tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 13-06-2017

  • Cập nhật : 13/06/2017

Trung Quốc, Ấn Độ sản xuất nhiều thóc gạo nhất thế giới

Theo báo cáo ngày 11/6 của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), Trung Quốc sẽ là nước sản xuất thóc gạo lớn nhất thế giới với 142,3 triệu tấn, và Ấn Độ xếp thứ hai với 110,4 triệu tấn. Tiếp theo là Indonesia, Bangladesh và Việt Nam.

xep nhung bao gao thai lan tai nha may o bangkok. anh: afp/ttxvn

Xếp những bao gạo Thái Lan tại nhà máy ở Bangkok. Ảnh: AFP/TTXVN

FAO nhận định Hàn Quốc sẽ trở thành nhà sản xuất gạo lớn thứ 15 thế giới trong năm nay với sản lượng dự kiến đạt 4,1 triệu tấn, giảm so với mức 4,2 triệu tấn năm 2016. Sản lượng trên ước chiếm khoảng 0.8% trong tổng số khoảng 502,6 triệu tấn trên toàn thế giới. 

Các số liệu mới nhất nhận định mức tiêu thụ tính bình quân trên đầu người loại lương thực này trên toàn thế giới sẽ là 125,5kg/người, giảm so với mức 127,4kg/người trong năm 2016. Tại Hàn Quốc, mức tiêu thụ tính trên đầu người sẽ là 74,9 kg/người, cũng giảm so với con số 76 kg/người năm 2016. 

FAO cũng cho hay sản lượng thịt của Hàn Quốc vượt 2,5 triệu tấn thịt, trong khi mức tiêu thụ ước đạt 3,74 triệu tấn. Nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này được dự báo sẽ nhập khẩu hơn 1,28 triệu tấn thịt và xuất khẩu 41.000 tấn. (TTXVN)
----------------------------------------------------

Thực phẩm Việt được ghi nhận và tạo được hình ảnh tốt trên thế giới

Ngày 9/6 tại Hà Nội, Cục Xúc tiến Thương mại (VIETRADE) Bộ Công Thương phối hợp với Tổ chức Xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển của Hà Lan (CBI) và Dự án Hỗ trợ Chính sách Thương mại và Đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) tổ chức Hội thảo “Phương án xây dựng Chiến lược thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam”.

 

khach tham quan cac gian hang tai hoi cho quoc te nong nghiep nong san va thuc pham viet nam nam 2016. anh: manh linh/ttxvn

Khách tham quan các gian hàng tại Hội chợ quốc tế Nông nghiệp Nông sản và Thực phẩm Việt Nam năm 2016. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN

 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định, ngành thực phẩm là một trong những ngành hàng có tiềm năng rất lớn của Việt Nam, các thực phẩm không những đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Thực phẩm Việt Nam đang dần được ghi nhận và tạo được hình ảnh tốt trên thế giới. Việt Nam đang dần trở thành nguồn cung quan trọng các sản phẩm nông sản thực phẩm phong phú cho các nước khác. 

Ông Tạ Hoàng Linh, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Chương trình xây dựng thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam, với sự phối hợp của các đối tác trong và ngoài nước, đã cơ bản hoàn thiện quá trình nghiên cứu và đề xuất phương án định vị thương hiệu (positioning), cấu trúc thương hiệu (brand architecture) và thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu (visual brand identity) cho ngành thực phẩm Việt Nam. 

Qua kết quả khảo sát ý kiến của các hiệp hội, các tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam có liên quan cũng như các nhà nhập khẩu nước ngoài, các chuyên gia trong lĩnh vực thực phẩm quốc tế, Chương trình đã đề xuất phương án định vị thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam “Viet Nam – the food basket of the world” (Việt Nam – Giỏ thực phẩm của thế giới) và đề xuất phương án về cấu trúc thương hiệu và hệ thống nhận diện thương hiệu cho ngành thực phẩm Việt Nam và các phân ngành thực phẩm cụ thể (sub-sectors). 

Dự kiến, chương trình sẽ công bố Báo cáo Chiến lược thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam vào quý III năm 2017. Giai đoạn 4 (2018-2020), Chương trình sẽ thực hiện các chiến dịch truyền thông, quảng bá hình ảnh ngành hàng thực phẩm Việt Nam và các phân ngành thực phẩm thông qua các kênh truyền thông và các sự kiện xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. 

Nông sản, thực phẩm là một trong những ngành có tiềm năng to lớn của Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu, tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động. 

Hiện nay, công tác xúc tiến thương mại ngành nông sản, thực phẩm đang được các hiệp hội, tổ chức xúc tiến thương mại, doanh nghiệp thực hiện tích cực tại nhiều thị trường khác nhau trên thế giới. 

Tuy nhiên, những cố gắng đơn lẻ của từng mặt hàng không tạo nên sức mạnh chung và chưa quảng bá được hình ảnh ngành thực phẩm Việt Nam. Chương trình xây dựng thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam đang từng bước nghiên cứu và thực hiện, đưa ra những giải pháp chuyên nghiệp và hiệu quả để tạo dựng hình ảnh sản phẩm thực phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế.(TTXVN)
-------------------------------

Rau quả vừa được giá xuất khẩu, vừa được giá trong nước

Mặt hàng rau quả trong nước đang đón "luồng gió mới" khi cả thị trường xuất khẩu và thị trường tiêu thụ nội địa đều được khách hàng săn đón và "vượng" giá.

Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu rau quả trong 5 tháng đầu năm 2017 ước đạt hơn 1,4 tỷ USD, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó các thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm gần 84% tổng giá trị xuất khẩu hàng rau quả. 

Từ vị trí chỉ là mặt hàng xuất khẩu khiêm tốn, rau quả đang có sự tăng trưởng ngoạn mục, vươn lên trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Hiện rất nhiều loại trái cây vốn trọng yếu của nhà vườn trong nước như vải thiều, chôm chôm, thanh long, xoài, nhãn… đã có mặt tại những thị trường khó tính như Mỹ, Australia, Nhật Bản...

"Hiện Australia đã công bố bản báo cáo cuối cùng về việc đánh giá những yêu cầu an toàn sinh học đối với trái thanh long, từ đó tiến tới các bước cuối cùng để thiết lập quy trình hoạt động tiêu chuẩn cho cơ sở xử lý thanh long bằng hơi nước và hoàn tất điều kiện nhập khẩu. Trong khi đó, rất nhiều nhà nhập khẩu đến từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã tìm đến với Việt Nam để tìm các nhà cung ứng", ông Bùi Sỹ Doanh, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết.

 
trai cay dang duoc mua xuat khau va tieu thu noi dia mang lai niem vui cho nha nong.

Trái cây đang được mùa xuất khẩu và tiêu thụ nội địa mang lại niềm vui cho nhà nông.

Riêng tại thị trường trong nước, liên tiếp trong các tháng qua, trái cây nội cũng trong tình trạng cung không đủ cầu. Khảo sát của ngành chức năng cho thấy, nhiều loại trái cây đang vào vụ mùa nhưng giá không hề thấp như mọi năm mà còn cao hơn nhiều so với cùng kỳ.

Cụ thể, giá bơ trái tại các tỉnh Tây Nguyên đang ở mức 38.000 - 40.000 đồng/kg, vải thiều ở các tỉnh phía Bắc đang có giá 50.000-55.000 đồng/kg, cao hơn so với cùng kỳ từ 5.000-10.000 đồng/kg. 

Còn tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, giá trái cây các tháng qua cũng liên tiếp đội giá. Những loại trái cây như sầu riêng, chôm chôm, bưởi da xanh... đều tăng cao hơn so với cùng kỳ từ vài nghìn đến chục nghìn/kg so với cùng kỳ.

Trong khi đó, khảo sát của phóng viên Báo Tin Tức tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cho thấy, dù sầu riêng đã vào mùa thu hoạch rộ, giá có giảm so với thời điểm tháng 5 nhưng hiện vẫn cao, dao động từ 80.000-85.000 đồng/kg loại 1, loại 2, 3 từ  50.000-60.000 đồng/kg. Tương tự, chôm chôm cũng đạt giá cao kỷ lục, trung bình khoảng 45.000-50.000 đồng/kg, tăng gần 2 lần so với cùng kỳ nhưng vẫn không đủ cung ứng cho thị trường...

Nguyên nhân giá trái cây tăng cao là do những bất thường về thời tiết ảnh hưởng đến năng suất và diện tích cây ăn trái. Trong khi đó, do số lượng trái cây xuất khẩu tăng đột biến cũng ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung góp phần đẩy giá trái cây tăng cao.(Baotintuc)
---------------------------------

Mở hướng xuất khẩu ngao sạch sang châu Âu

Ngày 10/6, tại Công ty Thủy sản Lenger Việt Nam (Tập đoàn Lenger Seafoods Hà Lan) ở Cụm Công nghiệp An Xá (thành phố Nam Ðịnh), một container ngao sạch đầu tiên của tỉnh Nam Định đã được xuất khẩu sang thị trường châu Âu, mở ra cơ hội lớn cho người nuôi ngao.

 
dien tich nuoi ngao cua nong dan xa giao xuan, huyen giao thuy. anh: vu sinh /ttxvn

Diện tích nuôi ngao của nông dân xã Giao Xuân, huyện Giao Thủy. Ảnh: Vũ Sinh /TTXVN

 

Cơ hội lớn cho nghề nuôi ngao

Vui mừng vì sản phẩm ngao sạch của tỉnh lần đầu tiên được xuất sang Italia - một trong những thị trường khó tính nhất châu Âu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Nguyễn Phùng Hoan khẳng định, Nam Định có thế mạnh rất lớn đó là vùng nuôi trồng ngao với diện tích 2.000 ha, tập trung tại 2 huyện Giao Thủy và Nghĩa Hưng, mỗi năm cung cấp cho thị trường trên 30.000 tấn ngao nguyên liệu.

Những năm qua, sản phẩm ngao Nam Định chủ yếu tiêu thụ trong thị trường nội địa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc. Tuy nhiên, sau hơn một năm xây dựng, lắp đặt thiết bị đi vào hoạt động và hoàn thiện các thủ tục, Công ty Thủy sản Lenger Việt Nam tại Nam Định đã xuất lô hàng đầu tiên, mở ra tín hiệu tích cực cho ngành nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản Nam Định và cơ hội lớn cho nghề nuôi ngao trên địa bàn.

Đây là mô hình quản lý theo chuỗi từ khu vực nuôi, người nuôi đến quy trình thu hoạch, vận chuyển và xử lý trong nhà máy đồng bộ, nghiêm ngặt, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của đối tác. Thông qua lô hàng đầu tiên này và các lô hàng tiếp theo trong thời gian tới, Nam Định thúc đẩy quảng bá sản phẩm đến các thị trường khác trên thế giới, hi vọng sẽ tạo đầu ra ổn định cho nghề nuôi ngao của tỉnh.
 
“Sản phẩm ngao Nam Định đã tiếp cận được thị trường quốc tế mang lại rất nhiều lợi ích song các doanh nghiệp, người nuôi ngao trong chuỗi liên kết phải tuân thủ nghiêm các cam kết với đối tác, không được vi phạm quy định. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu cải thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm ngao để khẳng định thương hiệu cũng như tạo dựng lòng tin của khách hàng”, ông Hoan khuyến cáo…

Hình thành chuỗi liên kết

Theo ông Nguyễn Hồ Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản Lenger Việt Nam, để có thể xuất khẩu ngao Việt Nam sang châu Âu - thị trường yêu cầu rất khắt khe về vấn đề chất lượng, công ty đã xây dựng và trang bị các thiết bị đáp ứng các tiêu chuẩn của đối tác. Toàn bộ cán bộ, công nhân của nhà máy đã được tập huấn qua các lớp đào tạo đảm bảo quy định trong sản xuất, chế biến và vệ sinh an toàn thực phẩm.
 
che bien ngao phuc vu thi truong trong nuoc va xuat khau tai cong ty thuy san langer viet nam. anh: vu sinh/ttxvn

Chế biến ngao phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu tại Công ty Thủy sản Langer Việt Nam. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Sản phẩm ngao sạch Lenger được thu mua từ những vùng nuôi đã được kiểm tra môi trường nước bảo đảm an toàn, sạch bệnh. Sau khi thu hoạch, ngao được đưa về nhà máy chế biến trên dây chuyền công nghệ hiện đại, khép kín từ khâu làm sạch đến bảo quản. Tại đây, ngao được làm sạch bởi dòng nước chảy liên tục để loại bỏ tạp chất, sau đó tiếp tục được chuyển sang hệ thống công nghệ diệt sạch vi khuẩn và khử mặn, làm sạch hoàn toàn và đóng gói. 

 
Sau khi đóng gói, ngao được làm lạnh đột ngột để bắt đầu chế độ ngủ đông và vận chuyển đi tiêu thụ. Sản phẩm ngao được đóng trong hộp chuyên dụng, bảo quản lạnh ở nhiệt độ phù hợp nên không cần sử dụng hóa chất bảo quản nhưng khi đến tay người tiêu dùng ngao vẫn giữ nguyên độ tươi ngon và chất dinh dưỡng.

Chia sẻ về kế hoạch trong thời gian tới, ông Nguyên cho biết, với công suất thiết kế lên tới 300 tấn ngao/ngày, công ty có thể sản xuất ra nhiều sản phẩm từ ngao tươi sống, ngao đóng hộp và đông lạnh. Dự kiến sau lô hàng đầu tiên xuất sang Italia này, sắp tới công ty sẽ triển khai các đơn hàng xuất sang một số nước như: Hà Lan, Tây Ban Nha, Pháp. Trong tháng 6, công ty sẽ xuất khoảng 10 container ngao sạch sang thị trường châu Âu.

Bước đầu, công ty phấn đấu xuất khẩu 5.000 tấn ngao sạch mỗi năm. Cùng với xuất khẩu sản phẩm ngao đông lạnh, công ty đã có kế hoạch làm việc với đối tác của các nước để triển khai thực hiện đơn hàng xuất khẩu 4,5 triệu lon ngao đóng hộp. Bên cạnh đó, công ty cũng chú trọng xây dựng chiến lược tiếp thị sản phẩm, quản bá thương hiệu hướng đến chiếm lĩnh thị trường các nước ngoài châu Âu như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ. Đồng thời, phát triển thị trường nội địa, phân phối sản phẩm cho hệ thống siêu thị, nhà hàng lớn tại các tỉnh, thành phố.

Để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho nhà máy, công ty ký hợp đồng liên kết sản xuất, thu mua ngao từ các vùng nguyên liệu trong tỉnh đã được chứng nhận đảm bảo yêu cầu tại các huyện Nghĩa Hưng và Giao Thủy. Ngoài ra, công ty sẽ thu mua ngao từ các tỉnh Thái Bình, Hải Phòng và Ninh Bình…

Ông Trần Xuân Lại, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh Nam Ðịnh thông tin, hiện Nam Ðịnh đang xây dựng, hoàn thiện chuỗi liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ nhuyễn thể hai mảnh vỏ trên địa bàn. Cơ quan chuyên môn phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho các hộ về quy trình nuôi trồng thủy sản bền vững, quy trình kiểm soát nhuyễn thể, quy chuẩn kỹ thuật vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến nhuyễn thể hai mảnh vỏ.

Để phát triển bền vững nghề nuôi trồng nhuyễn thể hai mảnh vỏ nói chung và nuôi ngao nói riêng, từ năm 2004, Nam Định đã thiết lập các vùng kiểm soát, giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm trong thu hoạch theo tiêu chuẩn châu Âu. Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh Nam Ðịnh cũng đã triển khai Chương trình giám sát vệ sinh an toàn trong thu hoạch nhuyễn thể hai mảnh vỏ, tập trung vào các nội dung: phổ biến quy trình kiểm soát đến các hộ nuôi và triển khai lấy mẫu nước, mẫu nhuyễn thể vùng nuôi để giám sát định kỳ; cấp giấy chứng nhận xuất xứ cho sản phẩm ngao tại các địa phương trong tỉnh…(Baotintuc)
Trở về

Bài cùng chuyên mục