tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Câu lạc bộ Chứng khoán SIC: Hội thảo “Bạn màu gì trong bức tranh Hội nhập?”

  • Cập nhật : 05/12/2015

“Việt Nam sẽ là một trong những nước chịu ảnh hưởng lớn nhất khi tham gia vào cộng đồng kinh tế chung ASEAN." – Đó là nhận định của Tiến sĩ Cấn Văn Lực - Giám đốc trường Đào tạo Cán bộ BIDV phát biểu trong Hội thảo “Bạn màu gì trong bức tranh Hội nhập”, do CLB Chứng khoán (SIC), Đại học Ngoại thương và bảo trợ Chuyên môn bởi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tổ chức ngày 2/12/2015 vừa qua.

tien si can van luc dua ra nhung nhan dinh ve cac hiep dinh hoi nhap cua viet nam

Tiến sĩ Cấn Văn Lực đưa ra những nhận định về các Hiệp định hội nhập của Việt Nam

Hội thảo “Bạn màu gì trong bức tranh hội nhập?” đã được tổ chức với mục đích cung cấp cái nhìn toàn cảnh nhất về bức tranh hội nhập của Việt Nam và đặc biệt là về hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và liên minh Châu Âu (EVFTA) cũng như cộng đồng Kinh tế chung ASEAN (AEC). Hội thảo chính là hoạt động mở màn cho “Chuỗi sự kiện Chuyên môn Chứng khoán START-UP 2015” do CLB Chứng khoán trường Đại học Ngoại Thương (SIC) tổ chức. Buổi hội thảo có sự tham gia của hai vị diễn giả hàng đầu là ông Cấn Văn Lực - Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT(Hàm Phó TGĐ) kiêm Giám đốc trường Đào tạo Cán bộ BIDV và ông Hoàng Thuỳ Dương - Phó TGĐ Công ty TNHH Kiểm toán & Tư vấn Thuế KPMG.

Mở đầu hội thảo, Tiến sĩ Cấn Văn Lực đã đưa ra nhận định chung về nền kinh tế Việt Nam trong thời kì hội nhập: “Việt Nam sẽ là một trong những nước chịu ảnh hưởng lớn nhất khi tham gia cộng đồng Kinh tế chung ASEAN”. Kèm theo nhận định đó, ông đã đưa ra một loạt dẫn chứng cụ thể để chứng minh cho quan điểm của mình. “Việt Nam đang đứng trước rất nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức đang chờ đón chúng ta. Việc nắm bắt cơ hội thành công được hay không hoàn toàn là do chính các bạn sinh viên quyết định”. Tiến sĩ cũng đã nói về năm 2015 như là 1 năm của “Chốt và hội nhập" khi Việt Nam đã kí kết hàng loạt hiệp định tự do Thương mại để sẵn sàng cho quá trình hội nhập.

Sau đó, Ông Hoàng Thuỳ Dương cũng đã chia sẻ những quan điểm riêng mình về các hiệp định thương tự do mà Việt Nam đã và sắp kí kết. Về Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Châu Âu (EVFTA), ông Dương cho rằng: "Việc hạ thuế xuất nhập khẩu xuống 0% sẽ không đơn giản là thiên đường cho Việt Nam phát triển". Đứng trước thực tế EVFTA là hiệp định thương mại tự do toàn diện và chất lượng nhất đối với Việt Nam, đồng thời EU cũng hiện đang là đối tác đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam (31 tỷ USD), nước ta đang đứng trước nhiều thử thách để có thể “hoà nhập chứ không hoà tan."

Phần tiếp theo của buổi hội thảo nhận được khá nhiều sự quan tâm từ các bạn khán giả khi các bạn có  cơ hội giao lưu trực tiếp với các diễn giả về cơ hội việc làm của sinh viên Việt Nam trong giai đoạn hội nhập. Hai vị diễn giả đều đồng ý rằng sinh viên Việt Nam có  trình độ không thua kém gì các nước trong khu vực nhưng ý thức làm chủ thì còn kém hơn rất nhiều. Tiến sĩ Cấn Văn Lực hi vọng ngoài việc tiếp thu các kiến thức trên giảng đường, các bạn sinh viên sẽ chủ động tìm tòi, học tập để có thể cải thiện cả kĩ năng mềm của mình.

Hai vị diễn giả cũng đã nhận được một câu hỏi rất thú vị đến từ một bạn sinh viên năm cuối trường Đại học Y về: “Những khó khăn và thách thức đặt ra với nông nghiệp - một trong những ngành kinh tế then chốt tại Việt Nam? Lời khuyên dành cho những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trong thời điểm này?” Ông Dương cho rằng: “Sau khi gia nhập AEC, việc cạnh tranh trong xuất khẩu sẽ được đẩy lên rất cao do sự tương đồng lớn giữa hàng hoá của nước ta với các nước trong khu vực (khoảng 50%)”. Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, Ông Lực khuyên các doanh nghiệp nên chủ động đổi mới để thích nghi chứ không nên quá phụ thuộc vào chính phủ.

Thông qua Hội thảo “Bạn màu gì trong bức tranh hội nhập”, các diễn giả cũng như các sinh viên tham dự đã có một cái nhìn toàn diện hơn về nền kinh tế đang đứng trước nhiều biến chuyển của Việt Nam. Hội thảo đã cho thấy sự quan tâm và ý thức tìm hiểu của các sinh viên kinh tế trước tình hình thực tiễn, đồng thời cũng thể hiện sự động viên nhà trường, các doanh nghiệp, tổ chức xã hội và các chuyên gia kinh tế đối với các bạn thanh niên, sinh viên.

Hội thảo đã kết thúc tốt đẹp như một khởi đầu thuận lợi cho “Chuỗi sự kiện Chuyên môn Chứng khoán START-UP 2015” của Câu lạc bộ Chứng khoán (SIC) – Đại học Ngoại thương. Chuỗi sự kiện sẽ được tiếp diễn trong thời gian sắp tới đến hết tháng 12/2015.

Thông tin chi tiết: https://www.facebook.com/startup.sic.


CLB Chứng khoán (SIC), Đại học Ngoại thương

Trở về

Bài cùng chuyên mục