tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 28-09-2018

  • Cập nhật : 28/09/2018

Bị ông Trump “đe” áp thuế ô tô, Nhật chấp nhận đàm phán FTA với Mỹ

Nhật Bản từ lâu đã không muốn ký một thỏa thuận tự do thương mại (FTA) song phương với Mỹ. Tuy nhiên, đứng trước lời cảnh báo áp thuế lên ô tô nhập khẩu mà Tổng thống Donald Trump đưa ra, có vẻ như Tokyo đã buộc phải thay đổi lập trường.

Theo tin từ CNBC, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và ông Trump ngày 26/9 đã nhất trí khởi động đàm phán thương mại - một động thái có thể sẽ giúp các hãng xe Nhật tạm thời tránh được mức thuế bổ sung 25% khi xuất khẩu ô tô và phụ tùng sang Mỹ như ông Trump đe dọa.

Tuy vậy, việc chấp nhận đàm phán thương mại với Mỹ được xem là một sự nhượng bộ của ông Abe, và trong cuộc đàm phán này, Nhật sẽ phải thận trọng với yêu cầu của Mỹ về mở cửa thị trường nông sản vốn là một vấn đề rất nhạy cảm ở đất nước mặt trời mọc.

"Đây là một việc mà vì một số lý do, trong nhiều năm qua, Nhật Bản không muốn làm, nhưng giờ đây họ đã sẵn sàng làm", ông Trump phát biểu tại một cuộc gặp với ông Abe tại New York.

Trước khi ông Trump đưa ra lời đe dọa áp thuế ô tô, Nhật Bản đã nói rõ rằng họ muốn có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thỏa thuận mà ông Trump rút lui vào năm 2017, hơn là một FTA Mỹ-Nhật. Giờ đây, khi hai nước chuẩn bị bước vào đàm phán thương mại, ông Abe rất có thể sẽ phải đối mặt với sự chỉ trích của dư luận trong nước.

Công ty phân tích Stratfor trong một báo cáo ra ngày 26/9 cho rằng với vị thế khó khăn của Nhật hiện nay - hoặc phải làm ông Trump hài lòng hoặc bị áp thuế lên mặt hàng xuất khẩu chủ lực là ô tô - Chính phủ của ông Abe sẽ phải rất thận trọng trong cuộc đàm phán song phương với Mỹ.

Trong một tuyên bố chung, Washington và Tokyo nói sẽ đàm phán để đạt "một Thỏa thuận Thương mại Mỹ-Nhật về hàng hóa và dịch vụ".

Việc tuyên bố này không bao gồm cụm từ "thỏa thuận tự do thương mại" (FTA) được xem là có ý nghĩa quan trọng - theo ông Glen Fukushima, chuyên gia cấp cao thuộc viện nghiên cứu chính sách Center for American Progress. "Phía Nhật không muốn dùng từ FTA vì từ đó khiến họ bị xem là chuyển từ cách tiếp cận đa phương sang song phương", ông Fukushima nói với CNBC.

Tuy nhiên, không phải chuyên gia nào cũng tỏ ra bi quan về việc Nhật Bản chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán thương mại với Mỹ. Một số cho rằng đây không hẳn là một sự nhượng bộ lớn của Tokyo.

Theo ông Robert Holleyman, Phó đại diện thương mại Mỹ trong thời gian 2014-2017, Nhật Bản giờ đây tin rằng họ có thể dẫn dắt các thỏa thuận đa phương như TPP-11 đồng thời với ký kết một thỏa thuận với Mỹ. "Thật tốt khi chúng ta đã thoát khỏi quan niệm cho rằng chỉ được chọn một trong hai", ông Holleyman nói, đồng thời cho rằng một thỏa thuận Mỹ-Nhật có thể dẫn tới việc Mỹ trở lại TPP.

Đội đàm phán thương mại của ông Trump, dưới sự dẫn đầu của đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, được dự báo sẽ gây áp lực lớn cho phía Nhật, đặc biệt trong vấn đề nông nghiệp - lĩnh vực mà hàng Mỹ khó vào Nhật vì thuế nhập khẩu cao.

Chẳng hạn, thịt bò Mỹ vào Nhật hiện bị áp thuế quan 38,5%. Trong khi đó, Australia - một nước có thỏa thuận thương mại song phương với Nhật - chỉ chịu mức thuế 27,2% khi xuất khẩu thịt bò sang Nhật. Mức thuế đối với thịt bò Australia sắp tới sẽ giảm về 19%, nên Mỹ càng muốn sớm có một thỏa thuận với Nhật.(Vneconomy)
---------------------------

Nguy cơ ‘không hồi kết’ trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

Mỹ và Trung Quốc hồi đầu tuần áp thuế lẫn nhau trong “giai đoạn 2” của cuộc chiến thương mại, khiến căng thẳng tiếp tục leo thang và nguy cơ “không hồi kết” ngày càng tăng.

“Giai đoạn 2” – Mỹ áp thuế với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và Bắc Kinh đáp trả bằng thuế với 60 tỷ USD hàng hóa Washington – có hiệu lực từ ngày 24/9 trong bối cảnh lo ngại cuộc xung đột thương mại giữa hai nước sẽ kéo dài ít nhất tới năm 2019. Thuế suất Mỹ đưa ra là 10%, tăng lên 25% từ đầu năm 2019. Thuế suất Trung Quốc đưa ra là 5 – 10%.

Chứng khoán thế giới chỉ giảm nhẹ trong cùng ngày nhưng cổ phiếu các công ty công nghiệp và ngân hàng lại làm trong nhóm giảm mạnh nhất tại Mỹ.

Động thái đáp trả của Trung Quốc có thể dẫn đến việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump triển khai thêm kế hoạch áp thuế với 267 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Tổng giá trị hàng hóa Trung Quốc bị áp thuế hiện là 250 tỷ USD, khoảng một nửa giá trị xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ trong năm 2017.

Ảnh minh họa: AP

Ngoài thương mại, căng thẳng quân sự giữa hai nước cũng tăng đáng kể trong thời gian gần đây sau khi Mỹ áp lệnh trừng phạt với quân đội Trung Quốc vì mua chiến đấu cơ cùng hệ thống tên lửa Nga. Trung Quốc đã triệu tập đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh Terry Branstad hôm 22/9 để phản đối.

Trung Quốc ngày 24/9 ra sách trắng thương mại, cho rằng kể từ khi chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của ông Trump được triển khai, Washington đã “từ bỏ mọi quy tắc cơ bản về tôn trọng lẫn nhau và tham vấn bình đẳng – yếu tố giúp định hướng các mối quan hệ quốc tế”.

“Thay vào đó, họ lại thực hành chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ và thống trị kinh tế, đưa ra những cáo buộc sai với nhiều quốc gia và khu vực, đặc biệt là Trung Quốc, đe dọa các nước bằng biện pháp kinh tế như áp thuế”, hãng thông tấn quốc gia Trung Quốc Xinhua trích dẫn nội dung sách trắng.

Theo Xinhua, sách trắng có mục đích là “làm rõ các thực tế”, nêu rõ lợi ích thương mại Mỹ - Trung và đưa ra các giải pháp cho cuộc xung đột.

Trung Quốc còn nhắm đến Iowa, một bang dao động – tức không nghiêng hẳn về phe Dân chủ hay Cộng hòa – bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh thương mại. Tờ China Daily mua 4 trang quảng cáo trên tờ báo địa phương Des Moines Register hôm 23/9 để viết về việc chiến tranh thương mại đang buộc các nhà nhập khẩu đậu nành Trung Quốc chuyển sang tìm nguồn cung ở Nam Mỹ thay vì Mỹ. Bài viết gọi tác động từ cuộc chiến thương mại là “kết quả từ sự dại dột của ông Trump”.

Các cuộc đàm phán thương mại gần đây cũng không giúp thu hẹp khoảng cách giữa hai bên, khó kỳ vọng một giải pháp được đưa ra trong năm nay. Nếu kéo dài, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ tác động kinh tế toàn cầu. Một số công ty có thể phải chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang nước khác để tránh ảnh hưởng.

Hai bên đều tuyên bố sẵn sàng đối thoại nhưng lại không có sự nhượng bộ đáng kể nào.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 26/9 cảnh báo Mỹ sẽ mất nhiều hơn được nếu châm ngòi chiến tranh thương mại với các nước khác trong khi Trung Quốc trở nên tốt hơn. Kết luận của ECB dựa trên giả định Mỹ áp thuế 10% với toàn bộ hàng nhập khẩu và bị các nước đáp trả tương đương.

Tác động từ căng thẳng Mỹ - Trung tới Mỹ, Trung Quốc, toàn cầu và thương mại toàn cầu. Ảnh: ECB

Sẵn sàng cho mọi kịch bản

Bộ Thương mại Trung Quốc hôm nay bày tỏ hy vọng căng thẳng với Mỹ sẽ được giải quyết nhưng cơ quan này cũng đã chuẩn bị cho mọi kịch bản. Kinh tế Trung Quốc sẽ không sụp đổ trước sự đe dọa từ Mỹ và giới chức Washington không nên coi thường quyết tâm cũng như năng lực của Bắc Kinh.

Trong bài bình luận đăng trên Channel News Asia hôm 26/9, nhà quan sát Charles Hankia lại cho rằng Trung Quốc đang cạn dần quy mô hàng hóa để đáp trả tương xứng Mỹ, thể hiện rõ nhất là Bắc Kinh lần này chỉ áp thuế với 60 tỷ USD hàng hóa của Washington. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa ông Trump sẽ dễ dàng chiến thắng.

Trung Quốc vẫn còn nhiều phương thức đáp trả khác như bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ, cản trở ông Trump đạt thỏa thuận hạt nhân với Triều Tiên. Điều này dẫn đến lo ngại cuộc chiến thương mại sớm trở thành “chiến tranh lạnh”. (NDH)
------------------------

Giảm thuế, xi măng ào ào 'chảy' sang Trung Quốc

Nhóm sản phẩm ngành xi măng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao nhất trong 7 tháng đầu năm 2018 nhờ thuế xuất khẩu giảm từ 5% xuống 0%.

Philippines áp dụng biện pháp tự vệ

Ngày 27/9, Bộ Công thương cho biết: Bộ Thương mại và Công nghiệp Philippines (DTI) khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ với sản phẩm xi măng nhập khẩu vào nước này. Thời kỳ điều tra để xem xét lượng tăng nhập khẩu, thiệt hại giai đoạn từ 2013 - 2017.

Cơ quan điều tra cho rằng lượng xi măng nhập khẩu đã gia tăng đáng kể trong giai đoạn 2014 - 2017, tổng lượng xi măng nhập khẩu đã tăng 70%. Riêng năm 2014 tăng 4.390%; năm 2015 tăng 549%; năm 2016 tăng 72%; năm 2017.

DTI cho biết, Việt Nam là nước có lượng xuất khẩu và thị phần xuất khẩu lớn nhất vào Philippines trong giai đoạn 2014 - 2017. Sự gia tăng nhập khẩu là nguyên nhân chủ yếu gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất nội địa của nước này thể hiện ở sự sụt giảm thị phần, doanh thu, lợi nhuận cũng như giá bán.


Xuất khẩu xi măng giá rẻ.

Theo quy định, các bên liên quan là các doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu, tổ chức trong và ngoài Philippines có quyền bày tỏ quan điểm, bình luận về vụ việc (bao gồm quan điểm bình luận về tác động của việc áp dụng biện pháp đối với lợi ích công chúng). Ngoài ra, DTI cũng thông báo sẽ yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam (đã được cơ quan điều tra xác định) trả lời bảng câu hỏi điều tra trong vụ việc.

Ào ào “chảy” vào Trung Quốc

Thống kê của Hải quan Việt Nam, trong 7 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu nhóm hàng xi măng và clinker tăng trưởng rất mạnh so với cùng kỳ 2017. Cụ thể xuất khẩu gần 18 triệu tấn, tương đương 656 triệu USD; tăng 63% về lượng và 73% về giá trị. Giá xuất khẩu bình quân chỉ đạt 37,2 USD/tấn, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước.

Nổi bật trong số các nhà nhập khẩu chính là Trung Quốc, tăng đột biến gấp 80 lần về lượng và tăng gấp 90 lần về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, xuất khẩu xi măng và clinket sang Trung Quốc đạt 4,52 triệu tấn, tương đương 158 triệu USD. Trung Quốc là nhà nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam với 25,6% thị phần nhưng giá chỉ có 35 USD/tấn.

Sau Trung Quốc là Philippines đạt gần 3,5 triệu tấn, tương đương giá trị 160 triệu USD; tăng 23,5% về lượng và 28% về kim ngạch. Đáng chú ý giá xuất khẩu vào Philippines đến 45,3 USD/tấn.

Bangladesh là thị trường tiêu thụ nhiều nhất sản phẩm xi măng, clinker của Việt Nam. Thị trường này chiếm gần 279% về lượng và chiếm hơn 23% về giá trị. Nước này nhập 4,75 triệu tấn, tương đương 153 triệu USD, tăng 4,9% về lượng và tăng 15,8% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Giá xuất khẩu sang thị trường này đạt trung bình 32,2 USD/tấn.

Bán rẻ tài nguyên

Không chỉ 3 thị trường chính, hầu hết các thị trường khác đều tăng trưởng vài chục điểm phần trăm. Cụ thể: Malaysia tăng 87,9% về lượng và tăng 102,2% về kim ngạch; Peru tăng 74,7% về lượng và tăng 72% về kim ngạch; Đài Loan tăng gần 67% về lượng và 86,5% về kim ngạch…

Một điều dễ nhận thấy là càng xuất nhiều giá càng thấp, theo thứ tự: Bangladesh 32,2 USD/tấn, Trung Quốc 35 USD/tấn, Philippines 45,3 USD/tấn. Trong khi xuất khẩu xi măng và clinker vào thị trường Úc chỉ đạt 23.500 tấn nhưng giá lên đến 66,7 USD/tấn.

Những dẫn chứng trên cho thấy, ngành xi măng Việt Nam đang bán rẻ tài nguyên. Giá xuất khẩu xi măng của Việt Nam chỉ bằng một nửa giá thế giới. Xi măng không chỉ là ngành đơn thuần dựa vào khai thác tài nguyên mà còn thâm dụng năng lượng và lao động, gây ô nhiễm môi trường cao.

“Trong khi chiến lược các nước là đóng cửa dần nhà máy xi măng thì ở Việt Nam việc mở rộng lại được đánh giá cao, các nhà máy lại phát triển tưng bừng”, TS Nguyễn Đình Cung (Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế T.Ư) thể hiện sự bức xúc.

Xuất khẩu xi măng tăng mạnh từ thời điểm 1/2/2018, ngày Nghị định 146 có hiệu lực. Ngày 15/12/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 146/2017 sửa đổi bổ sung một số điều tại Nghị định 100/2016, trong đó đưa thuế suất xi măng về 0% và hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp xuất khẩu xi măng. Nghị định trên được ban hành dựa trên kiến nghị của Bộ Kế hoạch - Đầu tư.

Xuất khẩu 18 triệu tấn xi măng và clinker nhưng chỉ thu về 656 triệu USD. Việt Nam đang phải đối mặt với các vụ kiện tự vệ, phá giá của các nước; bên cạnh đó môi trường tự nhiên bị tàn phá, ô nhiễm và tốn thêm nhiều chi phí để xây dựng các nhà máy nhiệt điện than… Điều này đồng nghĩa môi trường lại càng bị ô nhiễm tích lũy.(Thanhnien)

Trở về

Bài cùng chuyên mục