tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Chỉ 8% số công nhân có tích lũy

  • Cập nhật : 20/08/2015

(Tin kinh te)

“Rất chia sẻ với doanh nghiệp trong điều kiện cạnh tranh như hiện nay, nhưng qua khảo sát, chúng tôi thấy doanh nghiệp hoàn toàn có thể chịu được mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 lên 16,8% so với năm 2015 như đề xuất của chúng tôi. Công nhân hiện nay quá khổ rồi, bữa cơm thường chỉ có vài con cá kho, đậu phụ, cọng rau…”

- Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính chia sẻ trong hội thảo về tiền lương, thu nhập, mức sống tối thiểu của người người lao động trong các doanh nghiệp năm 2015, do Tổng LĐLĐVN tổ chức sáng 13.8.

Công nhân đang quá khổ

Tại hội thảo, Tổng LĐLĐVN công khai kết quả khảo sát về tiền lương, thu nhập, mức sống tối thiểu của người lao động (NLĐ) trong các doanh nghiệp (DN) năm 2015. Các khảo sát tại 10 tỉnh, thành phố lớn với 60 DN thuộc 4 vùng lương cho thấy, với mức tăng lương tối thiểu (LTT) 14,3% so với năm 2014 (250.000 - 400.000 đồng), NLĐ mới chỉ đáp ứng được 78-83% mức sống tối thiểu. 

Trong khi mức chi tiêu trung bình của NLĐ năm 2015 là 4,247 triệu đồng, tăng 3,6% so với năm 2014. So sánh giữa thu nhập và chi tiêu, NLĐ cho biết, cuộc sống còn nhiều khó khăn với 19,9% số NLĐ được hỏi cho rằng thu nhập “không đủ sống”; 31,3% phải chi tiêu tằn tiện và rất tiết kiệm; 40,7% vừa đủ trang trải cho cuộc sống; chỉ có 8% cho biết có dư dật và có tích luỹ.

Ông Nguyễn Đình Thắng - Phó Chủ tịch CĐ các KCN-CX Hà Nội - nhiều lần phải thốt lên “buồn đến phát khóc” khi nói về đời sống công nhân (CN) trên địa bàn. Theo ông, mức tăng LTT năm 2015 mới chỉ đáp ứng được 60-65% mức sống tối thiểu. “Hiện nay, đại đa số CN đang phải thuê nhà trọ. Những phòng trọ này rất chật hẹp, chỉ khoảng 10-12m2 nhưng có giá 700.000 đồng/tháng. 

Vào những ngày hè, phòng trọ nóng như một lò nung. Trong khi CN không dám dùng điện nhiều, vì họ đang phải chịu mức giá kinh doanh rất cao, hơn 4.000 đồng/kwh. Nhiều nhà trọ không có nước máy, phải dùng nước giếng khoan, mỗi CN bị “bổ đầu” một tháng là 60.000 - 80.000 đồng. Phòng trọ hẹp nên nhiều CN phải gửi con về cho ông bà. Nhiều lần chúng tôi xuống với CN, họ chỉ biết bật khóc vì phải xa con” - ông Thắng chia sẻ. 

Bên cạnh đó, CN không thể gửi con ở trường công, mà chỉ có thể gửi trường tư với giá cao, lên tới 2,4 triệu đồng/tháng với cháu dưới 6 tuổi. Bà Phạm Thị Bích Hải - Chủ tịch CĐ Cty TOTO - chia sẻ, theo khảo sát của CĐ Cty, chi phí một tháng của một CN độc thân là 4,15 triệu đồng. Như vậy, LTT phải tăng 25% nữa mới đáp ứng đủ nhu cầu thiết yếu của CN.

Người lao động là vốn quý, vì sao phải “cò kè”?

Mới đây, phiên họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia “đổ bể” vì đại diện chủ sử dụng LĐ (ở đây là Phòng Thương mại và Công nghiệp VN - VCCI) và Tổng LĐLĐVN không thống nhất được mức đề xuất tăng LTT vùng năm 2016. Trong khi VCCI chỉ đồng ý với mức tăng 10% (tăng 250.000 đồng so với năm 2015), Tổng LĐLĐVN giữ quan điểm phải tăng 16,8% (tăng từ 350.000 - 550.000 đồng tùy từng vùng so với năm 2015). 

Lý do đại diện chủ sử dụng LĐ đưa ra là nếu áp dụng mức tăng 16,8%, các DN sẽ không chịu nổi. Cụ thể, theo VCCI, bắt đầu vào năm 2016, khi Luật BHXH mới được áp dụng, việc đóng bảo hiểm sẽ căn cứ trên tổng thu nhập của NLĐ, và như vậy sẽ đội chi phí sử dụng LĐ của DN lên rất cao. Theo VCCI, nếu LTT tăng 10%, với việc đóng bảo hiểm theo luật BHXH mới, DN phải chịu thêm 7% nữa và do vậy mức tăng tổng cộng phải là 17%.

Tại hội thảo sáng 13.8, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính bác bỏ lập luận trên của VCCI. Theo ông Chính, thực tế không DN nào trả lương bằng mức LTT, mà đều trả cao hơn ít nhất 15-20%. Bên cạnh đó, các DN hiện nay đang lợi dụng kẽ hở, xây dựng 2 bảng lương, 1 bảng lương dùng để đóng BHXH và 1 bảng lương thực tế để báo cáo với cơ quan thuế. 

Ông Chính phân tích thêm: “Bên VCCI tính mức tăng thêm chi phí 7% là vì họ tính cho tất cả NLĐ của DN, nhưng thực tế với 5 khoản phụ cấp (trách nhiệm, độc hại, chuyên cần, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ đi lại), không phải NLĐ nào cũng được hưởng. Theo tính toán của Tổng LĐLĐVN, mức tăng này chỉ là 3,5%. Do đó, với mức tăng theo như đề xuất của Tổng LĐLĐVN, DN hoàn toàn có thể chịu được. Chẳng qua các DN sợ tăng chi phí đóng BHXH, ảnh hưởng đến lợi nhuận nên mới phản đối mức tăng theo như đề xuất của Tổng LĐLĐVN”.

Ông Chính cho biết: “Ai cũng bảo NLĐ là vốn quý, nhưng mà khi trả lương lại cò kè đến 50.000 đồng đối với NLĐ. NLĐ cần DN nhưng DN cũng cần NLĐ. NLĐ hiện nay đang quá khổ rồi. Chúng tôi bảo lưu mức tăng LTT 16,8%, bởi chỉ mức đó CN mới đủ sống và mới đảm bảo lộ trình đến năm 2017 LTT đáp ứng 100% nhu cầu sống tối thiểu”.

 
Có đến 38,8% số đại biểu tham dự các buổi tọa đàm tại các LĐLĐ tỉnh, thành phố mới đây cho rằng việc phân vùng như hiện nay là chưa hợp lý. Vì trên thực tế, có nhiều địa phương ranh giới giữa 2 vùng lương chỉ là một con đường, một con sông, giá cả dịch vụ, điều kiện sinh hoạt như nhau, nhưng lại hưởng hai mức lương tối thiểu khác nhau. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, nên giảm bớt vùng trong 1 tỉnh, hoặc phân vùng lương theo tỉnh, không nên phân theo quận, huyện; hoặc cả nước chung 1 vùng, nhưng có phụ cấp vùng, có hệ số khu vực.

(Theo Báo Lao Động)

Trở về

Bài cùng chuyên mục