tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 21-06-2017

  • Cập nhật : 21/06/2017

Người gửi tiền sẽ được bảo hiểm tối đa 75 triệu đồng

Từ tháng 8, người gửi tiền ở một tổ chức tín dụng bị phá sản sẽ nhận được số tiền bảo hiểm tối đa là 75 triệu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định 21/2017 về hạn mức trả tiền bảo hiểm. Theo đó, kể từ ngày 5/8/2017 số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tối đa là 75 triệu đồng.

nguoi gui tien se duoc bao hiem toi da 75 trieu dong tu thang 8. 

Người gửi tiền sẽ được bảo hiểm tối đa 75 triệu đồng từ tháng 8. 

Như vậy, mức bảo hiểm tiền gửi áp dụng từ tháng 8 sẽ tăng 50% so với quy định hiện hành.

Trước đó, hạn mức trả bảo hiểm tiền gửi áp dụng từ năm 1999 là 30 triệu đồng và tăng lên 50 triệu đồng từ năm 2005. 

Theo quy định của Luật bảo hiểm tiền gửi, tiền gửi được bảo hiểm là tiền đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng. (Vnexpress)
----------------------------------

Ngân sách thu 5 tỉ USD nếu thuế môi trường xăng 8.000 đồng/lít

Nếu tăng thuế bảo vệ môi trường lên xăng - dầu như đề xuất là 8.000 đồng/lít xăng và 4.000 đồng/lít dầu diezel thì mỗi năm ngân sách sẽ thu được 100.000 tỉ đồng, tức gần 5 tỉ USD.

cho rang muc thu thue bao ve moi truong 8.000 dong/lit xang la qua cao, hiep hoi xang dau kien nghi chi nen thu 5.000 dong/lit - anh - tu lieu

Cho rằng mức thu thuế bảo vệ môi trường 8.000 đồng/lít xăng là quá cao, Hiệp hội xăng dầu kiến nghị chỉ nên thu 5.000 đồng/lít - Ảnh - Tư liệu

Mức thu này được Hiệp hội xăng dầu Việt Nam tính toán dựa theo đề xuất của Bộ Tài chính tại Dự án Luật thuế bảo vệ môi trường sửa đổi đang được lấy góp ý.

Cụ thể, ngày 19-6, trao đổi với báo giới, ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, cho biết nếu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng thu mức cao nhất là 8.000 đồng/ lít, 4.000 đồng/lít dầu diezel thì mỗi năm ngân sách nhà nước sẽ thu được hơn 100.000 tỉ đồng, tương đương với gần 5 tỉ USD.

Đây được cho là một mức thu quá cao và sẽ gây khó khăn rất lớn cho người dân và doanh nghiệp.

Ông Ruệ cho biết Hiệp hội xăng dầu Việt Nam vừa có thêm văn bản tham gia góp ý về dự án Luật thuế bảo vệ môi trường sửa đổi gửi Bộ Tài chính sau văn bản kiến nghị được gửi đi hồi tháng 2. 

Theo ông Ruệ, quan điểm của Hiệp hội xăng dầu Việt Nam là đồng tình với phương án tăng thuế bảo vệ môi trường của Bộ Tài chính về sửa đổi, bổ sung về đối tượng và khung mức thuế đảm bảo trách nhiệm bảo vệ môi trường của cá nhân, tổ chức khi sử dụng xăng dầu.

Tuy nhiên, Hiệp hội xăng dầu Việt Nam vẫn bảo lưu quan điểm về việc biểu khung thuế dự kiến như đề xuất của Bộ Tài chính là quá cao.

"Giá xăng Ron 92 gần đây là khoảng 8.500 đồng/ lít. Dự báo nếu không có gì thay đổi thì giá xăng Ron 92 trên thế giới vẫn duy trì ở mức này. Nếu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng được thu theo khung mức thuế tối đa 8.000 đồng/ lít đối với xăng Ron 92, thì mức thuế này bằng 93% giá nhập khẩu", ông Ruệ phân tích.

Mặt khác, ông Ruệ nhấn mạnh giá bán lẻ hiện hành là 17.360 đồng/ lít xăng Ron92. Nếu tăng thuế bảo vệ môi trường lên tối đa 8.000 đồng/ lít đối với xăng Ron 92 thì tổng số thuế sẽ bằng 66,2% giá bán lẻ.

Riêng thuế bảo vệ môi trường chiếm 60,61% tổng số thuế. "Với mức thu thuế như vậy sẽ rất khó giải thích với người tiêu dùng", ông Ruệ nói.

Chính vì vậy, Hiệp hội xăng dầu Việt Nam kiến nghị thuế bảo vệ môi trường xăng dầu chỉ nên tăng tối đa 5.000 đồng/lít đối với xăng.

Nếu mức đề xuất này được chấp thuận và với mức giá xăng Ron 92 khoảng 8.500 đồng/lít thì tổng số thuế sẽ bằng gần 49% giá bán lẻ. Riêng thuế bảo vệ môi trường chiếm gần 59% tổng mức thuế rồi.

Còn thuế bảo vệ môi trường với các sản phẩm khác, Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cũng kiến nghị chỉ nên nâng lên ở mức vừa phải phù hợp với nền kinh tế, quyền lợi của người tiêu dùng.

Cụ thể, dầu diezel nên nâng từ 1.500 đồng lên 3.000 đồng/lít, nhiên liệu bay từ 3.000 đồng lên 5.000 đồng và ma dút nâng từ 900 đồng/kg lên 3.000 đồng/kg. (Tuoitre)

Biểu khung thuế BVMT đối với xăng dầu dự kiến

Ngân sách thu 5 tỉ USD nếu thuế môi trường xăng 8.000 đồng/lít

----------------------------------

Nhà đầu tư thế giới lại lo về nợ Trung Quốc

Theo The New York Times, trong khi các nhà đầu tư đang bận tâm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, biến chuyển ở Washington, sự thiếu chắc chắn trong chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), nhiều cuộc bầu cử căng thẳng ở châu Âu cùng việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), một rủi ro quen thuộc với thị trường toàn cầu đang ngày càng lớn lên. Đó chính là kinh tế Trung Quốc.

Hai năm sau khi Trung Quốc khiến giới đầu tư toàn cầu chao đảo vì thị trường chứng khoán sụp đổ, nội tệ lao dốc và lo ngại núi nợ lên cao, nhiều người có vẻ đã quên những sự biến tồi tệ đó. Cổ phiếu các hãng Trung Quốc giao dịch ở Hồng Kông và những nơi khác ngoài Đại lục đang lên đến mức cao nhất kể từ đợt lao dốc chứng khoán, đánh bại nhiều thị trường đang phát triển khác trong bối cảnh nhà đầu tư tận dụng nỗ lực bắt kịp đà công nghệ và tiêu dùng của nước này. 

“Đại đa số ý kiến đồng ý Trung Quốc đang ổn”, nhà sáng lập kiêm giám đốc Kevin Smith của hãng Crescat Capital, công ty đang có nhiều khoản đầu tư vào Trung Quốc, cho hay. Song khi nhắc đến nợ và các vấn đề tài chính khác, ông Smith nói: “Mọi người thực sự không nhìn vào quả bong bóng tiềm năng. Quả bong bóng đang ngày càng lớn”.

Diễn biến kinh tế Đại lục có sức ảnh hưởng lớn đến thị trường toàn cầu vì nước này từ lâu đóng vai trò là cỗ máy tăng trưởng. Các nhà đầu tư có thể sớm chịu tác động từ sự trồi sụt trong cổ phiếu Trung Quốc. MSCI, hãng tư vấn đầu tư tập hợp các chỉ số chứng khoán vốn được nhiều quỹ đầu tư, quỹ hưu trí toàn cầu theo sát, đang cân nhắc bổ sung cổ phiếu Trung Quốc vào chỉ số chính. Công ty dự kiến sẽ công bố quyết định trong hôm nay 20.6.

Nhiều nhà đầu tư đã và đang nhận được lời khuyên tốt về thị trường Trung Quốc. Hồi tháng 3, ngân hàng Goldman Sachs khuyến nghị giới đầu tư tăng mức nắm giữ cổ phiếu nước này vì tăng trưởng kinh tế cải thiện, chính sách ổn định và nhiều yếu tố tích cực khác.

Dù vậy, một số người bắt đầu lo lắng thêm lần nữa. Khảo sát được ngân hàng Merrill Lynch của Bank of America thực hiện cho thấy Trung Quốc được liệt kê là yếu tố có khả năng gây bất ngờ lớn nhất cho thị trường toàn cầu, lần đầu tiên kể từ tháng 1.2016. Moody’s cũng hạ bậc xếp hạng tín nhiệm Trung Quốc hồi tháng trước và đây là lần đầu tiên hãng thực hiện điều này trong 28 năm.

Nợ là chủ đề lớn giữa các mối lo ngại gia tăng. Để củng cố nền kinh tế, Đại lục đã và đang tích cực bơm tín dụng, khiến núi nợ ngày càng chất cao. Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, núi nợ Trung Quốc đạt 257% GDP tính đến cuối năm 2016, cao hơn một chút so với mức nợ của Mỹ và cao hơn rất nhiều so với mức nợ trung bình là 184% GDP của các nền kinh tế mới nổi.

Song điều làm giới chuyên gia lo ngại nhất là tốc độ tăng nợ. Cuối năm 2007, nợ Đại lục chỉ chiếm 152% GDP. Capital Economics từng cảnh báo rằng núi nợ này đang leo lên “nhanh hơn hầu hết các nền kinh tế lớn khác trong lịch sử” và việc nó tiếp tục tăng là “nguy cơ lớn nhất đối với các nền kinh tế mới nổi châu Á”.

Vài tháng qua, chính phủ Trung Quốc nỗ lực đảo chiều xu hướng nợ, kéo tăng trưởng tín dụng đi chậm lại. Dù vậy, việc này cũng làm các thị trường tài chính Đại lục rung chuyển. Nỗi sợ tín dụng thắt chặt có thể làm chậm tăng trưởng, khiến các doanh nghiệp nặng nợ khó trả số tiền đã vay.

Chuyên gia Smith cho rằng nhiều nhà đầu tư thế giới đang quá dửng dưng trước mối đe dọa từ Trung Quốc. Ông Smith gọi Đại lục là “bong bóng lớn nhất trong cuộc đời” và cho rằng tình hình nợ đã vượt qua những gì mà các cơ quan giám sát tài chính toàn cầu cho là ngưỡng xác định việc một nền kinh tế đã rơi vào rắc rối.(Thanhnien)
------------------------

Khí đốt Mỹ khó vượt Nga ở thị trường châu Âu

Mặc cho nhiều nỗ lực được đưa ra, nhưng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ sẽ khó có thể vượt qua nguồn cung cấp khí đốt từ Nga sang thị trường châu Âu.

Nga và Mỹ vẫn luôn trong tư thế đối đầu mỗi khi nói đến cuộc chiến năng lượng, đặc biệt là trong thị trường dầu khí. Washington từ lâu đã luôn đưa ra tranh luận về tầm quan trọng địa chính trị của mình trong việc xuất khẩu LNG sang châu Âu như một phương cách để giúp các nước đồng minh giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng của Nga. Một trong những kết quả nổi bật cho sự cố gắng suốt nhiều năm của Mỹ là chuyến tàu đầu tiên chở LNG đã được vận chuyển đến Ba Lan vào tuần trước.

Tuy nhiên, theo hãng thông tấn Sputnik, cuộc chiến LNG giữa Nga và nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể sẽ còn diễn biến căng thẳng hơn khi Nhà Trắng đang xem xét một dự thảo đã được Thượng viện Mỹ phê chuẩn vào hôm 14.6, về việc đưa ra các biện pháp chế tài kinh tế mới đối với Nga. Cụ thể, hạn chế mới dự định sẽ nhắm tới “các ngành then chốt của kinh tế Nga, bao gồm khai thác mỏ, kim loại, vận tải, đường sắt”. Không những thế, dự luật cũng cho thấy khả năng áp đặt lệnh trừng phạt đối với những doanh nghiệp Mỹ muốn đầu tư xây dựng đường ống của Nga, hoặc cung cấp cho các công ty năng lượng Nga bất kỳ dịch vụ, công nghệ hay dữ liệu nào.

Được biết, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Sigmar Gabriel và Thủ tướng Áo Christian Kern cũng đồng ý với Mỹ trong kế hoạch này nhằm “thúc đẩy việc bán LNG của Mỹ, đồng thời siết chặt và đẩy các nguồn cung khí tự nhiên của Nga ra khỏi thị trường châu Âu”.

Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với Radio Sputnik, Gennady Shmal, Chủ tịch Hiệp hội Dầu khí Nga, lưu ý rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ cả trước đây và sắp tới đều không thể cản trở được hoạt động bình thường của ngành dầu khí Nga, cũng như vị thế của nước này trên thị trường khí đốt châu Âu.

“Người Mỹ đang cố gắng cung cấp LNG cho châu Âu. Nhưng tôi có thể nói một cách chắc chắn rằng, LNG của Mỹ sẽ không bao giờ vượt được Nga vì giá khí đốt của Nga đang được chuyển tới châu Âu luôn rẻ hơn so với Mỹ. Chúng tôi cũng có vị thế địa lý thuận lợi hơn để xây dựng các đường ống vận chuyển khí đốt sang các nước láng giềng châu Âu. Chưa kể dự án đường ống Nord Stream - 2 và Turkish Stream chắc chắn sẽ sớm được xây dựng để tăng cường đưa khí đốt đến thị trường quan trọng”, ông Shmal nói. Đồng thời cũng cho biết hiện chi phí vận chuyển LNG từ quốc gia Bắc Mỹ đến châu Âu vẫn còn rất cao và đòi hỏi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khá lớn.(Thanhnien)

Trở về

Bài cùng chuyên mục