tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 29-09-2018

  • Cập nhật : 29/09/2018

Quyết định áp thuế của Mỹ lên hàng Trung Quốc mở đường cho hàng hóa Thái Lan

Quyết định áp thuế của Mỹ lên hàng hóa Trung Quốc sẽ mang đến nhiều lợi ích, mở đường cho các sản phẩm của Thái Lan thâm nhập vào thị trường Mỹ.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế Thái Lan, quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế 10% lên 5.745 mặt hàng trị giá khoảng 200 tỷ USD của Trung Quốc sẽ mang đến nhiều lợi ích, mở đường cho các sản phẩm của Thái Lan thâm nhập vào thị trường Mỹ. Đây là cơ hội để hàng hóa nước này thay thế các sản phẩm của Trung Quốc tại Mỹ.

Nhóm các sản phẩm tiềm năng bao gồm quả hạch và hạt điều; cao su hun khói dạng tấm và khối; gạo nhiều màu; hoa quả và thực phẩm đã chế biến như chuối, dừa, xoài, dứa; thủy sản đã qua chế biến như cá thu; và các sản phẩm động vật như mật ong tự nhiên.

Các nhóm hàng tiềm năng khác gồm nước chấm-gia vị, bia, đồ uống không cồn, hóa chất và hạt nhựa, linh kiện ô tô và phụ kiện.

Quyết định của Mỹ lên các sản phẩm Trung Quốc chính thức có hiệu lực từ 24/9 và hàng hóa của Trung Quốc khi nhập khẩu vào Mỹ sẽ chịu mức thuế 10% vào cùng thời điểm. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2019, thuế nhập khẩu sẽ được tăng lên mức 25%.

Khác với quyết định áp thuế trị giá 50 tỷ USD đưa ra trước đó, danh sách mặt hàng áp thuế đợt này bao gồm cả những sản phẩm tiêu dùng.

Khi tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới mới đây, Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa nêu rõ quan điểm lên án chủ nghĩa bảo hộ và chia sẻ chính sách thương mại đơn phương của một số nước sẽ tạo ra những mối nguy cơ nghiêm trọng đối với nền kinh tế toàn cầu.

Phát biểu của ông được đưa ra giữa thời điểm các tranh chấp thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đang diễn biến theo chiều hướng xấu.

Tuy vậy, theo nhiều chuyên gia Thái Lan, từ một góc nhìn khác, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc mang lại những cơ hội xuất khẩu cho các quốc gia Đông Nam Á. Nhiều nhà đầu tư Mỹ và Trung Quốc đã chuyển hướng đầu tư và xuất nhập khẩu sang các quốc gia Đông Nam Á. Đây được coi là lợi ích tích cực góp phần mang đến những cơ hội cho doanh nghiệp trong khu vực. (Bnews)
------------------------------

Xuất siêu 5,39 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm nhờ các doanh nghiệp FDI

Cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng năm 2018 tiếp tục xuất siêu 5,39 tỷ USD. Xuất siêu có được nhờ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu tới 23,65 tỷ USD, trong khi khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 18,26 tỷ USD.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 9 tháng năm 2018 ước tính đạt 178,91 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2017. Loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 9 tháng tăng 14,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lượng hàng hóa xuất khẩu chủ yếu đến từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Cụ thể, khu vực kinh tế trong nước xuất khẩu đạt 51,07 tỷ USD, tăng 17,5%; khu vực có vốn FDI (kể cả dầu thô) đạt 127,84 tỷ USD (chiếm 71,5% tổng kim ngạch xuất khẩu), tăng 14,6%.

Trong 9 tháng có tới 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm tới 90,3% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước với 5 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD.

Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực tiếp tục tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Điện thoại và linh kiện đạt 36,1 tỷ USD, tăng 14,6%; hàng dệt may đạt 22,6 tỷ USD, tăng 17,1%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 21,6 tỷ USD, tăng 16,7%…

Nhìn chung, đối với các mặt hàng chủ lực, tỷ trọng xuất khẩu chủ yếu thuộc về khu vực có vốn FDI, trong đó: điện thoại và linh kiện chiếm tới 99,7%; điện tử, máy tính và linh kiện chiếm 95,6%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng 89,4%; hàng dệt may 60,1%.

Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng nông sản, thủy sản trong 9 tháng cũng tăng khá: thủy sản đạt 6,4 tỷ USD, tăng 6,9%; rau quả đạt 3 tỷ USD, tăng 15,2%; gạo đạt 2,5 tỷ USD, tăng 22,1% (lượng tăng 7,6%).

Các mặt hàng nông sản như cà phê, hạt điều, hạt tiêu, cao su khi sản lượng xuất khẩu tăng nhưng giá xuất khẩu bình quân lại giảm. Cụ thể, cà phê đạt 2,8 tỷ USD, giảm 0,02% (lượng tăng 19,6%); hạt điều đạt 2,5 tỷ USD, giảm 0,7% (lượng tăng 5,8%); cao su đạt 1,4 tỷ USD, giảm 11,4% (lượng tăng 9,1%); hạt tiêu đạt 636 triệu USD, giảm 34,1% (lượng tăng 7,1%).

Riêng dầu thô tính chung 9 tháng tiếp tục giảm mạnh về cả lượng và kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ năm trước khi kim ngạch xuất khẩu đạt 1,7 tỷ USD, giảm 24,6% (lượng giảm 45,2%).

Đối với nhập khẩu, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu 9 tháng ước tính đạt 173,52 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu 9 tháng tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 69,34 tỷ USD, tăng 11,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 104,18 tỷ USD, tăng 11,9%.

Trong 9 tháng năm nay có 30 mặt hàng ước tính kim ngạch nhập khẩu đạt trên 1 tỷ USD, chiếm 87,5% tổng kim ngạch nhập khẩu, trong đó có 3 mặt hàng trên 10 tỷ USD. Một số mặt hàng có giá trị kim ngạch nhập khẩu 9 tháng cao: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 31,1 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước; vải đạt 9,4 tỷ USD, tăng 13,5%; sắt thép đạt 7,6 tỷ USD, tăng 12,2%...(Vinanet)
------------------------

Tình hình sản xuất nông nghiệp tháng 9, 9 tháng năm 2018

Sản xuất nông nghiệp 9 tháng năm 2018 phát triển ổn định và có mức tăng trưởng khá.

Cơ cấu cây trồng được chuyển dịch theo hướng tích cực, chuyển dần diện tích trồng lúa sang các loại cây khác và nuôi trồng thủy sản cho giá trị cao hơn. Kết quả vụ đông xuân năm nay đạt khá cả về năng suất và sản lượng. Theo báo cáo của các địa phương, mặc dù diện tích lúa đông xuân cả nước giảm 15 nghìn ha so với vụ đông xuân trước, nhưng với năng suất đạt 66,4 tạ/ha (tăng 4,1 tạ/ha) nên sản lượng toàn vụ vẫn đạt 20,6 triệu tấn, tăng 1.187,2 nghìn tấn so với vụ đông xuân năm 2017.

Tính đến trung tuần tháng Chín, diện tích gieo cấy lúa mùa cả nước đạt 1.621,6 nghìn ha, bằng 98% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc đã kết thúc gieo cấy với diện tích đạt 1.105,6 nghìn ha, bằng 97,5%; các địa phương phía Nam đạt 516 nghìn ha, bằng 98,9%. Diện tích lúa mùa miền Bắc năm nay đạt thấp, trong đó vùng Đồng bằng sông Hồng đạt 516,5 nghìn ha, giảm 18,7 nghìn ha so với vụ mùa năm trước, chủ yếu do các địa phương chuyển một phần diện tích trồng lúa sang sử dụng cho mục đích khác. Đến nay trà lúa mùa sớm ở miền Bắc đang trong giai đoạn vào chắc và chín, đã thu hoạch được gần 115 nghìn ha. Năng suất toàn vụ ước tính đạt 49 tạ/ha, tăng 3 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước.

Vụ lúa hè thu năm nay cả nước gieo cấy được 2.052,8 nghìn ha, giảm 13,7 nghìn ha so với vụ hè thu năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.604,6 nghìn ha, giảm 7,1 nghìn ha. Tính đến ngày 15/9/2018, các địa phương đã thu hoạch được 1.806,9 nghìn ha lúa hè thu, chiếm 88% diện tích gieo cấy và bằng 107,8% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch 1.378 nghìn ha, chiếm 85,9% và bằng 97,4%. Theo báo cáo của các địa phương, năng suất lúa hè thu cả nước năm nay ước tính đạt 54,4 tạ/ha, tăng 0,1 tạ/ha so với vụ hè thu năm 2017, do diện tích gieo cấy giảm nên sản lượng đạt gần 11,2 triệu tấn, giảm 47,7 nghìn tấn.

Đến giữa tháng Chín, vùng Đồng bằng sông Cửu Long gieo cấy được 628,7 nghìn ha lúa thu đông, bằng 89,1% cùng kỳ năm trước do lịch xuống giống vụ hè thu năm nay muộn và kéo dài hơn năm trước, đồng thời do ảnh hưởng của mưa bão nên lũ về sớm, lên nhanh làm nhiều diện tích không thể gieo cấy. Hiện tại lúa thu đông vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển khá tốt.

Tính đến giữa tháng Chín, cả nước gieo trồng được 1.025,7 nghìn ha ngô, bằng 96,5% cùng kỳ năm trước; 111,7 nghìn ha khoai lang, bằng 99,6%; 181,3 nghìn ha lạc, bằng 98%; 54 nghìn ha đậu tương, bằng 80,2%; 1.005,8 nghìn ha rau, đậu, bằng 104,9%.

Sản lượng một số cây công nghiệp lâu năm 9 tháng tăng so với cùng kỳ năm trước: điều đạt 262,3 nghìn tấn, tăng 21,6%; hồ tiêu 255,6 nghìn tấn, tăng 1,2%; cao su 782 nghìn tấn, tăng 4,2%; chè búp 797,1 nghìn tấn, tăng 1,2%. Sản lượng thu hoạch một số cây ăn quả tăng khá: Vải đạt 372,5 nghìn tấn, tăng 60,1% so với cùng kỳ năm 2017; nhãn đạt 508,1 nghìn tấn, tăng 13,5%; cam đạt 556,3 nghìn tấn, tăng 12,6%; thanh long đạt 519,5 nghìn tấn, tăng 11,9%.

Chăn nuôi trâu, bò và gia cầm nhìn chung ổn định. Tính đến tháng Chín, đàn trâu cả nước giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2017; đàn bò tăng 2%; đàn gia cầm tăng 5,5%. Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng 9 tháng ước tính đạt 66,4 nghìn tấn, tăng 0,9% (quý III đạt 17,7 nghìn tấn, tăng 0,6%); sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng đạt 253,2 nghìn tấn, tăng 2,6% (quý III đạt 67,8 nghìn tấn, tăng 2,2%); sản lượng thịt lợn hơi đạt 2,7 triệu tấn, giảm 0,3% (quý III đạt 834,2 nghìn tấn, tăng 2,8%); sản lượng thịt gia cầm đạt 817,6 nghìn tấn, tăng 5,8% (quý III đạt 209,2 nghìn tấn, tăng 5%); trứng gia cầm đạt 8,4 tỷ quả, tăng 10,8% (quý III đạt 2,1 tỷ quả tăng 9,5%). Tính đến thời điểm 26/9/2018, cả nước không còn dịch lở mồm long móng và dịch tai xanh trên lợn; dịch cúm gia cầm còn ở Cao Bằng.

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Trở về

Bài cùng chuyên mục