Chi tiền tỉ mỗi ngày cho quảng cáo; Thu hồi 6.000 lọ thuốc Kim tiền thảo không đạt chất lượng; Giá thép Trung Quốc tháng 7 tăng mạnh nhất 8 tháng
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 31-07-2018
- Cập nhật : 31/07/2018
Việt Nam soán ngôi Singapore trên thị trường chứng khoán?
Đảo quốc sư tử từ lâu dẫn đầu các thị trường vốn hóa trong khu vực nhưng các nước khác như Việt Nam, Malaysia và Indonesia đang bắt đầu cạnh tranh
Việt Nam của 3 năm trước gần như vô danh trong hệ thống tài chính toàn cầu với vỏn vẹn 10 công ty vốn hóa giá trị 1 tỉ USD, trong khi lượng giao dịch hằng ngày trên thị trường chứng khoán vào khoảng 100 triệu USD.
Trật tự mới
Tuy nhiên, bức tranh nay đã đổi khác ngoạn mục, đặc biệt là khi TP HCM - trung tâm tài chính của Việt Nam - đang gia tăng sức hút. Hồi năm ngoái, VN-Index của Việt Nam tăng lên mức cao nhất trong vòng 10 năm qua, với khoảng 47% - trở thành chỉ số tăng mạnh nhất châu Á và đứng thứ 3 trên thế giới. Quy mô Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) đã tăng 75,2% so với năm ngoái, đạt 115,46 tỉ USD, theo số liệu thống kê hằng năm từ Liên đoàn Các sở giao dịch chứng khoán thế giới (WFE). Số lượng các công ty niêm yết có giá trị vốn hóa trên 1 tỉ USD cũng như khối lượng giao dịch hằng ngày đã tăng gấp 3 lần.
Múa lân tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán ở TP HCM Ảnh: REUTERS
Ông Barry Weisblatt, người đứng đầu Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), nhận định: "Sự tăng trưởng và ổn định của Việt Nam đã thu hút các nhà đầu tư". Theo chuyên gia này, quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước cũng góp phần thúc đẩy thị trường hoạt động mạnh. Sự tăng trưởng bất ngờ của Việt Nam được ông Chua Hak Bin - nhà nghiên cứu kinh tế khu vực của Công ty Maybank Kim Eng (Thái Lan) - ví như nền kinh tế "ngôi sao nhạc rock", là một hiện tượng trong thị trường vốn hóa đang đi lên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Trong 2 thập kỷ qua, Singapore đã giành vị trí số 1 vững chắc ở khu vực. Đảo quốc này luôn là sự lựa chọn đầu tiên của các công ty ASEAN muốn niêm yết lên sàn chứng khoán vì ở đây tạo cơ hội tốt nhất cho họ tiếp xúc với các nhà đầu tư quốc tế. Nhưng mọi thứ dường như đang thay đổi nhanh chóng khi các nền kinh tế như Indonesia, Thái Lan và Philippines tìm cách tranh ngôi vương với Singapore.
Với lượng vốn hóa thị trường đạt 787,28 tỉ USD hồi năm ngoái, Singapore là thị trường chứng khoán lớn thứ 16 ở châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, sự tăng trưởng của thị trường Singapore không quá nổi trội so với các nước trong khu vực. Số liệu WFE cho thấy tổng lượng vốn hóa của Sở Giao dịch chứng khoán Singapore (SGX) tăng trưởng 13,6% kể từ năm 2016, thấp hơn nhiều so với Hồng Kông với tỉ lệ 37,3%. Tại Đông Nam Á, giá trị vốn hóa của HoSE tăng mạnh nhất với 75,2%, theo sau là Indonesia (22,6%), Philippines (22%), Thái Lan (15,7%) và Malaysia (14,5%). Theo tờ South China Morning Post (Hồng Kông), các sàn trong khu vực đã thu hút thành công các doanh nghiệp niêm yết mới, đặc biệt là các công ty trong nước.
Phản công
Tuy nhiên, Singapore cũng không ngồi yên để bị qua mặt. Thị trường chứng khoán nước này vẫn lấn át nhiều thị trường khác trong khu vực và giữ vị thế trung tâm tài chính quốc tế. Ông Robson Lee - một đối tác của hãng luật Gibson Dunn-lưu ý rằng SGX vốn có tiếng tốt hơn về sự minh bạch, quản trị và thực thi luật chứng khoán, cũng như các quy định niêm yết so với nhiều nước châu Á khác. "Nhưng đó không phải cái ngưỡng mà các thị trường chứng khoán châu Á khác không thể vượt qua và giúp SGX thách thức các đối thủ trong thời gian tới. SGX không nên nghỉ ngơi trên vòng nguyệt quế của mình" - ông Lee nhận định.
Trong ngắn hạn, Singapore được cho là sẽ tiếp tục giữ vai trò chủ chốt dù cho toàn cảnh thị trường chứng khoán châu Á rục rịch chuyển đổi. SGX đang đẩy mạnh tăng cường năng lực cạnh tranh bằng cách tập trung vào chứng khoán công nghệ - vốn được nhiều người xem là tương lai của nền kinh tế. Gần đây, SGX đã thông báo các động thái tiến tới cho phép cấu trúc cổ phiếu đa quyền dùng cho các hãng công nghệ lớn như Facebook và Alphabet - công ty mẹ của Google. Theo đánh giá của người đứng đầu bộ phận Đông Nam Á của Dealogic - ông Romaine Jackson, bước đi này giúp Singapore có thể thu hút được những doanh nghiệp Trung Quốc và ASEAN chưa niêm yết.
Tuy nhiên, về dài hạn, các nhà theo dõi thị trường cho rằng tương lai có thể nằm ở hợp tác hơn là cạnh tranh. Trên mặt trận kinh tế, ASEAN đang nỗ lực tiến tới một thị trường chung với dòng chảy tự do của hàng hóa, vốn và con người. Theo nhận định của ông Lee từ Gibson Dunn, phát triển một thị trường chứng khoán toàn ASEAN sẽ là một động thái bền vững hơn. Điều đó có nghĩa là thiết lập một thị trường vốn thống nhất hơn với những luật lệ niêm yết và quy tắc có thể so sánh được ở mỗi nước, cho phép các nhà đầu tư quốc tế tham gia trên khắp khu vực. Một thị trường chứng khoán hợp nhất giữa các nước ASEAN sẽ mang lại cho các nhà đầu tư hơn 3.000 doanh nghiệp niêm yết, đặt vị thế vững chắc của ASEAN trên bản đồ toàn cầu. (NLĐ)
----------------------
BOJ có thể sẽ điều chỉnh chính sách tiền tệ
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) ngày 30/7 bắt đầu cuộc họp về chính sách tiền tệ.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ). Ảnh: EPA
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) ngày 30/7 đã bắt đầu tiến hành cuộc họp về chính sách tiền tệ (trong hai ngày) trong bối cảnh có những ý kiến dự đoán cho rằng cơ quan này sẽ điều chỉnh chính sách nhằm cải thiện tính bền vững của chương trình mua tài sản để kích cầu.
Theo dự đoán, BoJ có thể sẽ quyết định hạ thấp dự đoán về tỷ lệ lạm phát trong ba tài khóa 2018, 2019 và 2020 để tiếp tục nỗ lực hướng tới đạt được mục tiêu lạm phát 2%. Cụ thể, BoJ dự kiến sẽ hạ mức dự đoán trung bình về tỷ lệ lạm phát của Nhật Bản trong tài khóa 2018 xuống còn khoảng 1%, từ mức 1,3% dự kiến hồi tháng 4/2018.
Ngoài ra, BoJ cũng sẽ hạ thấp dự đoán về tỷ lệ lạm phát của Nhật Bản trong tài khóa 2019 xuống còn khoảng 1,5% từ mức dự kiến 1,8% hồi tháng 4/2018, và giảm nhẹ mức dự đoán về tỷ lệ lạm phát của nước này trong tài khóa 2020, hiện ở mức dự kiến 1,8%.
Sau hơn 5 năm thực hiện (kể từ năm 2013 khi ông Haruhiko Kuroda trở thành Thống đốc BoJ), chính sách tiền tệ “siêu lỏng” của BoJ đang làm dấy lên lo ngại về những tác động tiêu cực như lãi suất siêu thấp ảnh hưởng tiêu cực tới lợi nhuận của các ngân hàng thương mại và chương trình mua tài sản quy mô lớn của BoJ đang bóp méo thị trường.
Các bên tham gia thị trường hiện đang dõi theo sát sao diễn biến cuộc họp của BoJ để giảm bớt các tác động không mong muốn.
Bên cạnh đó, BoJ cũng thông báo đợt mua trái phiếu khẩn cấp với lợi suất cố định lần thứ ba trong tháng 7/2018, một động thái chưa từng có trước đây, trong bối cảnh cơ quan này đang cố gắng hạn chế tình trạng lợi suất dài hạn tăng. Hiện tại, BoJ cam kết duy trì lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm ở mức khoảng 0%. (Bnews)
------------------------
Tăng trưởng hàng không gấp đôi tăng trưởng GDP
Sự tác động qua lại chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng hàng không cho thấy trung bình cứ 1% tăng trưởng GDP sẽ ứng với khoảng 2% tăng trưởng hàng không.
GDP tăng trưởng 1%, hàng không tăng trưởng 2%
Trong bài tham luận tại hội thảo “Phát triển hàng không – Chắp cánh du lịch Việt”, ông Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách Khoa TP.HCM, cho rằng có sự tác động qua lại chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng hàng không. Khi nền kinh tế phát triển sẽ khiến ngành hàng không phát triển và ngược lại. Trong các nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng trong giai đoạn 1971-2016, trung bình cứ 1% tăng trưởng GDP sẽ ứng với khoảng 2% tăng trưởng hàng không.
Mặc dù, trong quá khứ có hai giai đoạn tăng trưởng hàng không thế giới bị sụt giảm mạnh hơn nhiều so với tăng trưởng GDP nhưng chỉ là tạm thời. Lần thứ nhất là hậu chiến tranh vùng Vịnh (1990-1993), và lần thứ hai là hậu sự kiện khủng bố tháp đôi ở Mỹ (2001-2004).
Tuy nhiên, cả hai lần sụt giảm này cũng chỉ kéo dài khoảng 3 năm. Như vậy, trong ngắn hạn một số sự kiện hiếm hoi như khủng hoảng dầu hỏa, chiến tranh, khủng bố... có thể làm thay đổi mối quan hệ chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng hàng không, nhưng trong dài hạn, tăng trưởng hàng không luôn có quan hệ chặt chẽ với tăng trưởng kinh tế.
Đối với Việt Nam, hiện đang có khoảng 60% tổng số hành khách vận chuyển qua sân bay Tân Sơn Nhất nên tốc độ tăng trưởng Tân Sơn Nhất có quan hệ mật thiết với tốc độ tăng trưởng hàng không Việt Nam cũng như tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Cụ thể, trong giai đoạn 1996-2017, GDP Việt Nam tăng 3,43 lần trong khi vận chuyển hành khách quốc tế Tân Sơn Nhất tăng 6,92 lần, quốc nội Tân Sơn Nhất tăng 17,65 lần, và tổng hành khách quốc tế và quốc nội Tân Sơn Nhất tăng 11,33 lần.
Như vậy, tăng trưởng quốc tế Tân Sơn Nhất gấp đôi, và tăng trưởng quốc nội Tân Sơn Nhất gấp 5 lần tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam. Các mức độ tăng trưởng này cao hơn nhiều so với mức trung bình 1,8 lần trên thế giới.
Việc thúc đẩy phát triển ngành hàng không là một chiến lược hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vì tăng trưởng hàng không luôn lớn hơn nhiều lần tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, tăng trưởng hàng không sẽ không chỉ trực tiếp đóng góp giá trị gia tăng cho nền kinh tế mà còn hỗ trợ nhiều ngành kinh tế khác như du lịch, khách sạn, bất động sản... phát triển.
Sân bay hợp tác công – tư có lưu lượng hành khách lớn
Cũng trong tham luận này chỉ ra những sân bay có sự hợp tác công – tư (PPP) thường có lượng hàng khách luân chuyển rất cao.
Theo nghiên cứu, mặc dầu chỉ 14% sân bay trên thế giới thuộc loại hợp tác công - tư, nhưng những sân bay này phục vụ 41% lưu lượng hành khách vận chuyển toàn cầu. Đầu tư tư nhân chủ yếu nhằm vào lợi nhuận và chú trọng về chất lượng phục vụ hành khách nên thị trường thúc đẩy đầu tư tư nhân vào các sân bay có lưu lượng hành khách lớn.
Trong tổng số 614 sân bay hợp tác công – tư trên thế giới, ở Châu Âu có nhiều nhất (266 sân bay, phục vụ 1.441 triêu hành khách), kế đến là Châu Á Thái Bình Dương (162 sân bay, phục vụ 1.106 triệu hành khách), Mỹ La Tinh – Caribbean (153 sân bay, phục vụ 344 triêu hành khách), Châu Phi (19 sân bay, phục vụ 27 triêu hành khách), Bắc Mỹ (9 sân bay, phục vụ 40 triêu hành khách) và Trung Đông (5 sân bay, phục vụ 74 triêu hành khách).
Tỷ lệ hành khách qua các sân bay hợp tác công – tư so với tổng lưu lượng hành khách toàn quốc cũng rất lớn. Tại Trung Quốc, Nhật Bản, Brazil khoảng trên 40%, Ấn Độ, Mexico khoảng 60%, hầu hết các nước khác trên 80%.
Cần chính sách lôi kéo đầu tư tư nhân phát triển hàng không
Trước vấn đề được đặt ra là hạ tầng chưa đáp ứng, ông Nguyễn Thiện Tống cho rằng cần có chính sách quốc gia về hàng không dân dụng, vì Việt Nam đang thiếu và phải giải quyết từng vấn đề riêng lẻ. Chính phủ, Quốc hội phải có hội thảo để đóng góp ý kiến quốc gia về hàng không dân dụng.
“Hàng không tác động lớn đến nền kinh tế. Tôi đã từng là trưởng nhóm nghiên cứu về việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, chúng tôi thấy rằng bình quân khách hàng không nội địa đóng góp cho phát triển kinh tế là 100 USD, 10 triệu khách nội địa đóng góp 1 tỷ USD cho nền kinh tế còn khách quốc tế là 500 USD, 20 triệu khách quốc tế đóng góp 10 tỷ USD cho kinh tế”, ông Tống chia sẻ.
Bên cạnh đó, phải có chính sách mạnh, rõ ràng để lôi kéo đầu tư tư nhân phát triển hàng không. Trước đây, không có hàng không tư nhân, nhưng bây giờ tư nhân tham gia rất nhiều.
"Tôi cho rằng cần tham khảo chính sách như ở Ấn Độ về 3 sân bay nội địa Shimoga, Bijapur và Gulbarga, họ có chủ trương có những sân bay 100% tư nhân đầu tư. Để khai thác tiềm năng, có nhu cầu đến thì hạ tầng cơ sở là điểm nghẽn lớn nhất nên làm sao gắn sự khai thác sân bay và máy bay", ông Tống nói.(Bizlive)