Việt Nam lần đầu có ứng cử viên vào Ủy ban Luật pháp Quốc tế
Vụ 'Thám hiểm' thác Datanla, 3 du khách tử nạn: Lộ nhiều kẽ hở trong quản lý
Đề nghị truy tố cán bộ phường "bảo kê" xây nhà trái phép
Hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Cách chức hiệu trưởng một trường tiểu học vì đánh bài ăn tiền
Tin trong nước đọc nhanh 28-02-2016
- Cập nhật : 28/02/2016
Gần 53 tỷ đồng xây trung tâm hành chính TP HCM giai đoạn 1
Khu trung tâm hành chính TP giai đoạn một, tại khu đất 213 đường Đồng Khởi (quận 1) nối dài khối nhà mặt tiền đường Lê Thánh Tôn của trụ sở UBND TP HCM hiện tại đến giáp đường Đồng Khởi. UBND TP HCM vừa phê duyệt thiết kế và dự toán công trình với tổng kinh phí gần 53 tỷ đồng.Trong đó, tầng một (trệt) và tầng 2 có diện tích 750 m2 mỗi tầng. Tầng hầm tận dụng lại gần 1.900 m2 đã có của chung cư 213 Đồng Khởi trước đây, thiết kế lại giao thông cho hợp lý và dự kiến bố trí chỗ để xe, phòng kỹ thuật.
Tường bao và tường ngăn làm bằng vật liệu không nung, phần hoàn thiện sơn nước hoặc ốp gạch (khu vệ sinh); sàn lát gạch kết hợp các loại đá tự nhiên; trần thạch cao khung kim loại... Ngoài ra còn có tường rào dài 26m và hai nhà bảo vệ rộng 8 m2. Công trình do Công ty TNHH một thành viên Quản lý Kinh doanh nhà thành phố làm chủ đầu tư.
Theo phương án thiết kế được UBND TP HCM chốt vào tháng 10/2015, Trung tâm hành chính TP HCM có diện tích 18.000 m2 được giới hạn bởi 4 tuyến đường Lê Thánh Tôn - Pasteur - Lý Tự Trọng - Đồng Khởi sẽ là nơi làm việc của 8 cơ quan nhà nước với 90 phòng ban trực thuộc gồm khoảng 1.700 người.
Các cơ quan sẽ được bố trí tại khu trung tâm hành chính sau khi xây dựng xong gồm: Văn phòng UBND thành phố, Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố, Sở Nội vụ, Sở Thông tin và truyền thông, Sở Công thương, Ban đổi mới doanh nghiệp, Sở Tài nguyên - Môi trường và Sở Giao thông Vận tải.
Hoàn thành sân bay Quảng Ninh hơn 7.000 tỷ đồng vào cuối năm 2017
Vừa qua, tại Bộ GTVT, Ban chỉ đạo Dự án cảng hàng không Quảng Ninh đã có cuộc họp rà soát tiến độ công trình trọng điểm dự kiến xây dựng tại huyện đảo Vân Đồn.
“Về phía tỉnh Quảng Ninh, các nội dung công việc đang thực hiện đúng kế hoạch và lộ trình đặt ra. Đối với tiến độ Dự án, dứt khoát trong quý IV năm 2017 sẽ hoàn thành và đón chuyến bay đầu tiên”, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, hiện Dự án đã phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi; hoàn thành lựa chọn Nhà đầu tư; đàm phán ký kết Hợp đồng ký tắt; cấp giấy chứng nhận đầu tư Dự án. Cùng với đó, UBND tỉnh đã có quyết định giao Sở GTVT Quảng Ninh giám sát thực hiện Hợp đồng Dự án CHK Quảng Ninh theo hình thức BOT.
Về công tác giải phóng mặt bằng, tỉnh này đã giải phóng mặt bằng được 252,57 héc-ta/284,6 héc-ta; khu vực đường băng và đường lăn là 75,86 héc-ta/76 héc-ta. Diện tích còn lại là 32,03 héc-ta, UBND huyện Vân Đồn đang triển khai thực hiện, dự kiến công tác giải phóng mặt bằng sẽ hoàn thành trong tháng 2 này.
Trước đó, trong văn bản của Sở GTVT Quảng Ninh gửi Bộ GTVT vào cuối tháng 1/2016, Sở GTVT Quảng Ninh chốt mốc hoàn thành công tác lập điều chỉnh hạng mục nhà ga, nhà điều hành và công trình dân dụng do tư vấn CPG (Singapore) lập vào 15/22016. Tuy nhiên, cho tới ngày 22/2/2016, tư vấn vẫn chưa thể hoàn thành công việc này trong khi đây là những tham số rất quan trọng để UBND tỉnh Quảng Ninh có thể điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án (F/S) trước 15/3/2016.
Cần phải nói thêm rằng, kể từ khi phê duyệt F/S lần đầu vào tháng 3/2015, chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm, tỉnh Quảng Ninh phải tiến hành điều chỉnh bước lập F/S của Dự án 2 lần. Trước đó, vào tháng 4/2015, tỉnh này đã phải tiến hành “hiệu chỉnh” bước lập F/S công trình có quy mô vốn dự kiến là 7.485 tỷ đồng.
Trong khi đó, hiện các bên liên quan tới công trình cũng chưa thể thống nhất được việc ai: Quảng Ninh hay Cục Hàng không Việt Nam sẽ đứng ra giao, cho thuê đất xây dựng sân bay Vân Đồn cho nhà đầu tư? Hiện Cục Hàng không Việt Nam vẫn bảo lưu quan điểm cần thực hiện theo đúng Luật Hàng không và Luật Đất đai: cơ quan cảng vụ hàng không mới là đơn vị có đủ pháp lý để thực hiện việc cho thuê đất chứ không phải là UBND tỉnh Quảng Ninh.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, trong nước chưa có mô hình nào quản lý đầu tư BOT trọn gói như Dự án cảng hàng không Quảng Ninh. Đây là mô hình mới, có thể xem là mô hình thí điểm.Vừa rồi mới chỉ khởi động BOT một số nhà ga, hạng mục và nghiên cứu thuê cơ sở hạ tầng một số hạng mục. Do vậy, các cơ quan phải xem xét nghiên cứu để đưa ra mô hình hoàn thiện nhất để kêu gọi xã hội hóa không chỉ Cảng hàng không Quảng Ninh và các dự án khác nữa.
Thứ trưởng đề nghị đơn vị Tư vấn rà soát lại nghiên cứu F/S của Dự án. Trong đó, phải làm rõ được các nội dung cụ thể về phương ántài chính; quản lý khai thác sân bay như thế nào? Các nội dung này phải hoàn thành và báo cáo Ban Chỉ đạo triển khai Dự án vào 20/3 tới đây.
“Nhà đầu tư là việc cụ thể với đơn vị Tư vấn CPG (Singapore) - đơn vị tư vấn cho các hạng mục nhà ga, nhà điều hành và công trinh dân dụng để sớm có báo cáo các nội dung nay; tất cả các thủ tục về đất đai liên quan phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật”, Thứ trưởng đề nghị.
Cô gái gốc Việt có thể làm thay đổi luật tấn công tình dục của Mỹ
Hai năm trước, Nguyen bị tấn công tình dục và cô đã nộp một bộ bằng chứng y tế lên chính quyền bang Massachusetts, Mỹ, nơi vụ việc xảy ra. Nguyen sau đó cho hay cô được giao cho một cuốn tài liệu nhỏ, trong đó nói rằng bộ bằng chứng sẽ bị hủy nếu cô không nộp đơn "đề xuất gia hạn", nhưng lại không hướng dẫn cụ thể phải thực hiện như thế nào.
Dù có một quy chế cho phép những người sống sót trong các vụ tấn công tình dục có 15 năm để quyết định nộp hay không nộp đơn kiện, cơ quan chức năng vẫn sẽ hủy bộ bằng chứng y tế trên sau 6 tháng nếu các nạn nhân không nộp đơn xin gia hạn. Đó là việc mà Nguyen phải làm 6 tháng một lần.
"Về cơ bản, hệ thống này khiến tôi luôn phải sống cuộc đời của mình theo cái ngày bị cưỡng hiếp", cô nói với Guardian.
Nguyen không phải là trường hợp ngoại lệ gặp phải tình cảnh này. Sau khi bị cưỡng hiếp, cô đã thành lập một nhóm hoạt động vì các nạn nhân sống sót trong các vụ tấn công tình dục mang tên Rise.
Nguyen cho biết những trở ngại trong vụ việc của cá nhân đã thôi thúc cô nghiên cứu về chính sách liên quan đến tấn công tình dục của các bang khác và phát hiện ra rằng quyền và quy trình pháp lý chuẩn cho các nạn nhân không được đảm bảo.
USA Today và các phóng viên đại diện hơn 75 tờ báo và kênh truyền hình cho hay có ít nhất 70.000 bộ bằng chứng y tế về tấn công tình dục đã không hề được kiểm tra tại hơn 1.000 cơ quan cảnh sát.
Nguyen là nhân tố chính soạn ra dự luật về quyền của những người sống sót sau tấn công tình dục, được giới thiệu vào tháng 4/2015. Dự luật này đảm cho các nạn nhân có thể được trợ giúp pháp lý dễ dàng hơn, tiếp cận với các dịch vụ tư vấn và thông tin rõ ràng liên quan đến quy trình pháp lý.
Với các cá nhân đã trình bộ bằng chứng y tế, dự thảo cho họ quyền được biết bằng chứng đang được lưu trữ ở đâu, nó có được kiểm nghiệm hay không và kết quả ra sao."Điều tồi tệ nhất là nhận ra rằng hệ thống có trách nhiệm bảo vệ và thực thi công lý đã đỗ vỡ. Hệ thống yêu cầu những người sống sót đến cơ quan chính quyền để nhận sự giúp đỡ. Tôi đã làm điều đó nhưng việc vượt qua hệ thống đã sụp đổ còn tồi tệ hơn chính vụ cưỡng hiếp", Nguyen cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên New York Times. "Chúng tôi đã làm việc rộng khắp với những người từ tất cả các bên để đảm bảo rằng dự luật này bày tỏ được tiếng nói quan trọng của họ".
Amanda Nguyen làm việc với thượng nghị sĩ Jeanne Shaheen của bang New Hampshire, người bảo trợ chính cho dự luật. Ảnh: Rise
Mỗi năm ở Mỹ có khoảng 68% vụ tấn công tình dục không được trình báo đến cảnh sát và cũng chỉ có 7 trong số 100 vụ được báo cáo dẫn đến việc bắt giữ nghi phạm, chỉ hai trong số 100 kẻ cưỡng hiếp bị giam một ngày trong tù.
Dự luật của Nguyen có thể tạo ra nhiều thay đổi cần thiết đối với quy trình trình báo tấn công tình dục ở Mỹ, đảm bảo cho các nạn nhân cảm thấy an toàn và được lắng nghe khi họ công khai vụ việc của mình. Quan trọng nhất là họ có được công bằng và sự bình an mà họ xứng đáng được có.
Dự luật dự kiến nhận được sự ủng hộ của lưỡng viện cũng như các bên liên quan đến việc soạn thảo.
"Có quá nhiều người sống sót cảm thấy như toàn bộ hệ thống này đã phớt lờ họ", thượng nghị sĩ Jeanne Shaheen của bang New Hampshire, người bảo trợ chính cho dự luật, nói. "Chúng ta cần một bộ quyền cơ bản cho những người bị tấn công tình dục".
Amanda Nguyen hiện là phó liên lạc viên của Nhà Trắng tại Bộ Ngoại giao Mỹ. Tuy nhiên, đích đến của cô là trở thành phi hành gia của Cơ quan Hàng không Vũ trụ NASA. Cô từng là thực tập sinh tại NASA sau thời gian theo học tại đại học Harvard.
"Lịch trình của tôi đã vươn ra tới Sao Hỏa", cô cười nói.
Nguyen cho hay công việc áp lực của một phi hành gia rất hữu ích cho cô khi làm việc với các nghị sĩ về dự luật tấn công tình dục, giúp cô kiên nhẫn và lạc quan.
"Chấp nhận bất công hoặc viết lại luật. Tôi chọn viết lại luật", Nguyen nói.
Nhật Bản bắt nhóm nghi phạm Việt cướp tài sản, chém người
Theo Nippon TV, vụ việc xảy ra hôm 23/2, ở thị trấn Kamisato, tỉnh Saitama. Nhóm thanh niên trên đã giật túi xách chứa 500.000 yen của một phụ nữ người Việt. Sau đó, một người đàn ông Việt Nam đuổi theo cũng bị những tên này dùng dao đâm khiến ông bị thương nặng.
Hôm sau, cảnh sát phát hiện ba nghi phạm đang lái xe ở thành phố Iida, tỉnh Nagano và truy đuổi. Cả ba lần lượt bị bắt giữ với cáo buộc cướp tài sản và âm mưu giết người.
Trong đó, Nguyen Van Du, 21 tuổi, thú nhận hành vi cướp túi xách của người phụ nữ trên. Hai kẻ còn lại được cho là Nguyen Ba Cong, 22 tuổi, và Nguyen Dao Trang, 23 tuổi, khai rằng chúng chỉ có mặt tại hiện trường.
Sáng 25/2, một nam thanh niên khác trình diện tại tỉnh Gunma và thú nhận là kẻ đã chém người đàn ông đồng hương khi bị ông này truy đuổi. Tên này cũng đã bị bắt giữ.
Cảnh sát Nhật Bản đang điều tra vụ việc.
Gần 40 bãi xe 'chặt chém' ở Hà Nội bị xử phạt
Từ giữa tháng 1 đến ngày 22/2, đoàn liên ngành của thành phố Hà Nội đã phát hiện 37/43 bãi giữ xe tại các bệnh viện, khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh... niêm yết mức phí giữ xe không đúng, sử dụng quá diện tích đã được cấp phép, thu phí cao hơn quy định...
Bên cạnh bãi trông giữ xe miễn phí rộng hàng trăm mét vuông ở Phủ Tây Hồ, hàng chục bãi giữ xe khác thu giá cao từ 10.000 đến 20.000/xe máy. Ảnh minh họa:Phương Sơn
Căn cứ vào lỗi vi phạm, đoàn đã lập biên bản xử phạt với tổng số tiền là 180 triệu đồng. Nhiều bãi xe bị xử phạt từng tái phạm nhiều lần như khu vực vỉa hè số nhà 58 Hai Bà Trưng do Công ty cổ phần 901 quản lý. Lãnh đạo đơn vị này cho rằng việc tăng giá vé là do nhân viên tự ý và họ đã nhiều lần lập biên bản, sa thải người vi phạm.
Đoàn liên ngành cũng đã xử lý các bãi xe vi phạm ở khu vực quanh phủ Tây Hồ, chùa Phúc Khánh,... Theo ghi nhận của VnExpress, tại phủ Tây Hồ, mặc dù đã có điểm giữ xe miễn phí của Đoàn thanh niên và công an quận, tuy nhiên hàng chục điểm trông xe tự phát ở các hộ gia đình vẫn thu từ 10.000 đến 30.000 đồng một xe máy.
Các điểm trông xe tự phát quanh chùa Phúc Khánh cũng có mức phí cao từ 20.000 đến 30.000 đồng một xe máy trong những ngày đầu năm và đặc biệt trong các ngày 14-15 tháng giêng. Trao đổi với VnExpress về việc này, lãnh đạo Công an quận Đống Đa cho biết, "đơn vị đã cử trinh sát và cảnh sát hình sự đi kiểm tra bí mật, phát hiện xử lý ngay những bãi thu tiền quá giá nên đã hạn chế. Tuy nhiên khi không có người kiểm tra, có thể một số người lợi dụng, tranh thủ thu giá cao để trục lợi".
Trước đó, vào giáp Tết Nguyên đán 2016, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu xã, phường, thị trấn giám sát chặt chẽ việc chấp hành quy định pháp luật về phí trông giữ phương tiện. Trường hợp trên địa bàn để các điểm trông giữ ôtô, xe máy không phép, sai phép, thu phí không đúng quy định, chủ tịch UBND phường, xã phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Tuy nhiên, theo một số lãnh đạo các ban ngành, sở dĩ việc các bãi trông giữ xe cố tình vi phạm là do mức phạt chưa đủ sức răn đe. Mức xử phạt hiện nay đối với vi phạm về thu phí, lệ phí... chỉ từ 500.000 đồng đến vài triệu đồng.
Theo đại diện Sở Tài chính Hà Nội, cần phải tăng gấp đôi mức phạt với những bãi xe vi phạm và rút giấy phép kinh doanh với đơn vị tái phạm, như vậy mới có thể giải quyết được tình trạng chặt chém như hiện nay.