tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 13-07-2018

  • Cập nhật : 13/07/2018

Công bố kết quả khảo sát tiền lương, thu nhập của người lao động trong năm 2018

Chiều 12/7, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam công bố kết quả khảo sát tiền lương, thu nhập và đời sống của người lao động trong các doanh nghiệp năm 2018.

17,4% nguoi lao dong cho biet co du dat va tich luy. anh minh hoa: bnews/ttxvn

17,4% người lao động cho biết có dư dật và tích lũy. Ảnh minh họa: BNEWS/TTXVN

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân – Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, cơ quan này đã thực hiện khảo sát tại 25 tỉnh, thành phố, ngành Trung ương có đông lao động công nghiệp, dịch vụ, đại diện các loại hình doanh nghiệp và vùng lương gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Nam, Ninh Bình, Hòa Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang; Công đoàn ngành Xây dựng; Công đoàn Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. 

Cùng với đó, Viện Công nhân - Công đoàn còn tổ chức trao đổi thông tin, thu thập báo cáo, lấy ý kiến với 3.008 phiếu hỏi đối với người lao động tại 150 doanh nghiệp, trung bình mỗi doanh nghiệp 20 lao động, đảm bảo cơ cấu về giới tính, độ tuổi, vị trí công việc; tìm hiểu các vấn đề liên quan đến việc làm, tiền lương, chi tiêu, những khó khăn, vướng mắc, bức xúc và kiến nghị của người lao động. 

Kết quả khảo sát cho thấy, với thu nhập và chi tiêu hiện nay (không có biến động về việc làm, thu nhập và đời sống), có 32,1% người lao động cho biết gia đình họ có khoản tiền tiết kiệm, trung bình 1,5 triệu đồng/tháng. Đây là khoản tiền mà người lao động dành dụm để chi tiêu dịp lễ tết, lúc ốm đau, hoạn nạn, thất nghiệp và tích lũy đầu tư cho việc học hành của con cái. 

So sánh thu nhập với chi tiêu của người lao động và gia đình, kết quả như sau: 17,4% người lao động cho biết có dư dật và tích lũy; 43,7% cho biết vừa đủ trang trải cho cuộc sống; 26,5% phải chi tiêu tằn tiện và kham khổ; 12,5% cho biết thu nhập không đủ sống, phải làm thêm giờ. 

Khảo sát còn cho thấy, so với năm 2017, tỷ lệ người lao động cho biết thu nhập so với chi tiêu “có dư dật, tích lũy” tăng 1,3%; số người lao động gặp khó khăn “không đủ sống, phải làm thêm giờ” chỉ tăng nhẹ (0,5%), nhưng tỷ lệ người lao động “vừa đủ trang trải cho cuộc sống” giảm 7,6%; tỷ lệ người lao động phải chi tiêu “tằn tiện, kham khổ” tăng lên 5,8%. Nhìn chung, đa số người lao động cho biết mặc dù còn nhiều khó khăn, song thu nhập cơ bản đủ trang trải cho cuộc sống. 

Khi tìm hiểu những về thái độ của người lao động, những khó khăn, bức xúc liên quan đến tình hình việc làm, tiền lương và thu nhập tại người lao động, khảo sát cho thấy, người lao động còn gặp rất nhiều bức xúc. Trong đó, bức xúc vì lương thấp, không có thêm các khoản phụ cấp để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống chiếm tỷ lệ cao nhất (25,7%). 

Các nội dung khác (làm thêm giờ, tăng ca nhiều; định mức lao động (mức khoán) cao; trả lương không đúng với sức lao động bỏ ra; trả lương không công khai, minh bạch; không thực hiện nâng lương định kỳ), tỷ lệ có bức xúc không cao, nhưng cũng thể hiện sự không hài lòng của người lao động. Theo lãnh đạo Viện Công nhân - Công đoàn, đó cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng tranh chấp lao động và đình công vẫn còn xảy ra.

Theo số liệu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, từ đầu năm 2018, cả nước có 131 cuộc đình công, trong đó các doanh nghiệp FDI là 103 cuộc, chiếm 78,6%; ngành dệt may 48 cuộc, chiếm 36,6 %; giày da có 27 cuộc, chiếm 20,6%; điện tử 20 cuộc, chiếm 15,3%. 

Cũng theo kết quả điều tra của Viện Công nhân - Công đoàn, mức chi tiêu tối thiểu của các hộ gia đình có 4 người (2 lao động có thu nhập và 2 người phụ thuộc phải nuôi dưỡng) trung bình là 7.241.000 đồng (Bnews)
------------------------

Quản lý rủi ro đối với nợ công

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 94/2018/NĐ-CP về nghiệp vụ quản lý nợ công, trong đó, quy định về quản lý rủi ro đối với nợ công.

Cụ thể, mục tiêu quản lý rủi ro nhằm đảm bảo cơ cấu nợ công hợp lý, phù hợp với mục tiêu, định hướng đặt ra trong kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm đã được Quốc hội quyết định; đảm bảo khả năng trả nợ trong trung hạn và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nợ công; giảm thiểu những thiệt hại có thể xảy ra trong tình huống xấu nhất với chi phí phát sinh hợp lý.

Về nguyên tắc xử lý rủi ro, việc xem xét xử lý rủi ro được thực hiện cho từng trường hợp cụ thể căn cứ vào mức độ tổn thất có thể xảy ra và nguyên nhân dẫn đến rủi ro; việc phòng ngừa và xử lý rủi ro phải căn cứ vào thoả thuận vay hoặc công cụ nợ gốc trong danh mục nợ công hiện hành, nguyên nhân phát sinh rủi ro, phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Việc phòng ngừa rủi ro đối với danh mục nợ công phải thực hiện phù hợp với kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm, chương trình quản lý nợ công 3 năm và kế hoạch vay, trả nợ hằng năm; tổ chức, cá nhân sử dụng vốn vay sai mục đích, cố ý làm trái quy định làm phát sinh rủi ro nợ công phải chịu trách nhiệm xử lý và bồi thường theo quy định của pháp luật.

Rủi ro đối với nợ công bao gồm: Rủi ro về lãi suất, tỷ giá ngoại tệ do biến động trên thị trường tài chính; rủi ro thanh khoản do thiếu các tài sản tài chính có tính thanh khoản để thực hiện đầy đủ, kịp thời các nghĩa vụ nợ đến hạn theo cam kết, bao gồm khả năng trả nợ của ngân sách trung ương vàngân sách địa phương; rủi ro do biến động thị trường tài chính ảnh hưởng đến việc huy động vốn dẫn đến phải đảo nợ với chi phí cao hoặc mất khả năng đảo nợ; rủi ro tín dụng do đối tượng được vay lại, đối tượng được bảo lãnh không trả được nợ đầy đủ, đúng hạn; các loại rủi ro khác có thể ảnh hưởng đến an toàn nợ công.

Việc quản lý rủi ro tín dụng của đối tượng được vay lại, đối tượng được bảo lãnh Chính phủ thực hiện theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ; Nghị định của Chính phủ về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ.

Đánh giá rủi ro

Nội dung chủ yếu của việc đánh giá rủi ro gồm: Phân tích tình hình kinh tế vĩ mô, tài khóa, tiền tệ, tỷ giá, lãi suất và biến động của thị trường vốn trong nước và quốc tế có tác động đến nợ công; phân tích, đánh giá diễn biến về cơ cấu đồng tiền, lãi suất, kỳ hạn, quy mô, nghĩa vụ trả nợ công, hiện tại và xu hướng tương lai nhằm nhận diện mức độ rủi ro để có biện pháp xử lý rủi ro phù hợp; tính toán mức độ rủi ro, dự kiến chi phí phòng ngừa và xử lý rủi ro trong trường hợp rủi ro xảy ra.

Bộ Tài chính đánh giá rủi ro đối với nợ công, bao gồm nợ Chính phủ, nợ chính quyền địa phương và nợ được Chính phủ bảo lãnh; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đánh giá rủi ro đối với nợ của chính quyền địa phương, bao gồm vay lại vốn vay ODA và vay ưu đãi của Chính phủ, trái phiếu của chính quyền địa phương và các khoản nợ khác của chính quyền địa phương.

Việc đánh giá rủi ro được thực hiện định kỳ gắn với kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm, chương trình quản lý nợ công 3 năm và kế hoạch vay, trả nợ công hằng năm. Trên cơ sở đánh giá rủi ro, Bộ Tài chính đề xuất các giải pháp để phòng ngừa rủi ro đối với nợ công; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề xuất các giải pháp để phòng ngừa rủi ro đối với nợ của chính quyền địa phương.

Các biện pháp phòng ngừa và xử lý rủi ro

Nghị định cũng quy định các biện pháp phòng ngừa và xử lý rủi ro. Cụ thể, đối với phòng ngừa và xử lý rủi ro về lãi suất và tỷ giá ngoại, sử dụng các công cụ phái sinh về lãi suất và đồng tiền.

Đối với việc phòng ngừa và xử lý rủi ro thanh khoản gồm: bố trí nguồn trả nợ đầy đủ, đúng hạn theo quy định tại Điều 54 Luật Quản lý nợ công; phát hành công cụ nợ để đảm bảo thanh khoản; cơ cấu lại kỳ hạn của các khoản nợ, mua lại nợ, hoán đổi khoản nợ hoặc đàm phán gia hạn nợ.

Đối với phòng ngừa và xử lý rủi ro do biến động thị trường tài chính gồm: phát triển thị trường vốn trong nước; nâng cao hệ số tín nhiệm quốc gia để tiếp cận thị trường vốn quốc tế.

Căn cứ vào đánh giá rủi ro và mức độ ảnh hưởng của rủi ro đối với từng khoản nợ hoặc với danh mục nợ, Bộ Tài chính xây dựng đề án cơ cấu lại nợ, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định và tổ chức thực hiện; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định phương án cơ cấu lại nợ của chính quyền địa phương và tổ chức thực hiện. (Chinhphu)
-----------------------

IEA cảnh báo nguồn cung dầu mỏ không ổn định

Nguồn cung dầu mỏ đang tăng trên toàn cầu, có thể phải chịu áp lực khi các nhà sản xuất dầu mỏ lớn khác bị gián đoạn sản xuất.

Nguồn cung dầu mỏ đang tăng trên toàn cầu. Ảnh: TTXVN

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 12/7 cảnh báo nguồn cung dầu mỏ đang tăng trên toàn cầu, chủ yếu do Saudi Arabia và Nga tăng sản lượng, có thể phải chịu áp lực khi các nhà sản xuất dầu mỏ lớn khác bị gián đoạn sản xuất.

Trong báo cáo tháng 7, IEA hoan nghênh thỏa thuận hồi tháng trước giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga về việc tăng sản lượng nhằm hạ giá dầu từ mức cao kỷ lục nhiều năm qua này. Theo IEA, ngay trong tháng 6, Saudi Arabia và Nga đã nâng sản lượng thêm hơn 500.000 thùng/ngày.

Việc tăng sản lượng của Saudi Arabia cho phép nước này vượt Mỹ và giành lại vị trí nhà sản xuất dầu thô lớn thứ 2 thế giới, và nếu nước này thực hiện ý định nâng sản lượng lên mức kỷ lục gần 11 triệu thùng/ ngày trong tháng này, điều đó sẽ thách thức vị trí số 1 của Nga.

Tuy nhiên, báo cáo cũng cảnh báo về khả năng gián đoạn nguồn cung từ Libya bất chấp ngày 11/7, quốc gia Bắc Phi này đã nối lại hoạt động xuất khẩu dầu từ trung tâm sản xuất dầu mỏ ở miền Đông. Ngoài ra, IEA cũng bày tỏ quan ngại về tình hình bất ổn tại Venezuela làm sụt giảm sản lượng dầu mỏ của quốc gia Mỹ Latinh này trong nhiều tuần qua.

Cho dù hiên nay Iran vẫn chưa cảm nhận được đẩy đủ các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ, nhưng IEA cảnh báo những đòn trừng phạt này sẽ khiến nhà nước Hồi giáo này giảm sản lượng nhiều hơn mức 1,2 triệu thùng/ngày của đợt trừng phạt trước. 

Báo cáo của IEA nêu rõ: :"Việc gián đoạn sản xuất tại nhiều nước sản xuất dầu mỏ nhắc nhở chúng ta về áp lực lên nguồn cung dầu mỏ toàn cầu". Theo IEA, tình trạng này thậm chí sẽ trở thành vấn đề lớn hơn so với việc tăng sản lượng dầu mỏ của các nước vùng Vịnh và Nga.

Ngoài ra, trong các nước OPEC, Iraq thường xuyên bất ổn và cũng không có lượng dầu dự trữ, khiến Saudi Arabia, phải cáng đáng nhiệm vụ tăng sản lượng cùng với Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Kuwait.

Tuy nhiên, Saudi Arabia và Nga không đủ khả năng ổn định thị trường dầu mỏ. Bất chấp sản lượng cao hơn trong tháng 6, nguồn cung dầu mỏ của các nước OPEC đã giảm 700.000 thùng/ ngày so với cùng kỳ năm 2017 trong đó Venezuela giảm hơn gần 800.000 thùng, Angola 210.000 thùng và Libya 130.000 thùng.(TTXVN)
----------------------------

Hàn Quốc hạ dự báo mức tăng trưởng kinh tế năm nay xuống 2,9%

Hãng thông tấn Yonhap vừa cho biết Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) ngày 12/7 tổ chức cuộc họp Ủy ban chính sách tiền tệ dưới sự chủ trì của Thống đốc Lee Ju-yol và hạ dự báo nhịp độ tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc trong năm nay xuống mức 2,9%.

Trước đó vào tháng 10/2017, BoK dự báo nền kinh tế năm nay sẽ tăng trưởng 2,9% nhưng sau đó vào tháng Một năm nay đã điều chỉnh lên 3,0% và duy trì mức đó cho đến hết tháng Tư năm nay.

Dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế của BoK kể trên thấp hơn mức dự báo của Bộ Kế hoạch và Tài chính Hàn Quốc, cũng như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Song mức dự báo này của BoK cao hơn so với con số dự báo của Viện nghiên cứu phát triển hàn Quốc (KDI, cơ quan nghiên cứu của nhà nước), cũng như Viện nghiên cứu kinh tế LG và Viện nghiên cứu kinh tế Hyundai (Cơ quan nghiên cứu dân sự) đều ở mức 2,8%.

Kiểm tiền USD tại ngân hàng Hana ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc ngày 4/7 vừa qua. (Ảnh: EPA-EFE/TTXVN)

BoK đưa ra mức dự báo tăng trưởng kinh tế kể trên có thể là do tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc. Mỹ và Trung Quốc vào ngày 6/7 vừa qua bắt đầu áp mức thuế 25% đối với sản phẩm trị giá 34 USD của mỗi nước.

Tiếp đó, vào ngày 10/7 vừa qua, Mỹ tiếp tục công bố chính sách thuế bổ sung 10% đối với các hàng hóa nhập khẩu trị giá 200 tỷ USD từ Trung Quốc, tương đương khoảng một nửa lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Dự báo Bắc Kinh cũng sẽ có biện pháp đáp trả đối với Washington. (Vietnam+)

Trở về

Bài cùng chuyên mục