Dù Bitcoin đang “phủ sóng” ngày càng rộng, giá trị tăng vù vù, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn không công nhận đây là phương tiện thanh toán hợp pháp.
Vị thế của Trung Quốc trên thị trường tài chính quốc tế đang tăng nhanh như thế nào?
- Cập nhật : 19/10/2017
Trung Quốc chiếm tới 1/7 GDP toàn cầu, nhưng dấu ấn của nước này đang ở mức khiêm tốn một cách đáng ngạc nhiên. Nhưng theo Bloomberg, mọi thứ đang bắt đầu thay đổi, và các nhà đầu tư trên toàn thế giới sẽ sớm cảm nhận được sự khác biệt.
Ảnh minh họa.
Trong hơn 30 năm qua, nền kinh tế Trung Quốc đã trỗi dậy mạnh mẽ để nắm lấy vị trí hùng mạnh thứ hai thế giới. Tuy nhiên, khác với các nước phương Tây, mức độ phát triển thị trường tài chính của nước này vẫn chưa tương xứng. Trung Quốc chiếm tới 1/7 GDP toàn cầu, nhưng dấu ấn của nước này đang ở mức khiêm tốn một cách đáng ngạc nhiên. Tỷ trọng sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc chưa đến 2%.
Tuy nhiên, theo Bloomberg, mọi thứ đang bắt đầu thay đổi, và các nhà đầu tư trên toàn thế giới sẽ sớm cảm nhận được sự khác biệt. Chủ tịch Tập Cận Bình đang nới lỏng các quy định về hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài, dần dần mở cửa và hội nhập. Và theo dự báo thì chính sách này sẽ nhận được một lực đẩy lớn tại đại hội đảng 19 của Trung Quốc – sự kiện vừa khai mạc sáng nay (18/10), nơi các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ bàn luận và thống nhất về đường hướng phát triển đất nước trong 5 năm tới.
Bước ngoặt lớn
Khả năng ảnh hưởng lên thị trường tài chính quốc tế của Trung Quốc vẫn dần tăng lên theo thời gian, nhưng bước ngoặt xảy ra vào ngày 11/8/2015, khi đồng nhân dân tệ đột ngột bị phá giá và rớt xuống mức thấp nhất trong 2 thập kỷ. Các TTCK trên trên toàn thế giới chao đảo. Sự kiện này cho các nhà đầu tư thấy rằng Trung Quốc là 1 yếu tố không thể bỏ qua.
Vốn đã chịu ảnh hưởng từ đà lao dốc của TTCK Trung Quốc mùa hè 2015, các tài sản rủi ro đã phải mất vài tuần mới có thể ổn định trở lại. Bắc Kinh phá giá nhân dân tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, làm cho hàng hóa xuất khẩu trở nên cạnh tranh hơn, nhưng thế giới nhìn nhận đây là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc thừa nhận nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang gặp nhiều khó khăn.
Trung Quốc phủ bóng toàn cầu trên mọi mặt trận
Kể từ năm 1986, tỷ trọng của Trung Quốc trong tổng kim ngạch thương mại toàn cầu đã không ngừng tăng lên. Hệ quả tất yếu là đồng nhân dân tệ được kiểm soát chặt chẽ thay vì phá nổi như đồng USD đã trở thành một “mỏ neo” cho các đồng tiền trên khắp châu Á.
Vị thế vừa là nước xuất khẩu lớn nhất lại vừa là thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới cho thấy bất kỳ động thái nào của Bắc Kinh cũng có thể tác động đến giá cả mọi mặt hàng, từ thịt bò cho đến bitcoin. Sức ảnh hưởng của thị trường hàng hóa tương lai Thượng Hải đang ngày càng gia tăng mạnh mẽ, vượt ra bên ngoài biên giới Trung Quốc.
Việc nước này chuyển hướng từ tăng trưởng dựa vào hoạt động đầu tư và sản xuất sang ngành dịch vụ và các sản phẩm công nghệ cao cũng làm thay đổi hoàn toàn bức tranh tiêu dùng và chuỗi cung ứng sản xuất trên toàn cầu. Cùng lúc đó, chính sách mở cửa chào đón dòng vốn nước ngoài cũng tác động không nhỏ đến dòng vốn toàn cầu.
Thế giới ngày càng chú ý đến các chỉ số về kinh tế Trung Quốc
Từ lâu nay nước này vẫn được coi là công xưởng của thế giới, nhưng vì hiện nay Trung Quốc cũng đang trở thành “trung tâm thương mại” lớn nhất toàn cầu, các công ty xây dựng chỉ số theo dõi sức khỏe kinh tế thế giới ngày càng chú ý đến thị trường này nhiều hơn.
Trái phiếu Mỹ - tài sản mà chiến lược gia luôn tìm đến khi muốn có các số liệu để đánh giá triển vọng tăng trưởng toàn cầu – gần đây đã có diễn biến khá tương đồng với chỉ số PMI (đo lường sức khỏe ngành sản xuất) của Trung Quốc.
Và trong khi lạm phát trên toàn cầu đang ở trạng thái trì trệ, biến động của chỉ số giá xuất xưởng (factory-gate prices) ở Trung Quốc đang trở thành yếu tố chính tạo ra các xu hướng giá cả trên toàn thế giới.
Nhận thức được sự chênh lệch giữa sức mạnh nền kinh tế và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trên thị trường tài chính quốc tế, các lãnh đạo nước này đang theo đuổi mục tiêu tự do hóa đồng nhân dân tệ. Kể từ năm 2010, tỷ trọng nhân dân tệ trên thị trường tiền tệ thế giới đã tăng gần gấp đôi nhờ các trung tâm hoán đổi được mở ra ở nhiều nơi. Đồng tiền này cũng được sử dụng nhiều hơn trong các giao dịch thương mại quốc tế.
Bên cạnh đó là những kênh liên kết kết nối các sàn Thượng Hải, Thâm Quyến và Hồng Kông. Quyết định bổ sung cổ phiếu các công ty đại lục vào chỉ số các thị trường mới nổi của MSCI hồi tháng 6 là 1 bước tiến lớn giúp các nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng tiếp cận với thị trường Trung Quốc hơn. Và đây cũng không phải là nơi duy nhất để các nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu Trung Quốc. Nhiều công ty (mà điển hình là Alibaba) đã niêm yết cổ phiếu trên các sàn chứng khoán Mỹ.
Tương tự, thị trường trái phiếu nội địa trị giá 11.000 tỷ USD của Trung Quốc cũng đang dần mở cửa. Từ giữa năm nay, mối liên kết với sàn Hồng Kông đã được lập ra sau khi NHTW Trung Quốc nới lỏng các quy định về giao dịch trái phiếu liên ngân hàng.
Kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu, hoạt động kinh doanh bảo hiểm đã bùng nổ ở Trung Quốc.
Với những bước tiến vượt bậc, sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian để Trung Quốc có được tầm vóc tương xứng với quy mô nền kinh tế trên thị trường tài chính quốc tế.
Theo Trí thức trẻ