Hôm qua (24/8), tại lễ ký cam kết về tạo thuận lợi cho doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý các bộ, ngành, chính quyền địa phương: Ký kết, hỗ trợ doanh nghiệp xong không phải là để "cất vào kéo".
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: “Kỷ luật theo quy trình lâu lắm, tốt nhất là cho nghỉ việc!”
- Cập nhật : 24/08/2016
(Yeu nhan)
“Cán bộ công chức nhũng nhiễu mà xem xét kỷ luật theo đúng quy trình thì lâu lắm, vì thế trước khi nói đến việc xem xét kỷ luật thì tốt nhất là cho nghỉ việc và thay thế, chuyển cán bộ nhũng nhiễu đi làm việc khác rồi cho ngồi đó mà suy nghĩ về cái ghế của mình”.
Đó là yêu cầu kiên quyết của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ với lãnh đạo 32 tỉnh và thành phố khu vực phía Nam, tại Lễ ký cam kết về tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại TPHCM, sáng 24/8.
Xử lý nghiêm cán bộ nhũng nhiễu
Nghị Quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 được đánh giá là một Nghị quyết định lịch sử đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Theo mục tiêu của Nghị quyết 35, mục tiêu xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020, trong đó có các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh.
Được biết, trong 6 tháng đầu năm nay, cả nước có thêm 54.501 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 427.762 tỷ đồng, tăng 20% về số doanh nghiệp và 51,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu xử lý nghiêm cán bộ công chức gây nhũng nhiễu cho ngườ dân và doanh nghiệp
Liên quan tới những cam kết của 32 tỉnh và thành phố phía Nam trong ký kết về tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các địa phương nghiêm túc quán triệt cán bộ công chức về đạo đức công vụ, cải cách hành chính, chống quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu và thực hiện tinh thần chính quyền phục vụ và hỗ trợ doanh nghiệp.
Công khai quy trình và cán bộ có trách nhiệm xử lý hồ sơ, tăng cường thanh tra công vụ, kiên quyết xử lý các cán bộ vi phạm quy trình xử lý hồ sơ, gây phiền hà cho doanh nghiệp. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm về các vi phạm của công chức, viên chức trong phạm vi quản lý.
“Cán bộ công chức nhũng nhiễu mà xem xét kỷ luật theo đúng quy trình thì lâu lắm, vì thế trước khi nói đến việc xem xét kỷ luật thì tốt nhất là cho nghỉ việc và thay thế, chuyển cán bộ nhũng nhiễu đi làm việc khác rồi cho ngồi đó mà suy nghĩ về cái ghế của mình. Nhắc nhở không thay đổi thì luân chuyển người khác. Quán triệt thái độ và cư xử của cán bộ công chức đối với nhân dân, xử lý nghiêm không là mang tiếng lắm” - Phó Thủ tướng kiên quyết.
Khắc phục tình trạng “trên bảo dưới không nghe”!
Theo Nghị quyết 35, Chủ tịch tỉnh và thành phố tổ chức đối thoại công khai định kỳ ít nhất 2 lần/năm với cộng đồng doanh nghiệp, báo chí để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
“Tôi cho rằng chúng ta đối thoại với doanh nghiệp không phải chỉ là tháo gỡ vướng mắc khó khăn và giảm thuế, như vậy là không trúng, mà phải đối thoại theo nguyên tắc WIN-WIN (đôi bên cùng có lợi - PV) để nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và giá trị thương hiệu quốc gia”.
Các tỉnh và thành phố thành lập, công khai đường dây nóng, hỏi đáp trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, thành phố để tiếp nhận phản ánh và hướng dẫn, giải đáp cho doanh nghiệp.
Các tỉnh và thành phố phía Nam cam kết tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP
Phó Thủ tướng gợi ý: Ở Chính phủ, Thủ tướng thành lập Tổ giám sát kết luận của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng do Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm Tổ trưởng và công bố công khai hàng tháng, để khắc phục tình trạng trên bảo dưới không nghe, vì vậy các tỉnh và thành phố cũng nên làm như vậy.
Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp tư nhân, theo tinh thần của Nghị Quyết 35 thì trách nhiệm của Chủ tịch UBND các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương là quan trọng. Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh và thành phố cần hết sức chú ý tới việc thu hút các doanh nghiệp nhỏ và vừa của nước ngoài về địa bàn, vì “nói nhỏ và vừa là so với nước họ thôi, còn so với mình là to lắm”.
“Qua rồi cái thời tỉnh nào cũng cố gắng đặt ra các thể chế chính sách và trải thảm đỏ, mà chưa kể phía trên là thảm đỏ phía dưới là đinh, để mời doanh nghiệp bằng mọi giá. Giai đoạn này phải thu hút các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn đa quốc gia về với địa phương mình, và nếu môi trường đầu tư kinh doanh tốt thì người ta tự tìm đến đầu tư chứ không cần phải mời” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, lãnh đạo Chính phủ đã “đặt hàng” VCCI lập Bộ Chỉ số doanh nghiệp và công bố cho các địa phương biết, nhằm công khai tỷ trọng doanh nghiệp sau đăng ký, việc này sẽ giúp minh bạch hoạt động của doanh nghiệp và đo “sức khỏe” của doanh nghiệp. Đồng thời, “đặt hàng” các tỉnh và thành phố về một mô hình hợp tác công - tư về các dịch vụ hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển. Phó Thủ tướng đề nghị báo chí và Hiệp hội các doanh nghiệp giám sát việc thực hiện Nghị quyết này, xem Chủ tịch các tỉnh có thực hiện tốt hay không.