tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin trong nước đọc nhanh chiều 26-10-2015

  • Cập nhật : 26/10/2015

Xét xử vụ 6 cán bộ nhận hối lộ 11 tỉ từ JTC

Sáng 26-10, TAND TP. Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án các quan chức thuộc Tổng công ty đường sắt Việt Nam nhận hối lộ ngoài hợp đồng từ nhà thầu Nhật Bản.

du an duong sat do thi ha noi tuyen so 1 yen vien - ngoc hoi trien khai tu nam 2013 - anh: q.the

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi triển khai từ năm 2013 - Ảnh: Q.Thế

6 bị cáo bị đưa ra xét xử về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ (khoản 3, điều 281 Bộ Luật hình sự) với khung hình phạt từ 10 đến 15 năm tù.

Sáu bị cáo gồm: Phạm Hải Bằng 46 tuổi, nguyên phó giám đốc Ban quản lý các dự án Đường sắt (RPMU) thuộc Tổng công ty đường sắt VN; Nguyễn Nam Thái, 38 tuổi, nguyên trưởng phòng thực hiện dự án 3, RPMU; Trần Văn Lục, 57 tuổi, nguyên giám đốc RPMU; Trần Quốc Đông, 51 tuổi, nguyên giám đốc RPMU, nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; Nguyễn Văn Hiếu, 53 tuổi, nguyên giám đốc RPMU và Phạm Quang Duy, 50 tuổi, nguyên phó giám đốc RPMU.

Vụ án bắt nguồn từ tháng 3-2014, khi báo The Yomiuri Shimbun (Nhật Bản) đưa tin Công ty tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) chi 80 triệu Yen cho các cán bộ thuộc Tổng công ty đường sắt Việt Nam.

Ngay sau đó, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công an phối hợp Viện KSND tối cao, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Ngoại giao chủ động xác minh và liên hệ với các cơ quan chức năng phía Nhật Bản để thu thập hồ sơ tài liệu.

Tháng 5-2014, cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam bốn bị can là lãnh đạo Ban quản lý các dự án đường sắt.

Cáo trạng của Viện KSND tối cao xác định năm 2008, Bộ Giao thông Vận tải có quyết định phê duyệt dự án xây dựng đường sắt đô thị tuyến số 1 (giai đoạn 1).

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giao Ban quản lý các dự án Đường sắt Việt Nam (RPMU) làm chủ đầu tư quản lý dự án.

Tháng 9-2009, Tổng công ty đường sắt Việt Nam ký hợp đồng dịch vụ tư vấn kỹ thuật dự án với Liên doanh do Công ty tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) đứng đầu.

Hợp đồng tư vấn sau đó đã được điều chỉnh nâng tổng giá trị lên 3,6 tỷ Yen Nhật và 236 tỷ đồng bằng nguồn vốn vay ODA và vốn đối ứng của Việt Nam.

Quá trình thực hiện hợp đồng, Phạm Hải Bằng, giám đốc RPMU nêu khó khăn của RPMU về chi phí triển khai thực hiện dự án và được đại diện JTC đồng ý hỗ trợ. Thực tế, JTC đã hỗ trợ khoảng 11 tỷ đồng.

Trong số đó, Phạm Hải Bằng quản lý sử dụng 4,8 tỷ đồng. Số tiền này các bị cáo khai đã sử dụng vào các hoạt động liên quan đến dự án như chi phí tổ chức lễ ký kết hợp đồng, hội họp, tiếp khách, đối ngoại, nghỉ mát, thưởng lễ cho nhân viên, hỗ trợ công đoàn...

Các bị cáo không mở sổ sách theo dõi việc sử dụng tiền, không báo cáo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Cáo trạng xác định hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn thỏa thuận nhà thầu JTC chi tiền ngoài hợp đồng của Phạm Hải Bằng và các cán bộ RPMU để sử dụng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam, ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác giữa VN và Nhật Bản trong việc vay vốn và sử dụng vốn vay ODA.

Hiện do phía Nhật Bản xử lý nhà thầu JTC nên đã làm ngưng trệ việc thực hiện dự án.

Quá trình điều tra, các bị can đã tự nguyện nộp tiền vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an để khắc phục hậu quả.


Vụ vận chuyển trái phép 11kg vàng: Áp dụng luật sai

 Nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết Viện KSND cấp cao tại Đà Nẵng vừa quyết định kháng nghị giám đốc thẩm bản án vụ vận chuyển trái phép 11,6kg vàng tại Đà Nẵng. 

Viện này cho rằng quyết định của bản án sơ thẩm của TAND quận Sơn Trà không phù hợp với những tình tiết khách quan vụ án và có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.

Đồng thời, đề nghị TAND cấp cao tại Đà Nẵng xét xử theo thủ  tục  giám  đốc thẩm hủy bản án nêu trên, giao cho TAND quận Sơn Trà xét xử lại theo đúng quy định của pháp luật. 

Theo hồ sơ vụ việc, đêm 23-5-2014, khi Đặng Gia Khánh (52 tuổi) và một người khác là lái xe đến khách sạn Biển Gió (phường Khuê Mỹ, quận Sơn Trà) lưu trú thì bị Công an TP Đà Nẵng khám xét ôtô và phát hiện trên xe có 11 khối vàng (nặng 11,6kg, trị giá hơn 10 tỉ đồng).

Sau đó, Viện KSND quận Sơn Trà đã truy tố Khánh về tội “vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới” theo khoản 3 điều 154 Bộ luật hình sự với khung hình phạt từ 5 năm đến 10 năm tù.

Tuy nhiên, sau đó TAND quận Sơn Trà chỉ tuyên phạt Khánh với mức án 2 năm tù, đồng thời tuyên trả lại chiếc ôtô cho vợ chồng Đặng Gia Khánh và bà Nguyễn Thị Mai Hoa vì cho rằng do đây là tài sản chung của vợ chồng, có nguồn gốc từ vay mượn của người khác. 

Theo Viện KSND cấp cao tại Đà Nẵng, việc tuyên phạt bị cáo Khánh 2 năm tù là quá nhẹ, không tương ứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội do bị cáo gây ra. 

Về chiếc ôtô, quá trình điều tra đã xác định được bị cáo Khánh dùng để cất giấu, vận chuyển vàng trái phép từ Lào về Việt Nam.

Đây là phương tiện dùng vào việc phạm tội nên cần tịch thu sung công quỹ, nhưng bản án của TAND quận Sơn Trà đã tuyên trả lại ôtô nói trên cho vợ chồng Đặng Gia Khánh và bà Nguyễn Thị Mai Hoa là trái pháp luật. 


VN là một trong 20 điểm đến yêu thích nhất thế giới

Theo tờ Business Insider, VN đã lọt vào tốp 20 điểm đến yêu thích nhất thế giới do tạp chí uy tính về du lịch Condé Nast Traveler (CNT) vừa mới công bố. Đây là kết quả từ chương trình bình bầu thường niên Readers' Choice Awards do CNT tổ chức.
Theo đó, VN xếp thứ 12 trong danh sách 20 đất nước đáng đến thăm trong đời. Đứng đầu bảng là nước Ý, kế đến lần lượt là Pháp và Mỹ. CNT dẫn lời đầu bếp nổi tiếng người Mỹ Anthony Bourdain cho hay việc đến thăm VN đã thay đổi cuộc đời ông. Những trải nghiệm được Bourdain mô tả bao gồm việc “nhâm nhi cà phê và ăn phở hằng ngày”, cũng như “khám phá hang động Sơn Đoòng lớn nhất thế giới ở công viên quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng”.

Phát hiện nhiều cơ sở sang chiết gas trái phép

Công an TP. Thanh Hóa đã phát hiện và xử lý nhiều cơ sở đang sang chiết gas trái phép với số lượng lớn. Lực lượng chức năng cũng đã tịch thu hàng trăm bình gas cùng nhiều vật dụng phục vụ chiết nạp gas.

Công an TP. Thanh Hóa đã ra quân tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở sang chiết nạp và kinh doanh gas trên địa bàn thành phố. Đợt đầu ra quân, đơn vị này đã phát hiện, xử lý  2 cơ sở đang sang chiết gas trái phép tại gia đình ông Lê Duy Đức, ở thôn Phú Quý và Lê Duy Cương, xã Quảng Tâm, TP. Thanh Hóa.

cong an tich thu nhieu binh gas sang chiet trai phep

Công an tịch thu nhiều bình gas sang chiết trái phép

Tại gia đình ông Đức, lực lượng quản lý hành chính về trật tự xã hội, công an TP. Thanh Hóa đã kiểm tra, bắt quả tang gia đình đang sang chiết gas trái phép từ bình gas lớn sang bình gas nhỏ bằng phương pháp thủ công với số lượng lớn. Tại chỗ, lực lượng công an đã phát hiện, thu giữ 14 bình gas loại 12 kg, gần 300 bình gas mini, cùng nhiều vật dụng phục vụ chiết nạp gas thủ công.

Còn tại cơ sở kinh doanh gas của gia đình ông Cương, lực lượng chức năng đã phát hiện cơ sở này đang sang chiết gas trái phép từ hệ thống bình lớn 12kg sang bình mini. Tại hiện trường, lực lượng công an đã lập biên bản vi phạm, đồng thời thu giữ 20 bình gas Việt Pháp loại 12kg, 21 bình gas mini.

Theo lời khai ban đầu của chủ các cơ sở thì mỗi bình gas loại 12kg có thể sang chiết ra 60 - 70 bình gas mi ni. Sau khi sang chiết, số bình gas này sẽ được vận chuyển đem rao bán cho các cửa hàng tạp hóa và khu vực ký túc xã sinh viên với giá 4.000 đồng - 5.000 đồng/bình. Vì lợi nhuận cao, những cơ sở kinh doanh gas này đã bất chấp những rủi ro có thể xảy ra với bản thân cũng như người sử dụng.


Thủ quỹ “ôm” hàng trăm triệu đồng, Chủ tịch xã lo “xoay xở”

Bà Lương Thị Lý - nguyên thủ quỹ xã Đức Yên (Đức Thọ, Hà Tĩnh) - đã nghỉ việc nhưng vẫn không chịu bàn giao số tiền hơn 100 triệu đồng vào ngân sách. Lãnh đạo xã không quyết liệt, thậm chí còn xin “nộp thay” cho bà Lý.

Bà Lương Thị Lý (quê xã Đức Yên, Đức Thọ) làm thủ quỹ xã từ năm 2007, nghỉ việc vào năm 2014. Trước đó, đoàn thanh tra tài chính UBND huyện Đức Thọ đã có kết luận yêu cầu thủ quỹ xã nộp lại số tiền 115 triệu đồng (làm tròn) vào ngân sách.

Ngày 18.5, xã Đức Yên tổ chức cuộc họp bàn giao thủ quỹ. Tại cuộc họp này, ông Nghiêm Xuân Hải - Chủ tịch UBND xã Đức Yên - đọc văn bản số 854 ngày 8.5.2015 của UBND huyện Đức Thọ về việc xử lý trong công tác bàn giao thủ quỹ xã Đức Yên. Trong công văn này thể hiện, thủ quỹ (bà Lương Thị Lý) phải nộp vào ngân sách 115 triệu đồng. Tuy nhiên, bà Lý đã phản ứng với quyết định này. Bà Lý nói: “Đề nghị phải tổ chức thanh kiểm tra tài chính từ năm 2007 thì tôi mới thực hiện bàn giao, nếu thanh kiểm tra từ năm 2012 như hiện nay thì tôi không bàn giao và đề nghị xã trả lại cho tôi 160 triệu đồng mà tôi đã nộp cho xã vì bản thân tôi không tiêu tiền của UBND xã”.

Trước yêu cầu của bà Lý, UBND xã Đức Yên đành chấp nhận chưa bàn giao được quỹ và xin ý kiến lãnh đạo huyện để xử lý. Một bất ngờ xảy ra là chủ trì cuộc họp kết luận: “Về tài chính theo thông báo của huyện, đồng chí chủ tịch UBND xã - chủ tài khoản - trực tiếp xoay xở vay mượn nộp vào ngân sách cho đồng chí thủ quỹ mới để đảm bảo ổn định tình hình trước đại hội Đảng bộ xã”.

Bí thư Đảng ủy xã Đức Yên - ông Nguyễn Đình Đức - xác nhận có cuộc họp nói trên, nguyên nhân bà Lý chưa nộp lại số tiền 115 triệu đồng theo yêu cầu của huyện là do bà Lý kiến nghị phải thanh tra từ 2007. “Xã đã tổ chức làm việc nhưng bà Lý không hợp tác. Đảng ủy đã giao cho bên chính quyền tiếp tục làm việc với bà Lý, nếu không giải quyết được thì báo cáo lên cấp trên”, ông Đức cho hay. Được biết, ông Nghiêm Xuân Hải đã thôi chức Chủ tịch UBND xã, chuyển sang làm Chủ tịch UBMTTQ xã.

“Tại sao thủ quỹ làm âm hàng trăm triệu đồng mà lãnh đạo xã lại không quyết liệt, có vẻ sợ sệt, rồi lại còn đứng ra xin xoay tiền để nộp thay? Tôi cho là có vấn đề, đề nghị cơ quan chức năng phải làm rõ vụ việc”, một cán bộ xã Đức Yên bức xúc.(LĐ)


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục