Công nghiệp TP HCM khởi sắc; Trung Quốc thu mua, giá lợn tăng trở lại: “Không cẩn thận sẽ lại phải giải cứu!”; 6 tháng đầu năm, TP.HCM có 16.000 căn hộ được chào bán; Hà Nội phát hiện lượng lớn thuốc, vật tư y tế không rõ nguồn gốc
Tin kinh tế đọc nhanh tối 14-07-2017
- Cập nhật : 14/07/2017
WB dự báo Việt Nam tăng trưởng 6,3%
Triển vọng kinh tế Việt Nam được đánh giá sáng sủa, nhờ cầu nội địa tăng, nông nghiệp hồi phục và ngành sản xuất để xuất khẩu cải thiện.
Trong báo cáo “Điểm lại” vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, kinh tế Việt Nam được đánh giá có chuyển biến tích cực trong nửa đầu năm 2017. Tăng trưởng giai đoạn này ước tính vào khoảng 5,7%.
Dịch vụ, sản xuất công nghiệp và nông nghiệp tiếp tục phục hồi trong 6 tháng đầu năm. Trong đó, dịch vụ đóng góp hơn 40% GDP, nhờ tiêu dùng trong nước và ngành du lịch.Trong trung hạn, triển vọng kinh tế cũng được nhận định khá sáng sủa. GDP dự báo tăng 6,3% năm nay, nhờ sức cầu nội địa tăng, nông nghiệp hồi phục và ngành sản xuất định hướng xuất khẩu tiếp tục cải thiện. Tuy nhiên, tốc độ này vẫn thấp hơn so với mục tiêu 6,7% mà Chính phủ đang phấn đấu thực hiện.
Áp lực lạm phát được đánh giá vừa phải. Trong đó, lạm phát cơ bản ổn định nhờ giá lương thực, thực phẩm và năng lượng được dự báo vẫn ở mức thấp. Thặng dư tài khoản vãng lai sẽ vẫn tiếp tục, nhưng ở mức thấp hơn khi nhập khẩu đang tăng.
Năm 2018 và 2019, GDP Việt Nam được WB dự báo nhích lên 6,4%. Tình hình vĩ mô nhìn chung ổn định.
“Kinh tế Việt Nam vẫn đang thể hiện sức dẻo dai nhờ ưu thế của các yếu tố căn bản đảm bảo tăng trưởng, gồm sức cầu trong nước và ngành sản xuất chế tạo chế biến”, ông Sebastian Eckardt - Quyền giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam nhận xét, “Đà tăng trưởng vẫn được duy trì là yếu tố thuận lợi để Việt Nam xử lý các trở ngại có tính cơ cấu cho tăng trưởng trong trung hạn, đồng thời tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô và gây dựng lại bộ đệm chính sách”.
Dù vậy, nền kinh tế thời gian tới sẽ vẫn chịu nhiều thách thức. Trên thế giới, xu hướng tăng lãi suất đang diễn ra, có thể khiến điều kiện huy động vốn bị thắt chặt. Bên cạnh đó, thương mại toàn cầu cũng đang chững lại khi chủ nghĩa bảo hộ gia tăng. Còn trong nước, các rào cản trung hạn là tín dụng tăng nhanh, nợ xấu chưa giải quyết triệt để, bội chi ngân sách lớn và tăng trưởng năng suất chậm lại.
WB nhấn mạnh Việt Nam cần tập trung cải thiện chất lượng tăng trưởng và củng cố sự linh hoạt của nền kinh tế. Vì thế, Chính phủ nên tiếp tục ổn định vĩ mô, giảm bội chi ngân sách, hạn chế tăng trưởng tín dụng quá nhanh và tìm cách thúc đẩy tăng trưởng năng suất. Những rào cản đối với tăng năng suất và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế cũng sẽ được loại bỏ qua quá trình cải cách cơ cấu.(Vnexpress)
--------------------
Xuất khẩu gạo tiếp tục phụ thuộc vào Trung Quốc
Gần phân nửa sản lượng gạo xuất khẩu chính ngạch của Việt Nam được tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm.
Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, sản lượng và giá trị xuất khẩu gạo nửa đầu năm nay lần lượt đạt 2,87 triệu tấn và 1,28 tỷ USD, tăng khoảng 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá xuất khẩu trung bình giai đoạn này ước đạt 444,6 USD một tấn, giảm nhẹ so với năm ngoái nhưng đang có dấu hiệu chuyển biến tích cực nhờ nhu cầu của thị trường thế giới tăng mạnh, nhất là những nước nhập khẩu ở khu vực châu Á như Philippines, Bangladesh…
Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu danh sách các quốc gia nhập khẩu gạo của Việt Nam với thị phần 43%, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ xấp xỉ 36%. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu gạo chính ngạch sang thị trường này đạt hơn 557 triệu USD. Điều này cho thấy sự phụ thuộc của gạo xuất khẩu vào thị trường này ngày càng lớn. Tuy nhiên, như nhiều loại nông sản khác thì gạo Việt lại chưa gầy dựng được thương hiệu do sau khi nhập khẩu, thương nhân Trung Quốc lại đóng bao bì mới.
Philippines vẫn là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ 2 của Việt Nam với kim ngạch hơn 103 triệu USD. Dự báo tình hình xuất khẩu gạo sang quốc gia này tiếp tục được cải thiện trong giai đoạn cuối năm do cơ quan Lương thực quốc gia Philippines vừa công bố thư mời thầu nhập khẩu 250.000 tấn gạo trắng 25%, thời gian giao hàng vào cuối quý III. Việt Nam được đánh giá có khả năng trúng thầu rất cao, bởi đối thủ cạnh tranh chính là Thái Lan chỉ còn khoảng 160.000 tấn gạo dự trữ đủ tiêu chuẩn và giá bán cũng cao hơn,.
Trong giai đoạn nửa đầu năm nay, tình hình tại một số thị trường chủ lực khác có nhiều biến động mạnh. Điển hình như sản lượng xuất khẩu sang thị trường lớn thứ 3 là Gana sụt giảm đến 31%, hoặc như Senegal dù có giá trị xuất khẩu không đáng kể nhưng so với cùng kỳ năm ngoái tăng gấp 114 lần về lượng. Ngoài ra, Việt Nam cũng có thêm hai thị trường xuất khẩu gạo mới là Iraq và Bangladesh với tổng kim ngạch hơn 53 triệu USD.(Vnexpress)
----------------------
Quỹ đầu tư mạo hiểm cho sinh viên Đông Nam Á
Protégé Ventures giúp sinh viên trở thành nhà đầu tư và rót vốn vào chính các dự án của sinh viên trong khu vực.
Quỹ mạo hiểm ra đời với sự phối hợp của Kairos ASEAN - cộng đồng kết nối doanh nhân trẻ trong khu vực và Viện Sáng tạo - Doanh nhân (Đại học Quản lý Singapore).
Protégé Ventures có sự tham gia của nhà đầu tư mạo hiểm, giúp đào tạo sinh viên đại học và sau đại học trở thành nhà đầu tư. Các sinh viên sẽ thu thập và nghiên cứu các startup tại Đông Nam Á và đầu tư thật sự thông qua quỹ này. Các dự án được tiếp nhận đầu tư phải có ít nhất một thành viên trong nhóm sáng lập đang là sinh viên tại một trường đại học.
Protégé được hậu thuẫn bởi những công ty đầu tư mạo hiểm nổi tiếng như Wavemaker Partners, Venturecraft, Marvelstone và TSR Partners. Một phát ngôn viên cho biết các công ty đã rót trên 360.000 USD để đầu tư vào các quỹ dành cho sinh viên. Họ cũng cam kết tài trợ trong công tác đào tạo và hoạt động.
Sinh viên Đông Nam Á sẽ trở thành hạt nhân của Protégé Ventures.
"Chúng tôi nhận thấy tại Mỹ có rất nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm cho sinh viên nhưng ở Đông Nam Á thì chưa. Chúng tôi muốn lấp đầy khoảng trống và tạo động lực cho các bạn sinh viên trải nghiệm và học hỏi nhiều hơn thông qua việc hiện thực hóa ý tưởng bằng nguồn tiền của quỹ”, Hau Koh Foo, Giám đốc Viện Sáng tạo và Doanh nhân, chia sẻ.
Đối tác của đơn vị này là Kairos ASEAN, một nhánh của cộng đồng Kairos toàn cầu. Đây là quỹ đầu tư hạt giống chuyên hỗ trợ các sinh viên startup trên khắp thế giới.
Protégé hiện tìm kiếm khoảng 15 sinh viên làm việc toàn thời gian với vị trí chạy chương trình và phân tích. Họ phải cam kết gắn bó ít nhất một năm với chương trình.
Chương trình gồm khóa đào tạo 10 tuần với Viện Sáng tạo và Doanh nhân đảm nhiệm vai trò dẫn dắt. Mục tiêu là giúp sinh viên phát triển các kỹ năng đầu tư. Các sinh viên của chương trình cũng sẽ được tham gia các sự kiện lớn và hỗ trợ hằng tuần từ các nhà đầu tư và doanh nhân.
Với sự hướng dẫn của Kairos, họ sẽ đi săn những quỹ tiềm năng và thú vị của sinh viên. Từ đó xem xét kỹ lưỡng, phân tích tiềm năng và đưa ra kế hoạch đầu tư cho ủy ban đầu tư của quỹ. Nhóm này gồm những sinh viên giỏi nhất về đầu tư và một số đại diện của Kairos.
Mỗi quỹ sinh viên được chọn sẽ nhận 14.500-36.000 USD từ các nhà tài trợ cũng như sự hỗ trợ sau đầu tư từ Viện Sáng tạo và Doanh nhân thuộc trường Đại học Quản lý Singapore.
Tại Mỹ, quỹ đầu tư đại học (UVF) được xem là quỹ lớn nhất thế giới do sinh viên điều hành. Theo Crunchbase, UVF đã gầy dựng được nguồn quỹ 18,2 triệu USD, đầu tư vào 17 công ty và 9 trong số đó vẫn tồn tại, trong đó có 2 công ty đã IPO.(Vnexpress)
----------------------------------
Vì sao lãi suất cho vay tiêu dùng gấp 3 lần lãi ngân hàng?
Lãi suất cho vay tiêu dùng thông thường trên thị trường hiện nay đang gấp khoảng 3 lần lãi vay cùng kỳ hạn của các ngân hàng.
Tại tọa đàm "Phát triển tài chính bán lẻ, Cơ hội thúc đẩy tiêu dùng - phục vụ tăng trưởng kinh tế Việt Nam" ngày 12/7, ông Nguyễn Tú Anh - Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, tỷ trọng tiêu dùng trong tổng GDP của Việt Nam tăng gần 26% trong vòng 11 năm qua, từ mức 52,5% năm 2005 lên 78,34% vào 2016. Xét ở độ đa dạng của sản phẩm, sự nhanh nhạy với thị trường và tốc độ phát triển, thì nhóm công ty tài chính tiêu dùng đang ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng. Song mức lãi suất "chót vót" của công ty tài chính tiêu dùng cũng đang làm mối bận tâm của người đi vay.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico, hiện lãi suất cho vay tiêu dùng đang cao gấp 3 lần so với lãi vay của ngân hàng cùng kỳ hạn. Nhưng nếu so sánh với tín dụng đen thì mức vay này vẫn thấp hơn nhiều.
Ông phân tích, cùng mức công bố lãi vay 1% một năm với khoản vay 10 triệu đồng trong 12 tháng và trả gốc mỗi tháng một triệu đồng, nhưng lãi thực phải trả theo số dư nợ gốc cố định ban đầu mà các công ty tài chính áp dụng trước đây thì lãi suất sẽ là 22% một năm, chứ không phải 12% một năm như mức tính của ngân hàng thương mại."Khi các công ty tài chính công bố lãi suất cố định cho từng khoản vay theo tuần, tháng mà không giải thích rõ với người vay, nên tạo cảm giác lãi vay thấp mà thực tế lại rất cao, thường trên 20% một năm, thậm chí có khoản vay 60-70% một năm", Chủ tịch Công ty Luật Basico chia sẻ.
Ông Phạm Xuân Hoè, Phó viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến lãi suất vay tiêu dùng của các công ty tài chính thường cao "ngất", là do đối tượng là khách hàng dưới chuẩn, mức độ rủi ro cao; chi phí vốn đầu vào của các công ty tài chính hơn hơn ngân hàng; chi phí hoạt động của công ty tài chính lớn do khoản vay nhỏ, kỳ hạn ngắn…
"Bản thân hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng rủi ro rất cao nên luật khống chế không cho họ hoạt động huy động tiền từ dân cư. Đây cũng là yếu tố làm cho lãi suất cho vay từ công ty tài chính cao hơn nhiều so với lãi vay thương mại của ngân hàng", ông Hoè nói.
Để đảm bảo phản ánh đúng lãi suất, tránh tình trạng con số công bố và thực chất khác nhau, Thông tư 43/2016 của Ngân hàng Nhà nước quy định, lãi suất cho vay tiêu dùng phải được quy định đổi theo tỷ lệ % một năm và phải tính theo số dư nợ cho vay, thời gian duy trì số dư nợ cho vay thực tế. Đây được coi là hành lang pháp lý phù hợp để các công ty tài chính tiêu dùng phát triển lành mạnh hơn.
Ngoài quy định này, ông Trương Thanh Đức đề nghị, cần xem xét loại công ty tài chính ra khỏi Luật các tổ chức tín dụng, để không phải áp dụng các điều kiện, chế tài ngặt nghèo như đối với các tổ chức tín dụng.
Dù ghi nhận "công lao" của vay tiêu dùng đã góp phần giảm tín dụng đen, song có ý kiến chuyên gia lo ngại về biến tướng của loại hình vay này.
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia thận trọng trước những con số tăng trưởng nhanh chóng của cho vay tiêu dùng vừa qua. Theo ông, tốc độ tăng cho vay tiêu dùng trên GDP hiện quá nhanh, trong khi đó tiết kiệm là ít. Hơn nữa, tỷ trọng tiêu dùng trong GDP ở Việt Nam cao hơn nhiều nước châu Âu, Mỹ là không bình thường.
Ông Nghĩa cảnh báo, cần xem xét lại một vài thành tựu trong những năm qua về tín dụng tiêu dùng. Cụ thể hoạt động cho vay này tại Việt Nam chủ yếu thời gian qua là mua nhà và ô tô nhưng một số tập đoàn bất động sản biến tướng cho cán bộ nhân viên vay mua nhà của chính mình, không tạo ra thanh khoản thực sự trên thị trường. "Nếu không giám sát thì tín dụng tiêu dùng sẽ có sự biến tướng", Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa lưu ý.(vnexpress)