Australia được xem là thị trường đầy tiềm năng đối với khu vực Châu Á Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng trong bối cảnh người tiêu dùng nước này đang dần có thái độ cởi mở đối với hàng hóa nhập khẩu.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: 'Không phải là thời cơ để gia tăng xuất khẩu'
- Cập nhật : 14/08/2018
Lúc này Việt Nam phải bình tĩnh theo dõi, thay đổi thói quen, tập quán buôn bán làm ăn kinh doanh của mình, trong đó chú trọng đến vấn đề tự chủ sản xuất.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể có lúc căng, lúc dịu nhưng sẽ rất phức tạp và kéo dài, dẫn đến sự dịch chuyển dòng thương mại và đầu tư của Trung Quốc với các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.
Theo Đại sứ, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ kéo theo sự chuyển dịch như thế nào trong nền kinh tế Trung Quốc?
40 năm trước, Trung Quốc tăng trưởng theo chiều rộng và đạt được nhiều thành tựu to lớn. Cách thức phát triển này cũng để lại môt số hậu quả mà Trung Quốc phải giải quyết như ô nhiễm, sản xuất dư thừa, cơ cấu sản xuất không hợp lý với chất lượng chưa cao...
Đến nay, Trung Quốc đang trong thời kỳ chuyển đổi mạnh mẽ, chú trọng hơn tới chất lượng tăng trưởng. Vừa qua, nước này đã mạnh tay trong việc cắt giảm nhà máy sản xuất dư thừa như sắt, thép, xi măng...
Trong bối cảnh Trung Quốc đang trong giai đoạn bắt đầu quá trình tự thân điều chỉnh phương thức phát triển, "cọ xát" thương mại Mỹ - Trung hay thực chất là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ có những ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Mỹ đánh mạnh vào những mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc liên quan tới ngành công nghiệp chế tạo. Một lượng lao động lớn của Trung Quốc có khả năng sẽ bị mất việc làm. Cuộc chiến thương mại này sẽ tác động nhất định tới việc điều chỉnh phương thức phát triển của Trung Quốc.
Trước động thái áp đặt mới đây của Mỹ, Trung Quốc cũng có những biện pháp đáp trả. Trung Quốc luôn khẳng định ủng hộ thể chế thương mại thế giới, ủng hộ tự do thương mại và phản đối chủ nghĩa bảo hộ. Chắc chắn, Trung Quốc sẽ có điều chỉnh chính sách xuất khẩu, nhập khẩu với tất cả các nước. Từ giờ tới cuối năm, tình hình sẽ rõ thêm.
Việc điều chỉnh chính sách xuất nhập khẩu của Trung Quốc nhằm ứng phó với những tác động từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ ảnh hưởng tới hoạt động thương mại của Trung Quốc với Việt Nam. Theo Đại sứ, Việt Nam cần lưu ý những gì?
"Cọ xát" Mỹ - Trung sẽ còn diễn biến rất phức tạp, có thể lúc căng hơn, có thể dịu đi hay có thể bước vào giai đoạn hai bên cùng bắt tay tìm giải pháp nhưng chắc chắn sẽ kéo dài, không chỉ trong vòng 1-2 năm vì đây là cuộc cạnh tranh chiến lược giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Nhưng đây cũng là hai đối tác lớn nhất của Việt Nam nên chúng ta phải hết sức thận trọng để có những chính sách hợp lý. Hiện nay, có một số nhà kinh tế hay doanh nghiệp cho rằng, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung lại là thời cơ cho Việt Nam, cơ hội để Việt Nam tăng xuất khẩu vào Mỹ hay Trung Quốc. Điều đó chưa hoàn toàn chính xác... Lúc này, chúng ta phải bình tĩnh theo dõi, thay đổi thói quen, tập quán buôn bán làm ăn kinh doanh của mình, trong đó chú trọng đến vấn đề tự chủ sản xuất.
Trước khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn ra, Trung Quốc đã điều chỉnh phương thức phát triển. Điều này đã tác động thế nào tới thương mại và đầu tư giữa Việt Nam - Trung Quốc trong thời gian qua, thưa Đại sứ?
Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nên bất kỳ thay đổi chính sách nào của nền kinh tế này đều tác động rất mạnh tới kinh tế thế giới, khu vực và các nước xung quanh. Việt Nam là quốc gia láng giềng nên tác động cũng không hề nhỏ.
Trong 3 năm gần đây, quy mô thương mại hai nước phát triển rất nhanh. Theo thống kê của Việt Nam, kim ngạch song phương hai nước đạt gần 100 tỷ USD vào năm 2017, cao hơn hẳn con số 64 tỷ USD năm 2016.
Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ 7, thứ 8 của Trung Quốc trên toàn thế giới. Đáng mừng là tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam tăng nhanh hơn so với tốc độ tăng nhập khẩu từ Trung Quốc cho nên dù nhập siêu từ Trung Quốc còn lớn nhưng đang được thu hẹp.
Đặc biệt, một số mặt hàng nông nghiệp của Việt Nam thặng dư thương mại lên tới 7 tỷ USD. Nguyên nhân là do Trung Quốc đẩy mạnh việc nhập khẩu hàng hoá từ bên ngoài, giảm bớt sản xuất trong nước cũng như đời sống người dân Trung Quốc nâng cao.
Ngoài ra, Trung Quốc có sự chuyển dịch đầu tư ra bên ngoài. Trong quá trình này, có rất nhiều quan điểm nêu lên nguy cơ Trung Quốc đưa công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường sang Việt Nam. Nhưng tiếp nhận doanh nghiệp nào vào đầu tư là quyền của mình. Nếu để đầu tư nước ngoài gây ô nhiễm môi trường, trách nhiệm sẽ thuộc các bộ, ngành, địa phương.
Luồng vốn đầu tư nước ngoài chạy khắp nơi trên thế giới, nơi nào thuận tiện, nhà đầu tư sẽ vào. Khi khó khăn, họ sẽ rút ra rất nhanh. Đây là quy luật làm ăn trên kinh tế thị trường. Bất cứ nhà đầu tư nào cũng mong muốn lợi nhuận cao nhất, vấn đề là luật pháp của chúng ta chặt chẽ.
Ở chiều khác, nếu ta đặt ra tiêu chuẩn cao quá, doanh nghiệp Việt Nam cũng không thể đáp ứng được. Chẳng hạn như khí thải ôtô, chúng ta chưa thể áp dụng tiêu chuẩn Euro 5,6 vì nếu không, nhiều doanh nghiệp lắp ráp ôtô của Việt Nam sẽ phá sản và ngành ôtô Việt Nam không thể phát triển. Vì vậy, ở mỗi một giai đoạn phát triển kinh tế của đất nước, chúng ta sẽ có những điều chỉnh chính sách cho phù hợp.
Vậy trong quá trình dịch chuyển đầu tư ra bên ngoài của Trung Quốc, theo Đại sứ, Việt Nam làm thế nào để thu hút được dòng vốn đầu tư chất lượng cao?
Trong một số lĩnh vực, Trung Quốc đã tiến kịp với sự phát triển của các nước phát triển trên thế giới, một số lĩnh vực đi ngang bằng, thậm chí một số lĩnh vực còn vượt lên trên. Vấn đề là thu hút những doanh nghiệp này như thế nào.
Tất nhiên, chúng ta phải tìm kiếm và thúc đẩy những doanh nghiệp công nghệ cao vào Việt Nam, chẳng hạn như sự kiện Jack Ma vào Việt Nam vừa qua (Sự kiện ông chủ của Tập đoàn Alibaba - tỷ phú Jack Ma đến Việt Nam ngày 6/11/2017).
Các cuộc tiếp xúc giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Trung Quốc là cần thiết để thúc đẩy hợp tác. Với sự ổn định về chính trị-xã hội, tăng trưởng kinh tế liên tục và ở mức cao, diện tích tầm trung và dân trí cao nên thu hút đầu tư sẽ không phải là vấn đề khó khăn với Việt Nam.
Hiện nay có những doanh nghiệp lớn nào của Trung Quốc đang đặt vấn đề với Đại sứ quán để tìm hiểu cơ hội và xúc tiến đầu tư tại Việt Nam không, thưa Đại sứ?
Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp lớn của Trung Quốc quan tâm tới thị trường Việt Nam. Trước đây, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam thường có quy mô nhỏ. Tuy nhiên, 3 năm gần đây, khi quan hệ hai nước được tăng cường trên tất cả các lĩnh vực, nhà đầu tư Trung Quốc đã đẩy mạnh hoạt động đầu tư vào Việt Nam.
Rất nhiều tập đoàn hàng đầu của Trung Quốc đã có mặt tại Việt Nam nhân dịp Việt Nam tổ chức Hội nghị APEC vào tháng 11/2017 tại Đà Nẵng, hay mới đây là Diễn đàn GMS mở rộng diễn ra hồi đầu năm 2018... Đã có những doanh nghiệp quy mô toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ cao, thanh toán điện tử, viễn thông, logistics... quan tâm tới thị trường Việt Nam như Alibaba, Texhong hay Trinasolar...
Cùng với mặt trái của hội nhập và những vấn đề trên đang làm dấy lên những quan ngại về việc phụ thuộc kinh tế và câu chuyện giữ chủ quyền. Quan điểm của Đại sứ về vấn đề này như thế nào?
Trước sự điều chỉnh chính sách của nước lớn, những vấn đề mà các quốc gia láng giềng gặp phải đều như nhau, cơ hội và thách thức là rất lớn. Mấu chốt là sự lựa chọn và cách thức xử lý để đem lại lợi ích cho quốc gia và dân tộc. Đây là điều mà ngoại giao các nước phải làm.
Trải qua nhiều cuộc chiến tranh dựng nước và giữ nước, chúng ta có rất nhiều bài học về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bài học về xử lý ngoại giao, hài hoà cơ hội và thách thức, thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại và duy trì đảm bảo độc lập tự chủ. Trong bối cảnh hội nhập, mở cửa như hiện nay, Việt Nam là đối tác thương mại đứng thứ 7,thứ 8 của Trung Quốc trên toàn thế giới và lớn nhất trong khu vực ASEAN.
Ngược lại, Trung Quốc cũng thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Do đó, sự gia tăng hợp tác thương mại không phải chỉ xuất phát từ nhu cầu của một phía mà là từ cả hai bên. Vấn đề quan trọng của Việt Nam hiện nay chính là nội lực nền kinh tế phải có bước phát triển vững chắc.
Về chủ quyền, Nghị quyết Đại hội Đảng XII nói rất rõ, chúng ta kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông. Nhưng phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền Biển Đông đều phải gắn với nhân dân, được sự ủng hộ của nhân dân. Chỉ có như vậy, thế và lực của ta mới được nâng cao.
Theo Đặng Hương - Vneconomy.vn