"Đừng có lúc cưới con gái người ta thì tử tế, lấy về thì hành hạ", "Không để tình trạng trên trải thảm đỏ dưới có đinh"... là những câu nói ấn tượng của Thủ tướng về kinh doanh.
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh chiều 28-04-2016
- Cập nhật : 28/04/2016
Chủ đầu tư đường ống Sông Đà lên phương án hủy thầu với đối tác Trung Quốc
Công ty Nước sạch Vinaconex (Viwasupco) cho biết đang gấp rút thực hiện các nội dung của chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và UBND thành phố Hà Nội về việc dừng ký kết hợp đồng đối với nhà thầu Xingxing (Trung Quốc).Cụ thể, phía Viwasupco đã thuê một hãng luật để hỗ trợ, đánh giá các hậu quả của việc hủy thầu hoặc không ký kết hợp đồng đối với Công ty TNHH ống gang dẻo Xingxing. Sau khi có ý kiến của Luật sư, công ty đang tính đến hai phương án.
Viwasupco cho biết đang khẩn trương tiến hành các công việc liên quan đến nhà thầu Xingxing để báo cáo Thủ tướng.
Thứ nhất là để phía Xingxing đơn phương rút khỏi dự án và Viwasupco sẽ trả lại tiền bão lãnh đồng thời lên phương án bồi thường.
Thứ hai, Xingxing có thể khởi kiện khi cơ quan chức năng không tìm thấy các vi phạm trong quá trình đấu thầu của Xingxing. Khi đó chủ đầu tư sẽ vi phạm khi không ký hợp đồng với đơn vị thắng thầu. Việc kiện tụng cũng làm phát sinh nhiều chi phí.
Ban lãnh đạo công ty cho biết đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ các công việc liên quan đến Xingxing để báo cáo Thủ tướng và các cơ quan chức năng khác.
Trước đó, việc Xingxing trúng thầu cung cấp đường ống nước sông Đà giai đoạn 2 với giá rẻ hơn 10% so với giá phê duyệt đã gây nhiều phản ứng trong dư luận, nhất là sau những bê bối trong quá khứ của đường ống này và nhà thầu. Ngày 6/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo tạm dừng ký hợp đồng với nhà thầu này.
Dự án xây dựng hệ thống cấp nước sông Đà cho gần 200.000 hộ dân dọc chuỗi đô thị từ Sơn Tây đến Hà Đông được khởi công năm 2004 và chia thành hai giai đoạn. Đường ống số một hoàn thành năm 2009 với công suất 300.000 m3 một ngày đêm.
Sau 6 năm, ống đã bị vỡ 17 lần khiến cuộc sống của khoảng 70.000 hộ dân thuộc 6 quận nội thành Hà Nội thường xuyên bị ảnh hưởng. Nguyên nhân ống vỡ được cơ quan chức năng chỉ ra là do chất liệu composite cốt sợi thủy tinh không phù hợp trên nền đất phức tạp. 9 cựu quan chức của Vinaconex vì việc này đã vướng vào lao lý.
Giai đoạn hai của dự án có tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng từ nguồn vốn tự có và vay ngân hàng thương mại. Thời gian thi công dự kiến trong 48 tháng. Sau khi hoàn thành, tuyến ống có tổng chiều dài 47,6 km nâng công suất cấp nước lên gấp đôi so với giai đoạn một: 600.000 m3 một ngày đêm.
Bình Dương có thêm khu công nghiệp đô thị rộng 2.200 ha
Ngày 27/4, tỉnh Bình Dương đã tổ chức khởi động xây dựng khu công nghiệp đô thị Bàu Bàng, huyện Bàu Bàng (Bình Dương) với quy mô rộng 2.200 ha. Đây là chuỗi đô thị hiện đại trong quy hoạch của tỉnh nhằm đưa Bình Dương trở thành thành phố loại một trực thuộc Trung ương đến trước năm 2020.
Dự án có diện tích hơn 2.200 ha, trong đó 1.200 ha dành cho tái định cư, phát triển đô thị, còn lại dành cho phát triển hạ tầng giao thông, khu công nghiệp.
Cho đến nay, riêng khu công nghiệp rộng 1.000 ha đã có gần 100 doanh nghiệp nước ngoài đăng ký đầu tư với số vốn 1,2 tỷ USD.
Dự án nằm trong vùng kết nối giao thông với các tuyến giao thông huyết mạch trong tỉnh và vùng trọng điểm kinh tế phía Nam như tuyến đường sắt xuyên Á, tuyến đường Hồ Chí Minh... Trong giai đoạn tiếp theo, khả năng khu công nghiệp đô thị Bàu Bàng sẽ mở rộng quy mô hơn 3.200 ha. Tại đây có khu trung tâm hành chính cao 8 tầng, rộng 20.000m2.
Như vậy, đây là dự án rộng thứ hai cả về quy mô, diện tích sau dự án khu liên hợp công nghiệp đô thị Bình Dương rộng 4.196 ha.
Tại lễ khởi động, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã trao giấy phép đầu tư cho các doanh nghiệp, trong đó đáng chú ý là việc thông qua ký kết giữa tỉnh Bình Dương với Phòng Thương mại Hoa Kỳ về việc xúc tiến xây dựng khu công nghiệp Việt Mỹ tại địa phương.
TP.HCM: Ươm tạo 25 doanh nghiệp công nghệ vi mạch và hệ thống nhúng
Ông Dương Minh Tâm, Phó ban Quản lý SHTP, cho biết từ năm 2012 TP.HCMđã xây dựng chương trình phát triển công nghiệp vi mạch và đặt mục tiêu phát triển công nghệ vi mạch điện tử thành phố trở thành ngành kinh tế chủ lực, tăng trưởng từ 20% đến 30%/năm. Trong đó, đề án ươm tạo doanh nghiệp (DN) vi mạch và hệ thống nhúng là đề án quan trọng, hướng đến sự phát triển bền vững, lâu dài của nền công nghiệp vi mạch thành phố trước sự cạnh tranh của thị trường thế giới.
Mục tiêu chính của đề án là phát triển mạng lưới liên kết các vườn ươm DN công nghệ hỗ trợ ươm tạo DN công nghệ vi mạch và hệ thống nhúng; đào tạo đội ngũ nhân lực trình độ cao về quản lý, chuyên môn kỹ thuật; ươm tạo 25 DN khoa học công nghệ hoạt động trong lĩnh vực công nghệ vi mạch và hệ thống nhúng trong giai đoạn 2015-2020.
Theo ông Tâm, các dự án khi tham gia chương trình sẽ được hỗ trợ đào tạo, tư vấn kỹ thuật, kinh doanh, sở hữu trí tuệ và tài trợ kinh phí hoàn thiện sản phẩm mẫu, văn phòng làm việc, hỗ trợ các thiết bị để kiểm thử/hoàn thiện sản phẩm, quảng bá… để phát triển thành các sản phẩm thương mại hóa thành công.
Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM được giao là đơn vị chủ trì của chương trình, cùng các đơn vị phối hợp: ĐH Quốc gia TP.HCM, các sở - ngành,Hội Công nghệ Vi mạch Bán dẫn, các trung tâm ươm tạo trên địa bàn thành phố, các DN trong và ngoài nước cùng thực hiện Đề án ươm tạo doanh nghiệp công nghệ vi mạch và hệ thống nhúng.
Nếu kiểm soát không tốt, nguy cơ nợ xấu sẽ tăng trở lại
Đó là cảnh báo mà Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đưa ra tại cuộc làm việc với Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC0, diễn ra hôm nay (27-4).
Theo đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng vấn đề xử lý nợ xấu được Đảng, Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và người dân rất quan tâm; tuy nhiên hiệu quả xử lý nợ xấu chưa như mong muốn, nếu không có cơ chế kiểm soát, quản trị tốt thì có khả năng gia tăng nợ xấu trở lại. Trong khi đó, một trong những công cụ xử lý nợ xấu là VAMC lại còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế, pháp lý, trình độ, quản lý trong thực hiện nhiệm vụ.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cảnh báo nếu quản trị không tốt thì nguy cơ nợ xấu sẽ tăng trở lại. Ảnh: TP
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu trong thời gian tới, các bộ liên quan chủ động phối hợp chặt chẽ với ngành ngân hàng trong quá trình xử lý nợ xấu. “Nếu coi xử lý nợ xấu là việc của Ngân hàng Nhà nước và VAMC thì xử lý sẽ rất khó khăn” - ông Huệ nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch HĐQT VAMC, tính đến nay VAMC đã mua được 24.556 khoản nợ có tổng dư nợ gốc là 244.082 tỉ đồng và giá mua là 208.636 tỉ đồng. Bước đầu, VAMC đã phân loại, đánh giá, phân tích được thực trạng các khoản nợ xấu đã mua để xác định các biện pháp xử lý nợ phù hợp.
Hải quan truy thu hơn 80 tỷ đồng linh kiện xe máy nhập khẩu
Một vụ nhập khẩu linh kiện xe máy khai báo không chính xác trong quá trình làm thủ tục hải quan tại một trong những doanh nghiệp sản xuất xe máy lớn nhất Việt Nam đã được Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) phát hiện, truy thu số tiền hơn 80 tỷ đồng.
Theo Cục Kiểm tra sau thông quan, quá trình làm thủ tục nhập khẩu doanh nghiệp khai báo tên hàng là “Lõi trượt của puly chủ động”, “Bộ kẹp trượt bi văng”, “Bộ bi văng” để lắp ráp xe máy tay ga: là các chi tiết chỉ dùng cho xe máy, được lắp trong bộ truyền chuyển động (dạng puly - dây đai) để truyền chuyển động từ động cơ sang Bộ giảm tốc (Transmission). Mã số khai báo đối với Bi văng là 8482.10.00 thuế nhập khẩu 3%, Kẹp trượt bi văng là 3926.30.00 thuế nhập khẩu 20%, Lõi trượt bi văng là 8409.91.49 thuế nhập khẩu 10%.
Tuy nhiên theo tài liệu do Cục Kiểm tra sau thông quan thu thập, phân tích cho thấy các mặt hàng trên, nếu nằm trong động cơ xe máy sẽ thuộc nhóm 8409 hoặc nhóm 8483 thuế nhập khẩu 10%. Nhưng nếu nằm ngoài động cơ xe máy tay ga thì thuộc nhóm 8714 thuế nhập khẩu 32%.
Để làm rõ linh kiện do nhập khẩu có nằm ngoài động cơ xe máy hay không, Cục Kiểm tra sau thông quan đã thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa, kiểm tra bản vẽ thiết kế và yêu cầu doanh nghiệp giải trình làm rõ công dụng, cấu tạo và bản chất của hàng hóa nhập khẩu.
Để đảm bảo cơ sở pháp lý nhằm không gây thiệt hại về quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp, không gây thất thu cho ngân sách Nhà nước, Cục Kiểm tra sau thông quan tiếp tục trưng cầu ý kiến của nhiều đơn vị có chuyên môn trong và ngoài ngành như: Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính); Cục Thuế xuất nhập khẩu, Trung tâm phân tích phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan); Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ).
Theo kết quả phân tích của các cơ quan chuyên môn, trong động cơ có các linh kiện: Trục khuỷu, píttông, vòng găng, van (xupap) được bôi trơn bằng dầu động cơ. Còn các mặt hàng do doanh nghiệp nhập khẩu nêu trên là các chi tiết thuộc “Má puly động” không được bôi trơn bằng dầu động cơ, nằm ngoài động cơ xe máy tay ga.
Căn cứ nội dung mô tả hàng hóa của nhóm 8714, các phân nhóm trong nhóm 8714, và các quy định liên quan, các mặt hàng “Bi văng, kẹp trượt, lõi trượt để lắp ráp xe máy tay ga” phù hợp phân loại vào nhóm 8714, mã số chi tiết 8714.10.90, có thuế suất Thuế nhập khẩu 32%. Tổng số tiền thuế chênh lệch của các tờ khai đã được doanh nghiệp nhập khẩu trong thời điểm kiểm tra là hơn 80 tỷ đồng.
Một số cán bộ kiểm tra sau thông quan trực tiếp thực hiện kiểm tra vụ việc nêu trên cho hay: Để thực hiện thành công việc kiểm tra đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp xe gắn máy ngoài kiến thức, kinh nghiệp về hoạt động hải quan, cán bộ công chức trực tiếp kiểm tra còn phải nghiên cứu, tìm hiểu, phân tích nhiều tài liệu kỹ thuật. Ví dụ như trong vụ việc kiểm tra linh kiện của doanh nghiệp sản xuất xe máy kể trên, lực lượng Kiểm tra sau thông quan phải nghiên cứu tỉ mỉ các tài liệu kỹ thuật về sản xuất xe máy, tài liệu liên quan đến phân loại hàng hóa, trong đó có những khái niệm rất kỹ thuật như “bộ phận (của động cơ)” và “bộ phận và phụ kiện (của đông cơ và linh kiện xe máy)”... Sau khi nghiên cứu họ mới vỡ lẽ “bộ phận” và “bộ phận và phụ kiện” không áp dụng cho các sản phẩm mà doanh nghiệp khai báo vào nhóm “84” thực chất phải là hàng hóa nằm trong nhóm “87”.
Để doanh nghiệp “tâm phục khẩu phục” với kết quả kiểm tra, sau khi củng cố đầy đủ cơ sở tài liệu về kỹ thuật, về phân loại hàng, chính sách thuế… cơ quan Hải quan tiếp tục cho doanh nghiệp được giải trình, chứng minh việc khai báo hàng hóa nhập khẩu, khi doanh nghiệp không chứng minh được và nhận thấy kết quả kiểm tra hợp lý của cơ quan Hải quan nên đã chấp hành nghiêm túc quyết định truy thu thuế.