tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin trong nước đọc nhanh chiều 10-12-2015

  • Cập nhật : 10/12/2015

Lộ diện sai phạm nghiêm trọng tại Dự án Bắc Thăng Long – Vân Trì

lo dien sai pham nghiem trong tai du an bac thang long – van tri

Lộ diện sai phạm nghiêm trọng tại Dự án Bắc Thăng Long – Vân Trì


Ngày 8/12/2015, Thanh tra Chính phủ vừa có thông báo kết luận thanh tra dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đô thị Bắc Thăng Long - Vân Trì, TP. Hà Nội.

Kết luận thanh tra nêu rõ, trong quá trình thực hiện triển khai xây dựng dự án còn có một số tồn tại, vi phạm.

Cụ thể, UBND Hà Nội và chủ đầu tư chậm thực hiện dự án. Dự án được Thủ tướng chính phủ phê duyệt năm 1997 nhưng phải đến năm 2002 (sau 4 năm) mới được triển khai. Bên cạnh đó, UBND Hà Nội không thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo kết luận Thanh tra, việc thực hiện một số gói thầu của dự án cũng có tình trạng sai phạm. Đối với gói thầu CP2 - Hệ thống đường và hệ thống thoát nước sử dụng vốn ODA (giai đoạn sau 2006), chủ đầu tư ban hành 8 quyết định phê duyệt điều chỉnh thiết kế, dự toán của gói thầu CP2 nhưng đều không thẩm tra, thẩm định khối lượng, vi phạm các quy định của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.

Hạng mục kênh Việt Thắng thực hiện không đúng với thiết kế đã được phê duyệt, lớp cát đệm 15cm không đủ chiều dày ở nhiều vị trí, khối lượng thiếu so với thiết kế được phê duyệt là 41.094,8m2, thành tiền hơn 547 triệu đồng và hơn 4 triệu Yên Nhật, vi phạm các quy định của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.

Sai phạm cũng xảy ra tại một số gói thầu bổ sung sử dụng nguồn vốn trong nước để hoàn thiện các hạng mục công trình dở dang của gói thầu CP2 do Hiệp định vay vốn ODA kết thúc và bổ sung thực hiện giai đoạn 2 của gói thầu CP1.

Cụ thể, đối với gói thầu số 2, việc lập dự toán bổ sung cho công tác giải phóng mặt bằng thiếu thận trọng có yếu tố chủ quan nên nhiều hạng mục đã được chủ đầu tư thanh toán cho nhà thầu không đúng với thực tế với số tiền hơn 2,58 tỷ đồng.

Kết luận thanh tra cũng nêu rõ, tư vấn thiết kế sử dụng định mức thi công 20% bằng thủ công và 80% bằng máy trong thiết kế, dự toán không đúng quy định, số tiền chênh lệch bao gồm: Hạng mục đào vét Hồ điều hòa (1,3,4) của gói thầu 02 chênh hơn 3,98 tỷ đồng; Hạng mục đào đường K95 của gói thầu 04 chênh hơn 569 triệu đồng, vi phạm quy định về định mức dự toán xây dựng của Bộ Xây dựng.

Việc bán thầu của một số nhà thầu sau khi trúng thầu sai quy định thu lợi bất chính. Cụ thể: Gói thầu số 04, nhà thầu thi công xây dựng là Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, qua 2 lần chuyển nhượng trái phép thu hơn 3,96 tỷ đồng. Gói thầu 8 giếng ngoài đê, nhà thầu thi công là Tổng công ty Cấp thoát nước và môi trường Việt Nam, qua 2 lần chuyển nhượng trái phép thu hơn 1,66 tỷ đồng.

Việc nhà thầu của gói thầu số 01, 02, 05 và 08 giếng ngoài đê thi công phần khối lượng phát sinh không có bản vẽ thi công và dự toán được duyệt nhưng tư vấn giám sát vẫn nghiệm thu xác nhận khối lượng để chủ đầu tư thanh toán cho nhà thầu.

Việc điều chỉnh thiết kế đối với một số hạnh mục của gói thầu xây dựng số 02, 04 và 05 liên quan đến đường nối kênh Giữa, đường Gom thuộc gói thầu CP2 đã gây lãng phí số tiền hơn 1,93 tỷ đồng.

Việc không tổ chức thực hiện một số nội dung công việc như: Chi phí kiểm định chất lượng công trình, bảo hiểm công trình, thẩm tra thiết kế, dự toán… trong dự toán của 8 gói thầu sử dụng vốn trong nước đã được phê duyệt, có giá trị hơn 3,27 tỷ đồng dẫn đến khó khăn trong việc kiểm tra được chất lượng công trình, kiểm soát được khối lượng, đơn giá, định mức để phê duyệt dự toán.

Kết luận thanh tra khẳng định, để xảy ra các tồn tại, sai phạm trong thực hiện dự án này trách nhiệm thuộc UBND TP.Hà Nội, Chủ đầu tư là Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội và các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan qua các thời kỳ. 

Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý về tài chính với sai phạm tài chính ở một số gói thầu của dự án qua thanh tra với tổng số tiền  hơn 13,3 tỷ đồng và hơn 4 triệu yên Nhật và số tiền hơn 3,27 tỷ đồng thuộc chi phí khác do không thực hiện.

Cụ thể, thu hồi về tài khoản tạm giữ của Thanh tra Chính phủ số tiền hơn 5,62 tỷ đồng gồm các khoản chuyển nhượng thầu trái phép của Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, CTCP Thiết bị và vật liệu xây dựng Hancorp, Tổng công ty Cấp thoát nước và môi trường Việt Nam và CTCP Xây dựng cấp thoát nước số 01. Xem xét loại khỏi quyết toán số tiền hơn 7,67 tỷ đồng và hơn 4 triệu yên Nhật trong đó có nhiều hạng mục có giá trị lớn của Tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội và Tổng công ty Xây dựng Hà Nội…

Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND TP.Hà Nội kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm của tập thể UBND TP và cá nhân có liên quan trong chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện dự án. Chỉ đạo Chủ đầu tư và Sở Quy hoạch kiến trúc điểm kiểm tập thể, cá nhân có liên quan và có hình thức xử lý đúng quy định.

Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng đô thị Bắc Thăng Long - Vân Trì có ổng vốn đầu tư hơn 100 triệu USD, trong đó vốn ODA (vay ưu đãi của Nhật Bản) là 18 triệu USD, vốn trong nước 104 triệu USD. Chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý Dự án Trọng điểm Phát triển Ðô thị Hà Nội.


Hà Nội hoàn thiện phương án sắp xếp lại nhà đất hàng loạt doanh nghiệp

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Công văn số 8440/VP-KT, yêu cầu sở, ngành liên quan hoàn thiện hồ sơ phương án sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất của một số đơn vị trên địa bàn thành phố.

Công văn nêu rõ, nhằm tăng cường công tác quản lý các trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố yêu cầu Sở Tài chính khẩn trương rà soát, hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu của UBND thành phố về việc hoàn thiện hồ sơ phương án sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước của Chi nhánh Xí nghiệp Môi trường đô thị huyện Thanh Trì thuộc Công ty TNHH một thành viên Môi trường Đô thị Hà Nội.

Cùng với đó, UBND thành phố yêu cầu bổ sung hồ sơ phương án sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất của Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội giai đoạn 4; bổ sung hồ sơ phương án sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội.

Đồng thời, tổng hợp ý kiến phương án sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà đất của Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy; phương án sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất của Chi nhánh Xí nghiệp Môi trường đô thị Đông Anh và Gia Lâm thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội. Báo cáo UBND thành phố xem xét, phê duyệt trong tháng 12/2015.


TPHCM sẽ tăng chế tài siết chặt việc công bố thông tin quy hoạch

Theo báo cáo của UBND TPHCM, đến nay trong số 283 đồ án quy hoạch đã có 210 đồ án được phê duyệt. Hiện còn 19 dự án chưa được đánh giá, rà soát lại để điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.

Luật Quy hoạch đô thị, Luật xây dựng 2014 đã quy định chi tiết về hình thức, nội dung, trách nhiệm công bố công khai về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. Theo đó, nội dung công bố công khai gồm: Các nội dung cơ bản của đồ án, quy định quản lý theo đồ án, thiết kế đô thị đã được ban hành; đồ án quy hoạch xây dựng được.

Các thông tin này được công bố công khai theo nhiều hình thức: Trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng; tổ chức hội nghị với sự tham gia của đại diện cơ quan, tổ chức liên quan, đại diện cộng đồng dân cư, cơ quan thông tấn, báo chí; trưng bày công khai, thường xuyên, liên tục tại nơi công cộng, UBND phường xã, cơ quan quản lý quy hoạch các cấp…

Để việc công bố công khai được hiệu quả, UBND thành phố đề nghị Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Xây dựng báo cáo UBND thành phố đôn đốc kiểm tra việc thực hiện công bố công khai quy hoạch theo quy định.

Tuy nhiên, thời gian qua những quy định này chưa được các cấp có thẩm quyền thực hiện một cách nghiêm túc. Từ đó dẫn đến việc thường xuyên xảy ra tranh chấp, khiếu kiện giữa người dân và chủ đầu tư. Một đại biểu cũng chỉ ra rằng: "Do thiếu quy hoạch, người dân luôn đi hỏi đại biểu. Sau đấy đại biểu đi hỏi cơ quan chức năng thì cũng được chỉ qua chỉ lại".

Tại phiên thảo luận tổ, vấn đề quy hoạch cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Đại biểu Cao Thanh Bình, Trưởng phòng Dân nguyện HĐND Tp.HCM cho rằng, trong các cuộc tiếp xúc cử tri từ đầu nhiệm kỳ đến nay, ở địa bàn nào người dân cũng “kêu” về quy hoạch, cụ thể là không nắm rõ thông tin quy hoạch đến đâu, chừng nào xóa “treo”. Tình trạng quy hoạch “treo”, dự án “treo” còn nhiều ở hầu hết địa bàn các quận, huyện. Nhiều khu vực công bố quy hoạch nhưng thực tế người dân phản ánh chưa hợp lý nhưng không thấy điều chỉnh.

Hay việc công khai quy hoạch chưa sâu, khó nắm bắt được thông tin quy hoạch đã được phản ánh nhiều lần trong các kỳ họp nhưng tới nay nhiều địa phương chưa chấn chỉnh, chưa thực sự công khai đến người dân. Người dân cần biết quy hoạch nhà mình là quy hoạch gì, lộ giới bao nhiêu, công bố điều chỉnh hàng năm ra sao… không biết hỏi ai…

Một số ý kiến cũng phản ánh rằng hiện nay trên địa bàn thành phố có rất nhiều dự án đầu tư lớn, nhưng chủ đầu tư hay cả chính quyền sở tại cũng không quan tâm đến việc công bố mọi thông tin quy hoạch. Điển hình như một dự án đầu tư khu du lịch lớn tại quận 9, việc người dân liên tục khiếu nại, khiếu kiện cũng bắt nguồn từ nguyên nhân không nắm bắt kịp các thông tin quy hoạch, thông tin về đền bù giải tỏa và tái định cư. Khi người dân gửi đơn đến các cơ quan chính quyền thì các bên liên quan mới “xì” ra những thông tin cần thiết.

Trao đổi với chúng tôi mới đây, ông Trần Minh Chiến, giám đốc một công ty vật liệu xây dựng tại Thủ Đức, cho biết gia đình ông có khu đất rộng gần 1.000m2, tiền thân là nơi sản xuất gạch và các loại vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, sau khi dự án Khu di tích đền Hùng được xây dựng, khu đất này buộc phải trả lại cho nhà nước mà gia đình ông không được giải thích nó có thuộc diện quy hoạch hay không.

“Nhiều người dân hoàn toàn không rõ rằng chính phần đất mà mình đang sinh sống hang chục năm trời thuộc diện bị giải tỏa trắng để trả đất làm dự án”, một đại biểu cho biết.

Do vậy, đại biểu Bình cho rằng công tác quy hoạch được cho là một trong vấn đề bức xúc nhất của cử tri hiện nay. Năm 2016 và những năm tiếp theo, thành phố cần có giải pháp quyết liệt hơn nữa trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch.

Về phần mình, ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Tp.HCM, cho biết, trong thời gian tới cơ quan này sẽ triển khai công bố quy hoạch đến tận tổ dân phố, đồng thời sử dụng mạng thông tin để phổ biến quy hoạch đến người dân trên toàn địa bàn thành phố (hiện đã thực hiện tại các quận 1, 4 và 10). Khi đó, vấn đề thông tin quy hoạch và công khai dự án đầu tư trên các khu vực quy hoạch người dân sẽ được tiếp cận dễ dàng hơn.

Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM vừa trình UBND Tp.HCM danh mục các dự án cần đất để triển khai trong năm 2016 với tổng diện tích đất cần thu hồi khoảng 3.300ha. Theo đó có tổng cộng 491 dự án cần thu hồi đất với diện tích gần 3.300ha. Trong số này có 298 dự án chuyển tiếp của năm 2015 sang với tổng diện tích gần 1.360ha và 198 dự án đăng ký mới với diện tích 1.932ha. Trong số lượng dự án cần thu hồi năm 2016 có cả dự án chuyển mục đích sử dụng đất dưới 10ha đất trồng lúa, dưới 20ha đất rừng phòng hộ.

Nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa hộ gia đình và cá nhân tại 9 quận huyện lên đến khoảng 1.800ha. Trong đó, huyện Hóc Môn có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng nhiều nhất với gần 510ha, kế đến là Cần Giờ 401ha, Củ Chi 172ha, Nhà Bè 50ha, quận 9 khoảng 100ha, Bình Tân 45ha…


Bộ Tài chính bác hàng loạt kiến nghị ưu đãi thuế của PVN

"Việc đề nghị giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đối với các mặt hàng xăng dầu vừa đề nghị tăng mức giá trị ưu đãi cho các sản phẩm xăng dầu của nhà máy lọc dầu Dung Quất là chưa hợp lý trong tương quan lợi ích của Nhà nước và doanh nghiệp", văn bản của Bộ Tài chính nêu rõ.

Bộ Tài chính đã có những phản hồi chính thức về những kiến nghị củaTập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) liên quan đến thuế nhập khẩu ưu đãi đối với các mặt hàng xăng dầu.

Cụ thể, về kiến nghị tác động của việc thực hiện cam kết giảm thuế nhập khẩu theo ATIGA đối với các sản phẩm dầu diezen, dầu hoả, dầu madut và nhiên liệu bay của công ty TNHH MTV lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) sản xuất, Bộ Tài chính đề nghị PVN thực hiện theo quy định hiện hành.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, Bộ sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến biến động của giá dầu thô để lựa chọn thời điểm điều chỉnh phù hợp theo nguyên tắc thực hiện theo đúng Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Đồng thời, phù hợp với sự biến động của giá xăng dầu thế giới, phương án điều hành giá xăng dầu trong nước.

Về kiến nghị lấy biểu thuế nhập khẩu áp dụng cho Công ty Bình Sơn từ năm 2016 là Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt, Bộ Tài chính cho biết Việt Nam đã ký kết 12 Hiệp định thương mại tự do (FTA) trong và ngoài khu vực. Mỗi FTA sẽ có lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với từng sản phẩm lọc dầu, hoá dầu khác nhau nên việc lấy mức thuế nhập khẩu làm cơ sở bao tiêu sản phẩm theo một biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt là không hợp lý.

"Mặt khác, hiện nay trong công thức tính giá cơ sở đối với sản phẩm xăng dầu làm cơ sở cho giá bán lẻ xăng dầu trong nước mức thuế nhập khẩu là mức thuế nhập khẩu ưu đãi", văn bản của Bộ Tài chính cho hay.

Về kiến nghị điều chỉnh tăng mức giá trị ưu đãi (phần giữ lại - PV) đối với sản phẩm xăng để đảm bảo tính hiệu quả của dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất và đảm bảo mục tiêu ban đầu của cơ chế tài chính của Công ty Bình Sơn do Chính phủ phê duyệt Bộ Tài chính dẫn Quyết định 952 và Quyết định 138 về cơ chế tài chính đối với nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Theo đó, mức giá trị ưu đãi là 3% áp dụng đối với sản phẩm hoá dầu, 5% đối với LPG và 7% đối với xăng, dầu.

"Việc đề nghị giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đối với các mặt hàng xăng dầu vừa đề nghị tăng mức giá trị ưu đãi cho các sản phẩm xăng dầu của nhà máy lọc dầu Dung Quất là chưa hợp lý trong tương quan lợi ích của Nhà nước và doanh nghiệp. Bộ Tài chính đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện theo đúng quy định", văn bản của Bộ Tài chính kết luận.

Trước đó, liên quan đến một số kiến nghị nêu trên, đại diện Công ty lọc hoá dầu Bình Sơn từng cho biết, việc Tập đoàn kiến nghị nhằm đảm bảo sự cạnh tranh thị trường lành mạnh, bình đẳng giữa sản phẩm do Nhà máy lọc dầu Dung Quất sản xuất ra và sản phẩm cùng loại được nhập khẩu từ các nước ASEAN.

Đồng thời, vị này cũng cho biết, chênh lệch thuế suất thuế nhập khẩu làm cho các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu chuyển sang mua các sản phẩm nhập khẩu từ các nước ASEAN để hưởng chênh lệch thuế, khiến xăng dầu của nhà máy lọc dầu Dung Quất gặp khó trong khâu tiêu thụ


Cty CP Y khoa Hoàn Mỹ: Bị kiện đòi gần 2,65 tỉ đồng

Cho rằng bị Cty CP y khoa Hoàn Mỹ đơn phương chấm dứt HĐLĐ hoặc chuyển làm công việc khác trái luật, một nhóm 5 NLĐ đã khởi kiện yêu cầu Cty này bồi thường gần 2,65 tỉ đồng.

Theo kế hoạch, sáng nay (8.12), TAND Q.1, TPHCM sẽ xét xử vụ bà T.T.M.S, nguyên là nhân viên phòng mua hàng Cty CP y khoa Hoàn Mỹ, khởi kiện Cty này với lý do bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật. Đây là một trong 5 vụ kiện mà Cty CP y khoa Hoàn Mỹ phải đối diện khi chấm dứt HĐLĐ hoặc chuyển NLĐ làm việc khác với nhóm nhân viên phòng mua hàng của Cty này với lý do tái cơ cấu.

Bí mật với người lao động

Theo trình bày của bà T.T.M.S, bà bắt đầu làm việc cho Cty từ 15.3.2012. Ngày 5.12.2014, Cty đã gửi thông báo giảm nhân sự (với lý do tình hình kinh tế của Cty) đến Sở LĐTBXH TPHCM, nhưng không có ý kiến của BCH CĐCS.

Mãi đến ngày 18.12.2014, Cty mới bắt đầu cho những nhân viên nghỉ việc biết bằng cách họp về chiến lược của công ty trong thời gian tới sẽ không còn bộ phận mua hàng. Điều này cũng được bà Nguyễn Thị Hồng Đào - Giám đốc Nhân sự Cty CP y khoa Hoàn Mỹ, nhìn nhận trong lần làm việc với PV . Lý do mà bà Đào đưa ra là: Không phải thông tin gì cũng phải cho NLĐ biết. Đây chỉ là bước mình làm với lao động (Sở LĐTBXH - PV), còn cái bước mình đưa cho người ta (người lao động - PV) là mình đưa quyết định và do tiền lương của NLĐ là vấn đề bí mật, không thể công khai.

Ngày 3.2, Cty CP y khoa Hoàn Mỹ tiếp tục xây dựng lại phương án lao động (với lý do thay đổi cơ cấu tổ chức) gửi Sở LĐTBXH. Trong phương án này không có phương án đào tạo lại và bố trí việc làm mới cho NLĐ bị mất việc.

Sau quá trình thông tin, trao đổi với nhóm nhân viên phòng mua hàng nói trên, nhưng không đạt được thỏa thuận để chấm dứt HĐLĐ, ngày 6.3, Cty CP y khoa Hoàn Mỹ đơn phương ra quyết định chấm dứt HĐLĐ với 4 NLĐ và chuyển làm công việc khác với 2 NLĐ.

Bà V.L.A, nguyên là Giám đốc mua hàng Cty CP y khoa Hoàn Mỹ, người bị chấm dứt HĐLĐ, bức xúc nói: “Cty không hề nghĩ đến việc đào tạo lại để tôi có việc làm mà chỉ nghĩ đến chấm dứt HĐLĐ với NLĐ”. Minh chứng cho nhận định của mình, bà V.L.A cung cấp vi bằng do Văn phòng Thừa phát lại quận 8, TPHCM lập ngày 13.4, theo đó, Cty CP y khoa Hoàn Mỹ vào thời điểm cho các nhân viên trên nghỉ việc vì lý do tái cơ cấu, thì vẫn đăng thông tin tuyển dụng công khai các vị trí như: “Operations manager” (tạm dịch là trưởng phòng quản trị) và “Supply chain Director” (tạm dịch giám đốc chuỗi cung ứng).

Ông Lê Cảnh Phúc, người bảo vệ quyền, lợi ích của bà L.A, phân tích: “Theo quy định tại khoản 1, Điều 44 BLLĐ, thì trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều NLĐ, thì người sử dụng LĐ có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phương án sử dụng LĐ theo quy định tại Điều 46 của bộ luật này; trường hợp có chỗ làm việc mới thì ưu tiên đào tạo lại NLĐ để tiếp tục sử dụng. Việc Cty vẫn đăng thông tin tuyển dụng giám đốc chuỗi cung ứng nhưng lại không đào tạo lại để bà V.L.A, đang là giám đốc mua hàng, có thể tiếp tục làm việc cho Cty là không đúng với tinh thần của điều luật trên”.

Chẻ nhỏ thu nhập để “né” BHXH?

Trong tổng số tiền gần 2,65 tỉ đồng mà 5 NLĐ đòi Cty CP y khoa Hoàn Mỹ bồi thường có khoản về truy đóng BHXH. Chẳng hạn như bà V.L.A, mặc dù lương theo thỏa thuận và thực nhận của bà đến gần 74 triệu đồng/tháng và thời điểm nghỉ việc là hơn 93 triệu đồng/tháng, nhưng nhiều năm liên tục, Cty CP y khoa Hoàn Mỹ chỉ đóng BHXH cho bà V.L.A ở mức cao nhất là 7.032.200 đồng, chưa đến 1/10 tiền lương thực nhận. Vì vậy, bà V.L.A yêu cầu Cty phải truy đóng bổ sung gần 87 triệu đồng tiền BHXH, trong thời gian 5 năm bà làm việc cho Cty CP y khoa Hoàn Mỹ.

Trường hợp khác là bà N.H.T.T, lương lúc cao nhất thực nhận là 20 triệu đồng, nhưng Cty chỉ đóng BHXH cho bà dựa trên tiền lương ở mức cao nhất là 4 triệu đồng, bằng 1/5 tiền lương thực tế. Theo ông Phúc, bản chất ở đây là Cty CP y khoa Hoàn Mỹ đã “chẻ nhỏ” thu nhập thực tế của NLĐ ra làm những khoản khác nhau để né tránh nghĩa vụ phải đóng BHXH cho NLĐ. Điều này khiến cho NLĐ sẽ phải chịu thiệt thòi về lâu dài khi nghỉ hưu.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục