tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 18-06-2016

  • Cập nhật : 18/06/2016

1/3 người TPHCM và 1/5 người Hà Nội sống không có hộ khẩu

5,6 triệu người tại các địa bàn khảo sát không có hộ khẩu thường trú ở nơi họ cư trú. Con số này bao gồm 36% dân cư của TPHCM và 18% dân cư ở Hà Nội.

Báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết: Có ít nhất 5,6 triệu người tại địa bàn khảo sát hiện không có hộ khẩu thường trú ở nơi họ cư trú (và chỉ đăng ký tạm trú).

Trong đó, có 36% dân cư ở TPHCM và 18% ở Hà Nội. Đa số làm việc ở khu vực tư nhân, phần lớn trong lĩnh vực chế tạo, và chiếm tới 3/4 tổng số lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư ở nước ngoài ở các tỉnh thành khảo sát (gồm TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương và Đắk Nông).

Khả năng tiếp cận của họ tới các dịch vụ như trường học công, mua bảo hiểm y tế và thậm chí cả việc đăng ký xe máy đều bị hạn chế.

Theo báo cáo, trẻ em đăng ký tạm trú ít có khả năng được nhận vào học ở các trường tiểu học và trung học cơ sở, và 1/4 số trẻ tạm trú vẫn không có thẻ bảo hiểm y tế mặc dù có chính sách trên toàn quốc về việc khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi.

Lý do chính của tình trạng trên là do tình trạng hộ khẩu của các em, báo cáo cho biết.

Việc đăng ký hộ khẩu bị siết chặt hơn với Luật Cư trú sửa đổi năm 2013 trước lo ngại về tình trạng đô thị hóa quá nhanh gây sức ép về cơ sở hạ tầng và dịch vụ xã hội của các thành phố.

Các yêu cầu đối với hộ khẩu thường trú bị thắt chặt hơn, đáng kể nhất là yêu cầu phải sống liên tiếp 2 năm ở thành phố trực thuộc trung ương thay vì chỉ 1 năm như trước đó.

Riêng với Hà Nội , Luật Thủ đô năm 2012 còn thắt chặt hơn nữa với yêu cầu phải sống liên tiếp ở thành phố 3 năm, đồng thời có các yêu cầu tối thiểu đối với nhà ở cần thiết cho những người muốn xin nhập hộ khẩu.

Hệ thống hộ khẩu ra đời từ 50 năm trước như là một biện pháp nhằm đảm bảo an ninh trật tự xã hội, kế hoạch hóa kinh tế và quản lý di cư. Ngày nay, người dân có những quan điểm khác nhau về hệ thống hộ khẩu, và đa số đều cho rằng hệ thống này cần được nới lỏng hơn do đã hạn chế quyền lợi của người di cư và tạo cơ sở cho tiêu cực tham nhũng.

“Ngày nay, hệ thống đăng ký hộ khẩu không còn phù hợp trong điều hành và quản lý xã hội ở Việt Nam, vốn đang trải qua những thay đổi lớn theo định hướng đổi mới và hội nhập quốc tế”, ông Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết.

“Hệ thống này cần được thay thế bởi một công cụ hiện đại và khoa học hơn, thông qua đó tạo điều kiện dễ dàng và hòa nhập hơn cho cuộc sống người dân.”


Luôn hoan nghênh và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư Hàn Quốc hoạt động tại Việt Nam

Đó là khẳng định của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng tại buổi tiếp ông Sangche Lee – Giám đốc Chương trình BOK-KPP, nghiên cứu viên cao cấp, Học viện Tài chính Hàn Quốc vừa diễn ra tại Hà Nội.

tai buoi tiep, pho thong doc nhnn nguyen thi hong nhiet liet chao mung doan den tham va lam viec tai nhnn viet nam.

Tại buổi tiếp, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhiệt liệt chào mừng Đoàn đến thăm và làm việc tại NHNN Việt Nam.

Phó Thống đốc khẳng định: Việt Nam và Hàn Quốc đang ở giai đoạn phát triển rất mạnh mẽ, hiện Hàn Quốc là đối tác hàng đầu của Việt Nam về đầu tư trực tiếp nước ngoài. Quan hệ hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc trong lĩnh vực ngân hàng ngày càng được củng cố và phát triển. Các cơ quan quản lý tiền tệ, ngân hàng hai nước đã thiết lập và triển khai nhiều cơ chế và chương trình hợp tác.

Chính phủ Việt Nam luôn hoan nghênh và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Hàn Quốc hoạt động, đầu tư hiệu quả tại Việt Nam.

Ông Sangche Lee cảm ơn Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã dành thời gian tiếp và tạo điều kiện chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm hợp tác giữa hai bên.

Trên cơ sở Bản ghi nhớ về hợp tác và hỗ trợ kỹ thuật giữa NHNN Việt Nam và Ngân hàng Trung ương (NHTW) Hàn Quốc ký năm 2004, NHTW Hàn Quốc đã lựa chọn NHNN Việt Nam làm đối tác triển khai chương trình Đối tác chia sẻ kiến thức NHTW Hàn Quốc (BOK-KPP).

Đây là chương trình nghiên cứu kết hợp hai bên giữa NHNN Việt Nam và NHTW Hàn Quốc. Viện Tài chính Hàn Quốc được chỉ định là đơn vị chính tiến hành các công việc nghiên cứu này. Đây là học viện kinh tế hàng đầu nổi tiếng và uy tín nhất Hàn Quốc.

Cũng tại buổi tiếp, Phó Thống đốc chia sẻ, việc tham khảo kinh nghiệm thực tế của các nước tiên tiến có một số điểm tương đồng với Việt Nam rất quan trọng. Nó sẽ làm cơ sở tham khảo và áp dụng trong quá trình hoạch định chính sách trong trung và dài hạn của NHNN VIệt Nam.


Mitsubishi Corporation (Vietnam) sẽ nỗ lực hết mình trong việc phối hợp với các đối tác tại Việt Nam

Ngày 16/6/2016, tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã có buổi tiếp ông Tetsu Funayama – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mitsubishi Corporation Vietnam.

Tại buổi tiếp, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chúc mừng ông Tetsu Funayama mới được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mitsubishi Corporation Vietnam (từ tháng 4/2016).

Phó Thống đốc đánh giá cao hoạt động của Tập đoàn Mitsubishi Corporation nói chung cũng như tại Việt Nam nói riêng với tư cách là một trong những tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản cũng như trên thế giới.

NHNN hoan nghênh việc nâng cấp hoạt động tại Việt Nam từ Văn phòng đại diện lên hình thức Công ty TNHH của Mitsubishi đã thể hiện sự tin tưởng cũng như cam kết kinh doanh lâu dài tại thị trường Việt Nam của Mitsubishi.

Cảm ơn Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã dành thời gian tiếp, ông Tetsu Funayama đồng tình với những chia sẻ của Phó Thống đốc tại buổi tiếp, đồng thời giới thiệu hoạt động của Công ty Mitsubishi toàn cầu cũng như tại Việt Nam.

Theo đó, Công ty Mitsubishi Corporation là một doanh nghiệp kinh doanh tổng hợp toàn cầu, trong đó công ty thực hiện phát triển và điều hành việc kinh doanh trên hầu hết các lĩnh vực công nghiệp bao gồm: tài chính công nghiệp, năng lượng, kim khí, cơ khí, hóa chất, thực phẩm và kinh doanh môi trường.

Các hoạt động hiện tại của Mitsubishi Corporation đang mở rộng vượt xa các hoạt động thương mại truyền thống của công ty, trong đó công ty đa dạng hóa phạm vi kinh doanh từ việc phát triển các nguồn tài nguyên thiên nhiên đến việc đầu tư vào các ngành như: bán lẻ, cơ sở hạ tầng, sản phẩm tài chính và sản xuất các mặt hàng công nghiệp.

Với hơn 200 văn phòng và công ty con tại khoảng 90 nước trên toàn thế giới và một mạng lưới gồm hơn 600 công ty thuộc tập đoàn, Công ty Mitsubishi Corporation sở hữu hệ thống nhân viên đa quốc gia với hoen 65.000 người.

Công ty TNHH Mitsubishi Corporation Vietnam được thành lập ngày 01/4/2016, vốn điều lệ 600 triệu Yên (tương đương 110 tỷ đồng) với ngành nghề kinh doanh gồm: Dịch vụ tư vấn quản lý, dịch vụ hành chính văn phòng tổng hợp và dịch vụ nghiên cứu thị trường.

Nội dung hoạt động của Mitsubishi Corporation (Vietnam) là cung cấp các dịch vụ hỗ trợ các hoạt động của công ty mẹ và các công ty có vốn đầu tư như: Thu thập thông tin về Chính phủ, các đối tác kinh doanh; Hỗ trợ các hoạt động thương mại và tiếp thị của các đối tác; Hỗ trợ các hoạt động kế hoạch hành chính tổng hợp.

Ông Tetsu Funayama - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Mitsubishi Corporation (Vietnam) bày tỏ sự cảm ơn về những hỗ trợ và hợp tác của NHNN dành cho Công ty tại Việt Nam trong suốt thời gian qua. Mitsubishi Corporation (Vietnam) cam kết nỗ lực hết mình trong việc phối hợp với các đối tác tại Việt Nam để mang lại những giá trị thiết thực và hiệu quả nhất


Ưu tiên mua tạm trữ tại địa phương có muối tồn đọng lớn

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Tổng Công ty Lương thực miền Bắc thực hiện nhiệm vụ mua tạm trữ muối niên vụ 2016 của diêm dân, bảo đảm việc mua tạm trữ có tính đến sản lượng muối của từng địa phương và ưu tiên mua tạm trữ tại địa phương có muối tồn đọng lớn.

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Phó Thủ tướng yêu cầu Tổng Công ty Lương thực miền Bắc sử dụng nguồn vốn nhà nước tại Công ty mẹ (trong đó có số dư Quỹ dự phòng tài chính tại thời điểm 31/12/2013) để thực hiện nhiệm vụ mua tạm trữ muối niên vụ 2016.

Tổng Công ty Lương thực miền Bắc có thể trực tiếp mua hoặc giao nhiệm vụ cho doanh nghiệp thành viên là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có chức năng kinh doanh muối thực hiện nhiệm vụ tạm trữ muối từ nguồn vốn nhà nước nêu trên. Việc mua tạm trữ muối thực hiện theo cơ chế thị trường và bảo đảm mục tiêu bình ổn giá muối trên thị trường giúp cho người sản xuất tiêu thụ muối với giá có lợi. Tổng Công ty Lương thực miền Bắc tự chịu trách nhiệm về tiêu thụ, hiệu quả kinh doanh và có trách nhiệm hoàn trả lại nguồn vốn nhà nước dùng để sử dụng vào mục tiêu dự trữ lưu thông sau khi tiêu thụ xong lượng muối tạm trữ. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc, kịp thời báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, giải quyết; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có sản xuất muối kiểm tra, giám sát việc thực hiện mua muối tạm trữ; chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất hóa chất ưu tiên sử dụng muối sản xuất trong nước nếu đáp ứng được yêu cầu chất lượng cho sản xuất hóa chất và giá cả không quá cao so với muối nhập khẩu.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục