Có rất nhiều đánh giá của cộng đồng về vai trò của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đối với sự phát triển của đất nước thời gian qua. Nhìn chung khen là chủ yếu nhưng vẫn có chê. Tuy nhiên, cao hơn là những băn khoăn của dư luận về những thay đổi, biến động trong tương lai của FDI không dễ nắm bắt.
Biên chế đội nợ công
- Cập nhật : 18/10/2017
Việt Nam là một trong số quốc gia có tỉ lệ nợ trên GDP tăng nhanh nhất, khoảng 10% trong 5 năm qua.
Giáo sư Angus Deaton, người đạt giải Nobel Kinh tế năm 2015, từng nói “nhà nước yếu kém làm đất nước nghèo”.
10% dân số ăn lương từ ngân sách
Tổng chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước chiếm đến 67%, số lượng người hưởng lương từ ngân sách đã chiếm tới xấp xỉ 10% dân số... Qua 4 lần cải cách, số cán bộ công chức ngày càng phình to và trở nên trầm trọng. Đây là những con số khổng lồ của bộ máy hành chính cồng kềnh và kém hiệu quả. Trước niềm vui bất ngờ về tăng trưởng GDP đột biến quý III vẫn đang râm ran, những thông tin cập nhật về nợ công trong bản tin số 5 của Bộ Tài chính đã không nhận được nhiều chú ý. Cũng có thể lý giải, khi người Việt đã quen với gánh nặng hơn 1.000USD trên lưng, nợ công nợ vượt 2 triệu tỉ đồng (94,3 tỉ USD), tương đương 61% GDP, thông tin mới có thể chỉ được xem như một con số khác.
Thế nhưng, Báo cáo Đánh giá chi tiêu công Việt Nam được World Bank công bố mới đây lại gây ra một tác động lớn hơn hẳn. Từng không tiếc những lời khen có cánh dành cho kinh tế Việt Nam, Báo cáo vẫn chỉ rõ, Việt Nam là một trong số quốc gia có tỉ lệ nợ trên GDP tăng nhanh nhất, khoảng 10% trong 5 năm qua. Thêm nữa, khoảng 50% nợ trong nước Việt Nam sẽ đáo hạn trong 3 năm tới.
Theo tính toán của World Bank, nếu mức bội chi khoảng 5,6% GDP giai đoạn 2011-2015 vẫn được duy trì thì tỉ lệ nợ công sẽ vượt trần cho phép (65% GDP) những năm tới, kể cả khi tăng trưởng GDP ở mức cao và chi phí huy động vẫn còn tương đối thuận lợi. Mặt khác, dư địa ngân sách đang ngày càng mỏng, khiến nợ công có thể trở nên mất bền vững ngay cả trước những cú sốc nhẹ của nền kinh tế, thị trường.
Bội chi liên tiếp trong các năm khiến cho việc tăng thu từ người dân và doanh nghiệp phải thực hiện nhiều hơn nghĩa vụ cân đối chi thường xuyên, chưa nói gì đến việc trả nợ. Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm lo ngại, nếu bội chi ngân sách nhà nước cứ thường xuyên cao như hiện nay để nuôi bộ máy thì sẽ đến lúc trần nợ công bị phá vỡ. Người dân đi làm chỉ để trả nợ, Chính phủ thì phải vay tiền để nuôi bộ máy công chức.
Quan trọng hơn, lâu nay, tăng trưởng ở Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào vốn vay nhưng lại không hiệu quả. Dường như 12 đại dự án thua lỗ cả ngàn tỉ của Bộ Công Thương vẫn chỉ là phần nổi của tảng băng trong nạn đầu tư công lãng phí ở Việt Nam. Hệ quả là nợ công tăng nhanh mà Việt Nam vẫn rất khó khăn trong việc thu xếp nguồn trả nợ. Trong bối cảnh này, việc tinh giản biên chế sẽ là giải pháp tức thời và hiệu quả hơn cho cân đối ngân sách, giảm gánh nặng nợ công. Vì vậy, Đề án sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đang được thảo luận tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII được dư luận đặt rất nhiều kỳ vọng.
Nhà nước nhẹ gánh, doanh nghiệp nhẹ lòng
Khi doanh nghiệp tư nhân đang được coi là động lực của nền kinh tế, chủ trương tinh giản biên chế, tăng hiệu lực của bộ máy quản lý nhà nước ngay lập tức được xem xét dưới góc độ lợi ích cho khối doanh nghiệp này. Những tác động tích cực, cả trực tiếp lẫn gián tiếp, đã được đưa ra, càng chứng minh cho sự cần thiết phải đưa chủ trương vào thực tiễn.
Trao đổi với NCĐT, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phân tích, xét theo logic thuần túy, bộ máy giảm đi đồng nghĩa với việc số người tham gia quấy nhiễu, gây khó cho doanh nghiệp sẽ giảm. Mặt khác, do gánh nặng chi tiêu để nuôi bộ máy được giảm nhẹ, trách nhiệm và nghĩa vụ đóng góp của doanh nghiệp cho nhà nước cũng sẽ bớt nặng nề. Từ lợi ích gián tiếp này, doanh nghiệp sẽ có điều kiện tăng khả năng tích lũy để tái đầu tư, tăng khả năng cạnh tranh, đặc biệt với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Thực trạng tiêu cực của bộ máy hành chính và một bộ phận đội ngũ công chức, viên chức hiện đang gây khó cho sự ổn định và phát triển đất nước vì tăng thêm lực cản từ sự trì trệ, quan liêu, bảo thủ. “Hệ thống quản lý đông, chồng chéo, quá nhiều người ngồi vẽ ra đủ các điều kiện gây khó cho doanh nghiệp và xã hội nhân danh mục đích quản lý. Thực tế là mục đích quản lý đích thực không đạt được, những vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn giao thông, an ninh trật tự xã hội... vẫn còn nguyên, trong khi doanh nghiệp đã khó càng khó khăn hơn. Theo công bố của VCCI, chi phí không chính thức không giảm qua nhiều năm, có thể phát sinh ở mọi công đoạn kinh doanh và trong tất cả quá trình thực thi quy định pháp luật. Hệ quả trực tiếp là giá cả tăng, người tiêu dùng chịu. Nhìn xa hơn, doanh nghiệp không bán được hàng sẽ dần suy yếu, người lao động mất việc và gánh nặng lại dồn lên xã hội’’, vị chuyên gia thẳng thắn chỉ ra thực trạng cùng dắt tay nhau đi xuống đang tồn tại trong nền kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, song song với việc tinh giản biên chế, vị chuyên gia đã có hơn 50 năm đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, hiệu lực quản lý của bộ máy nhà nước phải được tăng lên. Để làm được điều này, cần phải lưu ý những điểm sau:
Thứ nhất, phải thay đổi chế độ tuyển dụng, chọn người thực tài, có năng lực phù hợp với vị trí công tác và thực thi đúng nhiệm vụ do luật pháp quy định. Nếu tuyển dụng vẫn theo kiểu “hậu duệ - tiền tệ” thì những người trong bộ máy công chức vẫn tìm cách nhũng nhiễu để tăng thu nhập. Nếu bộ máy gọn nhẹ mà năng lực công chức không tăng, sẽ không tránh được tình trạng nhũng nhiễu nhiều hơn để bù lại chi phí chạy chọt vào vị trí công tác.
Thứ 2, chế độ chịu trách nhiệm phải rõ ràng. Người chịu trách nhiệm phải bị xử phạt khi họ làm sai, chứ không phải làm sai rồi sửa, rồi lại được tuyên dương. Ví dụ, khi có tới hơn 1.200 điều kiện kinh doanh, trong số đó có nhiều điều kiện không hợp lý, Bộ Công Thương phải chịu trách nhiệm và xử lý cá nhân chịu trách nhiệm cho sự rườm rà này. Việc cắt giảm hơn 600 điều kiện kinh doanh là đáng khen nhưng cũng không thể lờ đi căn nguyên nói trên.
Thứ 3, trong thiết kế xây dựng chính sách, Nhà nước cần lắng nghe doanh nghiệp. Trước khi đưa ra chính sách, trong nghiên cứu đánh giá tác động, những người chịu tác động trực tiếp của chính sách phải được tham vấn. Khi ưu tiên lợi ích tổng thể, sẽ có những người buộc phải chịu thua thiệt, vậy phải bù đắp cho họ như thế nào? Đến khi thực thi chính sách, doanh nghiệp và xã hội phải được quyền giám sát đầy đủ. Chỉ có như vậy mới tránh được tình trạng chính sách một đường, thực hiện một nẻo hay việc các cơ quan thực thi vẽ ra thêm những điều kiện kinh doanh dưới hình thức các văn bản dưới luật như thông tư, chỉ thị...
Điều quan trọng hơn, phải xác định được tiêu chuẩn đánh giá chất lượng bộ máy quản lý nhà nước, thống nhất mục tiêu chung của cả bộ máy phải là sự phát triển của xã hội, mà động lực lớn nhất là sự trưởng thành của khối doanh nghiệp tư nhân. Chính phủ đã hứa về một chính phủ kiến tạo, vì vậy, rất cần những hành động rõ ràng hơn minh chứng quyết tâm này
Hoàng Hạnh
Theo Nhipcaudautu.vn