Lê Thanh Thản - từ ông trùm nhà giá rẻ đến những dự án tai tiếng; Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Quảng Châu trong ASEAN; PVFCCo nằm trong Top 40 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam; Xuất khẩu tôm tăng trưởng mạnh, cá tra vẫn gặp khó
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 15-05-2017
- Cập nhật : 15/05/2017
Ai hưởng lợi sau “cú ngã” của Euro Auto?
Sự kiện Tổng Giám đốc Euro Auto bị bắt hoạt động nhập khẩu và phân phối xe BMW bị gián đoạn, đang gây xáo trộn thị trường xe hơi hạng sang Việt Nam, khiến không ít người bị thiệt hại, nhưng vẫn có những thành phần “ngẫu nhiên” được hưởng lợi.
Cú ngã của nhà nhập khẩu và phân phối xe BMW tại Việt Nam đang đem lại lợi ích cho ai? - Ảnh minh hoạ
Euro Auto - nhà nhập khẩu và phân phối chính thức xe BMW, Mini và BMW Motorrad tại Việt Nam, đã bị cơ quan điều tra khởi tố về hành vi làm giả giấy tờ và buôn lậu. Cùng với đó, Tổng Giám đốc doanh nghiệp này là ông Nguyễn Đăng Thảo cùng một số đối tượng liên quan cũng đã bị bắt tạm giam để phục vụ điều tra.
Từ ngày 1-12-2016, toàn bộ các lô hàng do Euro Auto nhập khẩu bao gồm 470 xe BMW, 78 xe Mini và 55 mô tô thể thao BMW Motorrad đã bị cơ quan chức năng Việt Nam tạm dừng thông quan và lưu giữ tại cảng VICT (TP HCM). Nguồn cung 3 thương hiệu xe hơi và mô tô trên cũng vì thế bị gián đoạn.
Tuy nhiên, trong số các thương hiệu xe do Euro Auto cung cấp thì Mini và BMW Motorrad không có nhiều ảnh hưởng trên thị trường như BMW. Trong phân khúc thị trường xe hơi hạng sang, doanh số bán của BMW hằng năm chỉ kém Mercedes-Benz Việt Nam, thương hiệu vốn có lợi thế nhờ đầu tư nhà máy sản xuất lắp ráp ở Việt Nam. Còn các thương hiệu thuần kinh doanh xe nhập khẩu nguyên chiếc gồm Audi, Lexus, Jaguar, Land Rover hay Infiniti,… cũng chỉ là đối thủ ngang ngửa, thậm chí thấp hơn BMW.
Khi Euro Auto vướng vòng lao lý và gần như không có xe để bán cũng như giao cho khách hàng đã đặt mua xe trước đó, các đối thủ của BMW đương nhiên được hưởng lợi ngay ở giai đoạn khiếm khuyết sản phẩm trên thương trường. Mặc dù vậy, không phải thương hiệu nào cũng được nhận “quà” từ Euro Auto, bởi người dùng xe hạng sang thường có những tiêu chí lựa chọn xe và thương hiệu tương đối rõ ràng, đặc biệt là với những sản phẩm có nguồn gốc từ châu Âu.
Thực tế cho thấy, Lexus (Nhật Bản) thương hiệu xe hạng sang vốn có ảnh hưởng lớn tại thị trường Việt Nam, lại được đơn vị nhập khẩu định giá cao hơn các đối thủ đến từ Đức. Mức lợi nhuận tối thiểu trên mỗi chiếc xe Lexus bán ra tại Việt Nam đã được giới truyền thông chỉ ra vào khoảng 600 triệu đồng hồi cuối năm ngoái, có thể là nguyên nhân khiến doanh số bán của thương hiệu hạng sang nhà Toyota không còn bùng nổ như trước đó, kể cả trong giai đoạn BMW bị gián đoạn nguồn cung trên thị trường.
Trong số các thương hiệu xe châu Âu, Mercedes-Benz, Audi và Land Rover được đánh giá có cùng nhóm đối tượng khách hàng với BMW và cả 3 nhãn hàng này cũng đều bị truy thu thuế với những lý do khác nhau, sau đợt thanh kiểm tra các doanh nghiệp ô tô nhập khẩu chính hãng do Bộ Tài chính khởi xướng hồi cuối năm ngoái.
Đơn vị nhập khẩu và phân phối Land Rover bị truy thu hơn 700 tỷ đồng và vẫn đang trong qua trình tái thiết sau khủng hoảng. Lãnh đạo doanh nghiệp này cho hay, doanh số bán các dòng xe Land Rover từ đầu năm 2017 thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái, thậm chí cả ở thời điểm thấp nhất của thị trường hồi năm 2016.
Trong khi đó, các dòng xe Mercedes-Benz với lợi thế lắp ráp và nội địa hoá trong nước, cũng như mức độ quen thuộc của thương hiệu, lại định giá bán lẻ sản phẩm thấp hơn so với đối thủ trên mỗi dòng xe ở từng phân khúc, nên nhóm khách hàng của thương hiệu ‘ngôi sao ba cánh’ có đôi chút khác biệt so với phần còn lại. Mercedes-Benz Việt Nam hiện cũng đang chiếm phần lớn thị trường xe hạng sang. Doanh số bán của nhãn hàng này từ đầu năm 2017 nhỉnh hơn so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng với cơn sốt GLC, khó có thể xác định được Mercedes-Benz Việt Nam đang tăng trưởng là do hưởng lợi từ cú ngã của Euro Auto hay từ chính nội tại sản phẩm của mình.
Audi được cho là có nhiều điểm chung nhất với “người đồng hương” vừa bị khởi tố. Cùng phân phối ra thị trường xe nhập khẩu nguyên chiếc và các dòng sản phẩm có giá tương đồng, BMW và Audi liên tục cạnh tranh cho vị trí thứ 2 phân khúc xe hạng sang trong suốt những năm qua. Khác với Land Rover, Audi chỉ nhận mức truy thu khoảng 15 tỷ đồng vì “nhập nhèm” về linh kiện trang bị trên sản phẩm, bị cơ quan chức năng của Bộ Tài chính phát giác. Tuy nhiên, Audi vẫn được các cơ quan hữu quan đánh giá cao vì sớm hoàn thành phán quyết, thay vì thực hiện các hoạt động khiếu nại như Mercedes-Benz và Land Rover.
Mặc dù nhà phân phối không công bố doanh số bán, nhưng số liệu nhập khẩu của Hải quan và số lượng xe đăng kiểm lần đầu, chỉ ra rằng Audi đang tăng trưởng khá tốt so với nửa đầu năm 2016. Giới kinh doanh xe hạng sang tại Việt Nam nhận định, Audi có nhiều cơ sở và đang làm rất tốt việc trám thị phần mà BMW đang để lại.
Trong bối cảnh tương lai của Euro Auto đang rất bất định và chưa biết thời điểm được tháo gỡ, Audi đang khá thuận lợi với kế hoạch ra mắt sản phẩm mới và thực hiện dự án cung cấp 319 xe phục vụ cho Hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra tại Việt Nam trong năm nay. Nếu sau khi sự kiện kết thúc, số lượng xe này được phép bán thanh lý với mức giá thấp hơn xe mới, thì khoảng trống ở thị trường xe hạng sang hiện tại sẽ không khó để Audi lấp đầy.
Trong bức thư xin hẹn gặp Bộ Tài chính của phái đoàn lãnh đạo cao cấp BMW AG hôm 5/5, công ty ô tô Đức cũng đã đề cập đến những ảnh hưởng tiêu cực cho nhiều Cơ quan chính phủ, người tiêu dùng Việt Nam và chính BMW AG, phát sinh từ tình huống hiện tại của Euro Auto. Các nhà sản xuất ô tô trên thế giới thường đề ra những tiêu chuẩn và quy định rất ngặt nghèo ràng buộc với các đối tác việc bảo vệ thương hiệu tại những thị trường góp mặt.
Sự việc của Euro Auto chắc chắn đã và đang gây ảnh hưởng lớn tới hình ảnh của BMW tại Việt Nam. Chính bởi vậy, khả năng BMW AG tiếp tục để Euro Auto giữ quyền nhập khẩu và phân phối BMW, cũng như hai thương hiệu Mini và Motorrad là câu hỏi chưa có lời giải đáp. Nếu tình huống xấu nhất xảy đến với Euro Auto, thì đó cũng là lúc cơ hội sở hữu BMW tại Việt Nam sẽ mở ra cho một doanh nghiệp khác.(CAND)
---------------------
Bắc Giang quy hoạch 18 vùng nông nghiệp công nghệ cao
Tỉnh Bắc Giang dự kiến sẽ hình thành và phát triển 18 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong giai đoạn từ nay đến năm 2025.
Các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao này sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi có thế mạnh của tỉnh, phù hợp với điều kiện của từng tiểu vùng sinh thái, có thị trường tiêu thụ ổn định như rau, hoa, chè, vải thiều, cây ăn quả có múi, nấm, lợn, gà.
Trong số này, tỉnh quy hoạch phát triển 7 vùng rau ứng dụng công nghệ cao với diện tích 710 ha ở các huyện Lạng Giang, Lục Nam, Hiệp Hòa, Yên Dũng, Tân Yên; quy hoạch phát triển 1 vùng hoa ứng dụng công nghệ cao với diện tích 50 ha tại xã Song Mai, thành phố Bắc Giang; 1 vùng sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao với diện tích 300 ha tại các xã Xuân Lương, Canh Nậu (huyện Yên Thế); 2 vùng vải thiều ứng dụng công nghệ cao với diện tích 800 ha tại xã Hồng Giang (huyện Lục Ngạn), các xã Phúc Sơn và Liên Sơn (huyện Tân Yên); 2 vùng chăn nuôi lợn, 2 vùng nuôi gà, 1 vùng nấm, 1 vùng cây ăn quả có múi ứng dụng công nghệ cao.
Để phát triển tốt các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn, tỉnh Bắc Giang sẽ tập trung thực hiện tốt các giải pháp thông tin, tuyên truyền; quy hoạch, sử dụng đất đai; vốn và cơ chế, chính sách; giải pháp về nhân lực và sử dụng nguồn nhân lực; các giải pháp về khoa học công nghệ, thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, tổ chức quản lý, tổ chức sản xuất.
Các thành viên Tổ Phụ nữ liên kết trồng và chế biến nấm sạch xã Tân Thanh thu hoạch sản phẩm. Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Bắc Giang hiện mới đạt một số kết quả ban đầu, còn khiêm tốn so với tiềm năng. Tỉnh đã xây dựng mô hình chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ lúa Nhật trên địa bàn huyện Lạng Giang bằng giống Nihonmai, hiệu quả kinh tế tăng 30 - 35% so với trồng giống lúa thường ở địa phương.
Tỉnh đã phục tráng và phát triển nguồn gen giống lạc đỏ Bắc Giang nhằm chọn lọc giữ được những đặc tính tốt của giống, cung cấp hạt giống có chất lượng góp phần tăng năng suất từ 5 - 10% và tăng thu nhập cho người trồng lạc.
Tỉnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong trồng các giống hoa đào mới tại thành phố Bắc Giang bằng các giống đào bích GL2-1, đào phai GL2 - 2, đào bạch GL2-3, thu nhập ước đạt 450 - 500 triệu đồng/ha/năm.
Hiện toàn tỉnh có 30 mô hình sản xuất nấm với khoảng 500 hộ tham gia, sản lượng nấm tươi hàng năm đạt khoảng 2.000 tấn, doanh thu khoảng 25 - 30 tỷ đồng/năm. Tỉnh đã hình thành vùng chuyên canh vải hàng hóa lớn nhất cả nước, sản lượng bình quân hàng năm đạt 150.000 tấn.
Trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như 22 mô hình rau, nấm trồng trong nhà lưới, nhà màng với diện tích 41.178 m2; các mô hình tưới tiết kiệm, mô hình rau thủy canh, mô hình tưới nhỏ giọt cho chè, mô hình phun mưa tự động; các mô hình nuôi lợn sạch, lợn hữu cơ với chuồng kín, hiện đại....(Baotintuc)
-----------------------------------
Thừa Thiên - Huế đầu tư khoảng 8.940 tỷ đồng phát triển thương mại
Theo quy hoạch thương mại tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh đầu tư khoảng 8.940 tỷ đồng để phát triển thương mại theo hướng "văn minh, hiện đại, xanh và bền vững", gắn liền với phát triển du lịch, dịch vụ, đưa thương mại - dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và có tốc độ phát triển nhanh hơn tốc độ tăng trưởng GDP của tỉnh.
Cụ thể, đến năm 2020, ngành thương mại đóng góp vào GDP của tỉnh đạt tỷ trọng 9 - 11%, đến năm 2025 là 12 - 15% và đến năm 2030 là 13 - 18%; kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt 1,25 tỷ USD; năm 2025 là 2,6 tỷ USD và năm 2030 là 5,2 tỷ USD…
Trong đó, hệ thống chợ đến năm 2020, toàn tỉnh có 159 chợ các loại, riêng thành phố Huế 25 chợ; 14 siêu thị và 8 trung tâm thương mại; đến năm 2030, toàn tỉnh có 26 siêu thị và 41 trung tâm thương mại.
Chợ Đông Ba đang được đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm xây dựng chợ văn minh thương mại. Ảnh: Quốc Việt/TTXVN
Trước mắt, tỉnh Thừa Thiên - Huế tập trung xây dựng hệ thống chợ văn minh thương mại. Tỉnh phấn đấu đến năm 2020 có 100% chợ hạng 1, trên 40% chợ hạng 2 và trên 20% chợ hạng 3 được công nhận chợ văn minh thương mại.
Để thực hiện hiệu quả chương trình này, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu các ban ngành liên quan, các địa phương chú trọng đầu tư nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất hệ thống chợ trên địa bàn; tăng cường tuyên truyền các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động của chợ; tổ chức tập huấn, đào tạo nghiệp vụ quản lý chợ, kỹ năng bán hàng văn minh thương mại.
Thời gian qua, để đáp ứng các tiêu chí xây dựng chợ văn minh thương mại, một số chợ lớn trên địa bàn, nhất là chợ Đông Ba đã và đang tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng và vận động tiểu thương thay đổi văn hóa kinh doanh, nhằm xây dựng chợ văn minh thương mại. Gần đây, Ban quản lý chợ Đông Ba đã đầu tư 3 tỷ đồng cải tạo hệ thống lưới điện trên địa bàn chợ và xây dựng hệ thống phòng cháy chữa cháy đảm bảo tiêu chí chợ loại 1...
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao cho biết, biện pháp của tỉnh là tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, quản lý giá, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ tại chợ.
Việc triển khai xây dựng chợ văn minh thương mại phải thực chất, tránh các biểu hiện hình thức và chạy theo thành tích; tập trung nâng cao chất lượng, tính hiệu quả của việc công nhận chợ văn minh thương mại, đảm bảo việc công nhận chợ phải đúng thủ tục, tiêu chuẩn, thẩm quyền công nhận.
Bên cạnh đó, việc xây dựng chợ văn minh thương mại nhằm thực hiện hiệu quả các chương trình xây dựng nếp sống văn minh đô thị và xây dựng nông thôn mới, từng bước xây dựng nét đẹp văn hoá trong mua bán tại các chợ, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của quần chúng nhân dân.
Đồng thời, các địa phương trên địa bàn chủ động đưa hoạt động thương mại ngày càng phát triển, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giữ gìn vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, văn minh thương mại của hệ thống chợ...(TTXVN)
---------------------------
Đồng hồ Rolex của vua Bảo Đại bán giá kỷ lục 5 triệu USD
Phiên đấu giá tại Thụy Sĩ đã giúp Rolex Reference 6062 lập kỷ lục thế giới về chiếc Rolex đắt nhất từng được bán.
Nhà đấu giá đồng hồ danh tiếng Phillips và Bacs & Russo vừa thông báo chiếc Rolex Reference 6062 từng do vị vua cuối cùng của Việt Nam sở hữu đã được bán với giá hơn 5,06 triệu USD. Đây là kỷ lục mới cho một chiếc Rolex từng được đấu giá trên thế giới.Cuộc đấu giá diễn ra trong 8 phút, với 10 người tham gia ngay trong phòng và 3 người khác qua điện thoại. Sự kiện vừa diễn ra tại khách sạn Hotel La Reserve ở Geneva (Thụy Sĩ). Mức giá trên gấp đôi chiếc Rolex Reference 4113 Split-Second Chronograph hơn một năm trước.
Chiếc Rolex của vua Bảo Đại từng được giới thiệu là chiếc đồng hồ "có giá trị và được yêu thích nhất", cũng như là một trong những mẫu dạng vỏ hàu "mang tính biểu tượng và phức tạp nhất" từng được nhà sản xuất đồng hồ của Thụy Sĩ chế tạo.
Đây là dòng Rolex “Triple Calendar” với lịch Mặt trăng (Âm lịch) bằng vàng và là một trong ba mẫu có mặt số màu đen với kim cương trang trí. Đồng hồ từng do vua Bảo Đại sở hữu là mẫu duy nhất được đính kim cương vào những giờ chẵn.
Năm 2002, chiếc Rolex này từng được bán cho một nhà sưu tập tư nhân tại phiên đấu giá của Nhà đấu giá Philips với mức giá kỷ lục 235.000 USD.
Chiếc đồng hồ này có giá trị cao bởi nó từng thuộc về Bảo Đại, vị hoàng đế phong kiến cuối cùng của Việt Nam (vị vua thứ 13 của triều Nguyễn). Vua Bảo Đại mua chiếc đồng hồ này tại Geneva vào năm 1954, khi tham gia một hội nghị bàn về vấn đề hòa bình ở Đông Dương.(Vnexpress)