tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 28-04-2017

  • Cập nhật : 28/04/2017

Biến động than, dầu khí khiến EVN “đội” thêm 7.200 tỷ chi phí sản xuất

Thông tin trên được đưa ra tại buổi làm việc của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về tình hình sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn trong giai đoạn 2017-2020.

pho thu tuong vuong dinh hue phat bieu tai buoi lam viec. anh: vgp.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP.

Tại cuộc họp ngày 26/4, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ, Hội nghị Trung ương 5 sắp diễn ra sẽ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa XI về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.

“Trong giai đoạn hiện nay, đây là một trong 5 trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế cần được các bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn như EVN thực hiện hiệu quả”, Phó thủ tướng nói.

 Đối với ngành điện, các bộ, ngành đang phải hoàn thành các văn kiện quan trọng để thực hiện kế hoạch tái cơ cấu giai đoạn từ nay tới năm 2020.

Cụ thể, Bộ Công thương xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng liên quan tới khung giá điện tới 2020, cơ chế điều hành giá bán lẻ điện bình quân.

Bên cạnh đó, Chính phủ đang chỉ đạo Tập đoàn EVN xây dựng kịch bản điều hành giá điện năm 2017 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trước bối cảnh trên, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Tập đoàn EVN cần làm rõ kết quả sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp trong thời gian qua và kế hoạch sắp tới, trong đó có các vấn đề về cổ phần hóa, thoái vốn, xây dựng thị trường phát điện cạnh tranh, tái cơ cấu tài chính, quản trị, nhân lực, công nghệ...

Về nhiệm vụ ban hành kịch bản giá điện năm 2017, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu EVN xây dựng giá điện theo nguyên tắc tính đủ, đúng chi phí trong giá thành, bảo đảm có lợi nhuận phù hợp, tạo dư địa thu hút đầu tư, bảo đảm an ninh năng lượng, nhất là bảo đảm thu hút đầu tư năng lượng điện gió, mặt trời và kềm chế lạm phát.

Theo báo cáo của EVN, Tập đoàn này đã hoàn thành xây dựng và phát triển thị trường điện cạnh tranh theo lộ trình được Thủ tướng phê duyệt và vận hành theo đúng quy định. Đến cuối năm 2016, có 73 nhà máy điện trực tiếp tham gia thị trường điện với tổng công suất 17.929 MW, chiếm 46% tổng công suất toàn hệ thống.

EVN cũng cho biết đã xây dựng Đề án tối ưu hóa chi phí trong sản xuất, kinh doanh giai đoạn 2014-2016 nhằm tăng doanh thu, giảm chi phí, bảo toàn và phát triển vốn, nâng cao hiệu quả hoạt động. Năm 2016, tổng doanh thu toàn EVN đạt 278.031 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2015. Kết quả sản xuất kinh doanh năm 2016 của EVN và các đơn vị đều có lãi.

Tuy nhiên, trong năm 2017, theo tính toán của EVN, tổng chi phí sản xuất kinh doanh tăng thêm hơn 7.200 tỷ đồng do biến động các yếu tố đầu vào (giá than, khí, dầu…).  Riêng giá than làm điện tăng thêm 7% từ 24/12/2016 sẽ làm chi phí đội lên hơn 4.692 tỷ đồng. Tuy nhiên, EVN cũng đặt ra một loạt giải pháp giảm chi phí sản xuất để giảm gần 3.000 tỷ đồng so với kế hoạch đầu năm.

Kết luận tại cuộc họp, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị EVN tập trung chỉ đạo trọng tâm, trọng điểm thực hiện các dự án nguồn, lưới điện quan trọng; xây dựng kịch bản, cân đối nguồn vốn, từng năm một trong giai đoạn 2017-2020 và xa hơn nữa; EVN tiết kiệm chi phí tối thiểu 10%.

Bộ Công thương tiếp tục rà soát quy hoạch phát triển điện lực của các tỉnh, thành phố để có kế hoạch phù hợp, sẵn sàng giải pháp cung ứng điện để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, nhất là với các dự án trong sơ đồ Quy hoạch điện VII; đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cơ cấu lại các chủ đầu tư tại một số dự án điện nếu thấy cần thiết.

Về cổ phần hóa, thoái vốn, Phó thủ tướng đề nghị Bộ Công thương, Tập đoàn EVN phối hợp với các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa tại các tổng công ty phát điện, cố gắng thực hiện được trong quý III/2017.

Về nâng cao năng lực quản trị của EVN, Phó thủ tướng đề nghị Tập đoàn chủ động rà soát, đưa vào danh mục xử lý các dự án thua lỗ, kém hiệu quả của Tập đoàn theo nguyên tắc thị trường; áp dụng công nghệ hiện đại trong quản lý, giảm chi phí lao động, nhất là giảm tổn thất điện năng; minh bạch, công khai trong tính toán giá điện.

Đối với việc cung ứng giá cả đầu vào, Phó Thủ tướng đề nghị cân đối các yếu tố theo các kịch bản khác nhau để hoàn thành 3 văn kiện quan trọng của ngành điện là: Khung giá bán lẻ điện 2016-2020, cơ chế điều hành giá điện và kịch bản điều hành giá điện năm 2017. (Bizlive)
-------------------------------

Việt Nam sẽ đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu gạo trong năm 2017

Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản giao cho Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu gạo theo mục tiêu, phương hướng điều hành xuất khẩu gạo năm 2017 đã đề ra.

 

anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

 

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu gạo theo mục tiêu, phương hướng điều hành xuất khẩu gạo năm 2017 đã đề ra, trong đó tập trung triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã được Thủ tướng Chính phủ kết luận tại Hội nghị giải pháp phát triển bền vững ngành lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Thông báo số 180/TB-VPCP ngày 04/4/2017 của Văn phòng Chính phủ.

Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan theo dõi, nắm chắc tình hình thương mại gạo thế giới, thông tin về nhu cầu, thị hiếu của các thị trường nhập khẩu để kịp thời hướng dẫn, tuyên tuyền đến các địa phương, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo; phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nắm bắt kịp thời lượng gạo hàng hóa theo từng thời kỳ, mùa vụ, nhất là khi vào vụ thu hoạch rộ lúa gạo, kịp thời có giải pháp tiêu thụ lúa gạo hàng hóa, bảo đảm có lãi cho người trồng lúa.

Khẩn trương hoàn thiện Đề án Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5/2017.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan rà soát, đề ra những biện pháp khắc phục khó khăn, hạn chế để xây dựng kế hoạch, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại gạo trong năm 2017 theo thẩm quyền và quy định của pháp luật, nhất là đối với các thị trường tập trung truyền thống và thị trường trọng tâm, tiềm năng; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ.

Chỉ đạo UBND các địa phương, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo thực hiện có hiệu quả chủ trương xây dựng vùng nguyên liệu hoặc hợp tác, liên kết, đặt hàng với hộ nông dân trồng lúa với Lộ trình đã được ban hành theo các chỉ đạo liên quan của Thủ tướng Chính phủ...

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng và ban hành tiêu chuẩn quốc gia đối với gạo để làm cơ sở kiểm tra, bảo đảm phù hợp với yêu cầu thị trường; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong quý II/2017.

Rà soát, phổ biến quy định của các thị trường, các cam kết quốc tế của Việt Nam về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm và có biện pháp thay thế những chủng loại thuốc có chứa các hoạt chất độc hại, gây dư lượng hóa chất trong sản phẩm gạo không phù hợp với quy định của từng thị trường nhập khẩu.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu phương án đầu tư phòng kiểm định đạt tiêu chuẩn quốc tế tại vùng đồng bằng sông Cửu Long để giảm chi phí cho thương nhân xuất khẩu và người sản xuất lúa; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý II/2017.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng), UBND các tỉnh biên giới liên quan thực hiện thống kê đầy đủ số lượng gạo thực tế xuất nhập khẩu, mua bán qua biên giới. Riêng đối với hoạt động mua bán, trao đổi gạo qua các cửa khẩu phụ, lối mở chưa bố trí lực lượng hải quan, Bộ Quốc phòng (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng thực hiện thống kê đầy đủ theo nhiệm vụ quy định tại Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21/11/2014 của Chính phủ và thông báo cho lực lượng hải quan nơi quản lý địa bàn để tổng hợp chung.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chính sách tín dụng phục vụ lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo theo quy định; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ giao Hiệp hội Lương thực Việt Nam tiếp tục hoàn thiện cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động; phát huy vai trò hỗ trợ thương nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là trong liên kết sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm khách hàng, thị trường xuất khẩu gạo; điều phối, hỗ trợ hiệu quả các thương nhân đầu mối trong giao dịch và tổ chức thực hiện các hợp đồng tập trung; tăng cường nắm sát tình hình thị trường, kịp thời kiến nghị các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu gạo.(Bizlive)
-------------------------------

Techcombank và những “hạt sạn” làm phiền lòng khách hàng

Vụ việc cựu giám đốc Techcombank vừa bị cơ quan điều tra phát lệnh truy nã không phải là lần hiếm hoi cán bộ cấp cao của ngân hàng này dính dáng tới pháp luật.

 

nhan vien cua cong ty thuy dat cang bieu ngu, ho khau hieu truoc tru so techcombank chi nhanh nam dinh

Nhân viên của Công ty Thúy Đạt căng biểu ngữ, hô khẩu hiệu trước trụ sở Techcombank chi nhánh Nam Định

.

Vào chiều 24/4 vừa qua, Cục CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) - Bộ Công an đã phát lệnh truy nã đối với Lương Hữu Lâm, nguyên Giám đốc ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) chi nhánh TP. Hồ Chí Minh và Đinh Thị Hiền, nguyên Phó giám đốc chi nhánh này. Do làm trái trách nhiệm trong việc duyệt vay, cặp đôi này đã gây thiệt hại cho Techcombank khoảng 30 tỷ đồng.

Đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên Techcombank có cán bộ cấp cao hoặc chính bản thân ngân hàng dính vào vòng lao lý. Xét trong phạm vi khoảng 10 năm trở lại đây, không ít lần ngân hàng này đã gặp phải các trường hợp tương tự.

Còn nhớ, vào năm 2013, Công ty Thuý Đạt (Nam Định) đã từng tiến hành khởi kiện Techcombank do vi phạm nghĩa vụ thanh toán Thư tín dụng cho đối tác nước ngoài, khiến công ty bị thiệt hại nhiều tỷ đồng. Tới năm 2014, phiên toà phúc thẩm của Toà án nhân dân TP Nam Định đã tuyên ngân hàng Techcombank thua kiện, phải bồi thường cho Công ty Thuý Đạt hơn 4,1 tỷ đồng. Và tới tháng 10/2014, Chi cục thi hành án dân sự TP Nam Định cũng đã có quyết định cho thi hành án, yêu cầu Techcombank phải trả cho Công ty Thuý Đạt số tiền trên.

Tuy nhiên từ đó đến nay, Techcombank vẫn chây ỳ không thực hiện đúng quy định thi hành án. Do đó vào sáng ngày 12/01/2017 vừa qua, gần 50 nhân viên của Công ty Thuý Đạt đã bất ngờ kéo đến trụ sở Techcombank chi nhánh Nam Định để đồng thanh phản đối, đòi ngân hàng trả nợ số tiền hơn 4,1 tỷ đồng.

Tiếp đó, vào tháng 3/2012, Công an TP Hà Nội đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trịnh Khải Hà, nguyên Phó phòng Dịch vụ khách hàng cá nhân chi nhánh Chương Dương, Hà Nội của Techcombank về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Theo đó, trong quá trình công tác tại Techcombank giai đoạn 2009 - 2010, Hà đã thực hiện làm giả thông báo tín dụng để vay tiền của một cá nhân với số tiền lên đến gần 1 tỷ đồng. Ngoài nạn nhân này, Hà cũng lừa đảo 2 người khác với số tiền bị chiếm đoạn gần 900 triệu đồng. Được biết, số tiền Hà vay là dùng để kinh doanh chứng khoán nhưng bị thua lỗ, không có khả năng trả nợ do đó đã "bùng" nợ và bỏ trốn. Đến giữa tháng 11/2011, Công an TP Hà Nội đã phát hiện, bắt giữ Hà trong lúc đối tượng này đang lẩn trốn tại Cần Thơ.

Tới những ngày cuối cùng của năm 2011, C46 đã tiến hành khởi tố 7 bị can nguyên là các cán bộ của Techcombank và ngân hàng Hàng hải Việt Nam (MSB) với hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Trong số này có 5 bị can đã công tác tại Techcombank chi nhánh TP. Hồ Chí Minh gồm: Trịnh Thị Thu Hà, nguyên phó giám đốc kiêm trưởng phòng dịch vụ khách hàng; Nguyễn Thị Thanh Hà, nguyên phó giám đốc kiêm trưởng phòng doanh nghiệp; Nguyễn Nam Huân nguyên chuyên viên khách hàng; Bùi Văn Hào và Nguyễn Thị Thành, nguyên cán bộ kho quỹ. Trong số này, bị can Nguyễn Thị Thanh Hà đã bỏ trốn và bị cơ quan điều tra ra quyết định truy nã.

Được biết, bị can Nguyễn Thị Thanh Hà đã chỉ đạo nhân viên dưới quyền thực hiện các thủ tục cho vay sai quy định, tạo điều kiện cho bị can Ngô Thanh Long, Tổng giám đốc Công ty TNHH P&R Lạc Long Quân (trụ sở tại Cần Thơ) chiếm đoạt tiền vay thông qua các hợp đồng mua bán khống bất động sản. Theo cơ quan điều tra, số tiền bị can Long chiếm đoạt của Techcombank lên đến hơn 302 tỉ đồng.

Muộn hơn là vào tháng 10/2010, Công an TP Hà Nội đã tiến hành khởi tố bị can với Trần Kiến Quốc, nguyên Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Quản lý kinh doanh khối nguồn vốn và Thị trường tài chính của Techcombank về hành vi nhận hối lộ. Với vị trí giám đốc, Quốc được tham gia vào khâu phân tích, nghiên cứu dự án, nên đã lợi dụng thu thập thông tin, móc nối với bên ngoài, nhận hối lộ của nhà thầu.

Theo cơ quan điều tra, Quốc đã bị bắt quả tang đang nhận gần 3 tỷ đồng từ doanh nhân Trần Tuấn Anh, nhằm dành quyền ưu tiên trong việc tuyển lựa nhà thầu cung cấp sản phẩm phần mềm quản trị ngân hàng cho Techcombank.

Không những thế, trong kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP) về thanh tra hoạt động cho vay hỗ trợ lãi suất tại Techcombank vào năm 2011 đã chỉ ra các cán bộ tín dụng của ngân hàng này có dấu hiệu câu kết với doanh nghiệp hợp thức hóa hồ sơ vay vốn.

Theo đó, TTCP chỉ ra nhiều sai phạm trong việc thẩm định hồ sơ vay vốn của các doanh nghiệp. Kiểm tra hồ sơ vay đối với Cty Cổ phần xuất nhập khẩu Công Chính, phát hiện Techcombank đã thẩm định không chính xác trước khi cho vay. Cty Công Chính trong 2 năm 2008-2009 thua lỗ hơn 20 tỷ đồng, nhưng báo cáo thẩm định của Techcombank lại khẳng định Cty này “kinh doanh có hiệu quả, có lãi”.

Từ kết quả thẩm định trên, Techcombank cho Cty Công Chính vay trên 1.297,9 tỷ đồng để thanh toán tiền thu mua trà, cà phê. Thanh tra Chính phủ cũng xác định, ngân hàng này cho vay mà không quản lý được hàng hóa, tài sản đảm đảo cho khoản vay, để sau đó doanh nghiệp sử dụng khoản vay sai mục đích.

Còn tại hồ sơ của Cty TNHH Xuất nhập khẩu Thái Nguyên, Techcombank cũng lặp lại lỗi “đánh giá không đúng kết quả kinh doanh” khi cho Cty này vay hơn 4.456 tỷ đồng; các báo cáo của ngân hàng về kết quả kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay của đối tượng không rõ ràng, có nhiều mâu thuẫn, tiền vay bị luân chuyển lòng vòng qua các ngân hàng.(KTĐT)
-----------------------------

20 ha “đất vàng” di dời nhà máy xe lửa Gia Lâm sẽ làm gì?

Đại diện Sở Quy hoạch- Kiến trúc Hà Nội cho biết, khu đất nhà máy xe lửa Gia Lâm có tổng diện tích 20 ha, trong quy hoạch đã tính đến việc di dời ra vị trí khác. Tuy nhiên, đề xuất sử dụng quỹ đất này phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cần có thêm thời gian để các cấp ngành của thành phố nghiên cứu.

20 ha “đất vàng” di dời nhà máy xe lửa Gia Lâm sẽ làm gì?

Đề xuất di dời nhà máy xe lửa Gia Lâm với 20ha đất "vàng" đang được dư luận quan tâm.

Liên quan đến việc mới đây tại buổi làm việc với Bí thư Thành ủy Hà Nội, lãnh đạo quận Long Biên kiến nghị TP Hà Nội chỉ đạo Sở Tài nguyên - Môi trường cùng các ngành liên quan sớm di dời nhà máy xe lửa Gia Lâm để sử dụng quỹ đất phù hợp với quy hoạch, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của quận và thành phố. Điều mà dư luận quan tâm hiện nay là nếu di dời thì khu đất “vàng” 20ha này sẽ được làm gì? 

 Theo tìm hiểu hiện khu đất nhà máy xe lửa Gia Lâm nằm ở vị trí trung tâm của quận Long Biên, địa giới hành chính thuộc phường Gia Thuỵ và Ngọc Lâm. Theo quy hoạch phân khu, vị trí đất nhà máy xe lửa Gia Lâm đang sử dụng thuộc ô quy hoạch A6/CCTP có chức năng đất công cộng của thành phố.

Đại diện Sở Quy hoạch-kiến trúc Hà Nội cho biết, khu đất nhà máy xe lửa Gia Lâm có tổng diện tích 20 ha, trong quy hoạch đã tính đến việc di dời ra vị trí khác. Tuy nhiên, đề xuất trên của quận Long Biên cần có thêm thời gian để các cấp ngành của thành phố nghiên cứu.

Cũng theo đại diện Sở Quy hoạch-kiến trúc, hiện mới có ý tưởng chuyển đổi quỹ đất nhà máy này sau khi di dời thành đất công cộng, trong đó có bảo tàng ngành đường sắt. “Ý kiến của lãnh đạo thành phố tại buổi làm việc cũng đồng tình với kiến nghị của quận Long Biên vì đây là cơ sở ô nhiễm nằm giữa trung tâm quận này. Tuy nhiên, việc di dời cần phải có lộ trình, dựa trên những đề xuất hợp lý. Và thời gian tới thành phố sẽ làm việc với cơ quan chủ quản thống nhất việc di dời nhà máy, vì  đây là đề xuất phù hợp với quy hoạch của thành phố”, vị cán bộ cho biết.

Đề cập đến việc di dời các cơ sở sản xuất, nhà máy xí nghiệp trên địa bàn Hà Nội hiện nay, Sở Quy hoạch-kiến trúc cho biết, quy hoạch chung của Thủ đô Hà Nội đã xác định rõ các đối tượng phải di dời.

“Không phải tất cả đối tượng di dời thuộc thẩm quyền của Hà Nội. Hiện thành phố giao cho Sở trong việc quy hoạch đất di dời đều được bổ sung vào quỹ đất xây dựng hạ tầng xã hội trong đó là trường học (với 184 vị trí). Tóm lại đối với quỹ đất sau khi di dời làm gì thì về chủ trương xác định rất rõ là ưu tiên cho hạ tầng xã hội, kỹ thuật”, vị cán bộ này nhấn mạnh.

Trước đó trao đổi với PV, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng diện tích đất tại nhà máy xe lửa Gia Lâm cho hay: “Các đề xuất về việc di dời nhà máy chỉ là đề xuất của quận Long Biên, chưa phải chủ trương của cấp có thẩm quyền. Còn trong trường hợp chuyển đổi vị trí khác cần phải có vị trí phù hợp hơn và về nguyên tắc là không làm tăng chi phí”.(Tienphong)

Trở về

Bài cùng chuyên mục