Một chai bia tại Việt Nam chịu thuế ra sao?; Lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt kỷ lục trong tháng 8; 8 tháng, xuất khẩu rau củ quả tăng 46,5%; Bơm 700 nghìn tỷ đồng: Lo tiền vào chứng khoán, bất động sản?
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 29-08-2017
- Cập nhật : 29/08/2017
Công ty Indonesia chuẩn bị xây cảng nhập than tại Việt Nam
Với trị giá 1 tỷ USD, cảng này sẽ phục vụ cho xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Indonesia và Việt Nam, đặc biệt là thanNguồn ảnh: The Jakarta Post
Vừa qua, Công ty PT Intra Asia Indonesia đã ký một bản ghi nhớ với đối tác tại Việt Nam, liên quan đến kế hoạch xây dựng một cảng nhập than ở miền Nam Việt Nam với trị giá 1 tỷ USD.
Thỏa thuận này được ký tại Jakarta hôm thứ Tư giữa ông Justin Lim, Chủ tịch Hội đồng quản trị của PT Intoc Asia, và ông Phan Ngo To Hong, Chủ tịch Hong Phat Coal and Resources, dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
"Cảng này sẽ phục vụ cho xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Indonesia và Việt Nam, đặc biệt là than", Lutfi Ismail, ủy viên ban điều hành của Intra Asia Indonesia, tuyên bố.
Ông Ismail cho biết rằng khi hoạt động, năng lực của cảng sẽ đạt từ 15 đến 20 triệu tấn than mỗi năm và sẽ giúp cắt giảm chi phí hậu cần cho nhập khẩu than từ Indonesia. Từ đó, nó sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của hoạt động xuất khẩu than từ Indonesia, và cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy điện than tại Việt Nam.
Ông Ismail cũng nói thêm Indonesia dự kiến sẽ xuất khẩu 4,5 triệu tấn than vào Việt Nam trong năm nay.
Cơ quan Thống kê Trung ương (BPS) của Indonesia ghi nhận rằng kim ngạch thương mại giữa Indonesia và Việt Nam đã đạt 6,3 tỷ USD trong năm ngoái, trong đó phía Indonesia bị thâm hụt 182,90 triệu USD. (NCĐT)
---------------------------
Moody’s: Việc cho phép thu giữ tài sản đảm bảo có lợi cho ngân hàng Việt
Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sẽ giúp đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu tại Việt Nam.
Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s vừa ra một báo cáo cho rằng việc cho phép đẩy nhanh tốc độ thu hồi tài sản đảm bảo là một bước đi tích cực đối với tín nhiệm của các ngân hàng Việt Nam, vốn đang phải chật vật xử lý nợ xấu sau một thập kỷ tín dụng tăng trưởng nhanh và tiêu chuẩn cho vay lỏng lẻo.
Trong khi đó, trước khi có Nghị quyết 42, các ngân hàng phải mất nhiều năm mới có thể thu hồi tài sản đảm bảo.
Ngày 21/8, Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) đã tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm là Dự án đầu tư Cao ốc phức hợp Sài Gòn M&C (Saigon One Tower) của Công ty Sài Gòn One Tower tại TP.HCM nhằm xử lý khoản nợ hiện đã lên trên 7.000 tỷ đồng.
Quá trình xử lý nợ xấu chậm chạp
Theo Moody’s, Chính phủ Việt Nam tiếp tục cam kết xử lý các vấn đề liên quan đến chất lượng tài sản của các ngân hàng, nhưng các biện pháp được áp dụng cho đến nay không hiệu quả trong việc đưa nợ xấu khỏi bảng cân đối của các ngân hàng.
Tỷ lệ các loại nợ của 15 ngân hàng Việt Nam được Moody's xếp hạng tín nhiệm. Nguồn: Moody's
Được thành lập từ năm 2013, VAMC đã mua lại lượng lớn nợ xấu từ các tổ chức tín dụng nhưng đến nay tỷ lệ nợ xấu được VAMC xử lý mới chỉ đạt khoảng 20% do thiếu sự rõ ràng trong việc thu giữ tài sản đảm bảo theo quy định của Bộ luật Dân sự. Điều này đã làm suy giảm nỗ lực thu hồi tài sản đảm bảo do quá trình tố tụng có thể kéo dài đến 3 năm, các chuyên gia của Moody’s bình luận.
“Khả năng thu giữ tài sản đảm bảo là một bước tiếp theo cực kỳ quan trọng trong việc xử lý nợ xấu và chúng tôi kỳ vọng Nghị quyết 42 của Quốc hội, vốn dỡ bỏ các trở ngại pháp lý trước kia, sẽ giúp cải thiện tỷ lệ thu giữ nợ xấu dưới quyền của các ngân hàng và VAMC”, Moody’s viết.
Tính hiệu quả của nghị quyết này đã thể hiện rõ ràng trong việc VAMC lần đầu hoàn thành thu giữ tài sản đảm bảo tại chỉ 1 tuần sau khi Nghị quyết 42 có hiệu lực. Quy định mới này cũng làm tăng quyền đàm phán của các ngân hàng và VAMC đối với bên đi vay.
Tuy nhiên, Moody’s lưu ý rằng hiệu quả thực sự đối với chất lượng tài sản và lợi nhuận của các ngân hàng chỉ thể hiện rõ ràng sau khi các tài sản được thu giữ được xử lý.
“Mặc dù các ngân hàng có thể giảm lượng nợ xấu bằng cách bán các khoản nợ có vấn đề cho VAMC, nhưng chất lượng tài sản và lợi nhuận chỉ được cải thiện nếu và khi VAMC bán được các tài sản thu giữ”, hãng xếp hạng tín nhiệm Mỹ nhấn mạnh. (Bizlive)
-----------------------------
TP.HCM “thúc” các dự án tại 10 khu công nghiệp
UBND TP.HCM đã chỉ đạo Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Thành phố có giải pháp thúc đẩy nhanh các dự án tại 10 khu công nghiệp trên địa bàn thành phố, qua đó thu hút vốn đầu tư vào các khu chế xuất, khu công nghiệp.
Cụ thể gồm khu công nghiệp Vĩnh Lộc 3, Vĩnh Lộc mở rộng, Phong Phú, Lê Minh Xuân 2, Lê Minh Xuân 3, Tây Bắc Củ Chi mở rộng, Hiệp Phước giai đoạn 2, Đông Nam, Cơ khí Ô tô và An Hạ.
Về nguồn nhân lực phục vụ khu chế xuất - khu công nghiệp, UBND Thành phố giao các cơ quan chức năng kiến nghị Trung ương đổi mới chương trình đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề gắn với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp; phối hợp với các trường đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp, chuẩn bị nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật cao phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp của thành phố.
Ngoài ra, UBND Thành phố cũng giao Sở Công thương đánh giá hiệu quả hoạt động trong thời gian qua của các cụm công nghiệp cũng như tình hình cho thuê đất và hiệu quả đầu tưtại các khu chế xuất - khu công nghiệp, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp.(Bizlive)
----------------------
Gian lận tài chính làm mất khoảng 5% doanh thu
Trong năm 2016, trung bình mỗi tổ chức mất khoảng 5% doanh thu vì các hoạt động gian lận tài chính.
Ông Saman Bandara, Phó Tổng Giám đốc phụ trách lĩnh vực kế toán pháp lý EY VN, cho biết theo báo cáo của Hiệp hội điều tra gian lận Mỹ (ACFE), trong năm 2016, trung bình mỗi tổ chức mất khoảng 5% doanh thu vì các hoạt động gian lận tài chính.
Thiệt hại về kinh tế do các hoạt động gian lận tài chính vẫn là một thách thức sự phát triển của toàn cầu. Tại VN, EY cũng đã giải quyết một số tình huống. Chẳng hạn, một công ty chuyên sản xuất đồ nội thất với doanh thu hàng năm là 70 triệu USD liên hệ với EY để điều tra về quy trình thu mua. Cuộc điều tra cho thấy, nhân viên của phòng thu mua đứng ra thiết lập các đơn vị trung gian giữa nhà cung cấp nguồn với công ty để đẩy giá từ 15 - 40%, sau đó nhận tiền hoa hồng từ nhà cung cấp. Tổng thiệt hại cho việc làm sai trái này được ước tính là 8 triệu USD.
Theo EY, trong số các phương thức quản trị gian lận tài chính, việc phân tích dữ liệu chủ động được coi là phương thức hiệu quả nhất, giúp giảm đi ít nhất một nửa con số thiệt hại. Tuy nhiên, chỉ có 35% các tổ chức triển khai phương thức này.(Thanhnien)
-----------------