Giá quặng sắt tăng gấp rưỡi, tài sản của nữ tỷ phú giàu nhất Australia tăng gần gấp đôi sau 1 năm; Ông chủ sòng bạc Hồng Kông đầu tư hàng triệu USD vào dự án sòng bạc Hoiana của Việt Nam; Thương vụ BĐS lớn nhất thế giới trị giá 5,15 tỷ USD của tỷ phú Hồng Kông; Dệt may Việt Nam ngày càng chịu sức ép cạnh tranh từ Trung Quốc, Myanmar
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 04-11-2017
- Cập nhật : 04/11/2017
Chỉ đạo của Thủ tướng về đầu tư sân golf
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến chỉ đạo về chủ trương đầu tư và phát triển sân golf trên phạm vi cả nước
Bộ Kế hoạch và Đầu tư định kỳ 6 tháng 1 lần tổng hợp nhu cầu của các địa phương về phát triển sân golf...
Dự kiến đến năm 2020, toàn quốc sẽ có gần 100 sân golf, được quy hoạch chủ yếu tại các khu vực đất có chất lượng kém, đất cát, đất chưa sử dụng, không sử dụng vào đất trồng lúa, đất màu, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến chỉ đạo về chủ trương đầu tư và phát triển sân golf trên phạm vi cả nước.
Theo đó, để xem xét bổ sung quy hoạch và chấp thuận chủ trương đầu tư sân golf trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc xây dựng tiêu chí hình sân golf trong tháng 11/2017; nghiên cứu phân cấp, chịu trách nhiệm, quy định chủ trương đầu tư sân golf trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, trình Quốc hội.
Thủ tướng lưu ý, trong quá trình nghiên cứu sửa đổi, bổ sung về quy định nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư định kỳ 6 tháng 1 lần tổng hợp nhu cầu của các địa phương, trình Thủ tướng Chính phủ việc bổ sung quy hoạch và chấp thuận chủ trương đầu tư sân golf, không trình đơn lẻ như hiện nay.
Báo cáo mới đây của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, cả nước hiện có trên 60 sân golf, trải đều trên gần 30 tỉnh thành cả nước. Dự kiến đến năm 2020, toàn quốc sẽ có gần 100 sân golf, được quy hoạch chủ yếu tại các khu vực đất có chất lượng kém, đất cát, đất chưa sử dụng, không sử dụng vào đất trồng lúa, đất màu, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng…
Theo Goldplus VietNam, khoảng 5 năm trở lại đây, các sân golf resort tiêu chuẩn 5 sao bắt đầu xuất hiện theo nhiều cụm nhỏ tại khu vực dọc bờ biển miền Trung, đơn cử có khu nghỉ dưỡng Laguna Lăng Cô của Tập đoàn Banyan Tree và Norman Estates ở Thừa Thiên Huế. Những nỗ lực đã ghi nhận khi Việt nam được bình chọn là Điểm đến du lịch golf tiềm năng vào năm 2009 và 2013 tiếp tục trở thành Điểm đến du lịch tốt nhất Đông nam Á theo bình chọn của Hiệp hội các nhà điều hành du lịch golf quốc tế. Các sân golf mỗi năm đã nộp ngân sách khoảng hơn 500 tỷ và giải quyết 10.000 việc làm cho người lao động, trong đó một phần nguồn thu nhập là từ mô hình golf kết hợp nghỉ dưỡng. (NCĐT)
-----------------
Bình thường hóa CSTT tại Mỹ và EU: Những khác biệt về điều kiện kinh tế
Sau khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu năm 2008, NHTW của hai đầu tàu kinh tế Mỹ và khu vực EU đều đã sử dụng chính sách tiền tệ (CSTT) phi truyền thống để hỗ trợ cho nền kinh tế mặc dù có sự khác nhau về thời điểm và quy mô thực hiện...
Chính sách tiền tệ linh hoạt
Hiện tại kinh tế Mỹ và khu vực EU – chiếm gần 1/3 sản lượng toàn cầu đang có sự phục hồi thuận lợi với những tín hiệu kinh tế khả quan xuất hiện trên hầu hết các khía cạnh quan trọng của kinh tế vĩ mô như chỉ số IIP ngành công nghiệp, PMI, chỉ số bán lẻ và tiêu dùng, cán cân thương mại; lạm phát; thất nghiệp…
Thực tế đó cũng là cơ sở để Fed và NHTW châu Âu - ECB lên kế hoạch rút dần các gói nới lỏng tiền tệ bất thường. Vì vậy, mặc dù bắt đầu sớm hơn EU, song gần đây quan điểm bình thường hóa trong điều hành CSTT đều được Fed và ECB nhấn mạnh trong các cuộc họp thường kỳ của NHTW.
Điều đó đồng thời cũng làm xuất hiện một dấu hỏi về việc liệu Mỹ và EU đang có sự tương đồng trong các điều kiện và diễn biến kinh tế?
Theo dự báo sơ bộ trong quý III, kinh tế Mỹ đã tăng trưởng bình quân khoảng 2,2% trong 9 tháng – là một kết quả ấn tượng so với mức tăng 1,4% cùng kỳ năm 2016. Nhịp độ tăng trưởng đều đặn này đã làm gia tăng nhu cầu về lao động, làm cho tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức 4,2% từ mức 4,9%, thu nhập bình quân thực tế một giờ đã tăng gần 0,7%.
Trong khi đó bức tranh lạm phát giá cả và chi phí của nước Mỹ cũng diễn ra khá ôn hòa, vào tháng 9, chỉ số giá tiêu dùng cơ bản đã tăng 1,7%, chỉ số tiêu dùng cá nhân diễn biến ổn định với mức tăng bình quân hàng năm là 1,4% và chi phí lao động đã tăng 0,3% so với năm ngoái.
Mặc dù vậy, những con số này vẫn chưa đủ đảm bảo về những ảnh hưởng của lạm phát tới các thị trường lao động ở trạng thái thắt chặt. Những quan ngại về nhu cầu lao động xét về mặt kỹ thuật là đúng đắn, song đó cũng chỉ là quan điểm trung lập về mối đe dọa của lạm phát nếu chính sách tài khóa được nới lỏng trong tương lai.
Thúc đẩy nền kinh tế phục hồi?
Cả Fed và các thị trường trái phiếu đều tỏ ra lo lắng về gói kích thích tài khóa sắp tới. Nhưng tuyên bố của Chính phủ về kế hoạch cắt giảm thuế doanh nghiệp và thuế cá nhân kỳ vọng sẽ làm gia tăng các khoản chi tiêu hộ gia đình và các khoản chi cho đầu tư, chiếm tới 80% quy mô kinh tế Mỹ. Triển vọng đó rõ ràng sẽ tạo áp lực về lạm phát cho nền kinh tế Mỹ.
Chính vì vậy, nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu phải định giá lại các khoản nợ chính phủ đang gia tăng bởi vì họ không tin rằng việc cắt giảm thuế sẽ làm cho tăng trưởng kinh tế tăng lên tương ứng để có thể tạo ra khoản thu nhập bù đắp được khoản thuế dự kiến cắt giảm khoảng 6 nghìn tỷ USD. Thực tế đó phản ánh rằng vị thế tài khóa của Mỹ không tạo điều kiện nhiều cho kế hoạch cắt giảm thuế ở quy mô lớn.
Trong năm 2017, thâm hụt quỹ liên bang đã tăng 14% so với năm 2016, đạt 666 tỷ USD, khoảng 3,5% GDP trong khi đó nợ công tiếp tục tăng lớn hơn 20,4 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 105,4% GDP. Như vậy, những tín hiệu trên thị trường trái phiếu của Mỹ rất được quan tâm, Fed sẽ phải quan sát diễn biến của đường cong lợi tức trái phiếu để có các quyết sách phù hợp.
Trong khi đó, vị thế của ECB lại rất khác, mặc dù tăng trưởng kinh tế đã đạt mức tăng trưởng cao trên 2% trong 2 quý gần đây nhưng ủy ban tiền tệ vẫn đang phải vật lộn với tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao 9,1% và dao động có khoảng cách lớn giữa các nước trong khối (Đức 3,6%, Pháp là 9,8%, Ý là 11,2%, 17,1% tại Tây Ban Nha và 21% tại Hy Lạp).
Đồng thời, diễn biến giá cả của khu vực đồng tiền chung có vẻ ổn định hơn, tỷ lệ lạm phát lõi hiện tại là 1,2% - vẫn thấp hơn mức mục tiêu là 2%. Vì thế mà ECB vẫn khẳng định việc cần duy trì gói kích thích tiền tệ phù hợp.
Trong khi đó, tình trạng của chính sách tài khóa lại có sự khác biệt lớn so với Mỹ - đấy chính là lý do quan trọng cho quyết định duy trì CSTT nới lỏng ở một mức độ lớn. Pháp, Ý, Tây Ban Nha chiếm khoảng 1/2 GDP của khu vực EU vẫn duy trì chính sách tài khóa (CSTK) thắt chặt. Trong đó Pháp và Tây Ban Nha bị yêu cầu giảm thâm hụt ngân sách xuống 3%/GDP và phải tiến tới cân bằng về sổ sách trong vài năm tới, còn Ý phải giảm nợ công từ khối nợ khổng lồ 158% GDP sau khủng hoảng.
Bên cạnh đó, CSTT nới lỏng cũng sẽ giúp tỷ giá của đồng EUR duy trì ở ngưỡng có thể thúc đẩy cho hoạt động xuất khẩu ở những nước có nhu cầu nội địa thấp. Bằng chứng là đến thời điểm hiện nay, cán cân thương mại của khu vực EU dự báo thặng dư 400 tỷ USD đối với xuất khẩu ròng hàng hóa và dịch vụ, thực tế đó sẽ có đóng góp tích cực cho tăng trưởng và cải thiện tỷ lệ thất nghiệp trong khu vực.
Tóm lại, tuy có chung định hướng điều hành CSTT trong tương lai nhưng với những diễn biến kinh tế của Mỹ và EU hiện nay thì chắc chắn cấp độ, thời gian thực hiện bình thường hóa CSTT của hai đầu tàu kinh tế này sẽ có sự khác biệt. Hiện tại, Mỹ cũng không vội vàng gì trong việc điều chỉnh chính sách khi vẫn tồn tại những bất ổn liên quan đến CSTK và nỗi lo ngại về rủi ro của lạm phát gia tăng.
Và EU cũng vậy, ECB vẫn cam kết sẽ giữ nguyên kế hoạch kéo dài các gói kích thích tiền tệ quy mô lớn nếu tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát vẫn còn xa so với mục tiêu, CSTK vẫn điều hành theo hướng thắt chặt và những bất ổn chính trị trong nội khối vẫn chưa ngừng chấm dứt.(TBNH)
------------------------
Giữa “bão” khaisilk: “Mổ xẻ” ngành dâu tằm tơ Việt Nam
Những năm gần đây, ngành dâu tằm tơ Việt Nam từng bước phục hồi khi chất lượng tơ tốt, được nhiều thị trường quốc tế ưa chuộng. Tuy nhiên, với những khó khăn nội tại, để ngành này thực sự phát triển mạnh mẽ không phải điều đơn giản.
Chất lượng rất tốt
Theo Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam: Sau giai đoạn suy thoái, từ năm 2007 ngành dâu tằm tơ dần phục hồi và phát triển mạnh. Đến nay cả nước có trên 200 hộ nuôi tằm con tập trung, trong đó riêng Lâm Đồng có đến 150 hộ. Cùng với đó, cả nước hiện có 40 dãy ươm tơ tự động hoạt động và con số này đến cuối năm 2017 sẽ là 50 dãy ươm tơ tự động.
Với diện tích trồng dâu hiện nay, nếu nông dân đầu tư thâm canh cây dâu tốt, năng suất có thể đạt 30 tấn/ha. Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là, nếu nuôi tằm không bị bệnh thì lượng kén thu về cũng không đủ đáp ứng công suất máy móc mà các DN và các hộ đã đầu tư. Sự phát triển nóng của ngành dâu tằm tơ đang trở thành thách thức lớn bởi sự đầu tư mất cân đối giữa máy móc thiết bị với việc phát triển nguồn nguyên liệu.
Trên phạm vi toàn quốc, hiện ngành dâu tằm tơ được ghi nhận phát triển khá mạnh tại các tỉnh Phú Thọ, Thái Bình, Lào Cai, Sơn La, Kon Tum…, “Thủ phủ” của ngành dâu tằm tơ là tỉnh Lâm Đồng.
Theo ông Đặng Vĩnh Thọ-Chủ tịch Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam, Phó Tổng giám đốc Công ty CP-Tổng công ty Dâu tằm tơ Việt Nam: Trong số khoảng 10.000ha dâu của cả nước thì có tới trên 5.000ha tập trung tại Lâm Đồng. Dù chỉ chiếm 50% diện tích dâu cả nước, song sản lượng tơ của Lâm Đồng lại chiếm tới 70% cả nước. Lý do là tại Lâm Đồng, người trồng dâu nuôi tằm có thể nuôi được giống tằm lưỡng hệ quanh năm. Trung bình mỗi năm, người dân nuôi được tới 18-20 lứa tằm với năng suất kén/ha bình quân khá cao, đạt 2,5 tấn/ha. Chất lượng kén tốt, có giá bán lên tới mức 170.000 đồng/kg.
Trên thực tế, do nắm bắt được cơ hội ngành dâu tằm tơ đang phục hồi, phát triển, nhiều DN đã mạnh dạn đầu tư hệ thống máy móc hiện đại sản xuất đáp ứng nhu cầu nội địa cũng như XK. Toàn quốc hiện có 40 dãy máy ươm tơ tự động hoạt động. Riêng tại tỉnh Lâm Đồng, hiện có khoảng 15 DN ươm tơ tự động với năng lực sản xuất trên 2 tấn tơ/ngày và hơn 20 cơ sở ươm tơ cơ khí, mỗi ngày sản xuất gần 1 tấn tơ. Ông Thọ cho hay, hầu hết số tơ này đều được XK ra nước ngoài theo từng cấp độ. Cụ thể, tơ chất lượng loại 1 được XK sang Ấn Độ, Pakistan. Tơ chất lượng loại 2 XK sang Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia... Số còn lại bán cho thị trường nội địa.
Liên quan tới chất lượng tơ tằm Việt Nam, ông Thọ đánh giá: Chất lượng tơ tằm của Việt Nam rất tốt. Nếu được đầu tư bài bản sẽ cho ra những tấm vải lụa đẹp. Đi sâu phân tích chất lượng tơ, đặc biệt là tại vùng Lâm Đồng, theo ông Thọ, nhờ chất lượng kén ổn định nên cho ra chất lượng tơ khá cao, hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu XK. Giá tơ XK hiện ở mức 64-65 USD/kg. Hoạt động dệt may từ tơ lụa của vùng Bảo Lộc (Lâm Đồng) được đầu tư cơ bản với dây chuyền sản xuất hiện đại, công suất cao, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng tốt đáp ứng XK, thậm chí XK sang cả thị trường “khó tính” như Nhật Bản.
Chật vật nguồn trứng giống tằm
Chất lượng sản phẩm tốt, đã có những DN chú trọng đầu tư phát triển, được thị trường XK đón nhận, vậy đâu là khó khăn điển hình, trực tiếp mà ngành dâu tằm tơ đang phải đối mặt?
Theo đại diện lãnh đạo một số địa phương có ngành dâu tằm tơ đang hồi sinh, phát triển, vấn đề mấu chốt chính là Việt Nam chưa tự chủ được nguồn trứng giống tằm. Hiện nay, có tới 90% nguồn trứng giống tằm phải NK từ Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Điều này dẫn tới tình trạng chất lượng nguồn trứng giống thiếu ổn định, ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất, chất lượng cũng như độ dài của tơ.
Liên quan tới vấn đề này, ông Thọ khẳng định: Trứng giống tằm đang là vấn đề nan giải của ngành dâu tằm tơ Việt Nam. Để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ ngành dâu tằm tơ phát triển, Hiệp hội Dậu tằm tơ Việt Nam đề nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ cho NK giống tằm từ Trung Quốc theo đường chính ngạch. Ngoài ra, do hiện nay việc cung cấp trứng giống tằm chưa có bất kỳ DN nào đứng ra đảm nhiệm chính thức nên Hiệp hội cũng đề nghị Bộ NN&PTNT phối hợp cùng địa phương hỗ trợ về mặt kỹ thuật, tổ chức nuôi tằm con tập trung, sau đó cung cấp giống tằm cho nông dân, tránh rủi ro cho người nuôi tằm, nhất là tại vùng Lâm Đồng.
Xung quanh câu chuyện làm sao để phát triển ngành dâu tằm tơ cho bài bản, một số chuyên gia trong ngành nông nghiệp đưa ra nhận định: Nếu không có chiến lược phát triển mạnh ngành dâu tằm tơ thì chỉ 10-15 năm nữa sẽ không còn nguyên liệu để sản xuất tơ lụa. Muốn khắc phục điều này, giải quyết khó khăn về nguồn trứng giống tằm thôi chưa đủ. Điều quan trọng là phải xây dựng được cả chuỗi hàng hóa có sự liên kết chặt chẽ với nhau thông qua việc đưa giống dâu mới, giống tằm tốt với năng suất, chất lượng đảm bảo vào nuôi trồng. Bên cạnh đó, đối với những DN mặn mà đầu tư vào ngành dâu tằm tơ, nhà nước cần có chính sách ưu đãi phân vùng mua sản phẩm kén tằm cho từng DN ươm tơ. Đặc biệt, muốn phát triển toàn ngành, cần chọn ra một số DN mang tính “đầu tàu”, uy tín làm tốt công tác XK sản phẩm.
Đối với thị trường nội địa, trong bối cảnh thường xuyên diễn ra tình trạng “vàng thau lẫn lộn”, trà trộn các mặt hàng khác nhau, bán hàng Trung Quốc nhưng lại gắn mác “Made in Viet Nam” thì công tác quản lý chất lượng tơ lụa, chống gian lận thương mại là một trong những yếu tố quan trọng, không thể lơ là nhằm đảm bảo cho ngành dâu tằm tơ phát triển bền vững.
Nghệ nhân Đỗ Quang Hùng (làng nghề dệt lụa Vạn Phúc - Hà Nội): Dân chuyển nghề vì sản xuất 1 mét tơ lụa giá quá cao
Giai đoạn 1995-2000, nghề sản xuất và kinh doanh lụa rất phát triển ở Việt Nam nhưng hiện nay không còn như vậy. Một trong những nguyên nhân là bởi việc trồng dâu, nuôi tằm bị quy hoạch nhỏ lại, nhất là vùng Đồng bằng Bắc bộ. Tại làng lụa Vạn Phúc hiện nay, phần lớn người dân phải nhập tơ từ vùng Bảo Lộc (Lâm Đồng) với mức giá khoảng 1,6 triệu đồng/kg. Bên cạnh đó, công thợ dệt hiện nay khá cao. Để dệt thủ công 1kg tơ, thợ giỏi phải dệt trong 5 ngày. Điều này dẫn tới tình trạng, muốn có 1 mét lụa tơ tằm, giá thành khá cao. Nhiều người dân chuyển sang sản xuất lanh và tơ bóng, nhập nhèm giữa tơ và lanh để đánh lừa người tiêu dùng.
Ông Lê Thái Vũ, Ủy viên Ban chấp hành, Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam: Cần tạo sản phẩm thời trang từ lụa tơ tằm
Để phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ Việt Nam, một trong những yếu tố quan trọng đặt ra là các nhà thiết kế, viện thiết kế trong và ngoài nước phải cùng tham gia, tạo nên sản phẩm thời trang và nhiều sản phẩm khác từ lụa tơ tằm Việt Nam. Ngoài ra, tại các làng nghề, cần đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh với du lịch làng nghề nhằm tạo điểm tham quan, trải nghiệm cho khách. Ví dụ như, du khách có thể tham quan quy trình trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa tại làng nghề. Bên cạnh đó, việc tổ chức những lễ hội truyền thống có liên quan đến tơ tằm cũng rất cần thiết nhằm giới thiệu, quảng bá thương hiệu lụa tơ tằm Việt Nam rộng rãi tới bạn bè quốc tế.
--------------------------
Uber đã chấp nhận nộp 66,8 tỷ đồng tiền truy thu thuế
Đại diện Cục Thuế TP.HCM xác nhận thông tin Uber cam kết sẽ nộp khoản thuế 66,68 tỷ đồng, đồng thời cho biết sẽ đốc thúc Uber B.V thực hiện việc nộp số thuế truy thu vào ngân sách.
Như đã thông tin, Uber B.V liên tục trì hoãn đóng số tiền truy thu này, vì lý do chờ cuộc làm việc với Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính.
Một lý do nữa mà Uber cho rằng họ không phải nộp khoản thuế thu nhập doanh nghiệp bị truy thu, là dựa trên cơ sở của Hiệp định chống đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Hà Lan.
Số tiền truy thu thuế 66,68 tỷ đồng của Uber gồm những gì?
Tuy nhiên, sau khi làm việc với Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính thì Uber B.V cam kết thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế. Doanh nghiệp sẽ thực hiện nghĩa vụ thuế của mình đầy đủ và chính xác.
Theo đại diện Uber Việt Nam, trước đây do hiểu sai tinh thần công văn 1882/TCT-CS 2016 của Bộ Tài chính về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp.
Trong khi Uber B.V nghĩ rằng chỉ phải kê khai nộp thuế sau thời điểm ban hành công văn, Bộ Tài chính lại cho rằng công văn này chỉ mang tính chất hướng dẫn chính sách thuế chứ không quy định thời hiệu thi hành.
Ngoài Uber cam kết thực hiện đúng nghĩa vụ thuế, đại diện Cục Thuế TP.HCM cũng thông tin Grab đã thực hiện đủ nghĩa vụ thuế với số tiền gần 3 tỷ đồng.
Trong thông tin mới đây, Tổng cục Thuế cho biết cả Grab và Uber đều lỗ. Grab có vốn đăng ký 20 tỷ đồng nhưng lỗ lũy kế hơn 938 tỷ đồng kể từ khi hoạt động kinh doanh tại Việt Nam vào tháng 2/2014 tới nay. Lý do lỗ Grab đưa ra là chi phí quảng cáo khuyến mãi rất lớn.
Về chấp hành chính sách thuế, số liệu báo cáo của Grab cho biết tổng doanh thu các năm 2014, 2015 và 2016 là 1.755 tỷ đồng. Số thuế đã kê khai nộp là 9,535 tỷ đồng.
Qua hoạt động thanh tra, Cục thuế TP.HCM đã xử lý 2,961 tỷ đồng, trong đó có 2.286 tỷ đồng truy thu thuế.
Đối với Uber, tổng doanh thu các năm 2014, 2015, 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 là 2.706 tỷ đồng, số thuế đã nộp là 76,877 tỷ đồng.
Cũng theo Tổng cục thuế, hình thức hoạt động của Uber B.V và Grab tại Việt Nam hiện nay khác nhau. Grab nộp thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp như doanh nghiệp Việt Nam, Uber B.V vẫn là doanh nghiệp nước ngoài, chỉ nộp 5% thuế trên tổng doanh thu từ 20% đã ăn chia với lái xe.(Zing)