậu và áp lực hội nhập, ngành nông nghiệp Việt Nam đang phải tái cơ cấu lại theo hướng sản xuất hàng hóa hiện đại, sản xuất chuỗi, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, tăng cường chế biến.
“Riêng con tôm, cần nhiều công nghệ mới, công nghệ nguồn mà hiện nay một số công ty của Mỹ đi trước để tạo ra con bố mẹ. Việt Nam hiện nay tạo ra con post giống 100%, đã nghiên cứu sản xuất được khoảng 20% nhu cầu con bố mẹ; lộ trình đến 2020 sau đó tự lực, nhưng muốn tiếp cận khoa học công nghệ mới nhất” – Bộ trưởng chia sẻ.
Bên cạnh đó, công nghệ vi sinh để tạo ra các sản phẩm môi trường, công nghệ để tạo ra thức ăn, đặc biệt phi truyền thống cũng rất quan trọng.
Các Đại sứ đánh giá rất cao về “đơn đặt hàng” của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và bày tỏ quyết tâm sẽ thực hiện để giúp ngành nông nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, tiếp cận với những công nghệ sản xuất, chế biến mới của thế giới.
Tại buổi làm việc, ông Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần “đặt hàng” cụ thể cho từng mặt hàng mở rộng ở thị trường nào, cũng như những công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật, có trọng tâm, trọng điểm để các Đại sứ, Tổng lãnh sự thực hiện và Bộ Ngoại giao sẽ coi đây là một chỉ tiêu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cũng lưu ý ngành nông nghiệp cần sớm xây dựng thương hiệu sản phẩm, nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản để có thể duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, một trong những nội dung mà Bộ Ngoại giao và các Đại sứ quan tâm trong thời gian tới là tiếp tục duy trì và đột phá mở cửa thị trường đối với những thị trường truyền thống như EU, Mỹ... cũng như các thị trường mới, có nhiều tiềm năng.(TTXVN)
-----------------------------
Kinh tế Mỹ tăng trưởng cao hơn dự báo
Trong quý I vừa qua, nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng cao hơn nhiều so với báo cáo trước đó, nhờ chi tiêu tiêu dùng cá nhân và doanh nghiệp tăng mạnh.
Số liệu điều chỉnh mới nhất công bố ngày 26/5 của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy trong quý I/2017, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 1,2%, cao hơn mức dự báo 0,7% trong báo cáo đầu tiên. Tuy nhiên, kết quả mới trên vẫn thấp hơn so với mức 2,1% của quý IV/2016.
Hoạt động đầu tư trong nước đạt nhịp độ tăng trưởng cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Giới phân tích cho biết trong các quý đầu của những năm gần đây, kinh tế Mỹ thường có xu hướng tăng trưởng thấp. Họ kỳ vọng kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng trở lại trong quý II/2017.
Với mục tiêu vực dậy kinh tế Mỹ, Tổng thống Donald Trump từng cam kết đưa nền kinh tế lớn nhất thế giới này trở lại mức tăng trưởng từ 3% trở lên.(TTXVN)