Ấn Độ muốn chặn thương vụ thâu tóm tỷ USD của Trung Quốc; Một số lưu ý khi xuất khẩu thủy sản sang Algeria; Lợi nhuận của Honda tăng gần 19% trong quý II/2017; Hà Tĩnh dự định xây nhà máy điện gió
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 14-09-2017
- Cập nhật : 14/09/2017
Giá sữa vẫn bất ổn
Sau nhiều tranh luận, Chính phủ đã quyết định chuyển việc quản lý giá sữa vốn thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính sang Bộ Công Thương.
Theo đó, giá sữa do Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn chi tiết danh mục mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi. Tuy nhiên, kể từ khi tiếp nhận (từ đầu năm 2017) đến nay cũng như khi biện pháp bình ổn giá sữa sắp được dỡ bỏ (dự kiến trong tháng 3 này), Bộ Công Thương vẫn chưa có phương án thay thế.
Thông tin này làm nhiều người nhớ đến câu chuyện hiệu quả trong việc quản lý của hơn một bộ đã khiến DN sản xuất, kinh doanh gặp không ít khó khăn, còn người tiêu dùng vẫn phải chịu nhiều thiệt thòi. Cụ thể như mặt hàng sữa.
Trước khi Chính phủ quyết định chuyển việc quản lý giá sữa về cho Bộ Công Thương, mặt hàng này đã chịu sự quản lý khá rối rắm, chằng chịt do liên quan tới 4 bộ. Bộ NN&PTNT có trách nhiệm với sữa tươi nguyên liệu; Bộ Y tế lo về các loại vi chất bổ sung vào sữa; Bộ Công Thương quản lý ATTP với hàng loạt loại sữa; Bộ Tài chính là việc quản lý giá, bình ổn mặt hàng này.
Vậy nhưng, khi đi vào thực tế quản lý thì mọi chuyện lại không hề đơn giản. Hộ nông dân nuôi bò, làm ra sữa tươi nguyên liệu nhưng còn có thể chế biến sữa thành nhiều sản phẩm để bán. Vì vậy, khi đi kiểm tra buộc phải có đại diện ba cơ quan cùng đi. Tuy nhiên, lại không có ai có thể đứng ra ký biên bản bởi mỗi thành viên lại chịu trách nhiệm ở từng lĩnh vực khác nhau. Hay như chuyện kiểm tra chuyên ngành ở khâu nhập khẩu với sữa bột và sản phẩm chế biến từ sữa, DN phải cùng lúc lấy mẫu để kiểm dịch và kiểm tra vệ sinh ATTP ở cả ngành nông nghiệp và công thương. Điều này không chỉ gây lãng phí thời gian mà DN còn gánh thêm chi phí. Đó là chưa kể sau đó là các thủ tục hành chính như kê khai, đăng ký giá, công bố chất lượng, gọi tên theo các quy chuẩn...
Từ đầu năm 2017, việc quản lý mặt hàng sữa sẽ chỉ còn 3 bộ, trong đó Bộ Công Thương vừa quản lý về ATTP, vừa chịu trách nhiệm về giá. Nói lại cách quản lý cũ để thấy nếu không có giải pháp hữu hiệu để quản lý mặt hàng này thì trong thời gian tới việc giảm đầu mối quản lý cũng chỉ là duy ý chí. Bởi thực tế mặc dù thời hạn bỏ áp trần giá sữa sắp hết hạn nhưng đến nay vẫn chưa có một lộ trình cụ thể sẽ tiếp tục quản lý mặt hàng này như thế nào. Trong khi ở cấp cơ sở vẫn nhùng nhằng việc chuyển giao từ phòng tài chính - kế hoạch sang phòng kinh tế các quận, huyện.
Đã có nhiều ý kiến về việc bỏ quy định áp trần giá sữa, đi cùng với đó là xây dựng được các tiêu chí rõ ràng, cơ chế khuyến khích tạo nguồn cung dồi dào, cạnh tranh lành mạnh bởi biện pháp áp trần giá sữa không thể tồn tại mãi được trong cơ chế thị trường. Tất nhiên không thể cứng nhắc là chỉ một bộ, ngành quản lý một mặt hàng nhưng nếu có hơn một bộ thì nhất định phải có cơ chế phối hợp rõ ràng, minh bạch, tránh tình trạng đá bóng trách nhiệm khi có sự cố xảy ra. Quan trọng hơn, mọi biện pháp quản lý đều phải hướng đến mục tiêu lớn nhất là bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.(kinhtedothi)
-----------------------------
Ồ ạt nhập khẩu đẩy nhập siêu thép vượt 4 tỉ USD
Dù nhiều mặt hàng trong nước sản xuất được nhưng nhập khẩu các sản phẩm thép thuộc diện cần kiểm soát đặc biệt vẫn tăng chóng mặt, đẩy nhập siêu thép lên 4 tỉ USD.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), số lượng nhập khẩu chi tiết từng chủng loại sản phẩm thép mới nhất vừa được VSA cập nhật từ Tổng cục Hải quan cho thấy thép cuộn cán nguội, tấm cán nguội nhập khẩu tính đến cuối tháng 7-2017 đạt gần 343.000 tấn, tăng đến 99% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các sản phẩm thép khác cũng có mức tăng rất cao, cụ thể như ống thép hàn gần 63.000 tấn, tăng đến 252% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, thép thanh, que, cuộn 7 tháng đầu năm nhập khoảng 411.000 tấn, tăng 30% và dây thép gần 100.000 tấn, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái.
Điều này dẫn đến kim ngạch nhập khẩu thép đã lên đến hơn 6 tỉ USD, tương ứng hơn 11,6 triệu tấn thép các loại, đẩy nhập siêu của ngành lên đến hơn 4 tỉ USD.
Trong khi đó tại thị trường nội địa, giá nguyên liệu thép phế, phôi thép nhập khẩu tăng vọt đã đẩy giá thép bán lẻ khi đến tay người tiêu dùng cũng tăng theo.
Ông Nguyễn Văn Sưa, phó chủ tịch VSA, cho biết dự kiến giá thép bán lẻ trong tháng 9-2017 dao động trên 12,5 triệu đồng/tấn, tăng thêm 200.000-300.000 đồng/tấn so với thời điểm cuối tháng 8-2017, sau khi các doanh nghiệp sản xuất thép lần lượt điều chỉnh giá nhiều lần trong quý 3.(Tuoitre)
--------------------------------------------
Xuất nhập khẩu thủy sản Sài Gòn bị phạt 70 triệu đồng
Ngày 12/9/2017, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Sài Gòn (mã SSN - UPCoM), địa chỉ: 87 Hàm Nghi, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.
Theo đó, SSN bị phạt 70 triệu đồng do công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật .
Cụ thể, SSN công bố thông tin trên trang thông tin điện tử của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và hệ thống công bố thông tin của UBCKNN không đúng thời hạn về Báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2015; Báo cáo thường niên năm 2015; thông báo doanh nghiệp kiểm toán đã ký hợp đồng kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2015, năm 2016; Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường số 22/2015/NQ-ĐHĐCĐ ngày 07/8/2015 bằng hình thức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản; ...
Được biết, 6 tháng đầu năm 2017, SSN đạt hơn 38,25 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 23% so với năm 2016.(NDH)
---------------------------
Thương mại thủy sản Việt-Hàn tăng 70 lần
Hơn 100 đại biểu là nhà quản lý, giảng viên, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp… đã có mặt tại Diễn đàn Thương mại thủy sản quốc tế 2017 tại TP.HCM.
Đây là hoạt động do Trường ĐH Nha Trang (NTU) phối hợp với Viện Biển Hàn Quốc (Korean Marine Institute - KMI) tổ chức.
Theo TS Khổng Trung Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nha Trang, kinh tế thủy sản là một trong những trọng tâm của Việt Nam và Hàn Quốc. Kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992, Hàn Quốc đã trở thành một trong những đối tác đầu tư hàng đầu vào Việt Nam, sản lượng thương mại thủy sản giữa hai quốc gia đã tăng trưởng hơn 70 lần.
Con số tuy lớn nhưng vẫn chưa tương xứng với nguồn lực và tiềm năng phát triển của hai bên. Vì vậy, diễn đàn này sẽ là cơ hội để chia sẻ thông tin, cùng nhau thảo luận, đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy thương mại thủy sản giữa hai quốc gia.
Được biết riêng năm 2016, hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu sang Hàn Quốc được hơn 1,4 tỉ USD, chiếm 4% nhu cầu nhập khẩu của Hàn Quốc (mỗi năm Hàn Quốc nhập khoảng 33 tỉ USD các sản phẩm nông lâm thủy sản). Tiêu biểu trong đó là hàng rau quả, hồ tiêu, hạt điều, cà phê, cao su, thực phẩm chế biến...
Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cho biết sáu tháng đầu năm 2017, xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam sang đây đạt gần 95 triệu USD, tăng 40,5% so với cùng kỳ năm trước. Hàn Quốc hiện vẫn duy trì là thị trường xuất khẩu số một, chiếm 35% tổng giá trị xuất khẩu dòng sản phẩm này của Việt Nam.
Tuy nhiên, con số này vẫn còn khá khiêm tốn so với tiềm năng của các DN Việt Nam vốn có thế mạnh về các mặt hàng nông sản, thực phẩm. Nhiều ý kiến lưu ý khi xuất khẩu vào Hàn Quốc cần chú ý đến khẩu vị của người tiêu dùng nơi đây để điều chỉnh cho phù hợp với thị hiếu thị trường.
Dịp này, Trường ĐH Nha Trang cùng Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Viện Biển Hàn Quốc (KMI) và chủ tịch Diễn đàn Thương mại Thủy sản quốc tế 2017 (ISTF) đã ký kết hợp tác bốn bên về các lĩnh vực: Tổ chức và tham gia các hội thảo, diễn đàn của nhau; Tổ chức các hoạt động nghiên cứu, xuất bản các ấn phẩm chung; Chia sẻ tài liệu học tập và thông tin liên quan; Thường xuyên cung cấp, trao đổi thông tin và các kết nối về thương mại liên quan đến ngành thủy sản để tạo cơ hội đầu tư, thúc đẩy hợp tác.(PLO)